Theo Sở Nông nghiệp và PTNT Bắc Giang, thời gian qua thời tiết có nhiều ngày mưa phùn, ẩm độ không khí cao, trời âm u, đêm và sáng se lạnh, đây là điều kiện thuận lợi cho một số đối tượng sâu bệnh gây hại, nhất là bệnh đạo ôn lá.
Hiện nay, lúa xuân sớm đang giai đoạn đẻ nhánh rộ - đứng cái, lúa xuân muộn giai đoan đẻ nhánh rộ. Qua khảo sát, bệnh đạo ôn lá đã và đang gây hại trên trà lúa xuân sớm với tỷ lệ bệnh trung bình 1-3%, cao 6-8%, cục bộ 20-30% tập trung trên các giống nhiễm như: BC15, TBR 225, lúa Nhật, chân ruộng bón thừa đạm tại một số huyện như: Hiệp Hòa, Tân Yên, Lạng Giang, Yên Thế... với diện tích nhiễm 40 ha, trong đó diện tích nhiễm nặng 2 ha.
Dự báo trong thời gian tới bệnh đạo ôn lá tiếp tục phát sinh gây hại nặng, cục bộ từng ruộng, đặc biệt trên những chân ruộng bón phân không cân đối, ruộng xanh tốt, bón thừa đạm, nếu không được phòng trừ kịp thời bệnh sẽ gây hại trên diện rộng và lụi từng chòm, làm thiệt hại đến năng suất lúa.
Do đó, Sở Nông nghiệp và PTNT đề nghị cơ quan chuyên môn các huyện, thành phố hướng dẫn người dân tập trung kiểm tra đồng ruộng, theo dõi diễn biến phát sinh bệnh đạo ôn lá và thực hiện các biện pháp kỹ thuật chủ động phòng trừ bệnh đạo đạo ôn hại lúa.
Cụ thể, đối với diện tích lúa chưa xuất hiện bệnh nhưng có nguy cơ nhiễm bệnh cao (giống nhiễm: BC15, Nếp, TBR 225, lúa thơm, lúa nhật...) tăng cường kiểm tra đồng ruộng để phát hiện và phòng trừ ngay khi bệnh xuất hiện, chỉ đạo nông dân tập trung chăm sóc, bón phân cân đối, dừng bón phân đạm và phân bón qua lá để hạn chế bệnh xâm nhiễm.
Đối với diện tích đã nhiễm bệnh đạo ôn cần phun phòng trừ ngay khi bệnh xuất hiện bằng một số loại thuốc trừ bệnh đặc hiệu; những ruộng bị nhiễm nặng hoặc phun xong gặp mưa cần tiến hành phun kép lần 2, cách lần 1 từ 5-7 ngày. Không bón bất kỳ loại phân bón nào trong giai đoạn phun phòng trừ bệnh. Ngoài ra, người dân cần theo dõi chặt chẽ diễn biến các đối tượng sâu bệnh trên lúa như: sâu cốn lá nhỏ, sâu đục thân cú mèo, tập đoàn rầy.../.
Ngọc Thọ
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét