Hàng triệu smartphone trở thành cảm biến cung cấp dữ liệu thời gian, địa điểm, biến chiến sự Nga - Ukraine thành xung đột được ghi chép đầy đủ nhất.
Theo WSJ, microphone và camera điện thoại ở Ukraine và các nước xung quanh có thể ghi hình ảnh và âm thanh phản ánh thực tế chiến sự, cũng như biến thành công cụ tuyên truyền cho các bên. Smartphone nhiều lần được dùng để xác định mục tiêu và đánh giá thiệt hại, dù người dùng có chủ động can dự hay không. Nó cho phép người dân chuyển dữ liệu mục tiêu đến quân đội, làm mờ ranh giới giữa dân thường với binh lính tham chiến.
"Chiến sự nằm ngay trong tay bạn. Một thiết bị di động có thể giúp bạn sản xuất hoặc thưởng thức nội dung trên mạng, cũng có thể trở thành cảm biến dẫn đường cho vũ khí tới mục tiêu", Matthew Ford, giáo sư tại Đại học Quốc phòng Thụy Điển, nói.
Một người dân ghi hình cầu bị đánh sập trong chiến sự Ukraine. Ảnh: Reuters
Tài liệu kỹ thuật số về chiến sự Ukraine được thu thập từ smartphone đã đạt quy mô khổng lồ. Một tổ chức giám sát phi lợi nhuận ở Đức cho biết đã tập hợp 2,8 triệu tài liệu trong chưa đầy một năm chiến sự Ukraine, so với khoảng 5 triệu tài liệu trong suốt 11 năm xung đột tại Syria.
"Đó là giấc mơ thành hiện thực với cộng đồng tình báo, cũng là ác mộng với lực lượng phản gián. Nó giúp theo dõi động thái đối phương, nhưng cũng có nguy cơ làm lộ hoạt động của đồng minh", Eliot Cohen, sử gia quân sự tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) có trụ sở tại Mỹ, nhận xét.
Các tay súng Chechnya thường dùng TikTok, Instagram để đăng hình ảnh chiến đấu tại Ukraine, nhưng từng để lộ vị trí và bị pháo binh tập kích. "Tác giả video ghi hình đồng đội từ nhiều góc khác nhau, kèm tòa nhà và khu vực đóng quân", một quan chức Ukraine cho hay. Vài giờ sau, tòa nhà bị pháo binh Ukraine tập kích, khiến ít nhất 30 tay súng thiệt mạng.
Cơ quan An ninh Ukraine (SBU) hồi tháng 3/2022 cũng bắt giữ một người đăng video TikTok, trong đó nhiều xe quân sự đỗ ở trung tâm thương mại tại thủ đô Kiev. Quân đội Nga sau đó công bố hình ảnh từ máy bay không người lái UAV, cho thấy pháo phản lực Ukraine khai hỏa tại trận địa rồi di chuyển vào chỗ trú ẩn trong trung tâm thương mại, trước khi địa điểm này bị phá hủy hoàn toàn bởi một tên lửa đạn đạo Iskander.
Thứ trưởng Quốc phòng Ukraine Hanna Malyar từng kêu gọi người dân ngừng đăng ảnh về địa điểm và hoạt động vận chuyển thiết bị của Ukraine lên mạng. "Những hành động này đang giúp đối phương có thông tin chính xác về quân đội của chúng ta", bà nói.
Cohen đánh giá việc sử dụng smartphone trên chiến trường là bài kiểm tra kỷ luật cơ bản. "Một đội quân có kỷ luật cũng không bao giờ có thể ngăn chặn binh lính dùng smartphone, nhưng sẽ làm tốt hơn những gì được thể hiện ở Ukraine hiện nay", ông nói.
Smartphone cũng cho phép người dùng chứng kiến trực tiếp những gì đang diễn ra, mở ra nhiều cơ hội cho chiến tranh thông tin. Phần lớn nội dung về chiến sự đang được lan truyền qua ứng dụng nhắn tin Telegram, do nó được mã hóa và cho phép chia sẻ hình ảnh gây sốc mà không bị kiểm duyệt.
"Chúng ta đang thấy sự khốc liệt của cuộc giao tranh theo thời gian thực, không có bất kỳ rào cản nào trên Telegram. Hình ảnh ở một số kênh còn vi phạm Công ước Geneva, trong đó cấm phát tán hình ảnh binh sĩ thiệt mạng và yêu cầu bảo đảm danh dự cho tù binh", Andrew Hoskins, giáo sư chuyên về an ninh toàn cầu tại Đại học Glasgow ở Scotland, nêu.
Các nhà nghiên cứu chiến tranh cũng dùng video trên mạng xã hội trong các báo cáo, nghiên cứu của mình. "Mọi người đã bắt đầu theo dõi chiến sự Ukraine từ khi người dân Nga ghi hình đoàn xe tăng thiết giáp di chuyển đến biên giới ngay trước khi xung đột bùng phát", Eliot Higgins, người sáng lập trang web điều tra Bellingcat ở Anh, nhận xét.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét