Thứ Hai, 20 tháng 2, 2023

Rừng cấm của làng chài Nam Ô

 Cánh rừng được người dân làng chài Nam Ô xem như báu vật, chung tay bảo vệ qua bao đời, không ai trong vùng dám lén chặt cây.

Nằm bên làng chài Nam Ô (phường Hòa Hiệp Nam, quận Liên Chiểu), cánh rừng dài khoảng 500 m, rộng 200 m, chỗ cao nhất 50 m so với mực nước biển. Xung quanh bao bọc bởi những tảng đá. Trong rừng chủ yếu là chim, chồn, sóc, khỉ.

Ban đêm, dân làng thường rọi đèn vào rừng bắt cua đá về nấu canh hoặc nướng ăn. Các gành đá cũng thường có mứt biển, đặc sản từng dùng tiến vua vì ngon và bổ dưỡng. Đại Nam nhất thống chí ghi vùng Nam Ô có loài "chá thiền tử" - loại ve sầu khi lột xác là món ăn ngon.

Gành Nam Ô nhô ra biển, nơi người dân làng chài gìn giữ cánh rừng bao đời nay. Ảnh: Nguyễn Đông

Gành Nam Ô nhô ra biển, nơi người dân làng chài gìn giữ cánh rừng bao đời nay. Ảnh: Nguyễn Đông

Ông Bùi Bốn, 57 tuổi, cho biết năm nào Đà Nẵng cũng thiệt hại vì bão, riêng dân làng Nam Ô được cánh rừng che chở nên bình yên. Vì thế bà con rất trân quý cây rừng. Những đứa trẻ được cha ông dặn tuyệt đối không đụng vào cây rừng, giữ rừng để bình an sinh sống và làm ăn, "không giàu nhưng sống được".

Người dân Nam Ô sống bằng nghề chài lưới và làm mắm, rất cần gỗ đóng thuyền. Nhưng theo ông Bốn, không ai dám chặt cây dù rừng có nhiều cây cổ thụ thân gỗ chắc. Bà con chỉ dám nhặt những thân củi đã mục, hoặc vớt cây gỗ bị lũ cuốn từ thượng nguồn dạt vào gành đá mang về nấu nướng.

Trong chiến tranh, rừng Nam Ô còn là nơi ẩn nấp của bộ đội. Ông Nguyễn Cư, hơn 60 tuổi, kể năm Mậu Thân 1968, lính Mỹ dùng máy bay thả bom xăng xuống rừng hòng xóa sổ điểm trú ẩn này, nhưng không thành.

"Rừng nguyên sinh lâu đời có các thảm lá mục, nhưng bom xăng đã không thể bốc cháy. Trong khi bom xăng thả xuống gành đá phía ngoài thì cháy ám đen cả vách đá, đến nay vẫn còn dấu tích", ông Cư nói.

Ông Nguyễn Cư kể chuyện dân làng giữ rừng Nam Ô. Ảnh: Nguyễn Đông

Ông Nguyễn Cư kể chuyện dân làng giữ rừng Nam Ô. Ảnh: Nguyễn Đông

Để bảo vệ cánh rừng, dân làng chài thành lập những đội bảo vệ. Ông Cư kể, thời Mỹ xâm lược, quân lính lên Nam Ô cưa đổ mấy cây rừng thì bị dân làng khua chiêng, đánh trống báo động rồi kéo ra ngăn cản. Đầu những năm 1990, người Nhật được lãnh đạo thành phố cho lên lấy đá ở gành Nam Ô, nhưng bị dân làng phản đối, yêu cầu xếp lại vị trí cũ.

Là người viết sử làng Nam Ô, ông Đặng Dùng, 74 tuổi, cho biết quy định cấm chặt cây, cấm lấy đá được dân làng thiết lập từ thời vua chúa xưa và tuân thủ nghiêm ngặt, ai vi phạm sẽ bị bắt tội. Vì được xem là khu rừng cấm, dân làng chỉ lấy gỗ cho việc xây dựng đình miếu trong làng.

Trong rừng có hai miếu thờ là miếu Bà Liễu Hạnh và miếu thờ Huyền Trân Công Chúa. Theo tục truyền, rừng Nam Ô là điểm ẩn nấp cuối cùng trong cuộc đào thoát khỏi kinh đô nước Chiêm của con gái vua Trần để về cố quốc.

Trong rừng có cây cổ thụ và cây bụi. Ảnh: Nguyễn Đông

Trong rừng có cây cổ thụ và cây bụi. Ảnh: Nguyễn Đông

Hai mươi năm trước, lãnh đạo Đà Nẵng ký quyết định giao hơn 36 ha, bao gồm cả mộ tiền hiền, phế tích thờ Huyền Trân Công Chúa, miếu Âm hồn, Lăng Ông và cánh rừng cho doanh nghiệp làm khu du lịch sinh thái. Hàng rào được dựng lên bao quanh khu rừng. Tuy nhiên, dự án chậm triển khai.

Ông Nguyễn Hà Bắc, Bí thư quận Liên Chiểu, cho biết dân làng đã đồng lòng giữ rừng qua bao đời nên sau nhiều lần yêu cầu điều chỉnh quy hoạch, đến nay lãnh đạo thành phố đã xếp khu gành Nam Ô vào rừng tự nhiên, "không chặt phá cây và không can thiệp bêtông hóa".

Thành phố đã quy hoạch xây dựng lối đi bộ bằng gỗ xung quanh gành đá để tạo cảnh quan và bảo vệ rừng. Ngoài ra, sẽ có một số điểm dừng chân, ngắm cảnh và cho người dân, du khách tham quan, khám phá rừng tự nhiên Nam Ô.

Không có nhận xét nào: