Thứ Năm, 23 tháng 7, 2020

Đà Nẵng…

Trong các thành phố biển, Đà Nẵng vẫn là thành phố tôi yêu thích nhất.

Đẹp cả hôm nay…

Lắm lúc tôi cũng không hiểu sao bao lần đến đi, tôi vẫn muốn ghé thêm những lần nữa. Có lẽ bởi Đà Nẵng mang trong tôi nhiều hoài niệm đẹp, về đất, về người.

Hôm rồi, một anh bạn bảo: “Kể tôi cũng thấy phục mình ông ạ, tôi phải đến Đà Nẵng tới hơn 20 bận, mà lúc nào tôi cũng muốn quay lại đây. Chả hiểu sao nữa, nhưng lần nào đến tôi cũng tìm thấy cho mình một điều gì đó mới mẻ”.

Tôi tin, điều này là thật. Và nó đúng với không ít người.

Cuối tuần, từ một lời hẹn của anh bạn, tôi rủ thêm cu em đồng nghiệp gói gém ba lô lên đường về “nơi đáng sống”. Khác với chuyến đi trước, chuyến đi này gần như vội vàng, cũng chẳng lên kế hoạch gì nhiều, chúng tôi chỉ đơn giản là đến, rồi tự xê dịch theo những kế hoạch khá vu vơ, kiểu bèo dạt mây trôi không định trước.

ảnh 1
Lần này vào, toàn những bất ngờ thú vị. Anh em đồng nghiệp mỗi người mỗi việc, nên để gặp đủ chúng tôi phải có đến ba cái hẹn khác nhau. Đêm đầu tiên một nhóm, đêm thứ 2 một nhóm và buổi sáng chia tay một lần hẹn khác. Nhưng quý hơn là sự nhiệt tình của những người anh em, bạn bè. Dường như mọi người đều sợ “hai thằng bé” vào đây sẽ buồn, hay sẽ lạc ấy.

Đồng nghiệp tôi mỗi người mỗi quê nhưng lại tụ cùng nhau ở Đà Nẵng. Tôi cảm như thành phố này đã đồng nhất tất cả mọi người, để họ trở thành một phần của Đà Nẵng, thành đại sứ thương hiệu của Đà Nẵng, nhất là về câu chuyện giao tế. Vừa cẩn thận, chu đáo, lại rất mộc mạc, chân tình.

Trong nhiều thành phố du lịch, thì Đà Nẵng cũng có điểm khác người. Xuống sân bay, ai cũng sẽ dễ dàng gặp được một bác tài mau miệng và vui tính. Vừa đủ để cảm nhận được sự thân thiện, lại không quá để thấy rằng đó là suồng sã hay cảm giác sắp bị chăn dắt. Và đương nhiên, người Đà Nẵng (chỉ chung tất cả những người sinh sống, làm việc ở Đà Nẵng) luôn sẵn sàng trở thành hướng dẫn viên du lịch, luôn sẵn lòng chia sẻ những quán ăn ngon, quán cà phê đẹp, khách sạn tốt cho khách đường xa.

Với Đà Nẵng, chỉ chừng mươi, mười lăm phút ngồi taxi, du khách đã tiếp nhận được cho mình quá nhiều điều thú vị. Với mỗi người Đà Nẵng, trò chuyện với họ là cả một trải nghiệm hấp dẫn, bởi cách kể chuyện có duyên, hiểu biết tường tận về nơi mình đang sống.

Tôi cảm như, Đà Nẵng ôm vào lòng những người con tứ xứ, cho họ công ăn việc làm, bao dung họ ở nơi đáng sống. Lớn hơn nữa, đô thị này cho họ niềm tự hào khi là “người Đà Nẵng”. Tôi cảm rằng, niềm tự hào của mỗi người Đà Nẵng còn lớn hơn cả người Hà Nội, Sài Gòn tri ân về thành phố của mình.

Quay lại chuyến đi lần này, ngoài việc chính là gặp gỡ anh em, bạn bè, tôi và cậu em còn có thêm những trải nghiệm khác theo kiểu: lần đầu tiên làm chuyện ấy. Đó là một cuộc phiêu dạt bằng xe máy, phượt đèo Hải Vân, rồi ghé Lăng Cô, lần đầu ngủ đêm giữa Đầm Lập An, rồi lại quay về Đà Nẵng. Xen kẽ đó là các cuộc gặp gỡ, hàn huyên, mà sự tình cờ, vô tình làm sao trở nên chủ đạo.

ảnh 2
Có đêm, sau khi gặp vài đồng nghiệp, uống với nhau vài ve bia, chúng tôi tiếp tục cuộc vui ở phố biển bằng việc tìm đến một bar cho giới trẻ. Sau nhiều lần khám phá ẩm thực đêm ở Đà Nẵng, sau bao bận chạy xe ngắm cầu Rồng phun lửa, cầu Thuận Phước chiếu đèn, lần này tôi muốn thử xem người trẻ xứ này chơi đêm có khác ngày trước không.

Cô em đồng nghiệp dẫn chúng tôi đến On The Radio Pub trên đường Thái Phiên, quận Hải Châu. Lúc đó tầm hơn 11h, bar khá đông các bạn trẻ. Tiếng nhạc EDM sôi động, thi thoảng thêm những câu rap khuấy động của DJ càng khiến không gian trở nên cởi mở hơn. Các bạn trẻ cuốn theo những giai điệu sôi động, nói cười rộn rã. Có lẽ, người trẻ tuổi ở thành phố năng động cũng đã tìm ra cho mình cách thư giãn cuối tuần khác lạ hơn trước nhiều.

Dù không thể nói On The Radio Pub là một điểm đến hấp dẫn, vì đồ uống và nhạc chỉ ở mức bình bình, nhưng theo tôi, mọi trải nghiệm, kể cả thất bại đều có những giá trị riêng. Đặc biệt, khi ta biết thêm được đôi chút sự thay đổi gu giải trí của người trẻ tuổi thành phố ở thời điểm hiện tại.

Đà Nẵng hôm nay đã khác quá nhiều so với một thập kỷ trước, không gian đô thị cũng trở nên chật chội và chịu nhiều áp lực hơn. Nhưng một điểm tôi thấy hầu như vẫn vậy, là sự dễ thương của con người xứ Quảng, chẳng mấy đổi thay.

Và trong hoài niệm

Tôi còn nhớ, hồi hè năm 2001, lần đầu tiên tôi được thưởng chuyến đi xa. Lần đó, anh chị được nghỉ hè ra Bắc, khi vào lại phố núi Pleiku (Gia Lai) có xách tay tôi theo. Bữa đó, lần đầu đi xa, lần đầu đi quá Hà Nội, vào thẳng miền Trung, Tây Nguyên nên thằng bé háo hức lắm.

Tôi nhớ mãi, lần đầu tiên tôi nhìn thấy biển là khi ô tô đi đến đèo Ngang. Còn chỗ đầu tiên một thanh niên miền núi như tôi chạm vào với biển là ở Đà Nẵng, đoạn đâu đó qua đèo Hải Vân. Bữa đó, anh rể chiều tôi nên chọn một quán ăn ngay sát biển.

Vừa lạ lẫm, vừa tò mò, lần đầu tôi chạy ra ngó xem mặt mũi biển cả nó ra sao. Nước thì xanh ngắt, nắng vàng trên đầu, mặt biển thì bao la, lấp lánh vảy bạc. Bữa đó, lần đầu nếm thử vị muối mặn. Lần đầu thấy biển vừa mê hoặc, vừa cả sợ hãi vì cái rộng lớn mênh mang của nó. Đó là kỷ niệm đầu tiên của tôi cùng Đà Nẵng.

ảnh 3
Rồi sau này, khi đi làm, trong bao chuyến xe khách trên đường thiên lý Bắc - Nam, tôi đều qua Đà Nẵng, chỉ qua thôi chứ chưa hề ghé lại để ở. Nhưng trên xe, tôi cũng nghe được ối điều. Ngày đó xe khách, cơm tù là phổ biến (cái này có dịp thích hợp sẽ kể sau), trên xe người ngủ, người nói chuyện rôm rả, nổ như ngô.
Từ ngày đó, tôi đã nghe người Đà Nẵng, hay những người Quảng Nam chung xe của mình kể về một lãnh đạo địa phương với niềm tin yêu, kính trọng. Và từ đó, tôi xây cho mình một mối thiện cảm về mảnh đất, con người ở đây.

Rồi như anh Lãm đem lòng yêu chị Nguyệt trong truyện ngắn “Mảnh trăng cuối rừng” của tác giả Nguyễn Minh Châu. Cuối cùng, tôi cũng có lần diện kiến thành phố này. Một lần, hai ba lần, rồi qua lại với nhau suốt thành quen. Tôi nhiều lần được người Đà Nẵng đãi bằng cả tấm lòng chân thật, tin tưởng.

ảnh 4
Có bận, tôi đi khảo sát địa điểm tổ chức sự kiện cho khoảng 200 khách. Trong rất nhiều trung tâm, cuối cùng tôi chọn Phì Lũ 4 (còn gọi là Golden Phoniex) ở gần quảng trường 2/9. Đơn giản, vì từ khi tiếp xúc với anh Phước, phụ trách booking của trung tâm, tôi đã có thiện cảm. Người gì đâu mà dễ thương, nói năng lịch sự, nhẹ nhàng. Mọi thứ đều chốt nhanh, thoáng, hỗ trợ khách hết mình. Tôi nói nhiều người sẽ không tin, nhưng lần đó, sau khi chọn địa điểm, ngày giờ, thống nhất nội dung làm việc, tôi ngỏ ý chuyển tiền cọc cho an tâm thì anh Phước trả lời ngắn gọn: Không cần phải cọc, cứ đúng ngày giờ em vào là mọi thứ sẵn sàng.

Và sự thực đúng thế thật. Không chỉ vậy, trong cả chương trình, chúng tôi còn nhận được rất nhiều sự hỗ trợ của phía Trung tâm một cách vô tư, không tính toán. Thậm chí, xong sự kiện, đến tận khi ra ngoài Hà Nội rồi, chúng tôi mới chuyển trả toàn bộ kinh phí cho sự kiện. Một điều mà tôi chưa hề tin và được trải nghiệm trong bao nhiêu lần tổ chức ngoài Bắc.

Tôi tin không phải người Đà Nẵng nào cũng vậy, nhưng cũng tin tính cách bộc trực, dễ gần, dễ thương và tin người thì nhiều người Đà Nẵng có.

Ngày đó, do đặc thù công việc, độ cao điểm một tháng phải ghé Đà Nẵng đến 3, 4 bận. Và lần nào vào tôi cũng được những anh em, bạn bè tiếp đón một cách nồng hậu. Và rất vui là chỉ cần đưa ra bất cứ băn khoăn nào, thì gần như ngay lập tức tôi sẽ được giải đáp, hỗ trợ, cả hướng gỡ khó, giải quyết vấn đề.

ảnh 5
Có lần, khi đang vò đầu bứt tai để nghĩ kịch bản cho một sự kiện ra mắt sản phẩm rượu, tôi ngỏ ý muốn tìm một bartender thật xịn, đặc biệt, việc biểu diễn phải giỏi để tạo điểm nhấn. Thoáng gục gặc cái đầu, hai người bạn tôi, trong đó một anh là dân báo từ Bắc vào, một chị là giảng viên Đại học Đà Nẵng hẹn: “Đêm nay, cho chú đi khảo sát, nếu ưng thì triển...”

Và đêm đó, tầm đâu 11h khuya, chúng tôi có mặt tại 17 Saloon gần ngay chân cầu sông Hàn. Đây là một quán bar theo phong cách cao bồi miền Tây. Sau khi nghe ban nhạc Philippines trình diễn những bản đầy sôi động, một tiết mục hấp dẫn bắt đầu.

Trong tiếng nhạc rộn rã của bản “We will rock you”, các bartender bắt đầu làm du khách phát cuồng. Điện được tắt bớt, cả quán bar chỉ còn vài ngọn đèn. Khi nhạc trỗi lên, cũng là lúc một bartender đổ rượu lên mặt bàn gỗ và châm lửa. Lửa rần rật cháy trong tiếng nhạc, tiếng reo hò. Khẽ chấm tay vào ngọn lửa, quẹt lên miệng chai rượu có nút giấy đã tẩm xăng (loại xăng zip-po), màn múa lửa bắt đầu.

Tất cả như phát cuồng vì tài ba của nhóm biểu diễn. Còn tôi đặc biệt ấn tượng với Lan Anh, cô bé chừng 18 tuổi, người từng giành giải cao trong cuộc thi biểu diễn pha chế do hãng Bacardi tổ chức. Bữa đó, tôi được xem một màn mãn nhãn và có thêm ý tưởng cho sự kiện của mình.

Lan Anh cũng đồng ý tham gia biểu diễn múa lửa trong sự kiện bên tôi tổ chức. Tôi cũng thầm cám ơn hai người bạn, vì để giới thiệu và cho tôi mục sở thị để lựa chọn nghệ sĩ cho sự kiện, mà đã phải lọ mọ đêm hôm.

Không có nhận xét nào: