Thị trường tài chính hoạt động không có tình bằng hữu giữa người với người. Mọi nhà giao dịch đều cố gắng đánh bại người khác. Bị “cháy” tài khoản, nhà đầu tư nhỏ lẻ chỉ có thể tự trách mình, thay vì đổ lỗi cho người khác... Đó là chia sẻ của ông Nguyễn Xuân Hòa, nhà đầu tư chuyên nghiệp trên thị trường phái sinh, khi giải mã phiên giao dịch bất thường 21/5/2020.
Ngày 21/5 vừa qua là ngày đáo hạn của hợp đồng tương lai chỉ số VN30 tháng 5, phiên ATC đột ngột tăng giá trần, cao hơn chỉ số cơ sở gần 50 điểm. Nhiều ý kiến cho rằng, đây là dấu hiệu làm giá chứng khoán phái sinh. Quan điểm của ông như thế nào?
Trên thị trường luôn có những nhà đầu tư lớn mà mọi người trong ngành hay gọi là Bigboy. Những nhà đầu tư lớn này có đầy đủ tiềm lực tài chính và công cụ để có thể tác động cho thị trường di chuyển theo ý muốn của họ.
Thị trường phái sinh Việt Nam hiện có quy mô rất nhỏ nên việc tác động của Bigboy có thể thực hiện dễ dàng.
Do quy mô thị trường nhỏ, để có thể gom đủ số hợp đồng mong muốn, Bigboy phải tiến hành mua rải rác trong nhiều phiên. Xu hướng của hợp đồng tháng 5 là tăng giá (uptrend) nên có thể dễ dàng phán đoán Bigboy đang giữ vị thế mua (Long).
Việc Bigboy tác động vào phiên ATC để đẩy thị trường lên thêm vài điểm có lợi cho mình là việc làm dễ hiểu và có thể đoán trước được đối với những nhà đầu tư có kinh nghiệm.
Việc đổ lỗi cho các nhà đầu tư lớn tác động vào thị trường làm “cháy” tài khoản của các nhà đầu tư nhỏ lẻ trong phiên 21/5 là không chính xác.
Theo quy định của giao dịch phái sinh, giá trị của hợp đồng tại thời điểm đáo hạn chính là giá trị đóng cửa của chỉ số VN30 vào ngày đáo hạn.
Với cách thức này, Bigboy chỉ nhận được giá trị đáo hạn là 815,55 điểm (chỉ số VN30), tức chỉ tăng khoảng 6 điểm so với mức giá trước phiên ATC (809,5 điểm).
Nếu so với giá cao nhất trước phiên ATC (813,9 điểm), chốt phiên chỉ số chỉ tăng có hơn 1,5 điểm. Thậm chí, nếu so với giá thấp nhất trong phiên (805,1 điểm), chỉ số cũng chỉ tăng hơn 10 điểm.
Ðiều đó có nghĩa là, nếu không hoảng loạn đóng vị thế bằng lệnh ATC thì dù giữ vị thế bán (Short) ở giá thấp nhất, nhà đầu tư cũng chỉ lỗ khoảng 10 điểm.
Ông Nguyễn Xuân Hòa.
Số hợp đồng khớp trong phiên ATC chỉ là hơn 3.600 hợp đồng, trong khi số hợp đồng nắm giữ, không đóng vị thế, mà để đáo hạn theo chỉ số VN30 là hơn 17.000 hợp đồng. Ðiều đó cho thấy, nhà đầu tư lớn cũng không được hưởng lợi nhiều khi giá hợp đồng đáo hạn tháng 5 tăng trần.
Nhìn lại một số phiên đáo hạn trước đây, chẳng hạn phiên đáo hạn hợp đồng tháng 11/2019, sau phiên ATC, giá phái sinh giảm 10 điểm so với trước ATC và giảm 9 điểm so với mức giá thấp nhất trong ngày. Hay phiên đáo hạn hợp đồng tháng 8/2019, sau phiên ATC, giá phái sinh tăng hơn 12 điểm so với trước ATC và tăng 11 điểm so với mức giá cao nhất trong ngày.
Trong các phiên đáo hạn khác, giá trước và sau ATC chênh lệch vài điểm là chuyện bình thường. Trong các phiên đáo hạn trên, giá trị đóng cửa của hợp đồng phái sinh rất gần với chỉ số VN30; chênh lệch lớn như phiên 21/5/2020 là điều chưa từng có.
Việc giá hợp đồng phái sinh tháng 5 tăng trần lên 864 điểm trong phiên 21/5, theo ý kiến chủ quan của tôi là sự kết hợp của hai yếu tố.
Một là, Bigboy “chơi ác” khi gần cuối phiên giao dịch, thị trường có một nhịp giảm nhẹ khiến nhiều nhà đầu tư thiếu kinh nghiệm nhận định sai về xu hướng.
Trong phần lớn thời gian phiên ATC, chỉ số VN30 chỉ mấp mé mức tham chiếu (khoảng 803 điểm), khiến nhà đầu tư giữ vị thế Short đinh ninh sẽ có lãi. Khi chỉ còn khoảng 1 - 2 phút là hệ thống thực hiện khớp lệnh, Bigboy bất ngờ đẩy chỉ số VN30 tăng lên 10 - 12 điểm, các nhà đầu tư khác không có thời gian để cân lệnh trên thị trường phái sinh.
Hai là sự hoảng loạn của nhiều nhà đầu tư thiếu kinh nghiệm. Khi chỉ số VN30 bất ngờ được đẩy lên vào “phút thứ 90”, nhà đầu tư nắm vị thế Short bị hoảng loạn, đẩy lệnh Long ATC để đóng vị thế.
Sự hoảng loạn quá mức làm số lệnh Long ATC tăng vọt, bên Short không kịp vào lệnh đối ứng, dẫn đến giá phái sinh tăng trần. Với nhà đầu tư có kinh nghiệm, họ không đóng vị thế mà để vị thế đáo hạn theo chỉ số VN30 (815,5 điểm), thiệt hại chỉ vài điểm.
Trong thời gian gần đây, thị trường biến động mạnh, có rất nhiều tài khoản chứng khoán mới được mở. Nhiều nhà đầu tư mới gia nhập thị trường với tham vọng làm giàu nhanh, trong khi chưa có nhiều hiểu biết về thị trường.
Rất nhiều trong số đó thậm chí không biết cách tính giá trị đáo hạn của hợp đồng tương lai VN30 (có nhà đầu tư lâu năm cũng bị nhầm lẫn). Do đó, khi bị “cháy” tài khoản, nhà đầu tư nhỏ lẻ chỉ có thể tự trách mình, thay vì đổ lỗi cho người khác.
Sự sôi động của TTCK phái sinh trong thời gian qua khiến số lượng tài khoản mở mới gia tăng nhằm tìm kiếm lợi nhuận. Ông có chia sẻ gì với các nhà đầu tư mới?
Có người đã đánh giá: “Thị trường tài chính hoạt động không hề có tình bằng hữu giữa người với người. Mọi nhà giao dịch đều cố gắng đánh bại người khác. Trên con đường cao tốc của nghề giao dịch tài chính, luôn có đầy rẫy các cạm bẫy. Giao dịch tài chính là cuộc chơi nguy hiểm nhất của con người, chỉ sau chiến tranh”.
Thế nhưng, có quá nhiều người không hề chuẩn bị gì cho một cuộc chiến sinh tử, họ không biết mình đang làm cái gì.
Bạn phải có kiến thức, còn nếu không sẽ giống như đem tiền đi từ thiện. Muốn thành công, nhà đầu tư mới cần trang bị cho mình các kiến thức và kỹ năng cần thiết để có thể tự giao dịch.
Kiến thức và kỹ năng cần có thời gian để tích lũy. Tham vọng làm giàu nhanh sẽ khiến nhiều nhà đầu tư phá sản.
Nhà đầu tư cần thận trong khi tham gia vào các “room” (phòng) khuyến nghị của nhân viên môi giới trong các công ty chứng khoán, đặc biệt là các room đông người. Do quy mô thị trường phái sinh còn rất nhỏ, các room lớn rất có thể là công cụ để Bigboy điều tiết thị trường theo ý muốn.
Nếu môi giới có thể giúp hàng trăm người kiếm tiền dễ dàng như vậy thì họ cần gì đi làm thuê! (đây là ý kiến chủ quan).
Theo ông, ở thời điểm này, đầu tư vào chứng khoán phái sinh hay cơ sở sẽ có nhiều cơ hội hơn?
Với nhà đầu tư nhỏ lẻ, số vốn chỉ vài chục hoặc vài trăm triệu đồng, thì đầu tư vào thị trường phái sinh có nhiều ưu điểm vượt trội so với chứng khoán cơ sở.
Cụ thể, thị trường phái sinh có đòn bẩy cao, chỉ cần ký quỹ khoảng 15% giá trị hợp đồng là nhà đầu tư có thể bắt đầu giao dịch.
Chứng khoán phái sinh giao dịch T+0, mua bán trong ngày, trong khi chứng khoán cơ sở vẫn áp dụng cơ chế T+3. Với chứng khoán phái sinh, nhà đầu tư có thể kiếm tiền cả khi thị trường tăng và giảm, trong khi rất khó kiếm tiền từ chứng khoán cơ sở khi thị trường có xu hướng giảm (downtrend).
Bên cạnh đó, giao dịch phái sinh chủ yếu dựa vào phân tích kỹ thuật, không cần có nhiều kiến thức chuyên sâu về kinh tế, trong khi giao dịch chứng khoán cơ sở phải sử dụng cả phân tích kỹ thuật và phân tích cơ bản.
Trong giai đoạn thị trường biến động mạnh như hiện nay, chứng khoán phái sinh đem lại cơ hội sinh lời rất lớn, vượt trội so với chứng khoán cơ sở. Tuy nhiên, do quy mô thị trường nhỏ nên nhà đầu tư khó có thể tham gia giao dịch với số vốn lớn.
Trở lại phiên giao dịch ngày 21/5, một lực mua giá cao đổ vào sàn ngay trước khi khớp ATC, khiến bên bán không kịp đặt lệnh đối ứng. Bên mua trong phiên ATC chấp nhận lỗ vì mua giá cao, nhưng sẽ lãi lớn từ các vị thế mua giá thấp trước đó. Hiện tượng “làm giá” này gây rủi ro cho thị trường. Theo ông, cần cảnh báo nhà đầu tư trong những phiên hợp đồng đáo hạn như thế nào?
Phiên đáo hạn luôn tiềm ẩn những bất ngờ. Nhà đầu tư không có kinh nghiệm thì không nên giao dịch trong phiên đáo hạn, hoặc chỉ tham gia với một tỷ trọng vốn rất nhỏ (10 - 20%) và phải xác định được xu hướng của hợp đồng tháng đó là uptrend hay downtrend, tuyệt đối không đi ngược xu hướng.
Nhìn lại phiên 21/5, mặc dù thị trường đang là uptrend, nhưng gần cuối phiên có một nhịp điều chỉnh nhẹ. Nhịp điều chỉnh này làm nhiều nhà đầu tư xác định sai xu hướng và giữ vị thế Short, dẫn đến thua lỗ.
Theo nhận định của tôi, nhịp điều chỉnh này là điều chỉnh thông thường do sự kết hợp của hai yếu tố.
Thứ nhất, chênh lệch giữa phái sinh và chỉ số VN30 ở mức cao. Mặc dù là phiên đáo hạn, nhưng sự chênh lệch giữa giá phái sinh với VN30 được duy trì từ 4 - 6 điểm, có lúc lên đến 8 điểm (điều này ít gặp ở các phiên đáo hạn trước đây), nên đến cuối phiên, thị trường sẽ tự điều chỉnh để thu hẹp sự chênh lệch này.
Mặc dù có áp lực bán khá mạnh, trước phiên ATC vài chục giây, chênh lệch giữa phái sinh và chỉ số VN30 vẫn được kéo lên tới 7 điểm.
Ðiều đó cho thấy, kỳ vọng của đa số nhà đầu tư (chủ yếu là Bigboy) về việc tăng giá sau ATC là rất lớn. Giá không giảm nhiều trong nhịp điều chỉnh (chênh lệch vẫn lớn) cũng cho thấy người bán chỉ là những nhà đầu tư nhỏ lẻ.
Nếu muốn bán lượng lớn vị thế, nhà đầu tư lớn phải bán từ những phiên trước đó, hoặc giá sẽ phải giảm rất mạnh. Chấp nhận mức chênh lệch lớn như vậy có nghĩa Bigboy nắm chắc rằng, phiên ATC sẽ “đánh lên” mạnh.
Thứ hai, nhà đầu tư giữ vị thế Long đóng một phần vị thế. Như đã phân tích ở trên, xu hướng thị trường phái sinh tháng này là uptrend, rất nhiều nhà đầu tư giữ vị thế Long.
Phiên ATC luôn tiềm ẩn nhiều yếu tố bất ngờ nên nhà đầu tư chủ động đóng bớt vị thế Long để bảo toàn lợi nhuận. Việc gia tăng áp lực bán làm thị trường điều chỉnh.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét