Khi nào thì các công ty dừng vắt sữa nhà đầu tư nhỏ?
“Vắt sữa” nhà đầu tư nhỏ
Hai năm trước, khi một người bạn của tôi rời Việt Nam sang Hồng Kông làm việc, chúng tôi có một cuộc trò chuyện ngắn qua Skype. Trong hơn 3 năm ở Việt Nam, anh cũng gọi là hiểu sơ sơ về thị trường tài chính của Việt Nam. Một trong những ấn tượng của anh là nhà đầu tư nhỏ của Việt Nam bị “vắt sữa” nhiều quá (nguyên văn câu nói của anh lúc đó là “milking small investors”).
“Khi nào thị trường này dừng vắt sữa nhà đầu tư nhỏ thì mới khá lên được”, anh nhận xét.
Khi đó, tôi rất đồng ý với nhìn nhận của anh, nhưng cũng không suy nghĩ quá nhiều. Chiêm nghiệm những diễn biến thị trường 2 năm qua, tôi càng thấy những điều anh bạn nói có lý.
Thị trường Việt Nam có 2 đặc tính nổi bật: Nhiều nhà đầu tư cá nhân và sự tập trung cao về quyền sở hữu đa số công ty niêm yết trong tay một nhóm cổ đông lớn (có những công ty mà nhóm cổ đông lớn có quan hệ chặt chẽ với nhau sở hữu hơn 80%).
Hồ Quốc Tuấn - Giảng viên Đại học Bristol, Anh.
Đặc tính này dẫn đến một số hệ lụy. Thứ nhất, nhiều nhà đầu tư cá nhân không có mục tiêu nắm giữ cổ phiếu dài hạn, mà có mục tiêu lướt sóng, sở hữu ngắn hơn một năm. Vì vậy, họ không quan tâm nhiều đến chất lượng quản trị công ty, mà chủ yếu đầu tư khi có sóng, có tin đồn.
Thứ hai, cho dù họ quan tâm, nhưng vì họ là cổ đông nhỏ, không ai quan tâm đến những gì họ nói, hoặc hành xử “chiếu lệ”. Anh bạn tôi từng làm đại diện cho một quỹ đầu tư nước ngoài trong một công ty ở Việt Nam và thấy “nhức mắt” về một số cách hành xử của hội đồng quản trị như tự tiện thực hiện các giao dịch chuyển vốn giữa công ty với những công ty thân thuộc của hội đồng quản trị.
Anh đã đặt ra nhiều câu hỏi và cũng phản ứng dữ dội, nhưng rồi không có hiệu quả gì. Cuối cùng, quỹ của anh rút vốn. Mà công ty đó thì chắc cũng chả quan tâm về sự ra đi của một cổ đông ngoại thiểu số.
Chuyện mà cổ đông lớn của một công ty, đặc biệt là một vài ngân hàng, lấy tiền của công ty cho các công ty thân hữu hoặc chính bản thân mình vay, thậm chí là vào làm cổ đông của công ty mình là chuyện rất phổ biến, mà những giao dịch khuất tất của Huy Vietnam tiến hành qua chuỗi nhà hàng Món Huế gần đây là một ví dụ.
Vài tuần trở lại đây, tôi lại nghe một chuyện khác. Đó là xu hướng công ty chứng khoán, ngân hàng thương mại đẩy mạnh việc phân phối trái phiếu doanh nghiệp cho nhà đầu tư cá nhân.
Điều này dẫn đến một lo ngại rằng, ngày càng nhiều nhà đầu tư cá nhân mua trái phiếu doanh nghiệp vì lãi suất cao mà không hiểu rõ về nó.
Theo một số liệu thống kê, các nhà đầu tư cá nhân đã mua khoảng 15% tổng lượng trái phiếu doanh nghiệp phát hành trong 6 tháng đầu năm nay.
Bất chấp những cảnh báo của Bộ Tài chính, hiện tượng dòng tiền đầu tư cá nhân chảy vào trái phiếu doanh nghiệp đã trở nên phổ biến.
Một người quen của tôi vừa mới hỏi tôi về việc mua trái phiếu doanh nghiệp từ ngân hàng vì nghe nhân viên ngân hàng nói là mua trái phiếu lời hơn gửi tiết kiệm, mà lại của công ty lớn phát hành, an toàn lắm.
Hỏi ra thì bạn chẳng biết gì nhiều về công ty đó, bạn là “khách VIP” của chi nhánh ngân hàng gần nhà nên được chào mua trái phiếu. Tôi hỏi kỹ hơn thì biết đây là một trái phiếu phát hành riêng lẻ.
Ads by AdAsia
Ông Nguyễn Hoàng Dương, Phó vụ trưởng Vụ Tài chính các ngân hàng và tổ chức tài chính, Bộ Tài chính từng khuyến cáo “trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ không phù hợp với nhà đầu tư cá nhân nhỏ lẻ”.
Song, Bộ Tài chính cứ khuyến cáo, còn ngân hàng cứ bán trái phiếu và theo cách diễn tả mơ hồ của bạn tôi về trái phiếu mà cô định mua thì rõ ràng là nhân viên ngân hàng đã không giải thích cho cô hiểu rõ những rủi ro của việc mua trái phiếu này.
Trong khi đó, một người quen khác của tôi làm quản lý cao cấp ở một ngân hàng cho biết, có khi bản thân nhân viên cũng không ý thức hết được tính rủi ro của những trái phiếu này, được giao bán và tập huấn thế nào thì bán vậy thôi.
Trong một thị trường nhà đầu tư cá nhân chiếm số đông, mà họ lại bị “vắt sữa” kiểu như vậy thì thật khó mà mong nhà đầu tư có niềm tin vào cổ phiếu hay trái phiếu. Vậy thì đừng trách vì sao họ lướt sóng, không nắm giữ cổ phiếu dài hạn.
Tuân thủ quy định mới mang tính hình thức
Ở Việt Nam, không phải không có những quy định bảo vệ nhà đầu tư nhỏ. Các quy định pháp luật, hướng dẫn về quản trị công ty (corporate governance) thường xuyên cập nhật các thông lệ, nguyên tắc quốc tế tốt nhất. Nhưng trên thực tế, nhiều doanh nghiệp chỉ tuân thủ “cho có”.
Nhiều ban kiểm soát, kiểm toán nội bộ, cổ đông độc lập, thậm chí là cổ đông là nhà đầu tư tổ chức đều có đủ, nhưng cổ đông lớn vẫn có thể dễ dàng làm được những gì họ muốn.
“Con voi chui lọt lỗ kim” dường như là chuyện thường ngày trong quản trị doanh nghiệp ở Việt Nam. Chỉ một chuyện vi phạm quy định công bố thông tin thôi cũng đã nói gần 2 thập kỷ nay, nhưng thỉnh thoảng vẫn có những vi phạm sơ đẳng diễn ra.
Thị trường Việt Nam có 2 đặc tính nổi bật: Nhiều nhà đầu tư cá nhân và sự tập trung cao về quyền sở hữu các công ty niêm yết trong tay một nhóm cổ đông lớn...
Còn chuyện ngân hàng phân phối trái phiếu thì Bộ Tài chính đã có khuyến nghị đơn vị phân phối phải cung cấp đầy đủ thông tin về tình hình doanh nghiệp, nghĩa vụ doanh nghiệp phát hành, tổ chức phân phối và đặc biệt là có biện pháp quản lý để tuân thủ đầy đủ, đúng hạn các cam kết về mua lại trái phiếu với nhà đầu tư khi phân phối trái phiếu.
Thế nhưng, nếu đơn vị phân phối làm cho có, để khách hàng ký nhận một tờ giấy xác nhận đã được cung cấp đủ thông tin, trong khi trên thực tế khách hàng không hiểu rõ các thông tin đó thì sao?
Trong giới làm quản lý tài chính, có một khái niệm gọi là “giả bộ tuân thủ” (mock compliance). Ở Việt Nam, việc giả bộ tuân thủ là phổ biến trong hầu hết các vụ bê bối tài chính đã đổ vỡ, từ tín dụng ngân hàng cho đến số liệu kế toán và hoạt động lạm quyền, rút ruột công ty của cổ đông lớn.
Có người nói Việt Nam là một thị trường cận biên (frontier market) thì với cái ý nghĩa của dân ở biên giới, phải đi khai phá các vùng đất mới hoang dã một chút, khó kiểm soát một tí. Nhưng nếu giữ mãi cái bản chất của một thị trường cận biên như vậy thì khó có thể mơ tới việc trở thành một trung tâm tài chính nghiêm túc được.
Một người bạn của tôi làm việc lâu năm ở Singapore và có nhiều mối quan hệ làm ăn ở Việt Nam cho rằng, có lẽ cũng nên suy nghĩ lại định hướng chiến lược về phát triển thị trường tài chính.
Nếu không thay đổi được cung cách cũ thì có thể nghĩ cách trở thành một vệ tinh của một thị trường trưởng thành hơn như Singapore và chỉ chuyên đi tập trung vào mảng dẫn vốn từ Singapore vào các công ty chưa niêm yết có tăng trưởng cao ở Việt Nam (như các công ty start-up công nghệ).
Đó cũng là điều mà Singapore đang hợp tác với Nasdaq để dẫn vốn từ Mỹ vào các công ty tăng trưởng nhanh ở Đông Nam Á (nhưng chưa mấy thành công).
Nghe cũng có lý, nhưng cũng chua xót. Trở thành một thị trường tài chính vệ tinh thì có nghĩa là chúng ta phải chấp nhận rằng mình chỉ mãi là một thị trường cận biên, phụ thuộc vào một con đường kết nối tới trung tâm tài chính của họ.
Một nền kinh tế có nhiều thuận lợi để đón dòng dịch chuyển sản xuất từ quốc tế chẳng lẽ chỉ đáng như thế thôi sao? Câu hỏi này xin để lại cho những người đang làm công tác quản lý thị trường tài chính trả lời.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét