Thứ Hai, 29 tháng 6, 2020

Tiền điện tăng cao do sản lượng điện tiêu thụ nhiều

Nắng nóng gay gắt kéo dài, mức sử dụng điện nhiều hơn. Với cách tính giá điện bậc thang như hiện nay, tiền điện của người dân đã tăng cao trong thời gian vừa qua.
Trước việc người dân phản ánh tiền điện phải trả trong tháng 5 và 6-2020 tăng cao, bà Đỗ Thị Kiều Trang, Phòng Giá và phí, Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công Thương) cho biết, nguyên nhân chủ yếu do sản lượng điện tiêu thụ nhiều hơn.
Thống kê của Tổng công ty Điện lực thành phố Hà Nội (EVNHANOI) cho thấy, lượng khách hàng có sản lượng điện sử dụng tăng từ 30% chiếm tỷ lệ lớn. Đặc biệt, lượng khách hàng sử dụng điện từ trên 500kWh đến trên 1.000kWh tăng mạnh. Thậm chí, khách hàng sử dụng trên 1.000kWh tăng từ 1,06% của tháng 5-2020 lên 4,7% tính đến ngày 22-6.

Với mức sử dụng điện tăng cao, khi tính tiền điện, khách hàng phải trả ở những bậc thang cao nhất (bậc thang càng cao, số tiền phải trả càng lớn), dẫn đến tổng thể hóa đơn tiền điện cao hơn nhiều so với những tháng trước.

Khảo sát tại Công ty Điện lực Thanh Xuân (Hà Nội) cho thấy, theo quy định, trước khi in hóa đơn cho khách hàng, những công tơ có sản lượng điện tiêu thụ tăng 30% trở lên đều phải phúc tra. Và nếu như trong tháng 4 và tháng 5-2020, công ty chỉ phúc tra gần 3.000 công tơ điện mỗi tháng thì đến tháng 6-2020, số công tơ phải phúc tra tăng đến hơn 63.600 chiếc.

Theo bà Tô Lan Phương, Trưởng ban Kinh doanh EVNHANOI, tất cả công tơ đều được kiểm định, dán tem, kẹp chì. Trường hợp khách hàng có thắc mắc về độ chính xác, công tơ sẽ được mang đi kiểm định tại đơn vị được cấp phép theo quy định.
Về ý kiến lo ngại việc dịch chuyển ngày ghi chỉ số công tơ có thể ảnh hưởng đến tiền điện, bà Đỗ Thị Kiều Trang giải thích, theo quy định, việc ghi chỉ số công tơ điện thực hiện mỗi tháng 1 lần và cho phép dịch chuyển ngày ghi trước và sau 1 ngày. Do đó, nguyên nhân dịch chuyển ngày ghi chỉ số công tơ không ảnh hưởng lớn đến việc tính tiền điện.
Tại trang web chăm sóc khách hàng của EVNHANOI, người dân có thể tự tra cứu thông tin cũng như ngày giờ ghi chỉ số công tơ của gia đình mình, trong đó có bản chụp thời gian cụ thể ghi chỉ số công tơ hằng tháng.
Nhiều chuyên gia cũng cho rằng, việc gia tăng sản lượng điện sử dụng, dẫn tới tiền điện phải trả tính theo bậc thang cao nhất là nguyên nhân dẫn tới hóa đơn tiền điện tăng cao. Điện năng không phải là loại hàng hóa khuyến khích sử dụng nhiều, vì vậy, càng sử dụng nhiều, số tiền phải trả càng cao.
Theo bà Đỗ Thị Kiều Trang, xã hội ngày càng phát triển, đời sống người dân ngày một nâng cao thì độ rộng của bậc thang tính giá điện và khoảng cách chênh lệch về giá giữa các bậc cũng là bài toán mà hiện nay Bộ Công Thương đang nghiên cứu để sửa đổi Quyết định số 28/2014/QĐ-TTg ngày 7-4-2014 của Thủ tướng Chính phủ quy định về cơ cấu biểu giá bán lẻ điện.
Năm 2019, EVN đã thuê tư vấn để nghiên cứu đề án cải tiến cơ cấu biểu giá bán lẻ điện nói chung và cải tiến cơ cấu trên mặt bậc thang nói riêng. Hiện nay, Bộ Công Thương đang tiến hành lấy ý kiến các cơ quan, tổ chức, hiệp hội và người sử dụng điện.
Bậc thang tính tiền điện

Ví dụ: Một hộ gia đình có mức tiêu thụ tháng 4-2020 là 300 kWh thì số tiền điện cần thanh toán là 688.160 đồng (không tính giảm giá do Covid-19). Nếu sang tháng 5-2020, gia đình này tiêu thụ điện tăng 20%, nghĩa là sản lượng điện tiêu thụ ở mức 360 kWh, số tiền điện cần thanh toán 875.204 đồng, tức là hóa đơn tiền điện tăng 27,18%.
Nếu sản lượng điện tiêu thụ tăng 50% (450 kWh) thì số tiền điện thanh toán là 1.160.885 đồng - tiền điện tăng 68,69% so với tháng 4-2020. Nếu sản lượng điện tiêu thụ tăng 100% (600 kWh) thì số tiền thanh toán là 1.643.840 đồng - tăng 138,87% so với tháng 4-2020.

Không có nhận xét nào: