Trí tuệ nhân tạo (AI) trở thành "vũ khí" vực dậy nền kinh tế hậu Covid-19, tạo lợi thế trong cuộc đua công nghệ của nhiều quốc gia lớn.
Sự bùng phát của Covid-19 đang ảnh hưởng mạnh mẽ lên nền kinh tế toàn cầu và chưa có dấu hiệu dừng lại. Dịch bệnh gây ra suy thoái, đẩy tỷ lệ thất nghiệp và nợ toàn cầu lên mức cao kỷ lục. Theo Liên hiệp quốc, chỉ trong năm 2020 và 2021, khoản nợ công phải trả của các nước đang phát triển sẽ tăng từ 2.600-3.400 tỷ USD. Ngân hàng Thế giới (WB) ước tính Covid-19 sẽ đẩy khoảng 40-60 triệu người vào tình trạng cực nghèo.
Riêng với các doanh nghiệp, Covid-19 cũng tạo ra cuộc khủng hoảng về nhân sự chưa từng thấy. Những công việc vốn được coi là sử dụng nhiều con người nhất như chăm sóc khách hàng bỗng có nhu cầu tăng vọt nhưng doanh nghiệp không đủ chi phí để trả lương.
Dịch bệnh đã "quét sạch" bóng người tại các tổng đài điện thoại. Các robot trò chuyện tự động (chatbox) hay trợ lý ảo tổng đài nay trở thành "nhân viên chính thức" làm việc toàn thời gian tại đây. Thực tế từ trước đó trí tuệ nhân tạo (AI) đã thay thế con người ở nhiều nơi, nhưng đại dịch Covid-19 giúp đẩy nhanh tiến trình.
Các công ty giá trị nhất thế giới hiện nay đều nằm trong lĩnh vực khoa học máy tính và 80% các loại giao dịch hằng ngày của những doanh nghiệp này thực hiện bằng thuật toán máy có ứng dụng AI.
Tại Mỹ, nhóm các doanh nghiệp dẫn đầu về giao dịch chứng khoán có tên gọi chung FAANG (Facebook, Apple, Amazon, Netflix và công ty mẹ của Google - Alphabet). Tình trạng tương tự cũng diễn ra tại Trung Quốc, với các công ty nhóm đầu gồm Baidu, Tencent và Alibaba. Tất cả đều là những doanh nghiệp AI. Alibaba và Tencent có vốn hóa lớn nhất quốc gia tỷ dân và đồng thời là những công ty AI mới nhất.
AI không chỉ là bài toán phát triển mà còn là quân "át chủ bài" trong chiến lược dẫn đầu về công nghệ của Trung Quốc và Mỹ.
Đài Loan đang hợp tác chặt chẽ với các công ty tư nhân để trở thành điểm đến hàng đầu của công nghệ AI. Bộ Khoa học và Công nghệ của Đài Loan dự định xây dựng một hệ sinh thái đổi mới sáng tạo AI, bao gồm quản lý nhân tài, công nghệ, tên miền và các ngành công nghiệp. Mục tiêu không chỉ là xây dựng một xã hội thông minh mà còn là biến Đài Loan thành "tay chơi chủ chốt" trong chuỗi giá trị AI toàn cầu.
Đài Loan đang đứng thứ ba trong danh sách những nơi tốt nhất để đầu tư toàn cầu, chỉ sau Thụy Sĩ và Na Uy, vượt qua Singapore và Hàn Quốc, theo báo cáo ba năm một lần của Cục tình báo rủi ro môi trường kinh doanh Mỹ BERI.
Một nền kinh tế công nghệ khác là Hàn Quốc cũng xem 5G và AI là những mảnh ghép trung tâm để xây dựng kinh tế hậu Covid-19. Dịch bệnh khiến tham vọng của Hàn Quốc trở nên mạnh mẽ hơn chứ không yếu đi theo phát ngôn của tổng thống Moon Jae-in. Ông đã khởi động "Chiến lược AI quốc gia", tập trung nỗ lực công nghiệp và giáo dục lên các cơ hội phát triển AI còn tiềm tàng, hứa hẹn sẽ giải quyết những thách thức lớn nhất mà xã hội Hàn Quốc đang đối mặt.
Nga là cái tên mới chen chân trong cuộc đua phát triển AI. Công ty Yandex của xứ sở bạch dương giá trị vốn hóa 13,18 tỷ USD hiện có quy mô lớn và hứa hẹn trong ngành AI. Sberbank, ngân hàng lớn nhất nước này khuyến cáo các chuyên gia phân tích nên suy xét nhiều hơn tới các cổ phiếu công ty AI thay vì ngân hàng bán lẻ truyền thống.
Ngân hàng được xem là kho chứa dữ liệu khách hàng lớn nhưng vẫn chưa khai thác chúng triệt để. Tuy vậy công nghệ học sâu (deep learning) và AI có thể thay đổi thực trạng này. Sberbank gần đây đã tạo ra một liên minh AI, đưa siêu máy tính vào hoạt động và kêu gọi được 2 tỷ USD cho các nhà lập trình AI người Nga. Cuối năm 2019, ngân hàng này đã bắt tay với Microsoft Research để phát triển các giải pháp AI của Microsoft trong ngành rô-bốt học.
Còn tại Việt Nam, ngành trí tuệ nhân tạo đã có những bước phát triển nền móng qua nhiều sản phẩm và nghiên cứu ựng dụng của FPT, Viettel hay Vingroup.
Ngày 12/6, Tập đoàn FPT đã ký kết hợp tác với Viện nghiên cứu hàng đầu về AI Mila nhằm tăng cường năng lực AI trong nước. Đây cũng là dự án được đặt nhiều kỳ vọng có thể đem trí tuệ nhân tạo đến gần hơn với những sản phẩm của FPT. Sản phẩm hợp tác đầu tiên giữa hai đơn vị dự kiến sẽ ra mắt trong năm nay.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét