Thứ Ba, 30 tháng 6, 2020

Startup Việt Zen Flowchart ra mắt sản phẩm mới Zen Mind Map

Phần mềm Zen Mind Map cho phép người dùng chớp nhanh ý tưởng, bắt kịp suy nghĩ chợt nảy ra trong tâm trí, sau đó ghi chúng ra ngay trong tích tắc, nhằm tăng tốc độ sáng tạo và xử lý công việc.

Startup vẽ biểu đồ ‘made in Vietnam’ hút người dùng 168 quốc gia - Zen Flowchart – mới đây ra mắt ứng dụng vẽ bản đồ tư duy mới mang tên "Zen Mind Map". CEO Nick Hoàng kỳ vọng bộ công cụ sẽ tiếp nối thành công của ứng dụng tiền nhiệm, trở thành lựa chọn hàng đầu của các cá nhân, trường học và doanh nghiệp khi cần vẽ bản đồ tư duy.
Bản đồ tư duy (Mind map) được phát triển vào cuối thập niên 1960s bởi chuyên gia Tony Buzan, người chắp bút 92 cuốn sách về làm chủ trí não bán chạy nhất thế giới. Bản đồ này còn được mệnh danh là "công cụ vạn năng khai phá sức mạnh bộ não", phương pháp ghi chú đầy sáng tạo được hơn 250 triệu người trên thế giới sử dụng. Một ví dụ điển hình là thay vì chỉ đọc sách đơn thuần, bạn có thể tường thuật lại cả cuốn sách hoặc nảy thêm các ý tưởng mới chỉ bằng một trang vẽ bản đồ tư duy, giúp làm tăng chất lượng kiến thức hấp thu.
Tại Mỹ, mind map được ứng dụng nhiều từ các lớp tiểu học đến giảng đường đại học nhằm ghi nhớ kiến thức trực quan sinh động hơn; trong các phòng kinh doanh hay ban truyền thông sáng tạo để tập thể cùng tranh biện "brainstorm" tìm giải pháp hiệu quả nhất... Với bản đồ tư duy, não bộ có thể khai phá vô hạn ý tưởng, cùng lúc đó sắp xếp lại chúng bằng những mối liên hệ dễ ghi nhớ, dễ theo dõi, dễ trình bày.
Công cụ bản đồ tư duy là cần thiết, song một ứng dụng đơn giản dễ sử dụng với tất cả mọi người càng quan trọng hơn. Hầu hết chúng ta đều quen với việc vẽ bản đồ tư duy và viết các ý tưởng ra trên giấy, song vẫn phải thừa nhận thực tế là tốc độ ghi chép bằng tay chậm chạp làm bỏ lỡ nhiều luồng suy nghĩ lóe lên dồn dập. Nhiều ứng dụng phần mềm ra đời giúp việc vẽ bản đồ tư duy tiện lợi hơn, song cũng chưa giải quyết thỏa đáng vấn đề bắt kịp tốc độ suy nghĩ bởi cách sử dụng quá phức tạp, đòi hỏi người dùng mất nhiều thời gian tìm hiểu mới có thể làm quen, không thân thiện hoặc sử dụng công nghệ cũ nên chậm và nhiều lỗi.
Đó chính là lý do thôi thúc Nick Hoàng cho ra đời phần mềm vẽ bản đồ tư duy Zen Mind Map, sử dụng ngôn ngữ thiết kế cực kỳ đơn giản trên nền tảng web và dễ sử dụng phù hợp với số đông. Zen Mind Map cho phép người dùng chớp nhanh ý tưởng, bắt kịp suy nghĩ chợt nảy ra trong tâm trí, sau đó ghi chúng ra ngay trong tích tắc. Ngay cả người không rành về công nghệ cũng có thể nhanh chóng tạo biểu đồ mà không cần đọc hướng dẫn quá nhiều.
"Đôi khi, chúng ta có quá nhiều công việc phải giải quyết hoặc cạn kiệt ý tưởng sáng tạo, song thực tế con người mới chỉ sử dụng chưa tới 10% sức mạnh não bộ. Công cụ tạo bản đồ tư duy Zen Mind Map sẽ giúp tăng tốc độ sáng tạo và xử lý công việc", CEO Nick Hoàng cho biết.
Nick Hoàng trước đó từng gặt hái thành công lớn với ứng dụng Zen Flowchart, đơn giản và dễ sử dụng nhưng thu hút hơn 450.000 người dùng từ 168 nước trên thế giới sử dụng. Trong đó, có nhiều người dùng là nhân viên đến từ các hãng công nghệ lớn (Google, Facebook, Uber, Lyft, Spotify...) và các tổ chức phi lợi nhuận.
Zen Mind Map cũng sở hữu nhiều tính năng tương đồng với Zen Flowchart, đã được nhà sáng lập lập trình tối ưu lợi ích cho người dùng. Chúng bao gồm tính năng "One-click Creation" tạo thêm một nhánh ý tưởng trên bản đồ tư duy chỉ với duy nhất một bước "nhân bản" (thay vì 3 bước điều hướng như các phần mềm khác), giúp người dùng tiết kiệm tới 50% thời gian tạo "mind map". Cùng với đó là tính năng "Publish Document", giúp người dùng không cần tải bản đồ hay in ra, mà chỉ cần chia sẻ đường link ngay tức thời.
Ngoài ra, công cụ còn cho phép người dùng chỉnh sửa, linh hoạt kéo thả và di chuyển các nhánh ý tưởng trên bản đồ tư duy; chèn liên kết, biểu tượng icon, hình ảnh để "mind map" thêm trực quan sinh động. Trong thời gian xảy ra covid-19, Zen Mind Map đã chứng kiến số lượng người sử dụng tăng đột biến do nhu cầu làm việc và học tập từ xa tăng lên. Ngoài công năng cộng tác nhóm, ứng dụng còn được các thầy cô sử dụng nhiều trong môi trường giáo dục, giúp học sinh tư duy và nhớ bài học tốt hơn.
Zen Mind Map hiện cung cấp gói cơ bản miễn phí cho người dùng và gói nâng cao đầy đủ tính năng với giá $4.9/tháng.

Sức bật khởi nghiệp đổi mới sáng tạo

Từ những kết quả đạt được trong giai đoạn vừa qua, Sở KH-CN TPHCM đang hoàn thiện Đề án hỗ trợ phát triển Hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (ĐMST) thành phố giai đoạn 2021-2025.

Tuần lễ Đổi mới sáng tạo và Khởi nghiệp TPHCM (WHISE) đã trở thành hoạt động thường niên của thành phố (Ảnh: Một hoạt động trong WHISE 2019)
Tuần lễ Đổi mới sáng tạo và Khởi nghiệp TPHCM (WHISE) đã trở thành hoạt động thường niên của thành phố (Ảnh: Một hoạt động trong WHISE 2019)
Từ đó làm nền tảng hỗ trợ hoạt động ĐMST, nâng cao năng suất chất lượng, năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp (DN), phát triển sản phẩm chủ lực của thành phố, góp phần nâng cao tỷ trọng đóng góp của yếu tố năng suất tổng hợp (TFP) vào tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) hàng năm từ 40% trở lên.
Nhiều quyết sách định hình nền tảng
Theo Sở KH-CN TPHCM, đến nay thành phố đã có 3.142 DN được hỗ trợ đào tạo về công cụ quản trị năng suất chất lượng và ĐMST; tư vấn nâng cao năng suất chất lượng, quản trị tài sản trí tuệ cho 759 DN và hỗ trợ 81 dự án nghiên cứu phát triển, đổi mới công nghệ và sản phẩm; phối hợp thực hiện hỗ trợ đổi mới công nghệ cho 15 dự án thông qua chương trình kích cầu đầu tư…
Ông Nguyễn Khắc Thanh, Phó Giám đốc Sở KH-CN TPHCM, cho biết thời gian qua thành phố đã có nhiều chính sách thiết thực góp phần khuyến khích, thúc đẩy phát triển ý tưởng khởi nghiệp ĐMST. Đặc biệt, với việc thực hiện Quyết định 4181 của UBND TPHCM, đã hình thành không gian hỗ trợ hoạt động khởi nghiệp ĐMST (Saigon Innovation Hub - SIHUB). Đây cũng là sáng kiến triển khai mô hình Nhà nước hỗ trợ khởi nghiệp ĐMST đầu tiên của Việt Nam dưới hình thức kết nối và chia sẻ nguồn lực, kết nối cộng đồng, nhờ đó hệ sinh thái phát triển mạnh mẽ.
Bên cạnh đó, TPHCM đã thành lập 5 không gian hỗ trợ khởi nghiệp ĐMST và kết nối 24 cơ sở ươm tạo DN, thành lập 4 ban điều hành hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST cho 4 lĩnh vực trọng yếu của thành phố: công nghệ thông tin; cơ khí; chế biến lương thực - thực phẩm; nhựa - cao su - hóa chất. Qua đó có gần 650 DN được ươm tạo và nhiều DN trong số đó gọi vốn thành công. Thông qua các trung tâm ươm tạo, TPHCM đã hỗ trợ, phát triển nhiều DN khởi nghiệp đi vào hoạt động và thương mại hóa các sản phẩm từ hoạt động ươm tạo.
Không chỉ phát triển ở trong nước, TPHCM đã chủ động phối hợp với nhiều quốc gia hợp tác để nâng cao chất lượng hoạt động khởi nghiệp ĐMST cho các DN. Cụ thể là phối hợp với Tổng Lãnh sự New Zealand tổ chức các khóa tập huấn và thực hành thiết kế hệ sinh thái cho các DN startup; hợp tác với Cơ quan Đổi mới sáng tạo Israel (IIA) giai đoạn 2018-2021 xây dựng chính sách thúc đẩy hoạt động khởi nghiệp ĐMST; phối hợp với Hiệp hội Các DN Hàn Quốc ở nước ngoài (World-OKTA) và Trung tâm Công nghệ liên hiệp Busan triển khai Chương trình Chuyển giao công nghệ Việt - Hàn… Trong đó, SIHUB đóng vai trò là một trong những đơn vị đầu mối tổ chức các hoạt động khởi nghiệp ĐMST tại TPHCM. Tính từ 2016 đến cuối 2019, SIHUB đã hỗ trợ cho 2.230 lượt dự án khởi nghiệp hoàn thiện sản phẩm, mô hình kinh doanh, kết nối thị trường, đầu tư tài chính.
Theo Giám đốc SIHUB Huỳnh Kim Tước, các chương trình giúp kết nối stratup trong hoạt động chuyển giao công nghệ, kết nối cung - cầu khá hiệu quả. Hiện SIHUB cùng với các cơ quan khác tiếp tục chủ động tham gia những chương trình hợp tác quốc tế như Chương trình Đối tác ĐMST Việt Nam - Phần Lan (IPP), Chương trình Thúc đẩy khởi nghiệp Việt Nam (Vietnam Sillicon Valley), đồng thời mời gọi chuyên gia tại những quốc gia phát triển chia sẻ kinh nghiệm, thực hiện các chương trình hợp tác, nhằm thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa hoạt động khởi nghiệp ĐMST trong thời gian tới.
Hòa vào mạng lưới toàn cầu
TPHCM là địa phương có nhiều hoạt động triển khai hiệu quả Đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST quốc gia đến năm 2025” của Thủ tướng Chính phủ, đồng thời cũng là địa phương luôn tiên phong trong cả nước với việc ban hành nhiều chính sách đột phá và các hoạt động đa dạng trong hỗ trợ khởi nghiệp ĐMST.
Hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST của thành phố đang từng bước tham gia vào mạng lưới của khu vực và quốc tế. Trong đó, vườn ươm DN công nghệ cao (SHTP-IC) đã nhanh chóng tham gia vào hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST. SHTP-IC đã hỗ trợ thành công cho hơn 40 dự án khởi nghiệp, 100% các dự án đều có sở hữu trí tuệ, 13 DN khởi nghiệp đã được chứng nhận DN KH-CN tại TPHCM.
Đáng chú ý, các dự án khởi nghiệp đã thương mại hóa sản phẩm thành công ở Mỹ, Malaysia, Hàn Quốc và một số quốc gia châu Âu. Theo Giám đốc SHTP-IC Lê Thành Nguyên, SHTP-IC đang tham mưu cho Ban quản lý Khu Công nghệ cao TPHCM xây dựng đề án hình thành mạng lưới kết nối ĐMST tại Mỹ, nhằm tạo điều kiện hỗ trợ hiệu quả nhất cho các startup Việt khi mở rộng thị trường sang Mỹ, cũng như kết nối để các startup, các chuyên gia tại Mỹ hỗ trợ startup trong nước. 
Đề án hỗ trợ phát triển Hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST TPHCM giai đoạn 2021-2025 với các giải pháp cụ thể sau: Phát triển hạ tầng, dịch vụ hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST; Nâng cao năng lực cho các thành phần hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST; Hình thành hệ sinh thái ĐMST của các lĩnh vực, sản phẩm trọng điểm; Hỗ trợ DN khởi nghiệp sáng tạo phát triển sản phẩm và thị trường; Hỗ trợ DN nhỏ và vừa nâng cao năng suất chất lượng và ĐMST; Thúc đẩy hoạt động ĐMST trong khu vực công; Đẩy mạnh hoạt động hợp tác quốc tế và truyền thông khởi nghiệp ĐMST. 
Đây là hệ thống các nhiệm vụ hỗ trợ sự gắn kết bền vững và hợp tác cùng phát triển giữa DN, trường - viện, Nhà nước, tổ chức hỗ trợ các DN lớn có năng lực dẫn dắt thị trường và cộng đồng khởi nghiệp sáng tạo. Đề án dự kiến được trình trong quý 2-2020.
Theo đánh giá của ông Nguyễn Khắc Thanh, hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST của TPHCM đã đạt được một số kết quả tích cực, các hoạt động của hệ sinh thái ngày càng sôi động, quy mô của các thành phần được mở rộng, đã kết nối trên 40 tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp ĐMST; thiết lập nền tảng kết nối chia sẻ dữ liệu 134 phòng thí nghiệm, 626 chuyên gia, 275 tổ chức KH-CN...
Qua đó đã giúp các thành phần của hệ sinh thái khởi nghiệp nói chung và DN, startup nói riêng, có những chuyển biến rõ rệt về nhận thức, vai trò của KH-CN và ĐMST. Thống kê năm 2019, cả nước có khoảng 3.800 DN khởi nghiệp, trong đó gần 50% là DN startup tại TPHCM. Số startup tại TPHCM cũng đã thu hút vốn đầu tư mạo hiểm khá lớn trong tổng số gần 900 triệu USD mà các nhà đầu tư đổ vào startup tại Việt Nam thời gian qua.  
Từ sự phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST, TPHCM đã tạo được sức lan tỏa mạnh từ cộng đồng DN đến xã hội và được cộng đồng quốc tế ghi nhận. Theo công bố về chỉ số ĐMST toàn cầu (GII) năm 2019, Việt Nam được xếp hạng 42/129 quốc gia và nền kinh tế, tăng 17 bậc so với năm 2016, xếp thứ 3 trong khu vực ASEAN, đứng đầu nhóm những nước có thu nhập trung bình thấp. Đây là thứ hạng cao nhất mà Việt Nam từng đạt được từ trước tới nay.
Ông Nguyễn Việt Dũng, Giám đốc Sở KH-CN TPHCM, khẳng định các hoạt động khởi nghiệp ĐMST của thành phố trong thời gian qua đã tạo sức lan tỏa mạnh từ cộng đồng khởi nghiệp ĐMST đến toàn xã hội; chính sách hỗ trợ đã tác động đầy đủ vào các giai đoạn của quá trình khởi nghiệp sáng tạo, mở rộng hoạt động hợp tác quốc tế, giúp xác định mô hình hỗ trợ khởi nghiệp có hiệu quả và vươn xa hơn.
Năm 2019, Tuần lễ ĐMST và Khởi nghiệp TPHCM (WHISE 2019) được UBND TPHCM phối hợp với Đại sứ quán Phần Lan tại Việt Nam chủ trì, Sở KH-CN và Thành đoàn TPHCM phối hợp thực hiện, đã thu hút hơn 150 startup trong nước và quốc tế tham dự. WHISE 2019 tập hợp những mô hình khởi nghiệp thành công để giới thiệu đến cộng đồng, kết nối các nguồn lực xã hội. Sự kiện này còn thể hiện rõ cam kết của thành phố trong việc kiến tạo, hỗ trợ và đồng hành cùng cộng đồng khởi nghiệp, sớm đưa TPHCM trở thành thành phố của khởi nghiệp ĐMST trong cả nước và khu vực. 
Song song đó, nhiều hoạt động khởi nghiệp ĐMST cũng diễn ra rộng khắp trong thời gian qua: Cuộc thi “Giải pháp IoT cho Thành phố thông minh” do Vườn ươm DN công nghệ cao tổ chức; Cuộc thi “ĐMST trong sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao” của Trung tâm Ươm tạo DN nông nghiệp công nghệ cao; Cuộc thi ý tưởng khởi nghiệp “Creative Idea Contest” của Khu Công nghệ phần mềm - Đại học Quốc gia TPHCM; Cuộc thi “Ý tưởng khởi nghiệp - Startup Wheel” của Trung tâm Hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp - BSSC; Cuộc thi Khởi nghiệp ĐMST ngành du lịch  do Sở Du lịch phối hợp cùng Sở KH-CN TPHCM tổ chức…

King Coffee hỗ trợ 100.000 phụ nữ khởi nghiệp

Ban lãnh đạo Hội liên hiệp phụ nữ Việt Nam vừa cùng CEO Công ty Trung Nguyên Intenational (King Coffee) - bà Lê Hoàng Diệp Thảo khởi động dự án "WOMEN CAN DO"

Đây là dự án chiến lược sẽ đồng hành và hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp trong khuôn khổ đề án quốc gia 939 "Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017-2025" đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương ngày 30-6-2017.
Thông qua dự án này, Hội liên hiệp phụ nữ Việt Nam và thương hiệu King Coffee mong muốn cải thiện chất lượng cuộc sống cho ít nhất 100.000 phụ nữ ở khắp các vùng miền, giúp các chị em có cơ hội khởi nghiệp bằng nhiều mô hình kinh doanh, bắt đầu từ số vốn 5 triệu đồng. Bằng cách tận dụng thành tựu công nghệ 4.0, dự án sẽ tạo cơ hội cho các chị em chủ động kinh doanh, gia tăng thu nhập, có thêm kiến thức về quản lý tài chính, tham gia các hoạt động cộng đồng để phát triển kỹ giao tiếp, góp phần nâng cao vị thế của người phụ nữ trong gia đình và ngoài xã hội.
Buổi tiếp xúc giữa King Coffee và Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam.jpg
Buổi tiếp xúc giữa King Coffee và Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam.jpg
Với chiến lược phát triển nhấn mạnh vào sự đổi mới và khác biệt trên cơ sở mô hình kinh doanh hệ sinh thái, dự án Women Can Do của thương hiệu King Coffee và Hội liên hiệp phụ nữ Việt Nam sẽ hướng đến các mục tiêu chính: xây dựng cộng đồng phụ nữ khởi nghiệp thông qua việc trở thành thành viên trong hệ cung ứng các sản phẩm ngành hàng F&B; hướng dẫn và hỗ trợ 100.000 phụ nữ kinh doanh, tạo ra nguồn thu nhập ổn định, nâng cao đời sống gia đình; chia sẻ kiến thức giúp phụ nữ tự tin trong việc khởi nghiệp, làm chủ tài chính và làm chủ cuộc sống của mình thông qua hệ sinh thái của Women Can Do.
Phát biểu tại chương trình, Phó Chủ tịch Hội liên hiệp phụ nữ Việt Nam Đỗ Thị Phương Thảo đánh giá cao ý nghĩa của hoạt động hợp tác chiến lược mà 2 bên đang thực hiện và khẳng định việc triển khai Dự án góp phần quan trọng để xây dựng và thực hiện hiệu quả đề án quốc gia 939 "Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017-2025", nâng cao nhận thức của phụ nữ về khởi nghiệp, thúc đẩy hiện thực hóa các ý tưởng kinh doanh, góp phần thực hiện mục tiêu quốc gia về phát triển doanh nghiệp và Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới.

Trăn trở với khởi nghiệp bằng văn hóa xưa

Với tâm nguyện làm cầu nối giúp người trẻ có cái nhìn mới hơn về văn hóa Việt xưa, Lương Hoài Trọng Tính (23 tuổi) đã tự thân lặn lội đi khắp nơi để nghiên cứu về nét đẹp truyền thống rồi lập Đại Nam hội quán.

Đại Nam hội quán giới thiệu về văn hóa xưa bằng các bài viết trên mạng xã hội, thu hút những người có chung đam mê xích lại gần nhau.
Dự án độc đáo
Từ nhỏ, chàng trai người Trà Vinh đã được dạy nhiều lễ nghi trong cách ăn nói, đi đứng cho tới may vá... một cách khuôn phép. Cậu nhận thấy các giá trị này đang dần bị lãng quên. 
Sự khắc khoải về một sân chơi quy tụ những người chung niềm đam mê về văn hóa xưa giống mình mạnh lên khi Tính lên TP.HCM trọ học. Giữa môi trường hiện đại, sôi nổi ở TP, chàng sinh viên năm nhất ngành quy hoạch đô thị (ĐH Tôn Đức Thắng) lúc ấy mới bắt đầu ấp ủ ý tưởng.
"Ở Sài Gòn còn nhiều tòa nhà mang dáng dấp xưa, khiến tôi nhớ về những nét đẹp thuở nhỏ. Lúc đó tôi chỉ muốn lôi kéo thêm ai chung đam mê để chia sẻ, tìm hiểu kỹ hơn về các nét đẹp văn hóa. Đến cuối năm 2017, tôi mới bắt đầu thực hiện được ý định" - Tính chia sẻ về duyên cớ để lập nên Đại Nam hội quán.
Khởi đầu của Đại Nam hội quán là một trang mạng xã hội với vài chục lượt yêu thích. Nhiều bài viết về các giá trị xưa ở nhiều lĩnh vực được nhóm đăng tải lên Facebook. Nhưng rồi, ngay cả bản thân Tính cũng không ngờ chuyện xưa cũ được viết dưới cái nhìn của một người trẻ lại có thể thu hút nhiều bạn trẻ theo dõi và bình luận đến vậy. 
Hiện ngoài hơn 20 thành viên chủ chốt (đa số là 9X), trang Facebook của nhóm đã thu hút gần 30.000 lượt yêu thích, theo dõi. Mỗi bài viết của nhóm đều luôn nhận được sự quan tâm rất lớn của cộng đồng mạng.
"Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản... có ngành công nghiệp văn hóa rất phát triển, bởi họ biết cách lan tỏa văn hóa truyền thống, nhất là khi đưa nét đặc sắc này vào trường học, phim ảnh. Còn với chúng ta, tôi cảm thấy giới trẻ ngày nay đang say mê với văn hóa phương Tây hơn những nét cổ xưa, mê mạng xã hội hơn tìm đọc sách vở. Đánh vào tâm lý, tôi bắt đầu câu chuyện về văn hóa xưa trên nền tảng công nghệ thời 4.0. May mắn hướng đi đó đã đúng" - Tính nói.
Tính chuyện khởi nghiệp
Có thêm bạn đồng hành, Tính cùng mọi người dành nhiều thời gian tìm hiểu, thu thập tài liệu. Mỗi tháng, cả nhóm sẽ dành ra một buổi để trao đổi kiến thức lẫn chia sẻ về cuộc sống. Qua mỗi chuyến đi về các tỉnh miền Tây, ngoài việc tìm hiểu về văn hóa, lối sống của người dân, Tính còn nhờ những người lớn tuổi kể lại nếp sống ngày xưa. Cậu ghi chép từng lời kể, đối chiếu với sách vở rồi chọn ra những thông tin chung nhất, chia sẻ lên Đại Nam hội quán.
Không dừng lại ở việc chia sẻ thông tin lên mạng xã hội, Tính và nhóm của mình còn bỏ tiền tổ chức nhiều chương trình biểu diễn, giao lưu để tái dựng những nét văn hóa xưa. Đó là các chương trình như Kể chuyện xưa nghe chơiÁo dài xưa hay Tất niên cuối năm... Ở mỗi chương trình, nhóm đều lồng ghép vào đó một nội dung như tình yêu gia đình, lễ nghĩa, cách xưng hô, trang phục xưa..., giới hạn số lượng người tham gia, chỉ chừng 40-60 người mỗi chương trình. 
"Đây là chương trình đặc thù, phải tổ chức trong một không gian cố định, mọi người đều có thể trò chuyện cùng nhau. Thay vì đông người, bán nhiều vé, âm thanh được khuếch đại lên các loa lớn thì ta sẽ trình diễn bằng nhạc mộc, âm thanh có thể nhỏ hơn nhưng phần đọng lại cho người nghe mới là điều quan trọng" - Tính tâm sự.
Mới đây, Tính cùng những người bạn trong dự án tổ chức một chương trình tái dựng lễ cưới xưa. Họ mặc trang phục truyền thống, cô dâu chú rể bước vào bàn nghi lễ trong không gian ấm cúng với bộ kỷ đèn, mâm quả, lễ cưới đậm chất Nam Bộ xưa. 
Không chỉ tái hiện, nhóm còn giải thích một cách bài bản, cụ thể về từng lễ nghi, phong tục để người xem không khỏi thắc mắc. Nhiều bạn trẻ tham gia chương trình vô cùng thích thú vì lần đầu được nhìn thấy những nét xưa đặc biệt này.
Tính nói, để tái hiện được những nét văn hóa xưa, ngoài tìm được nơi mượn vật dụng thì việc tìm hiểu, xác minh tư liệu cũng rất khó khăn và đòi hỏi cả một quá trình. "Vui nhất có lẽ là hầu như chương trình nào cũng có khán giả nước ngoài. Họ là những nhà nghiên cứu độc lập, nghiên cứu sinh Việt Nam học đến từ các nước như Mỹ, Pháp, Ấn Độ... Sau chương trình, họ hay đưa ra câu hỏi, phản biện và trao đổi rất sôi nổi. Đó là dấu hiệu ban đầu và cũng là cơ hội để ta có thể nghĩ về chuyện đưa các nét văn hóa xưa của Việt Nam ra thế giới" - Tính bộc bạch.
Thú chơi đắt tiền
Theo Khẩu Cao Nhựt Phúc (17 tuổi, Q.7, thành viên trẻ tuổi nhất nhóm), ngoài thời gian thì việc thỏa đam mê trong tìm hiểu văn hóa xưa cũng tiêu tốn không ít tiền bạc, nếu không muốn gọi là thú chơi đắt tiền. Một bộ áo dài hiện đại chỉ có giá từ 300.000-700.000 đồng thì áo dài xưa đắt hơn nhiều. Chưa kể đến việc để có được một bộ áo dài xưa "ưng ý", được thêu nhiều chi tiết hơn lại càng khó.
"Sinh hoạt ở hội quán được hơn nửa năm rồi, vì hiện mình vẫn chỉ là học sinh lớp 11, chưa có nhiều tiền nên vẫn phải mượn áo dài mỗi lần đi chương trình của nhóm. Để sắm bộ áo dài hiện đại thì khá dễ, nhưng để có được một bộ áo dài xưa thì chắc ngốn vài chục buổi ăn sáng bởi bộ rẻ cũng phải trên dưới 2 triệu đồng" - Phúc nói.

Chàng trai bỏ thu nhập ngàn đô ra ngoài khởi nghiệp với rau má

Từng đảm trách chức trưởng phòng công nghệ thông tin của một khách sạn 4 sao nổi tiếng ở TP.Đà Lạt, nhưng Nguyễn Quốc Bảo (36 tuổi, TP.Đà Lạt, Lâm Đồng) quyết định dừng công việc này để khởi nghiệp với rau má

"Khởi nghiệp rất thú vị"

Không chỉ là dân công nghệ thông tin, Bảo còn là “gương mặt thân quen” trong lĩnh vực F&B (Food and Beverage, tạm dịch kinh doanh dịch vụ ăn uống - PV) với vai trò quảng bá cho các thương hiệu, thế nên khi Bảo quyết định nghỉ việc đã khiến bạn bè, người thân bất ngờ.“Khởi nghiệp đã và đang là xu thế chung của các quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Mình không muốn lạc lõng, phải đứng ngoài cuộc của xu thế này, nên mình quyết định khởi nghiệp”, Bảo cho hay.Lý giải về lựa chọn rau má để kinh doanh, Bảo cho biết: “Rau má có nhiều tác dụng như thanh nhiệt, nhuận gan, giải độc, tốt cho hệ tim mạch, da, hệ thần kinh, cải thiện trí nhớ… Chưa kể, tại TP.Đà Lạt chưa có ai khởi nghiệp từ loại rau này. Với nhiều “điểm cộng” như thế nên mình quyết định khởi nghiệp với rau má”.Thời gian đầu, Bảo dành khá nhiều thời gian để rong ruổi khắp các huyện ở Lâm Đồng cũng như các tỉnh Phú Yên, Gia Lai, Khánh Hòa… để tìm những loại rau má ngon, nhiều chất dinh dưỡng nhất.
Sau đó, anh tìm đến những khóa học về pha chế, cũng như tranh thủ đọc tài liệu về kinh doanh. Trong thời gian mày mò nghiên cứu, Bảo cho ra đời tiệm rau má pha Ông Chín. Đây là tiệm rau má nguyên chất đầu tiên ở TP.Đà Lạt.“Mình lấy tên là Ông Chín, vì đây là tên gọi thân thương của ba mình. Khi mình có ý tưởng khởi nghiệp với rau má, ba mình đã ủng hộ, giúp mình rất nhiều”, Bảo cho biết.
Ngoài việc chọn thức uống chủ đạo là rau má, Bảo còn sáng chế thêm nhiều món khác nhau như: rau má nguyên chất pha với đậu xanh và sữa dừa, pha cùng đậu đỏ, kết hợp với kem cheese, hạt sen, sầu riêng, nha đam, dâu, bơ...Nhắc về những ngày đầu khởi nghiệp, Bảo chia sẻ: “Khởi nghiệp đã giúp bản thân mình năng động hơn. Nhiều khi phải vắt óc suy nghĩ để tháo gỡ một vài vấn đề như làm thế nào để nước rau má nguyên chất thật ngon để mê hoặc được nhiều người uống, hay để thu hút khách trở lại quán lần 2, lần 3 thì cần làm gì. Với mình, khởi nghiệp rất thú vị, và lẽ ra mình nên khởi nghiệp sớm hơn”.

Rau má pha đến nhiều tỉnh thành

Sau thành công bất ngờ với tiệm rau má pha đầu tiên ở TP.Đà Lạt, Bảo quyết định mở rộng, phát triển kinh doanh ở nhiều nơi. Hiện tại, chuỗi “rau má pha Ông Chín” đã có mặt ở Nha Trang, Lâm Đồng.Tuy nhiên, mong ước của chàng trai này không dừng lại ở đó. “Sau một thời gian kinh doanh, mình đo lường được sự ủng hộ của giới trẻ nói riêng và các thực khách nói chung dành cho thức uống nhiều dưỡng chất này. Sắp tới mình có kế hoạch mở rộng thương hiệu tại Gia Lai, Đắk Lắk, Bình Dương, Đà Nẵng…”, Bảo cho biết.Bảo cho biết thêm, khi kinh doanh về ăn uống, thì dù là món gì, thức uống nào, cũng sẽ gặp những đối thủ cạnh tranh, chứ không riêng gì rau má. “Nhưng mình sẽ tận dụng kinh nghiệm từng làm công nghệ thông tin, quảng bá thương hiệu... để giúp quán của mình được nhiều người biết đến hơn”, Bảo chia sẻ.

Khởi nghiệp từ sản vật địa phương

Dù khởi nghiệp khó khăn nhưng họ chung hoài bão xây dựng thương hiệu riêng, mang lại giá trị cho sản phẩm đặc trưng; tạo việc làm cho vùng nông thôn

Xuất thân từ vùng nông thôn, ông Đào Nguyên Quang Kiệt (SN 1979; chủ cơ sở tre, gỗ Cường Thịnh; xã Bình Thành, huyện Thanh Bình, tỉnh Đồng Tháp) không còn xa lạ với các vật dụng chân quê được làm thủ công từ tre, dùng trong sinh hoạt hằng ngày, như đũa, muỗng, ống đũa, thúng... Vì vậy, ông quyết chí khởi nghiệp từ chính loài cây gắn bó với quê hương này.
Lập doanh nghiệp từ 150.000 đồng
Sau khi tốt nghiệp Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP HCM, ông Kiệt trải qua nhiều công việc. Trong một lần đi thực tế ở khu vực Tây Nguyên, ông bắt gặp nhiều sản phẩm của người dân tộc thiểu số làm bằng tre rất độc đáo. Kể từ lần ấy, trong đầu ông luôn đau đáu cho một tương lai với các sản phẩm từ tre.
Năm 2006, ông Kiệt bỏ ngang công việc đang ổn định, trở về quê hương để thỏa niềm đam mê với sản phẩm từ tre. Song, khó khăn đầu tiên ông vướng phải là nguồn vốn. "Khởi đầu với số vốn vỏn vẹn 150.000 đồng, tôi chỉ mua được chiếc máy mài cũ để gia công sản phẩm. Cơ sở vật chất chủ yếu sử dụng những thứ có sẵn của gia đình. Thời điểm này, chủ yếu tôi chỉ gia công đồ dùng thiết yếu gia đình, quà tặng nhỏ... theo đặt hàng của nhiều người quen trong địa phương" - ông Kiệt kể.
Loay hoay hơn 7 năm, ông Kiệt cũng tích lũy được một ít vốn để mở rộng quy mô sản xuất. Sản phẩm của cơ sở dần được nhiều người biết đến, đơn đặt hàng ngày một tăng, ông phát triển thêm nhiều dòng sản phẩm như: đồ dùng dạy học; đồ chơi gỗ; quà tặng du lịch; đồ nội thất, dịch vụ quán ăn, nhà hàng... Hiện nay, mỗi tháng cơ sở của ông Kiệt nhận được hơn 2.000 đơn đặt hàng trong nước. Ngoài ra, ông còn nhận đặt hàng xuất khẩu sản phẩm sang Canada, Nhật Bản, Ý… Không chỉ làm giàu cho bản thân, ông còn tạo việc làm ổn định cho 55 người tại địa phương.
Mày mò sáng tạo
Không học qua trường lớp thiết kế nhưng qua đôi bàn tay khéo léo, anh Nguyễn Hữu Minh (SN 1994; ngụ xã Mỹ An, huyện Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp) đã thổi hồn vào các sản phẩm thủ công mỹ nghệ bằng tre nứa của mình với sự sinh động, độc đáo và đẹp mắt...
Theo anh Minh, qua gần một năm khởi nghiệp, đến nay đã có hơn 40 mô hình thủ công mỹ nghệ bằng tre, trúc được khách hàng trong và ngoài tỉnh đặt mua. Điểm độc đáo và thu hút khách chính là sự chuyển động của các vật thể trên mô hình, gắn liền với đời sống sinh hoạt của người dân như cối xay bột, giã gạo, chiếc xuồng, lu nước...
Anh Minh kể trước đây tình cờ thấy mô hình mỹ nghệ làm bằng tre trên internet, bản thân anh rất thích và muốn mua về trưng bày. Tuy nhiên, do việc vận chuyển khó khăn nên anh không sở hữu được sản phẩm yêu thích. Để thỏa đam mê, anh mày mò làm thử một vài sản phẩm. "Lúc đầu thực hiện mô hình thủ công mỹ nghệ bằng tre trúc chỉ vì thích. Sau khi đăng lên mạng xã hội thì được bạn bè khen và đặt hàng khá nhiều nên tôi tích cực sản xuất để đáp ứng nhu cầu khách hàng" - anh Minh nhớ lại.
Bắt tay vào thực hiện ý tưởng, anh Minh cũng gặp nhiều khó khăn. Thời gian đầu, anh sử dụng loại tre có sẵn ở địa phương nhưng kết quả không như mong đợi do dễ bị nứt. Dần dà anh cũng hoàn thiện kỹ thuật chế tác, tìm ra nguồn nguyên liệu thích hợp.
Theo ông chủ trẻ này, công đoạn khó nhất của các mô hình tre nứa cỡ nhỏ (kích thước 20 cm x10 cm) dùng để bàn là gắn động cơ hỗ trợ. Riêng những mô hình lớn đặt vào hồ cá, hồ nước thì công đoạn tạo bộ trục quay là khó thực hiện nhất. Mất nhiều thời gian học hỏi, nghiên cứu, cuối cùng anh chọn giải pháp sử dụng nhông để gắn vào bên trong sản phẩm giúp toàn bộ mô hình chuyển động, tạo nét độc đáo.
Về giá, anh Minh cho biết đối với mô hình lớn phải mất 2 tuần mới hoàn thành nên bán khoảng 3 triệu đồng/sản phẩm. Mô hình nhỏ, làm nhanh nên rẻ hơn, dao động từ 250.000-300.000 đồng/sản phẩm. "Mỗi nghề đều có những khó khăn nhất định, vấn đề là bản thân phải có sự đam mê và kiên trì thì mới thành công. Thời gian tới, để khách hàng biết đến sản phẩm của mình nhiều hơn, ngoài việc tận dụng mạng xã hội để quảng bá, tôi dự định làm thêm khoảng 20 mô hình loại nhỏ để giới thiệu tại địa phương" - anh Nguyễn Hữu Minh nói. 
Không chạy theo phong trào
Theo ông Nguyễn Văn Dương, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp, thời gian qua, chính quyền địa phương xác định thúc đẩy khởi nghiệp trên nền tảng đổi mới sáng tạo là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng của cả hệ thống chính trị. Theo đó, các phong trào khởi nghiệp không chỉ là chuyện của doanh nghiệp mà là chuyện của địa phương theo phương châm "bước qua rào cản tư duy nhiệm kỳ", chính quyền các cấp cần là cầu nối để đồng hành cùng các dự án khởi nghiệp. Xây dựng địa phương khởi nghiệp không có nghĩa là Đồng Tháp chạy theo phong trào mà sẽ hướng tới phát triển chiều sâu, căn bản, khuyến khích sáng tạo phù hợp với thực tế.

Áo khoác phao đa năng của sinh viên thắng giải cuộc thi khởi nghiệp

Bề ngoài như chiếc áo khoác thông thường, nhưng khi gặp sự cố trên sông, biển, áo có thể phồng lên nhanh chóng, giúp nâng cơ thể lên, tránh đuối nước

Nhóm sinh viên Trường ĐH Bách khoa, ĐH Đà Nẵng trình bày sản phẩm tại chương trình - Ảnh: TRỌNG NHÂN
Nhóm sinh viên Trường ĐH Bách khoa, ĐH Đà Nẵng trình bày sản phẩm tại chương trình - Ảnh: TRỌNG NHÂN
Áo khoác phao đa năng do nhóm sinh viên Trường ĐH Bách khoa (ĐH Đà Nẵng) sáng chế, giành giải nhất tại cuộc thi Dự án kỹ thuật phục vụ cộng đồng (EPICS), vòng mô phỏng kinh doanh. Chương trình được tổ chức sáng 22-6 tại American Center, thuộc Tổng lãnh sự quán Mỹ tại TP.HCM.
Bạn Đàm Quang Tiến - sinh viên Trường ĐH Bách khoa (ĐH Đà Nẵng) - cho biết sản phẩm dựa trên chiếc áo khoác thông thường nhưng được trang bị các phao nổi ở vùng cổ và 2 tay.
Một hệ thống chứa khí nén CO2 vừa phải nằm gọn trong áo, khi cần thiết có thể ấn nút mở van cho khí làm phồng phao, đưa người nổi lên trên mặt nước.
Ngoài ra, nhóm sinh viên trang bị thêm các bảng phản quang ở tay và lưng, và thiết kế khoa học nơi đựng dụng cụ như còi, đèn và dao… giúp có thể sinh tồn trong những tình huống thất lạc sau tai nạn.
"Tụi mình kết hợp phao với áo khoác sẽ giúp tiện lợi cho người dân đi biển. Chúng mình sẽ lên kế hoạch phát triển sản phẩm, trước hết ở khu vực miền Trung rồi ra cả nước", Tiến cho biết thêm trong các thử nghiệm, tất cả tình nguyện viên mặc áo khoác phao đều nổi.
Theo TS Nguyễn Thị Anh Thư - Trường ĐH Bách khoa (ĐH Đà Nẵng), sản phẩm là nỗ lực rất lớn của nhóm sinh viên nghiên cứu. Dù vậy cô Thư cho rằng khó khăn hiện tại nằm ở khâu đưa ra thị trường, bởi các em chủ yếu là dân kỹ thuật, không biết nhiều về những vấn đề kinh tế.
Cuộc thi EPICS do Cơ quan phát triển quốc tế Mỹ (USAID), ĐH bang Arizona (ASU) và Chương trình STEM Dow Việt Nam tổ chức, thu hút sinh viên từ nhiều trường ĐH trên cả nước tham dự như Trường ĐH Bách khoa (ĐH Đà Nẵng), Trường ĐH Cần Thơ, Trường ĐH Lạc Hồng, Trường ĐH Sư phạm - kỹ thuật TP.HCM, Trường ĐH Bách khoa (ĐH Quốc gia TP.HCM), Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM…
Buổi mô phỏng kinh doanh ngày 22-6 cũng là một trong số ít cuộc thi về khoa học kỹ thuật - đổi mới sáng tạo giữa các trường đầu tiên diễn ra sau giai đoạn giãn cách xã hội vì dịch COVID-19.
Trong chương trình, 9 đội thi trình bày các sản phẩm sáng tạo của mình trước chuyên gia, đại diện doanh nghiệp để gọi vốn đầu tư.
Ngoài chiếc áo phao đa năng, chương trình còn ghi nhận nhiều sáng tạo có giá trị thực tiễn như giày chỉ đường cho người mù, máy phun thuốc trừ sâu an toàn, phần mềm chống điểm mù cho các tài xế xe tải hay container…

Microsoft mua lại công ty khởi nghiệp về an ninh mạng

Với việc mua lại CyberX, Microsoft sẽ có được công nghệ bổ sung để giám sát phần cứng của công ty như máy ảnh, điện thoại và hệ thống kiểm soát công nghiệp các lỗ hổng bảo mật.

Microsoft hôm 22.6 cho biết đã mua lại CyberX, công ty khởi nghiệp về an ninh mạng tập trung vào các thiết bị công nghiệp được kết nối internet. Hiện điều khoản chi tiết của thỏa thuận vẫn chưa được tiết lộ, nhưng theo một báo cáo từ tờ Globes của Israel hồi tháng trước, Microsoft đã đàm phán để trả 165 triệu USD cho thương vụ này.Trong những năm gần đây, Microsoft đã trở nên quan tâm nhiều hơn đến việc quản lý hệ thống Internet vạn vật (IoT). Năm 2018, ông lớn công nghệ Mỹ công bố cam kết chi 5 tỉ USD cho IoT trong vòng bốn năm. Microsoft năm ngoái cũng đã mua Express Logic, công ty chuyên xây dựng hệ điều hành cho các thiết bị được kết nối. Hiện Microsoft cung cấp các sản phẩm bảo mật trên một số danh mục, bao gồm phần mềm chống virus và dịch vụ bảo mật cho việc sử dụng các ứng dụng đám mây.
Mua lại CyberX sẽ giúp Microsoft có được công nghệ bổ sung để giám sát phần cứng của công ty. Ngoài ra, tập đoàn công nghệ đa quốc gia của Mỹ hy vọng sẽ tích hợp CyberX với các dịch vụ khác của mình, bao gồm Azure Sentinel, hệ thống quản lý sự kiện và thông tin bảo mật (SIEM) dựa trên nền tảng đám mây và trí tuệ nhân tạo, để chống lại các mối đe dọa về bảo mật.“CyberX sẽ bổ sung khả năng bảo mật cho Azure Sentinel và mở rộng sang các thiết bị hiện có được sử dụng trong IoT công nghiệp, công nghệ vận hành và các bối cảnh công nghệ hạ tầng. Với CyberX, khách hàng có thể khám phá các tài sản IoT hiện có của mình và quản lý, cải thiện bảo mật của các thiết bị đó. Khách hàng cũng có thể xem bản đồ kỹ thuật số của hàng ngàn thiết bị trong nhà máy hoặc tòa nhà, và thu thập thông tin về hồ sơ tài sản, cũng như các lỗ hổng bảo mật của họ”, Michal Braverman-Blumenstyk và Sam George, hai phó chủ tịch của Microsoft, viết trong một bài đăng trên blog.Theo dữ liệu của LinkedIn, CyberX được thành lập vào năm 2013 và có trụ sở tại Waltham, Massachusetts (Mỹ), với hơn 150 nhân viên. Trang Crunchbase cho biết công ty khởi nghiệp này đã từng huy động được khoảng 47 triệu USD từ các nhà đầu tư như Qualcomm và Norwest Venture Partners.

Từ bỏ công việc tại sân bay, 9X về bán tôm hùm ngày thu 50 triệu đồng

Từng làm lễ tân trong phòng chờ thương gia tại Cảng hàng không Tân Sơn Nhất, chàng trai sinh năm 1995 Nguyễn Thanh Huy đã từ bỏ công việc “vạn người mơ” để khởi nghiệp với con tôm hùm.

Từng làm lễ tân trong phòng chờ thương gia tại Cảng hàng không Tân Sơn Nhất, chàng trai sinh năm 1995 Nguyễn Thanh Huy đã từ bỏ công việc “vạn người mơ” để khởi nghiệp với con tôm hùm.
“Tuổi thơ của tôi với những con tôm hùm này cực quá. Nhà tôi nuôi tôm từ hồi tôi còn bé xíu, sáng nào cũng ra biển phụ ba mẹ cho tôm ăn, dãi nắng dầm mưa ngoài biển, tóc không cần nhuộm lúc nào cũng vàng hoe”, anh Huy nói.
Anh Huy và mô hình bán tôm hùm take away đầu tiên tại Sài Gòn.
Anh Huy và mô hình bán tôm hùm take away đầu tiên tại Sài Gòn.
Lớn hơn 1 chút, buổi sáng đi học, buổi chiều anh Huy lại lại xách búa, xách ván ra biển cùng ba đập lồng.
“Hồi đó, nhà tôi nuôi tôm hùm bông, nuôi 12 tháng mới cho thu hoạch, mỗi lần thu xong thì lồng bị san hô, hàu đóng cứng ngắc. Tôi đứng bên ngoài, dùng hết sức nện búa vào chỗ ván bố tôi giữ phía trong lồng. Vừa mệt, vừa hôi hám vừa bẩn. Chưa kể tối tối lại tự mình chạy ghe ra bè trông coi mấy con tôm, xung quanh tối thui không có ánh đèn. Nhiều lần mưa gió, sóng đánh vào chỗ ngủ, nằm co ro chờ trời sáng, ướt nhèm nhẹp”, anh Huy bộc bạch.
Chính bởi những khó khăn từ việc nuôi tôm hùm mà sau này lớn lên, đi học rồi đi làm tại Sài Gòn, anh nghĩ sẽ không bao giờ nối nghiệp gia đình, làm gì cũng được miễn không bao giờ liên quan đến những con tôm hùm nữa.
Vừa học vừa làm nhân viên phục vụ tại sân bay, ra trường, anh Huy đã cố gắng và nỗ lực hết mình, qua 3-4 lần phỏng vấn để ứng tuyển vào vị trí lễ tân phòng chờ thương gia trong sân bay.
Khi có được công việc mơ ước với mức lương khoảng 20 triệu đồng/ tháng nhưng bù lại là những công việc lặp đi lặp lại và bận rộn đến mức không có thời gian về thăm nhà.
“Lúc ấy, nhìn những con tôm hùm được bày bán tại nhà hàng với giá đắt đỏ lại khiến tôi nhớ ba mẹ, nhớ chòi canh tôm, nhớ vị mặn mòi của biển đã gắn bó suốt hơn 20 năm qua. Tôi nghĩ, con tôm hùm quê mình rẻ quá, ngon quá nhưng ít người biết đến hoặc có biết thì người dân phải mua với giá rất cao. Thế là tôi quyết định nghỉ việc để đi bán tôm hùm tại Sài Gòn”, anh Huy kể.
Giấu ba mẹ chuyện nghỉ việc tại sân bay, anh Huy tự mình đi thuê mặt bằng rồi bắt tay vào làm mọi thứ để mở cửa hàng bán tôm hùm vào đầu năm 2019.
“Đến ngày khai trương cửa hàng ba mẹ tôi mới biết, lúc đó 2 người giận tôi lắm. Dần dần, thấy tôi làm ăn tốt, quán đông khách lại có cơ hội về quê nhiều hơn nên ba mẹ tôi hết giận”.
Chọn những con tôm hùm ngon nhất ở Cam Ranh sau đó chế biến, chặt đôi bán ra với giá chỉ từ 168.000 - 218.000 đồng/ con loại từ 0,2-0,4kg kèm nước sốt. Giá rẻ, tôm ngon lại là mô hình bán tôm hùm mang đi duy nhất tại Sài Gòn thời điểm đó nên lượng khách đông chóng mặt, anh Huy phải thuê thêm 3 nhân viên phụ giúp.
“Tôi chỉ làm tôm hùm luộc mà không hấp, nướng hay xào nấu vì ở quê của tôi, dân nuôi tôm chỉ ăn tôm luộc để giữ lại hương vị thật nhất của tôm hùm. Tôm hùm được luộc đúng cách, đúng nhiệt độ, đúng thời gian mới giữ được hương vị thật của tôm và ngon nhất, vừa ngọt vừa dai và thơm mùi biển cả”, anh Huy cho hay.
Trung bình, mỗi ngày, từ 11h sáng đến 9 giờ tối, anh Huy bán được từ 30-40kg tôm hùm. Có những ngày đông khách đỉnh điểm, anh bán được cả tạ tôm, mang về doanh thu khoảng 50 triệu đồng.
“Tới thời điểm này tôi vẫn không thể tưởng tượng được tại sao ngày xưa mình liều thế. Dám từ bỏ công việc ổn định, lương cao ở sân bay để đi bán tôm hùm. Nhưng đổi lại, tôi thật sự cảm thấy vui và hài lòng với công việc hiện tại vì cảm giác mình vừa đem lại cái gì đó mới mẻ khi mang con tôm hùm đến với tất cả mọi người”, anh Huy cho biết.

Những start-up "độc đáo" nhất mùa COVID-19

Chia sẻ của ba nhà khởi nghiệp đã xây dựng nên những mô hình kinh doanh nhằm đối phó với sự cô đơn trong đại dịch COVID-19.

Với tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, nhiều nơi đã quay trở lại áp dụng các biện pháp cách ly xã hội. Trong khi cách ly xã hội là một thách thức đối với nhiều người, một số khác đã biến cuộc khủng hoảng thành một cơ hội lớn. Dưới đây là chia sẻ của ba nhà khởi nghiệp đã xây dựng nên những mô hình kinh doanh nhằm đối phó với sự cô đơn trong đại dịch COVID-19.
Khắc phục khoảng cách về vật lý
Ngay cả trước khi virus corona bùng phát, sự cô đơn đã trở nên ngày càng phổ biến trong xã hội. Trong thời đại của kết nối và các ứng dụng xã hội, sự cô đơn càng có sức lan tỏa mạnh mẽ hơn. Ngày nay, gần hai phần ba (61%) người trưởng thành ở Mỹ cho biết họ cảm thấy cô đơn - tăng từ con số 54% trong năm 2018.
Điều đó có thể gây ảnh hưởng lớn tới sức khỏe con người. Các nghiên cứu cho thấy những người mắc chứng cô đơn có thể dễ gặp phải các vấn đề sức khỏe hơn, chẳng hạn như đột quỵ, bệnh tim và tử vong sớm.
Thấu hiểu điều này, Karen Dolva, 29 tuổi, đã đồng sáng lập ra "No Isolation".
Trong 5 năm qua, những nhà khởi nghiệp người Na Uy đã nghiên cứu nhằm giải quyết nỗi cô đơn và các vấn đề sức khỏe liên quan đối với trẻ em và người già, thông qua một loạt các sản phẩm công nghệ. Những sản phẩm này có tác dụng bắt chước tương tác vật lý và khiến việc giao tiếp trở nên dễ dàng hơn, bao gồm một robot cảm biến cho trẻ em và một máy tính bảng đơn giản cho người già. Nhưng cho đến khi đại dịch bùng phát, vấn đề này mới trở nên nghiêm trọng hơn bao giờ hết.
Các sản phẩm đã giúp nhiều người cao tuổi liên lạc với những người thân yêu khi họ phải ở trong nhà. Kể từ khi dịch bệnh bùng phát, trung bình mỗi người dùng máy tính bảng nhận được hơn tám cuộc gọi mỗi tuần - tăng từ con số hai cuộc gọi trong những tháng trước. Dolva cho biết điều này phản ánh sự gia tăng những người đăng ký và chia sẻ video với các thành viên lớn tuổi trong gia đình.
"Thật tuyệt vời khi thấy nó hoạt động như thế nào, bởi ngày càng có nhiều người sử dụng", Dolva nói. "Người dùng đã nhận được trung bình 17 bức ảnh mỗi tuần. Đối với những người lớn tuổi, mỗi bức ảnh đều có ý nghĩa như một tấm bưu thiếp."

Quản lý sức khỏe tâm thần

Bên cạnh tác động vật lý, sự cô lập còn có thể gây ra những trở ngại lớn về mặt tâm lý.
Vào tháng 3, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã đưa ra các hướng dẫn nhằm đối phó với các ảnh hưởng sức khỏe tâm thần do đại dịch corona.
Đó là điều mà Calvin Benton, đồng sáng lập Spill - có trụ sở tại U.K., đã cố gắng giải quyết. Kể từ khi ra mắt vào năm 2018, nền tảng sức khỏe tâm lý này đã cung cấp nơi trị liệu trực tuyến thông qua công cụ nhắn tin Slack.
Khi ngày càng có nhiều người phải làm việc tại nhà, dịch vụ này đã trở nên quan trọng hơn bao giờ hết, nhà sáng lập 27 tuổi chia sẻ.
"Trong hai tháng qua, có quá nhiều điều bất ngờ xảy ra. Chúng tôi đã nhận được nhiều yêu cầu gửi đến Spill hơn so với cả hai năm trước đó", Benton, người đã phải xây dựng phương thức nhằm rút ngắn thời gian đăng ký xuống dưới 10 phút.
Nhu cầu không chỉ đến từ các nhà tuyển dụng. Khi các cá nhân phải đối mặt với những lo lắng mới xung quanh công việc và sức khỏe, các nhân viên đã sử dụng các dịch vụ của Spill nhiều hơn gấp bốn lần so với thông thường, Benton cho biết.
"Điều mà chúng ta thật sự nhìn thấy là sự gia tăng trong nhu cầu được hồi đáp. Có rất nhiều sự không chắc chắn về việc những gì sẽ xảy ra trong những tuần tới, tháng tới, và tôi cho rằng một điều khá thú vị ở đây là các nhà trị liệu của chúng tôi ít nhất có thể dự đoán được khía cạnh cảm xúc của con người trước những việc trên sẽ diễn ra như thế nào."
Đó cũng là tín hiệu tốt cho các nhà trị liệu, những người đã có thể bổ sung nguồn thu nhập bị mất từ các cuộc hẹn trực tiếp bằng các lựa chọn trực tuyến. Trong khi đó, Spill đã triển khai các dịch vụ công cộng - chẳng hạn như ‘hỏi-đáp các chuyên gia trị liệu" trên các story của Instagram, và các buổi trị liệu miễn phí cho những người đã nghỉ việc để giúp đỡ họ. Benton cho biết: "Chúng tôi biết rằng những việc chúng tôi đang làm rất tuyệt vời, và nó giống như một chiến dịch nâng cao nhận thức."

Đánh bại sự buồn chán

Trong khi sự cô lập có thể gây tổn hại về thể chất và tinh thần cho một số người, thì sự nhàm chán cũng đang gây ra ngột ngạt cho không ít người khác.
Đó là điều mà Danielle Baskin, đồng sáng lập của "QuarantineChat", một ứng dụng kết nối người lạ thông qua các cuộc gọi điện thoại hàng ngày ngẫu nhiên, hướng tới giải quyết.
Cô cùng đồng sáng lập của mình, Max Hawkins, đã xây dựng dịch vụ này trên ứng dụng trò chuyện Dialup đã được lập trình trước của họ vào tháng 3, ngay sau khi thông báo ở nhà được thực hiện ở Mỹ. Nhưng ý tưởng này đã được truyền cảm hứng từ rất lâu trước đó, khi Baskin có trải nghiệm bị cách ly do bệnh bệnh bạch cầu đơn nhân, còn được gọi là sốt viêm tuyến bạch cầu.
"Lúc đó, tôi chỉ nghĩ sẽ thật tuyệt nếu có thể được trò chuyện ngay bây giờ với một ai đó có cùng hoàn cảnh. Vì vậy, khi virus corona trở nên nghiêm trọng, ý tưởng này đã quay trở lại sau nhiều năm". Và ứng dụng đã ra đời. Hiện tại, QuarantineChat chịu trách nhiệm cho 2.300 giờ - hoặc hơn 95 ngày - số lượng các cuộc gọi mỗi tuần trên 183 quốc gia.
"Chúng tôi nghĩ rằng nó sẽ là một cách rất đơn giản để mọi người động viên nhau, hoặc đó là những khoảnh khắc nói chuyện với một barista hoặc nói chuyện với hàng xóm của bạn", Baskin nói. "Nhưng điều quan trọng ở đây là mọi người đã thực sự nói chuyện điện thoại trong một khoảng thời gian dài và trở thành bạn bè."
"Tôi làm việc này có lẽ đến 18 giờ một ngày. Hiện tại, chúng tôi đang xây dựng một hệ thống trong ứng dụng, mà nếu bạn muốn nói chuyện với ai đó, bạn có thể kết nối lại với họ sau đó. Đây là một yêu cầu mà tất cả mọi người đều mong muốn", Baskin cho biết.

Triển vọng dài hạn

Xây dựng một doanh nghiệp giữa đại dịch là điều không dễ dàng. Ngoài những khó khăn về tài chính và hậu cần, rất khó để nắm bắt về môi trường và các hướng đi trong tương lai, cũng như xu hướng của người tiêu dùng sẽ như thế nào.
Tuy nhiên, Eric Ries, tác giả của cuốn sách kinh doanh bán chạy nhất "The Lean Startup", chia sẻ rằng bây giờ có thể là thời điểm tốt để tìm giải pháp cho những vấn đề thực sự mà mọi người đang gặp phải, bởi "hầu hết các công ty vĩ đại nhất mà bạn biết đều sinh ra trong khủng hoảng."
Tuy nhiên, Ries nói rằng các doanh nghiệp, đặc biệt là các công ty mới khởi nghiệp, nên xây dựng một tầm nhìn dài hạn thay vì chỉ trả lời các vấn đề cụ thể cho thời điểm này.
"Chúng ta sẽ không ở trong tình trạng khẩn cấp này mãi mãi. Một trong số những doanh nghiệp này sẽ chứng kiến một sự gia tăng lớn về nhu cầu và sau đó khi bình thường lặp lại, sự sụt giảm sẽ đến. Chúng tôi thực sự muốn suy nghĩ sâu sắc về khuôn khổ dài hạn mà có thể đặt nền móng cho sự phát triển bền vững của công ty, ngay cả khi sự bình thường quay trở lại."

Startup thiết kế Canva được định giá 6 tỷ USD trong vòng gọi vốn mới

Startup phần mềm thiết kế đồ họa Canva của Australia vừa gọi vốn thành công, nâng giá trị của công ty lên mức 6 tỷ USD.

Vòng huy động vốn gần nhất của Canva đã đem về 60 triệu USD, nâng giá trị của công ty lên gấp đôi mức 3,2 tỷ USD năm ngoái, biến startup có trụ sở tại Sydney này trở thành công ty công nghệ tư nhân giá trị nhất Australia.

COO Cliff Obrecht chia sẻ tại một buổi phỏng vấn rằng vòng huy động vốn này dẫn dầu bởi Blackbird Ventures và Sequoia China, với sự tham gia của nhiều nhà đầu tư trước đó của công ty bao gồm General Catalyst Partners, quỹ mạo hiểm và trái phiếu Felicis.

Canva được đồng sáng lập bởi CEO Melanie Perkins, Obrecht và Cameron Adams vào năm 2012 và bắt đầu hoạt động trong năm tiếp theo. Hệ thống website và ứng dụng của Canva cho phép người dùng cá nhân và doanh nghiệp tạo biểu ngữ, logo, đồ họa cho truyền thông xã hội và các buổi thuyết trình.

Canva vận hành trên mô hình “freemium”, với các tùy chọn có sẵn miễn phí hoặc trả phí. Doanh nghiệp này đang trên đà phát triển tốt và hợp tác với nhiều công ty như Hubspot, Warner Music Group, Skyscanner và American Airlines Group. Theo CEO Obrecht, hiện nay Canva có hơn 1,5 triệu người dùng trả phí.

Công ty dự định sử dụng nguồn vốn huy động mới để mở rộng các tính năng cho phép người dùng cùng cộng tác làm việc trong thời gian thực. Theo số liệu của PitchBook Data, Canva đã huy động được hơn 250 triệu USD.

Obrecht chia sẻ, “Bây giờ bạn có thể có 100 người cùng làm việc một lúc”. Một trong những tính năng chính Canva tung ra trong đại dịch Covid-19 là “brainstorming” (thảo luận). “Tính năng này thay thế cho việc mọi người đứng quanh bảng trắng và dán giấy ghi chú để đưa ra ý tưởng”, ông nói.

“Chúng tôi đã hoàn thành bản kỹ thuật số của tính năng trên. Tính năng cộng tác đồng thời hiện đang trong quá trình phát triển".

Vào năm ngoái, Canva, công ty có hơn 30 triệu người dùng hoạt động hàng tháng này, đã mua lại trang web nội dung miễn phí Pexels và Pixabay. Có thể thấy từ trang web của Canva rằng thỏa thuận đồng nghĩa với việc bổ sung hơn 1 triệu hình ảnh lưu trữ, véc-tơ và hình minh họa vào nền tảng vốn có.

Quỹ đầu tư khởi nghiệp tại Việt Nam tăng ‘nóng’

Trong năm 2019, có 61 quỹ đầu tư, phần lớn là nước ngoài, có hoạt động đầu tư vào doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam, tăng 50% so với năm 2018.

Báo cáo về kết quả hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp, ông Phạm Hồng Quất – Cục trưởng Cục Phát triển thị trường và Doanh nghiệp KH&CN, nhận định: “Hoạt động của hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam năm 2019 đã có những bước phát triển đáng kể”.
Cụ thể, báo cáo của quỹ đầu tư ESP Capital và Cento Ventures cho thấy, Việt Nam vươn lên đứng thứ 3 trong số các quốc gia ASEAN về tốc độ tăng trưởng của hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo, chỉ sau Indonesia và Singapore; lượng vốn đầu tư mạo hiểm tăng từ 5% năm 2018 lên 17% trong tổng vốn đầu tư cho startup ở khu vực.
Hiện tại, Việt Nam đang trong giai đoạn quan trọng khi các thành phần chính của nền kinh tế kỹ thuật số đang bắt đầu thành hình. Báo cáo gần đây của Standard Chartered dự đoán rằng tốc độ tăng trưởng GDP của Việt Nam sẽ duy trì ở mức khoảng 7% đến năm 2020 và GDP bình quân đầu người sẽ vượt qua mốc 10.000 USD vào năm 2030.
Hơn nữa, đặc điểm nhân khẩu học gồm 60% là dân số trẻ dưới 35 tuổi sẽ tạo điều kiện thuận lợi để phát triển di động và internet, mang lại thêm 10 triệu người tiêu dùng trực tuyến vào năm 2023.
Hiện cả nước có khoảng 2.000 doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo với các lĩnh vực như: công nghệ, thương mại điện tử, công nghệ giáo dục, công nghệ nông nghiệp, công nghệ tài chính, công nghệ y tế và du lịch.
So với năm 2018, số cơ sở ươm tạo cũng tăng thêm 10, lên 48 cơ sở; khu làm việc chung tăng 2,5 lần, lên 184 khu.
Đặc biệt, trong năm 2019, có 61 quỹ đầu tư, phần lớn là nước ngoài, có hoạt động đầu tư vào doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam, tăng 50% so với năm 2018.
Tổng số vốn đầu tư cho doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam năm 2019 đạt 851 triệu USD. Trong nửa đầu năm 2020, con số này đạt 184 triệu USD với 28 thương vụ mới được thực hiện.
Theo các chuyên gia, nguồn vốn đầu tư được xác định là 1 trong 4 trụ cột chính của hệ sinh thái khởi nghiệp Việt Nam. Những năm gần đây, vốn đầu tư khởi nghiệp tăng nhanh, nhưng vẫn chưa thể thỏa mãn “cơn khát” của các startup Việt Nam.
Một tín hiệu đáng mừng là năm qua, số lượng các quỹ đầu tư trong và ngoài nước cho khởi nghiệp sáng tạo đang có xu hướng gia tăng sự hiện diện. Các quỹ ngoại như CyberAgent, 500 Startups, Golden Gate Ventures… hiện đã mở văn phòng tại Việt Nam.
Trong số các quỹ nội địa như VietCapital Ventures, Startup Viet Partners, Teko Ventures đang có những hoạt động tích cực. Song song với đó, nhiều tập đoàn lớn trong nước đã tham gia vào đầu tư mạo hiểm như FPT, Viettel, Vingroup, CMC, CenGroup…