Thủ tướng Phạm Minh Chính quyết định thành lập Hội đồng quốc gia về Khoa học công nghệ và Đổi mới sáng tạo do ông làm Chủ tịch.
Quyết định ký ngày 14/2. Phó thủ tướng Trần Lưu Quang là Phó chủ tịch thường trực, Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt là Phó chủ tịch.
Hội đồng quốc gia về Khoa học công nghệ và Đổi mới sáng tạo là tổ chức phối hợp liên ngành, có nhiệm vụ nghiên cứu, tư vấn, khuyến nghị, đề xuất với Thủ tướng phương hướng, giải pháp để giải quyết những vấn đề quan trọng, liên ngành trong xây dựng và tổ chức thực hiện các chủ trương, chiến lược, cơ chế, chính sách thúc đẩy phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.
Hội đồng giúp Thủ tướng chỉ đạo, phối hợp giữa các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND tỉnh, thành phố trong quá trình thúc đẩy khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đóng góp vào phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng an ninh và hội nhập quốc tế; thực hiện các nhiệm vụ khác được Thủ tướng giao.
Một gian hàng tại Techconnect 2023 với loạt giải pháp về trung tâm kiểm soát an ninh đường phố và các cơ quan, nhà máy. Ảnh: Lưu Quý
Các thành viên Hội đồng làm việc theo quy chế do Chủ tịch Hội đồng ban hành. Chủ tịch, Phó chủ tịch thường trực Hội đồng dùng con dấu của Thủ tướng; Phó chủ tịch Hội đồng là Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ dùng con dấu của Bộ Khoa học và Công nghệ.
Bộ Khoa học và Công nghệ là cơ quan thường trực của Hội đồng. Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ sử dụng bộ máy hiện có, tổ chức bộ phận chuyên môn giúp việc cho Hội đồng, bảo đảm không phát sinh biên chế. Các thành viên của Hội đồng làm việc theo chế độ kiêm nhiệm, đề cao trách nhiệm cá nhân và được hưởng các chế độ theo quy định hiện hành.
Chiến lược phát triển khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo đến 2030 đặt mục tiêu Việt Nam lọt top 40 quốc gia đổi mới sáng tạo. Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo sẽ đóng vai trò quan trọng phát triển công nghiệp mũi nhọn, trọng tâm là công nghiệp chế biến, chế tạo, đưa Việt Nam trở thành nước có công nghiệp hiện đại vào năm 2030. Đến năm 2030, tỷ trọng giá trị sản phẩm công nghiệp công nghệ cao trong các ngành chế biến, chế tạo đạt tối thiểu 45%.
Theo Chiến lược này, doanh nghiệp được xác định là trung tâm, viện trường là chủ thể nghiên cứu mạnh; Nhà nước điều phối, kiến tạo môi trường thể chế. Khoa học công nghệ sẽ đóng góp vào tăng trưởng kinh tế thông qua chỉ số năng suất nhân tố tổng hợp (TFP) trên 50%.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét