Thứ Bảy, 17 tháng 2, 2024

Robot Trung Quốc 'tìm đường' thống trị nhà máy

Dùng để lắp ráp máy móc phục vụ nhà kho, robot Trung Quốc đang ngày càng được ưa chuộng nội địa và gia tăng thị phần quốc tế.

Xưởng sản xuất của CGXI có rất nhiều quầy kệ và 3 dây chuyền lắp ráp. Mỗi chuyền dài khoảng 10 m, với các cánh tay robot màu trắng và xanh lá cây bận rộn lấy ốc vít, bu lông để lắp ghép sản phẩm.

CGXI là startup có 300 nhân viên, trụ sở tại Vô Tích. Họ chuyên sản xuất "cobot" (viết tắt của "robot" và "collaborative"), tức là các robot công nghiệp nhỏ có khả năng làm việc chung với con người.

Tại xưởng của công ty, robot sản xuất ra robot. Tuy nhiên, startup này vẫn chưa đạt được mức độ tự động hóa cao do sản lượng còn nhỏ. Nhưng nhờ một ngân hàng đầu tư đại chúng rót tiền mới đây, họ đang chuẩn bị mở nhà máy hoàn toàn tự động mới, tối ưu hóa cho sản xuất quy mô lớn hơn.

Robot đang là thị trường tiềm năng. Theo Liên đoàn Robot Quốc tế (IFR), Trung Quốc sản xuất 290.000 robot công nghiệp, chiếm hơn một nửa thế giới năm 2022. Viện Điện tử Trung Quốc kỳ vọng thị trường này sẽ trị giá 11,5 tỷ USD vào 2024.

Các nhà máy tại Trung Quốc đang ngày càng tự động hóa. Với dân số trong độ tuổi lao động giảm kể từ năm 2010 và tiền lương ngày càng tăng, nước này không còn hấp dẫn các công ty đa quốc gia đang tìm kiếm lao động giá rẻ. Vì vậy, để tiếp tục là công xưởng của thế giới, cơ quan chức năng biết rằng họ cần sự chuyển đổi.

Hàng chục kế hoạch hỗ trợ đã được đưa ra ở cả cấp trung ương và địa phương. Từ 2015, Quảng Đông thông qua kế hoạch trị giá 950 tỷ nhân dân tệ (133 tỷ USD) để thay thế con người bằng robot. Đầu năm 2023, chính phủ công bố "Kế hoạch hành động Robot+" nhằm phát triển tự động hóa hầu hết lĩnh vực từ công nghiệp đến nông nghiệp và y tế.

Với 322 robot trên 10.000 công nhân, Trung Quốc xếp thứ 5 thế giới về tự động hóa sản xuất, sau Hàn Quốc (1.000 robot trên 10.000 công nhân), Singapore, Nhật Bản và Đức, nhưng trên Mỹ (272 trên 10.000) và Pháp. Tỷ lệ thiết bị này đặc biệt ấn tượng vì chi phí lao động ở Trung Quốc vẫn thấp hơn nhiều các nước phát triển.
Ngành robot công nghiệp đến nay vẫn bị chi phối bởi các nhà sản xuất lâu đời như ABB (Thụy Sĩ), Fanuc và Yaskawa (Nhật Bản), nhưng các công ty Trung Quốc như Estun và Inovance đang đánh chiếm thị phần dần.

Kể từ khi kế hoạch "Made in China 2025" được tung ra năm 2015, Bắc Kinh đặt mục tiêu thay thế robot nhập khẩu bằng hàng nội địa. Theo MIR Databank, các nhà sản xuất địa phương đã tăng hơn gấp đôi thị phần, từ 17,5% năm 2015 lên 35,5% vào 2022. Hồi 2016, nhà sản xuất thiết bị gia dụng Trung Quốc Midea chi 4,5 tỷ euro để mua hãng robot Kuka (Đức) chứng tỏ sự quan tâm của nước này.

Để lựa chọn robot, các công ty công nghiệp tập trung vào tốc độ và độ chính xác của các chuyển động, cũng như thời gian trung bình giữa các lần hỏng hóc. Các nhà sản xuất lâu đời đến nay tạo nên sự khác biệt và thống trị nhờ các tiêu chí này.
Cánh tay hàn robot được sử dụng trong sản xuất ôtô do Siasun phát triển, tại Hội nghị Robot Thế giới Bắc Kinh (WRC) 2023 ngày 17/8/2023. Ảnh: AFP

Tại Trung Quốc, ngành điện tử tiêu thụ một phần ba lượng robot công nghiệp, tiếp đến là ôtô và năng lượng tái tạo, theo IFR. Wang Feili, chuyên gia máy công cụ tại UBS Securities, cho biết các hãng xe điện đang dần chấp nhận robot nội địa.

"Nhiều thương hiệu xe điện cởi mở hơn với chuỗi cung ứng nội địa. Một số đang thử nghiệm robot Trung Quốc, ngay cả khi việc ứng dụng còn hạn chế", ông nói. Riêng BYD đã mua 20.000 robot năm 2022, trong đó có 1.000 "cobot" từ hãng Aubo, đối thủ CGXI.

CEO CGXI Wei Hongxing ước tính robot của họ nội địa hóa được 30% linh kiện. Tuy nhiên, chip điện tử và phần mềm vẫn phải nhập khẩu. CGXI thành lập năm 2018 bởi Ji Feng, một kỹ sư tự động hóa công nghiệp. Startup bán được 1.000 cobot vào 2023, chủ yếu cho Huawei, Xiaomi, BMW và Volkswagen.

Họ đang đặt cược vào thị trường cobot đang bùng nổ. Không giống như những loại robot lớn nhưng cần được bảo vệ bằng lồng trong nhà máy, những robot nhỏ này dễ dàng hòa nhập vào dây chuyền sản xuất, làm việc chung với con người.

CGXI dự định gia tăng lợi thế cạnh tranh về dịch vụ và phần mềm. "Trình độ chuyên môn của công nhân Trung Quốc thấp hơn ở châu Âu, vì vậy chúng tôi cố gắng tạo ra những cobot dễ sử dụng", nhà sáng lập Ji Feng nói.

Trong khi robot công nghiệp còn đang tìm cách cạnh tranh với phương Tây và Nhật Bản, mảng robot di động của Trung Quốc thậm chí có lợi thế vượt trội. Robot di động thường được sử dụng để phân loại hàng hóa trong kho, dọn dẹp khu vực công cộng hoặc di chuyển đồ đạc trong bệnh viện.

Theo Viện nghiên cứu công nghiệp robot Gaogong, doanh số robot di động tại Trung Quốc ước đạt 102.000 chiếc vào năm ngoái, tăng 34 lần so với 2013. Đến 93% thị phần thuộc về hàng nội địa. Giám đốc Viện Lu Hanchen nói lý do nhờ Trung Quốc gia nhập thị trường sớm ở mảng robot di động, đồng thời cung cấp dịch vụ và giá cả tốt hơn.

Jiang Chao, Nhà sáng lập kiêm CEO công ty robot di động Syrius cho biết các sản phẩm do Trung Quốc sản xuất có lợi thế đáng chú ý về giá. Ví dụ, sản phẩm của một đối thủ Nhật Bản giá 10.000 yen (68 USD) cho mỗi kg tải trọng, trong khi sản phẩm của Syrius chỉ bằng một nửa.

Lợi thế nhờ chi phí chuỗi cung ứng thấp hơn, bao gồm giá chip và cảm biến, cũng như việc tối ưu hóa phần mềm và thuật toán. Khả năng sản xuất quy mô lớn cũng đã khuếch đại lợi thế về chi phí của hàng Trung Quốc.

Hơn nữa, các công ty Trung Quốc đã đi theo những con đường khác biệt nhằm cải tiến sản phẩm những năm gần đây để cạnh tranh. Guan Jian, Giám đốc tiếp thị Youibot Robotics cho biết họ chủ yếu tập trung vào việc cải tiến phần mềm, trong khi các công ty nước ngoài nỗ lực cải tiến phần cứng.

Trên toàn cầu, robot di động Trung Quốc chiếm hơn một nửa thị phần. Riêng với Syrius, doanh thu từ xuất khẩu đã chiếm hơn 70%. Libiao Robotics, nhà cung cấp giải pháp hậu cần thông minh, đang xem xét xây dựng nhà máy ở Nhật Bản.

Theo Lu Hanchen, các nhà phát triển robot di động của Trung Quốc là những người đi đầu toàn cầu về khả năng cạnh tranh và đã thiết lập được mức độ thống trị nhất định ở Nhật Bản và Hàn Quốc.

Phiên An (theo Le Monde, YiCai)

Không có nhận xét nào: