Nhiều chuyên gia đề xuất cần nâng cao giá trị hạt gạo, tận dụng phụ phẩm nông nghiệp thay cho biện pháp tăng vụ, chạy theo sản lượng, tiềm ẩn nhiều rủi ro.
Ý kiến tăng vụ được GS Võ Tòng Xuân đưa ra trong bối cảnh giá lúa gạo tăng cao, nông dân lãi gần gấp đôi so với trước. Là nhà khoa học hàng đầu về nông nghiệp Việt Nam, ông Xuân cho biết với trình độ sản xuất được nâng cao, áp dụng khoa học kỹ thuật, giống ngắn ngày có thể giúp nông dân một năm làm 4 vụ, tăng thu nhập. Tuy nhiên việc thêm vụ cần áp dụng phù hợp từng địa phương, chỉ nên thực hiện ở năm thời tiết cực đoan, nguy cơ thiếu lương thực.
Tuy nhiên một số người không đồng tình với đề xuất tăng 4 vụ mà nên giảm vụ lúa, nuôi trồng xen canh sẽ hiệu quả hơn. Cụ thể, thay vì sản xuất ba vụ lúa như trước, một số nông dân ở huyện Tam Nông, tỉnh Đồng Tháp, chuyển sang trồng hai vụ lúa, một vụ cá, kết hợp mở điểm tham quan mùa nước nổi. Cánh đồng 20 ha vừa xuống giống lúa ST 25, chủ ruộng thả thêm bầy vịt để diệt sâu rầy. Nông dân chuyền dần sang phân hữu cơ thay cho phân hóa học, giúp đất khỏe, năng suất lúa tăng dần sau mỗi vụ.
Trồng lúa kết hợp nuôi vịt, cá giúp nông dân có thu nhập ổn định không cần sản xuất ba vụ một năm. Ảnh: Trần Thanh
Ông Lâm Trọng Nghĩa, Phó giám đốc Trung tâm dịch vụ nông nghiệp huyện Tam Nông, cho biết hơn một năm triển khai, kết quả cho thấy nông dân giảm được 20-25% chi phí sản xuất do giảm phân bón và thuốc bảo vệ thực vật (từ 6-8 lần phun thuốc xuống 3-4 lần). Lúa sạch được doanh nghiệp bao tiêu, giá cao hơn thị trường 1.000 đồng mỗi kg, nâng tiền lời mỗi vụ lên 35 triệu đồng một ha.
Ngoài ra, cuối mỗi vụ nông dân bán vịt lời thêm 20 triệu đồng, rơm rạ tận dụng ủ nấm rơm. Sau hai vụ lúa, chủ ruộng xã lũ cho đất nghỉ và dẫn dụ cá tự nhiên vào nuôi, kết hợp mở điểm du lịch mùa nước nổi, trải nghiệm ẩm thực từ cá đồng, các món dân dã... Kết quả, tiền lời từ cá, du lịch thêm hơn 200 triệu đồng. "Nông dân tham gia mô hình hiểu rằng giảm giá thành, tận dụng nhiều nguồn thu sẽ cho thu nhập bền vững hơn là chạy theo sản lượng", ông Nghĩa cho biết.
Báo cáo của Ngân hàng Thế giới (WB) với chủ đề nông nghiệp xanh chỉ ra khi chuyển đổi từ độc canh cây lúa sang mô hình xen canh (thủy sản, trái cây, rau màu) mang lại thu nhập cao hơn cho nông dân. Cụ thể, chủ ruộng chỉ thu về 40-50 triệu đồng lợi nhuận mỗi năm trên một ha lúa nhưng sẽ tăng gấp đôi nếu xen canh lúa - rau, lúa - thủy sản, đồng thời tạo thêm nhiều việc làm hơn.
"450.000-550.000 ha đất trồng lúa ở vùng Đông bằng Cửu Long có thể được chuyển đổi sang mục đích sử dụng thay thế hoặc luân canh trồng lúa, cây trồng khác và nuôi trồng thủy sản mà không ảnh hưởng nhiều đến sản xuất lúa gạo chung của vùng", WB nhận định.
Nông dân miền Tây thu hoạch lúa. Ảnh: Nguyệt Nhi
Tăng chất lượng để bán gạo với giá cao hơn cũng được một số doanh nghiệp hướng tới thay vì tăng vụ. Ông Nguyễn Phước Nam, Giám đốc Công ty cổ phần nông nghiệp công nghệ cao Trung An Kiên Giang, nói 10 năm trước doanh nghiệp đã ý thức sản xuất các loại gạo ngon, chất lượng với những tiêu chuẩn khắt khe từ phía nhà nhập khẩu.
Nhờ cách làm chuyên nghiệp như trên, gạo của Trung An Kiên Giang luôn bán được giá. Doanh nghiệp cũng ký hợp đồng cung cấp vật tư và bao tiêu đầu ra hàng nghìn ha với nông dân các tỉnh Kiên Giang, Đồng Tháp. Cuối vụ, công ty cao cam kết mua cao hơn thị trường 300 đồng mỗi kg. "Gạo xuất sang châu Âu hay Mỹ có giá cao hơn 40-50% thậm chí gấp đôi so với các thị trường khác. Quan trọng là giữ uy tín để làm ăn lâu dài", ông Nam cho biết.
Ông Nguyễn Minh Nhị, nguyên chủ tịch UBND tỉnh An Giang, người dành nhiều tâm huyết cho nông nghiệp, chia sẻ ngoài xuất khẩu, thị trường trong nước cũng chuộng gạo ngon, chất lượng. "Đã qua rồi thời ăn no, mặc ấm. Người tiêu dùng trong nước sẵn sàng chi tiền nhiều hơn để ăn gạo ngon hơn, tốt cho sức khỏe hơn", ông nói, cho biết thêm muốn bán gáo giá cao, ngoài minh bạch trong khâu sản xuất, doanh nghiệp cần chăm chút, xây dựng thương hiệu.
Nâng cao giá trị hạt gạo cũng là quan điểm xuyên suốt của đề án phát triển bền vững một triệu ha lúa chất lượng cao, đang triển khai ở Đồng bằng sông Cửu Long. Đề án đưa ra các giải pháp để canh tác bền vững, gồm: giảm giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và nước tưới; tận dụng rơm rạ và xây dựng thương hiệu gạo xuất khẩu... Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kỳ vọng đến năm 2030 có một triệu nông dân tham gia đề án tăng lợi nhuận 50% so với trước.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét