Lãnh đạo Chính phủ đánh giá "đầu tàu" kinh tế TP HCM đang gặp nhiều khó khăn khi chưa phục hồi hoàn toàn sau dịch nhưng đối mặt nhiều thách thức mới.
"TP HCM là đầu tàu kinh tế của đất nước cả về hữu hình như GRDP, thu ngân sách, cả vô hình bởi thành phố có ảnh hưởng rất lớn. Nếu thành phố phát triển tốt, cả nước cũng lan toả. Nếu thành phố khó thì cả nước cũng khó khăn", Thủ tướng Phạm Minh Chính nói tại buổi làm việc của Thường trực Chính phủ với Ban Thường vụ Thành uỷ TP HCM, sáng 16/4.
Đây là ngày làm việc thứ hai của Thủ tướng tại TP HCM. Chiều qua, đoàn công tác đã khảo sát, dự buổi chạy thử nghiệm tàu của tuyến Metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) và dự lễ khánh thành Bệnh viện Ung bướu TP HCM cơ sở 2 (TP Thủ Đức).
Buổi làm việc diễn ra trong bối cảnh kinh tế TP HCM đối diện nhiều thách thức. Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) quý 1 của thành phố ước đạt 360.622 tỷ đồng, tăng 0,7% so với cùng kỳ năm 2022. Mức tăng trưởng này đứng thứ 8 từ dưới lên trong 63 địa phương và là chỉ số thấp nhất của thành phố trong 8 năm qua, trừ giai đoạn đại dịch bùng phát. Đây cũng là chỉ số thấp nhất trong 5 thành phố trực thuộc Trung ương. Trong khi đó, tỷ lệ giải ngân đầu tư công cũng không khả quan, chỉ được 4%. Theo Thủ tướng, vai trò của TP HCM rất quan trọng nên buổi làm việc này nhằm tìm giải pháp để sát với tình hình thành phố, khắc phục hậu quả sau hơn hai năm gồng mình phòng, chống dịch. "Hậu quả của nó không phải ngày một, ngày hai mà giải quyết được", ông nói.
Người đứng đầu Chính phủ đánh giá tình hình thế giới nhiều khó khăn ảnh hưởng đến Việt Nam. Đầu tiên, lạm phát từ bên ngoài khiến thị trường trong nước bị thu hẹp. Đặc biệt, chính sách tăng lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) khiến giá trị đồng USD tăng, dẫn đến tiền Việt Nam mất giá. Do đó, bài toán là phải xử lý thế nào giữa tỷ giá và lãi suất.
Trong khi việc Trung Quốc mở cửa sau thời gian dài theo đuổi Zero Covid có thuận lợi, nhưng cũng là thách thức cho Việt Nam khi phải cạnh tranh về thị trường, chuỗi cung ứng. Về chủ quan, các vấn đề nội tại tích luỹ và sau đại dịch càng bộc lộ sâu sắc hơn.
Trước tình hình đó, Thủ tướng đề nghị cần tìm lời giải theo phương châm: chắc chắn, kịp thời, linh hoạt, hiệu quả. Đồng thời, ông đề nghị rút kinh nghiệm, điều chỉnh sự phối hợp giữa TP HCM và Chính phủ, các bộ, ngành để giải quyết vướng mắc.
Báo cáo với đoàn công tác, Chủ tịch UBND TP HCM Phan Văn Mãi đánh giá tốc độ tăng trưởng kinh tế thành phố giảm sâu, chưa như mong muốn. Nguyên nhân là thị trường bất động sản, tài chính gặp nhiều khó khăn. Nợ xấu ngân hàng và áp lực đáo hạn trái phiếu có xu hướng tăng. Làn sóng cắt giảm lao động kéo dài từ cuối năm 2022 đến nay do khó khăn về đơn hàng, nguồn vốn. Sức mua của người tiêu dùng giảm. Số vốn đăng ký doanh nghiệp thành lập mới giảm, trong khi số tạm ngưng hoạt động tăng so với cùng kỳ.
"Động lực tăng trưởng vốn đã suy giảm nhiều năm lại bị bào mòn lớn sau dịch. Cùng với đó, khi vướng mắc cũ chưa được giải quyết triệt để, không gian phát triển mới lại chưa được xây dựng phát huy", ông Mãi nói.
Chính quyền thành phố đề ra mục tiêu tăng trưởng năm 2023 là 7,5%-8%. Tuy nhiên, Trung tâm Mô phỏng kinh tế - xã hội (Viện Nghiên cứu và Phát triển TP HCM), dự báo quý 2, kinh tế thành phố tiếp tục đối mặt nhiều thách thức khi thị trường bất động sản, tài chính, lao động vẫn gặp nhiều khó khăn. Do đó, tăng trưởng năm 8% khó khả thi. Tuy nhiên, thành phố không điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng, mà tập trung phấn đấu tăng trưởng cả năm đạt từ 7,5%.
Lãnh đạo TP HCM kiến nghị Chính phủ thành lập tổ công tác cùng thành phố nghiên cứu tái cơ cấu nền kinh tế và xác định động lực, cơ chế đột phá để thành phố phát triển đúng vai trò. Bên cạnh đó, thành phố cũng thừa nhận hiện có tâm lý e dè trong đội ngũ công, do đó, đề nghị Chính phủ sớm hoàn thiện khung pháp lý để cán bộ yên tâm thực hiện công việc theo hướng "phòng chống tham nhũng hiệu quả nhưng cũng kiến tạo môi trường phát triển".
Ông Phan Văn Mãi cũng đề xuất Chính phủ hỗ trợ các dự án giao thông trọng điểm như: cao tốc TP HCM - Mộc Bài, Bến Lức - Long Thành, Vành đai 3. Riêng Vành đai 4, Long An và Vũng Tàu khái toán tổng mức đầu tư trên 10.000 tỷ đồng, tức phải trình Quốc hội. Các địa phương có cao tốc đi qua thống nhất đề nghị Bộ Giao thông Vận tải đứng ra điều phối dự án này để đảm bảo đồng bộ.
Trước đó, trong phiên họp hồi tháng 7/2022, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết Thường trực Chính phủ lên kế hoạch làm việc với TP HCM ít nhất mỗi quý một lần để rà soát công việc. Gần đây nhất, Thủ tướng có buổi làm việc với thành phố hồi tháng 11.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét