Được xây dựng từ thời Pháp, tòa biệt thự hai mặt tiền trên phố Hàng Bài và Trần Hưng Đạo, quận Hoàn Kiếm, khoác áo mới sau một năm cải tạo
Tòa nhà hai mặt tiền tại số 46 Hàng Bài - 49 Trần Hưng Đạo là dự án trùng tu biệt thự mẫu được nghiên cứu từ năm 2016, trong khuôn khổ hợp tác giữa quận Hoàn Kiếm, TP Hà Nội, vùng Ile-de-France và cơ quan hợp tác quốc tế vùng Ile-de-France (PRX).
Biệt thự được quét vôi màu vàng và đỏ đậm. Toàn bộ mảng tường ở cầu thang hình ống nằm phía sau nhà được cạo bỏ, quét sơn mới.
Theo Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm Phạm Tuấn Long, dự án trùng tu tuân thủ quy định chuyên môn, tham vấn chuyên gia và nhà khoa học. Các chuyên gia Pháp hỗ trợ nghiên cứu từ năm 2016 và đưa ra giải pháp.
Quá trình trùng tu, các chuyên gia phát hiện công trình có nhiều vật liệu mang từ Pháp sang như gạch lát nền; tìm ra màu vôi gốc của biệt thự. Với nguyên tắc bảo tồn, công trình được hoàn chỉnh bằng lớp vữa trát tam hợp gồm cát, vôi và ximăng.
Phần cửa sổ bằng gỗ sơn màu xanh kèm họa tiết ô vuông nhấn nhá với tông đỏ.
Ông Emmanuel Cerise, chuyên gia Pháp hỗ trợ chuyên môn cho dự án, cho biết màu vôi của biệt thự hiện nay là màu gốc. "Chúng tôi đã cạo lần lượt các lớp vôi được phủ lên bức tường trong nhiều lần cải tạo, trùng tu và tìm được lớp vữa gốc. Một căn cứ khác xác định là trong bộ ảnh màu về Hà Nội đầu thế kỷ 20 của nhà nhiếp ảnh Léon Busy cho thấy Hà Nội có nhiều biệt thự được quét vôi hai màu vàng, đỏ gạch", ông nói.
Cửa chính của biệt thự với bậc ngũ cấp lát gạch đỏ. Chuyên gia Pháp cho rằng công trình chưa hoàn thiện nên "có thể màu vôi nhìn chưa thuận mắt". Khi trùng tu xong và dưới tác động của thời tiết, công trình sẽ ưa nhìn hơn.
Bên ngoài tầng 1 của biệt thự phía 46 Hàng Bài thay đổi một phần. Với bậc tam cấp và hè rộng, các ô cửa và tường được cải tạo, bên trong hình thành một căn phòng rộng. Phần gạch nền với nhiều viên hình lục giác, hai màu đỏ vàng. Tầng 1 này trước kia lát loại gạch bông chuyển từ Pháp sang, mặt dưới gạch có con dấu của công ty sản xuất ở miền nam nước Pháp.
Bên trong kiến trúc tầng 1 hầu hết vẫn giữ nguyên.
Trước khi cải tạo, phần cầu thang lên tầng 2 không còn, phải sử dụng thang gỗ tạm bợ. Hiện nay, chiếc thang xoắn ốc được làm mới với bậc sắt, tay vịn gỗ.
Căn phòng rộng nhất tầng 2 (hơn 20 m2) có nhiều cửa sổ và ba cửa thông với các phòng. Sàn nhà được làm mới, cao hơn nền sàn khoảng 7 cm.
Phần mái được lợp ngói đỏ trên phần sà sắt đen. Trước kia phần sà sắt được nhập khẩu từ Pháp. Dưới mái này sau đó được làm trần để giữ thẩm mỹ và làm mát khi vào hè.
Công trình dự kiến hoàn thành tháng 3/2023, sẽ trở thành Trung tâm Giao lưu văn hóa phố Pháp của Hà Nội.
Phối cảnh của biệt thự sau khi sửa chữa. Công trình được kỳ vọng trở thành điểm đến du lịch mới, địa điểm tổ chức các sự kiện xúc tiến thương mại và kinh tế giữa Việt Nam và Pháp.
Những người yêu di sản của Hà Nội đến đây sẽ được tìm hiểu về quá trình hình thành khu phố Pháp, ảnh hưởng và giao thoa văn hóa Pháp - Việt không chỉ về kiến trúc, đô thị mà trong cả lối sống suốt nửa đầu thế kỳ 20.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét