Thứ Ba, 11 tháng 4, 2023

Cao tốc Phan Thiết - Vĩnh Hảo trước 20 ngày thông xe

Cao tốc Phan Thiết - Vĩnh Hảo dài hơn 100 km đang được các nhà thầu thi công gấp rút để kịp hoàn thành, đưa vào sử dụng dịp 30/4.
Đầu tháng 4, sau khi các mỏ đất đắp hết hạn đã được Chính phủ tháo gỡ, UBND Bình Thuận cho khai thác, công trường dự án cao tốc Phan Thiết - Vĩnh Hảo thi công trở lại. Toàn tuyến dài hơn 100 km, mặt đường rộng 32 m với 6 làn xe, vận tốc tối đa 80 km/h; vốn đầu tư gần 11.000 tỷ đồng, thi công từ tháng 11/2020. Ban đầu công trình dự kiến xong cuối năm 2022, nhưng bị chậm tiến độ.
Cùng với việc gấp rút hoàn thành tuyến chính, các nhà thầu đẩy nhanh tiến độ làm các đường dẫn cầu vượt, đường dân sinh hai bên, từ huyện Tuy Phong vào Hàm Thuận Nam. Cao tốc này có ý nghĩa giảm tải cho quốc lộ 1 đi qua Bình Thuận.
Xe và công nhân đổ bêtông nhựa qua xã Hàm Chính, Hàm Thuận Bắc. Khối lượng bêtông nóng toàn tuyến hiện còn khoảng 100.000 tấn. "Chậm nhất ngày 20/4, tất cả 4 gói thầu phải hoàn thành lớp nhựa cuối cùng", ông Phạm Quốc Huy, Giám đốc ban điều hành dự án cho hay.
Các công nhân lắp hộ lan ở gần nút giao Ma Lâm, Hàm Thuận Bắc. Hiện, cả 4 gói thầu đều đã triển khai lắp đặt hệ thống an toàn giao thông trên tuyến chính như: hộ lan, dải phân cách, tấm chống chói, vạch sơn, biển báo… Trong đó, việc lắp dải phân cách cứng giữa hai phần đường đã cơ bản hoàn tất, theo Ban quản lý dự án giao thông 7 (chủ đầu tư).
Các xe cơ giới đang thi công đường dẫn cầu vượt qua nút giao Ma Lâm. Những ngày đầu tháng 4, xe chở đất đắp từ mỏ Hàm Trí cách vị trí này chừng 5 km liên tục đến công trường để các xe thi công lu lèn, làm đường dẫn lên cầu.
Đây là cầu vượt qua cao tốc Phan Thiết - Vĩnh Hảo khá quan trọng trên quốc lộ 28 nối Phan Thiết (Bình Thuận) lên Di Linh (Lâm Đồng).
Nhân công, xe cẩu, xe múc, xe ben cấp tập thi công tại khu vực cầu vượt núi Xả Thô, xã Hàm Trí, huyện Hàm Thuận Bắc. Các tổ làm suốt ngày đêm, bởi thời gian hành tuyến chính còn chưa đầy 20 ngày.
Cùng đó, hệ thống rãnh thoát nước dọc tuyến đang được hoàn thiện, để đảm bảo cho cao tốc không bị ngập nước vào mùa mưa.
Đường gom dân sinh chạy song song cao tốc qua khu rẫy thanh long xã Mương Mán, huyện Hàm Thuận Nam đang được đẩy nhanh tiến độ.

Do hơn 3 tháng thiếu đất đắp, việc làm đường gom dân sinh và đường dẫn lên các cầu vượt bị chậm trễ. "Chúng tôi tập trung mọi nguồn lực, tăng ca kíp, làm cả ngày và đêm mới mong hoàn thành như kế hoạch", ông Nguyễn Quang Tuân, Chỉ huy trưởng gói thầu số 4 cho hay.
Anh Trương Văn Thái, nhân công gói thầu XL4, cùng đồng nghiệp kéo dây kẽm hàng rào ngăn gia súc vào cao tốc qua xã Mương Mán. Dọc tuyến qua hai huyện Hàm Thuận Nam và Hàm Thuận Bắc, mỗi ngày có hơn 200 công nhân làm việc.
Đến nay, trên một số đoạn, hệ thống đảm bảo an toàn giao thông đã hoàn thiện như đoạn qua xã Hàm Kiệm, huyện Hàm Thuận Nam. Đại diện Ban quản lý dự án giao thông 7 cho biết đang kiểm soát tiến độ hàng ngày, sẽ cắt chuyển khối lượng của nhà thầu chậm giao đơn vị khác thực hiện.
Kiểm tra thực tế công trường, hôm 15/3, Bộ trưởng Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thắng chỉ đạo chủ đầu tư và các nhà thầu phải hoàn thành để đưa tuyến chính vào sử dụng dịp 30/4. Các cầu vượt dân sinh và đường gom ở khu vực thưa dân cư nếu chưa xong, sẽ tiếp tục thi công.
Cao tốc Phan Thiết - Vĩnh Hảo cùng với cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết khi đưa vào sử dụng sẽ rút ngắn thời gian từ TP HCM đi các tỉnh Nam Trung Bộ. Đồ hoạ: Khánh Hoàng

Không có nhận xét nào: