Tháng trước, gia đình tôi đăng ký cho các con tham gia hoạt động ngoại khóa vào dịp nghỉ mùa xuân ở Pháp. Hồ sơ yêu cầu chứng nhận bảo hiểm trách nhiệm dân sự mang tên bọn trẻ.
Loại bảo hiểm này bảo đảm gia đình tôi có khả năng chi trả bồi thường cho những rủi ro mà bọn trẻ có thể gây ra, gồm cả hậu quả lên cơ sở vật chất lẫn con người xung quanh. Hàng tháng, ngoài các khoản bảo hiểm bắt buộc với người lao động, chúng tôi còn phải chi trả nhiều loại bảo hiểm khác liên quan tới phương tiện giao thông, nhà ở, các khoản vay... Ngân sách dành cho bảo hiểm chiếm tỷ trọng khá lớn trong ngân sách gia đình hàng tháng, nên chúng tôi luôn tìm hiểu kỹ hợp đồng: chi phí mỗi tháng, phạm vi bao phủ của bảo hiểm, chất lượng đền bù (tính thuận tiện khi khai báo rủi ro và thẩm định, thời hạn hoàn trả bồi thường, số tiền bồi thường).
Theo Từ điển Oxford, bảo hiểm là khái niệm liên quan tới một dàn xếp nhằm trả cho một công ty khoản tiền đều đặn, đổi lại việc được thanh toán một khoản chi phí khi xảy ra tử vong, bệnh hoạn hay mất mát thứ gì. Rủi ro có thể xảy ra bất cứ lúc nào, kèm theo thiệt hại không biết trước, mà chi phí cho nó có thể vượt quá khả năng chịu đựng của người gánh rủi ro. Vì vậy, bảo hiểm - theo một cách đơn giản nhất, dưới góc độ bên được bảo hiểm - là cách biến chi phí không kiểm soát được khi rủi ro đến (trong trường hợp lý tưởng, cũng là chi phí được đền bù), thành chi phí kiểm soát được theo định kỳ. Theo sự phát triển của xã hội, nhu cầu bảo hiểm ngày càng đa dạng. Các công ty có thể giới thiệu nhiều loại sản phẩm, cũng như có những sản phẩm dạng gộp (combo). Các gói bảo hiểm nhân thọ liên quan các vấn đề của chính bản thân con người là một ví dụ. Vì là dạng gộp nên giá trị các hợp đồng bảo hiểm loại này thường cao hơn.
Trở lại với trường hợp gia đình mình, tôi nhận thức rõ không đủ khả năng tài chính để đền bù hàng nghìn euro cho chủ nhân một chiếc xe hạng sang nếu lỡ bất cẩn va quẹt phải. Chuyện này rất dễ xảy ra vào giờ cao điểm. Tôi cũng không đủ khả năng tài chính để chăm nuôi một bé khác chẳng may bị tai nạn do xô đẩy khi chơi cùng con tôi. Vì vậy, tôi phải chia nhỏ những chi phí ngoài khả năng tài chính của mình thành những khoản "mất mát" đều đặn hàng tháng mà tôi có thể chi trả.
Tại Việt Nam, các loại bảo hiểm đơn lẻ ít được chú ý cũng như ít mang lại nguồn thu lớn cho các công ty. Do đó, sản phẩm dạng gộp như bảo hiểm nhân thọ - loại hình không bắt buộc dành cho cá nhân - thường được giới thiệu nhiều nhất. Loại sản phẩm này có giá trị hợp đồng cao nên cũng gây ra nhiều biến tướng.
Cách đây vài năm, vì nể nang, tôi theo chân người bạn đến gặp trưởng phòng một công ty bảo hiểm tại TP HCM để nghe tư vấn sản phẩm nhân thọ. Đầu tiên, tôi được giới thiệu nhanh về các rủi ro và lợi ích của bảo hiểm khi gặp rủi ro. Sau đó, trưởng phòng nhanh chóng chuyển sang nói về các quyền lợi đi kèm như dịch vụ thăm khám sức khỏe định kỳ hay phần tiền lãi tôi có được sau một khoảng thời gian thực hiện hợp đồng. Đây là phần anh nhấn mạnh nhất. Tuy nhiên, khi tôi thực hiện một bảng tính tại chỗ để làm rõ các con số thì hóa ra vị trưởng phòng chỉ sử dụng phần mềm có sẵn của công ty để đưa ra các con số chung chung, hấp dẫn. Các câu hỏi và thắc mắc chi tiết của tôi không được giải thích hoặc cam kết rõ ràng. Mức độ chi trả, phạm vi bảo hiểm cũng như điều kiện bảo hiểm không hề được tư vấn. Vì vậy, tôi không quan tâm đến bất kỳ buổi tư vấn kế tiếp nào dù được liên hệ lại ráo riết.
Quan sát bạn bè và người thân xung quanh, tôi cho rằng, nhiều người mua bảo hiểm ở Việt Nam đã quá dễ tính, cả tin; còn người bán bảo hiểm đã cố tình hời hợt. Chẳng hạn, anh chị tôi cũng có bảo hiểm trách nhiệm nhân sự bắt buộc khi đi xe máy, nhưng chưa bao giờ họ biết phải gọi đến ai khi gây hoặc bị tai nạn, mà thường tự dàn xếp.
Luật Bảo hiểm năm 2022 (luật số 88/2022/QH15) quy định khá rõ về hoạt động kinh doanh bảo hiểm với quyền lợi và trách nhiệm cụ thể của mỗi bên. Trong phần mở đầu của Luật này, "rủi ro" và "tổn thất" kèm những cụm từ liên quan sự kiện rủi ro đã được nhắc đến. Điều này khẳng định giá trị cốt lõi của bảo hiểm chính là quản lý rủi ro.
Nhưng trong quá trình mua bán bảo hiểm ở Việt Nam, các câu hỏi liên quan đến chuyện người được bảo hiểm cần làm gì và sẽ được gì khi rủi ro xảy ra, là điều được đề cập quá ít. Ngược lại, nhân viên tư vấn "tung hỏa mù" và "bẻ lái" người mua tới những quyền lợi ngoài lề, dù các lợi ích này, nếu suy nghĩ kỹ, sẽ thấy khó/ ít xảy ra trong thực tế, hoặc đi kèm với các điều kiện mà người mua khó đáp ứng đến cùng.
Tóm lại, bảo hiểm là sản phẩm tài chính nhằm giảm thiểu mất mát do các sự kiện rủi ro bất ngờ xảy ra. Bảo hiểm không phải là kênh đầu tư tự có khả năng sinh lời.
Thị trường bảo hiểm Việt Nam bị đẩy đến tình trạng bát nháo hiện nay là do các công ty bảo hiểm, suốt một thời gian dài, đã đẩy khách hàng vào kênh đầu tư tài chính thay vì quan tâm tới giá trị cốt lõi của sản phẩm bảo hiểm. Những tố cáo liên tục của khách hàng đối với các công ty bảo hiểm vừa qua, bất luận phần đúng thuộc về phía nào, cũng khiến người tiêu dùng mất mát niềm tin, thậm chí hoang mang về những sản phẩm bảo hiểm, mà đáng lẽ hữu ích cho mỗi gia đình.
Người tham gia bảo hiểm không bắt buộc chắc chắn là những người biết lo lắng cho tương lai cũng như có điều kiện tài chính nhất định. Do đó, gốc của bảo hiểm là thứ nên được quan tâm trước nhất. Cơ quan quản lý nhà nước, cụ thể là Bộ Tài chính, cần sớm rà soát lại nội dung các hợp đồng bảo hiểm, cũng như hoạt động tư vấn bảo hiểm, để bảo đảm sự minh bạch cho thị trường này, nhằm tránh tình trạng "bán bia kèm lạc" mà "lạc" lại nhiều hơn "bia" cả về số lượng lẫn giá trị kinh tế.
Võ Nhật Vinh
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét