Thứ Ba, 11 tháng 4, 2023

Phó tổng Kiểm toán Nhà nước: Năm 2023 sẽ kiểm toán ít nhưng chất lượng

Bà Hà Thị Mỹ Dung, Phó tổng Kiểm toán Nhà nước, cho biết kế hoạch kiểm toán năm nay được xây dựng trên tinh thần ít nhưng chất lượng, đặc biệt trong bối cảnh kinh tế còn khó khăn.

Thời gian qua, Kiểm toán Nhà nước đã thực hiện nhiều chức năng giám sát, giúp Quốc hội đánh giá việc sử dụng, quản lý tài chính, tài sản công; kiến nghị tăng thu, giảm chi ngân sách hàng nghìn tỷ đồng. Năm nay, cơ quan này thực hiện nhiều kế hoạch, chương trình, chủ trương chính sách lớn của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, VnExpress có cuộc trao đổi với bà Hà Thị Mỹ Dung, Phó tổng Kiểm toán Nhà nước quanh vấn đề này.

- Với mục tiêu tiếp tục giám sát thực hiện chống lãng phí, tham nhũng, kế hoạch Kiểm toán Nhà nước năm 2023 có gì đặc biệt?

- Cần lưu ý đến bối cảnh năm nay là kế hoạch kiểm toán được xây dựng trên cơ sở dự báo kinh tế còn nhiều khó khăn. Đồng thời, Kiểm toán Nhà nước cũng hiểu được yêu cầu của Đảng, Nhà nước và mong mỏi của nhân dân là nâng cao chất lượng thanh, kiểm tra, kiểm toán; tăng cường phòng chống tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động này.

2023 là năm bản lề có ý nghĩa quan trọng trong thực hiện Nghị quyết XIII của Đảng và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025; là năm Kiểm toán Nhà nước thực hiện nhiều kế hoạch, chương trình, chủ trương chính sách lớn của Đảng, Quốc hội, Chính phủ.

Trong bối cảnh đó, Ban cán sự Đảng, Tổng Kiểm toán Nhà nước đã chỉ đạo xây dựng kế hoạch kiểm toán năm 2023 theo tinh thần "ít mà chất".

Phó tổng kiểm toán Nhà nước Hà Thị Mỹ Dung. Ảnh: Kiểm toán Nhà nước

Phó tổng Kiểm toán Nhà nước Hà Thị Mỹ Dung. Ảnh: SAV

Cụ thể, năm nay thực hiện 166 đoàn kiểm toán, giảm 29% so với năm 2022. Kiểm toán Nhà nước sẽ hạn chế tối đa tình trạng trùng lặp, chồng chéo giữa hoạt động thanh tra với kiểm toán và trong chính hoạt động của kiểm toán.

Báo cáo quyết toán ngân sách tại 27 bộ, cơ quan trung ương; 52 địa phương cũng sẽ được kiểm toán năm nay. Ngoài ra, còn có các cuộc kiểm toán chuyên đề theo yêu cầu của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, được dư luận xã hội quan tâm như: Công tác lập, phân bổ vốn đầu tư Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, việc thực hiện các chính sách đầu tư phát triển; chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động, người ở trọ theo Nghị quyết 43...

Nhìn chung, có 4 mục tiêu mà Kiểm toán Nhà nước luôn hướng tới. Một là xác nhận tính trung thực, hợp lý của báo cáo quyết toán ngân sách, báo cáo tài chính, báo cáo quyết toán vốn đầu tư công. Hai là đánh giá việc tuân thủ pháp luật, tính kinh tế, hiệu quả trong quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công.

Thứ ba là ra kiến nghị hoàn thiện các cơ chế, chính sách bất cập; phát hiện kịp thời sai phạm, hành vi tham nhũng, lãng phí, tiêu cực và xác định rõ trách nhiệm của tập thể, cá nhân để kiến nghị xử lý. Những việc này nhằm bảo đảm các nguồn lực tài chính công, tài sản công được sử dụng tiết kiệm, hiệu quả.

Cuối cùng là Kiểm toán Nhà nước sẽ cung cấp thông tin, số liệu cho Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội, HĐND các cấp phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước và các cơ quan có thẩm quyền thực hiện chức năng kiểm tra, điều tra, giám sát quá trình quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công.

Kết luận kiểm toán thường nêu ra sai phạm, bất cập của các cơ quan, doanh nghiệp nhà nước. Vậy theo bà, làm sao để luôn làm đúng, làm chuẩn và không bị tác động?

- Ngoài xây dựng kế hoạch kiểm toán theo tinh thần "ít mà chất" để hạn chế chồng chéo, "đạo đức công vụ" cũng là một chủ đề trọng tâm của Kiểm toán Nhà nước trong năm nay.

Theo đó, chúng tôi ưu tiên nguồn lực để trình đúng tiến độ và chất lượng những ý kiến về dự toán và quyết toán ngân sách nhà nước, các nhiệm vụ theo yêu cầu của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ; đồng thời đẩy mạnh kiểm toán tổng hợp nhằm đánh giá toàn diện công tác quản lý, điều hành của từng cấp cũng như tính hiệu lực của cơ chế chính sách để kiến nghị hoàn thiện, khắc phục lỗ hổng thất thoát, lãng phí từ cơ chế, chính sách.

Kiểm toán Nhà nước tập trung quản lý và kiểm soát chất lượng các cuộc kiểm toán từ khâu chuẩn bị, tổ chức thực hiện đến khâu lập và phát hành Báo cáo kiểm toán; tăng cường kiểm soát trực tiếp kết hợp linh hoạt với kiểm soát qua hồ sơ để hạn chế tối đa ảnh hưởng đến hoạt động của Đoàn kiểm toán và đơn vị được kiểm toán.

Thủ trưởng các đơn vị chủ trì kiểm toán cũng phải tăng cường trách nhiệm. Chúng tôi nghiêm cấm các hành vi tham nhũng, tiêu cực; cố tình bỏ sót thông tin hoặc không báo cáo đầy đủ kết quả kiểm toán; nhũng nhiễu, gây phiền hà với đơn vị được kiểm toán; dùng phương tiện, tài sản của đơn vị được kiểm toán để đáp ứng nhu cầu cá nhân; tiết lộ bí mật Nhà nước, bí mật nghề nghiệp của đơn vị được kiểm toán.

Kiểm toán Nhà nước sẽ phối hợp chặt chẽ với Thanh tra Chính phủ, thanh tra của các bộ, cơ quan trung ương, địa phương để xử lý chồng chéo, trùng lặp về nội dung và thời gian kiểm toán, thanh tra. Theo yêu cầu tại Nghị quyết của Quốc hội là "không để xảy ra tình trạng thanh tra, kiểm toán quá một lần mỗi năm về cùng một nội dung với một cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp".

Trong quá trình kiểm toán, nếu thấy có dấu hiệu tội phạm, không chờ đến khi kết thúc quá trình kiểm toán mà Thủ trưởng các đơn vị phải kịp thời báo cáo Tổng Kiểm toán Nhà nước để chuyển ngay hồ sơ vụ việc cho cơ quan điều tra hoặc cho cơ quan có thẩm quyền xử lý. Trường hợp liên quan đến cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý, thủ trưởng đơn vị chủ trì cuộc kiểm toán phải thu thập đầy đủ thông tin, hồ sơ, tài liệu có liên quan, báo cáo Tổng Kiểm toán Nhà nước để báo cáo cấp có thẩm quyền kiểm tra, xử lý.

- Như bà nói, một trong những mục tiêu của Kiểm toán Nhà nước không chỉ nêu ra những sai phạm về mặt con số, kiến nghị tăng thu ngân sách mà còn là khuyến nghị những bất cập chính sách cần sửa đổi. Vậy Kiểm toán Nhà nước đã thực hiện mục tiêu này như thế nào?

- Với địa vị pháp lý là cơ quan do Quốc hội thành lập, những năm qua, Kiểm toán Nhà nước đã kiến nghị sửa đổi, bổ sung, thay thế, hủy bỏ nhiều văn bản quy phạm pháp luật, văn bản quản lý sai quy định hoặc không phù hợp với quy định chung và thực tiễn. Các kiến nghị này giúp kịp thời khắc phục "lỗ hổng" về cơ chế, chính sách, tránh thất thoát, lãng phí, siết chặt kỷ cương, kỷ luật tài chính, góp phần làm lành mạnh nền tài chính quốc gia.

Ví dụ, giai đoạn 2020-2022, hơn 600 văn bản, trong đó có 7 Luật, 19 Nghị định, 10 Quyết định, 62 Thông tư, được kiến nghị sửa, hủy bỏ hoặc thay thế. Các kiến nghị này đều đề cập một số lĩnh vực được quan tâm như giá đất, tài nguyên khoảng sản. Trong đó, Kiểm toán Nhà nước kiến nghị bổ sung quy định để xác định bổ sung nghĩa vụ tài chính của nhà đầu tư được giao đất để thực hiện các dự án đối với trường hợp khi xác định giá đất của dự án theo phương pháp thặng dư (độc lập hoặc kết hợp) trong quá trình thực hiện và kết thúc dự án có sự thay đổi các yếu tố ước tính tại phương án xác định giá đất được Hội đồng thẩm định giá đất cụ thể sử dụng khi tham mưu cho UBND tỉnh ban hành quyết định giá đất cụ thể...

Phương Ánh

Không có nhận xét nào: