Tình trạng bán hàng rong tại các tuyến đường chuyên dùng và cổng ra vào các công ty trong Khu công nghiệp Quang Châu (Việt Yên, Bắc Giang) diễn ra từ nhiều năm nay, tiềm ẩn nguy cơ mất vệ sinh an toàn thực phẩm, an ninh trật tự, an toàn giao thông.
Hàng rong bủa vây khu công nghiệp
Có mặt tại Khu công nghiệp Quang Châu từ 6 - 8 giờ một ngày giữa tháng 3, phóng viên Báo Lao Động chứng kiến tại nhiều tuyến đường chuyên dùng, thậm chí là tại cổng ra vào của các công ty diễn ra hoạt động bán hàng rong.
Đây là khung giờ cao điểm, hàng chục nghìn công nhân từ khắp nơi đổ về để kịp vào làm ca sáng. Lượng xe ôtô chở công nhân nườm nượp nối đuôi nhau, xe máy qua lại khá đông.
Trên vỉa hè và cả dưới lòng đường gần cổng một số doanh nghiệp, nhiều cá nhân ngang nhiên bày bán hàng rong bằng thùng xốp hoặc dùng xe máy chở sọt hàng với các loại đồ ăn, nước uống phục vụ công nhân như: Lạp sườn, bánh mỳ, khoai luộc, bánh ngọt, nước lọc và đồ dùng cá nhân như tất, găng tay… Những loại hàng hóa này có giá phổ biến từ 10 - 15 nghìn đồng/món.
Nhiều công nhân vẫn vô tư dừng đỗ hoặc đi ngược chiều để mua hàng hóa tại các quầy hàng rong rất nguy hiểm, nhất là trong giờ cao điểm.
Tình trạng này diễn ra tại khu vực của các công ty tập trung lượng lớn công nhân như TNHH Siflex Việt Nam, Công ty TNHH Luxshare - ICT Việt Nam, Công ty TNHH Công nghệ Lens Việt Nam...
Chỉ sau khi thấy phóng viên ghi hình, bảo vệ của Công ty cổ phần KCN Sài Gòn - Bắc Giang (chủ đầu tư hạ tầng KCN Quang Châu) mới yêu cầu người bán hàng ra khỏi cổng các công ty. Sau đó, những người bán hàng rong nhanh chóng di chuyển sang địa điểm khác.
Tình trạng này lại tái diễn vào thời điểm khi công nhân tan ca, từ 17h30 đến hơn 19h hàng ngày.
Đã nhiều lần xử lý
Diễn ra trong thời gian dài, việc bày bán hàng rong trong khu công nghiệp không chỉ tiềm ẩn nguy cơ mất toàn, tắc nghẽn giao thông ở khung giờ cao điểm vào ca và tan ca của công nhân mà còn gây mất mỹ quan, ô nhiễm môi trường.
Nhiều đồ ăn, đồ uống được chế biến ngay trên lòng đường, vỉa hè, không có dụng cụ che chắn, không rõ nguồn gốc, xuất xứ gây mất vệ sinh an toàn thực phẩm, có nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe của người tiêu dùng, mà ở đây chủ yếu là công nhân lao động.
Trao đổi với phóng viên Báo Lao Động, Đại úy Trần Quang Quyền, Phó đồn trưởng Đồn Công an Quang Châu (huyện Việt Yên) cho biết, trong hai tháng đầu năm nay, đơn vị xử phạt 40 trường hợp vi phạm bán hàng rong với tổng số tiền khoảng 14 triệu đồng.
"Tuy nhiên, việc kiểm tra không được thường xuyên do lực lượng mỏng, địa bàn rộng trong khi đội tuần tra chỉ có 4 người. Khi lực lượng chức năng có mặt thì các cá nhân bán hàng rong di chuyển ra ngoài, sau đó họ lại quay lại", Đại úy Trần Quang Quyền nói.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét