32 tuổi, Nguyễn Duy Tâm đang làm nghiên cứu sinh sau tiến sĩ tại ĐH Monash (Úc), là một trong những gương mặt trẻ gây chú ý trong giới khoa học. Anh không thôi trăn trở về câu chuyện năng lượng tái tạo.
Trò chuyện cùng Tuổi Trẻ về câu chuyện năng lượng tái tạo, tiến sĩ 9X ấy trải lòng:
- Năng lượng tái tạo được xem là nguồn năng lượng của tương lai với ưu điểm nổi bật: miễn phí, dung lượng vô tận, thân thiện với môi trường... Việt Nam có vị trí địa lý và điều kiện tự nhiên thuận lợi, nhiều tiềm năng phát triển các loại hình công nghệ năng lượng tái tạo, đặc biệt là điện mặt trời và điện gió. Tuy vậy, việc đầu tư, phát triển các dự án năng lượng tái tạo lại chưa đúng với tiềm năng và như kỳ vọng.
Cần tầm nhìn xa
* Theo bạn, lý giải nào tạm gọi là thỏa đáng cho điều vừa nói?
- Yếu tố chủ quan có thể kể đến là quy hoạch chưa phù hợp, năng lực làm chủ công nghệ hạn chế, một phần cũng xuất phát từ chính bản chất của các loại hình năng lượng này. Thêm nữa, tính không liên tục và bất ổn định là một trong những nhược điểm lớn nhất của công nghệ năng lượng tái tạo, nhất là hai công nghệ được đầu tư nhiều hiện nay là điện gió và điện mặt trời.
Như công suất điện gió biến đổi liên tục, phụ thuộc thời điểm và tốc độ gió, hoặc điện mặt trời chỉ có thể phát ban ngày và đạt công suất đỉnh vào giữa trưa.
Việc phụ thuộc vào tự nhiên, điều kiện thời tiết khiến các công nghệ năng lượng tái tạo rất khó kiểm soát và vận hành, đặc biệt khi lưới điện luôn yêu cầu một công suất phụ tải nền ổn định. Chưa kể hạ tầng lưới điện của chúng ta ở một số khu vực còn yếu, chưa đảm bảo.
* Có cách nào để ổn định vấn đề này?
- Về mặt kỹ thuật, các nhà khoa học trên thế giới đang nghiên cứu, tối ưu các giải pháp lưu trữ, chuyển đổi năng lượng tái tạo và có thể phân thành ba nhóm: giải pháp kết hợp, lưu trữ năng lượng và chuyển đổi năng lượng. Tôi giải thích nhanh về một giải pháp tượng trưng.
Giải pháp kết hợp là kết nối hai hoặc nhiều công nghệ năng lượng tái tạo lại với nhau nhằm kiểm soát tốt hơn quá trình sản xuất năng lượng, giảm thiểu tính phi ổn định của năng lượng tái tạo. Chẳng hạn thủy điện tích năng kết hợp với điện mặt trời nổi hoặc điện gió.
Năng lượng dư thừa hoặc tại giờ thấp điểm của điện mặt trời nổi (hoặc điện gió) có thể dùng để bơm, tích trữ nước lên thượng nguồn, rồi vào giờ cao điểm sẽ được phát lại bằng tuốc bin thủy điện. Sự kết hợp này có thể hỗ trợ cung cấp năng lượng liên tục, giảm diện tích lắp đặt, tiết kiệm hạ tầng truyền tải.
Đóng góp âm thầm
* Các nghiên cứu của bạn có thể ứng dụng gì để cùng giải "bài toán" năng lượng tái tạo trong nước?
- Tôi đang nghiên cứu về công nghệ, giải pháp lưu trữ, chuyển đổi năng lượng tái tạo. Một bất cập trong phát triển năng lượng tái tạo ở Việt Nam hiện nay là chúng ta không nắm các công nghệ lõi mà phụ thuộc hoàn toàn vào công nghệ nước ngoài. Trong khi đó, việc xây dựng, vận hành, bảo trì, bảo dưỡng các hệ thống cũng như tìm giải pháp tối ưu hóa quá trình sản xuất năng lượng tái tạo đòi hỏi một trình độ khoa học, công nghệ tiên tiến.
Nếu muốn thực sự khai thác một cách hiệu quả, bền vững các nguồn năng lượng tái tạo trong tương lai, việc làm chủ khoa học, công nghệ là yếu tố rất quan trọng. Về cá nhân, tôi cố gắng hỗ trợ, thiết lập các hợp tác chuyển giao khoa học - công nghệ giữa các tổ chức quốc tế, đồng thời tìm cách góp phần nâng cao trình độ khoa học, kỹ thuật ở trong nước.
Tôi hiện tham gia cố vấn cho một số công ty, tập đoàn trong nước về công nghệ lưu trữ, chuyển đổi năng lượng. Tôi cũng cố gắng truyền tải ít nhiều kiến thức về năng lượng tái tạo thông qua các hội thảo trong nước như Diễn đàn trí thức trẻ Việt Nam toàn cầu do Trung ương Đoàn tổ chức, kết nối học bổng du học cho sinh viên Việt Nam...
* Làm thế nào để giữ tinh thần lẫn thể chất luôn tràn đầy năng lượng với một lịch làm việc dày đặc?
- Tuổi thơ của tôi cũng có thể gọi là vất vả và dữ dội. Tôi phải theo cha đi biển hoặc vào rừng đốn củi cùng mẹ để có tiền đi học. Lớn hơn chút, tôi lái đò ở bến sông Gianh mà có lúc tưởng chừng đã bỏ mạng vì cố vượt những con sóng dữ.
Cuộc sống cơ cực vậy nhưng cha mẹ tôi chưa bao giờ để các con phải bỏ học. Tôi biết mình rất may mắn khi lớn lên trong sự yêu thương, hy sinh ấy nên tự nhắc mình phải vươn lên mỗi ngày. Có lẽ nhờ những chông gai thời thơ ấu đã giúp tôi sớm bản lĩnh, biết yêu quý và hạnh phúc với những điều bình dị.
Cậu lái đò, 29 bài báo và 3 sáng chế quốc tế
Cậu lái đò quê Quảng Bình ngày nào giờ đã là tiến sĩ Nguyễn Duy Tâm, sở hữu 29 bài báo khoa học quốc tế và ba sáng chế. Anh được mời làm diễn giả nhiều hội thảo khoa học quốc tế ở Đức, Anh, Singapore, Israel, Úc...
Tâm tốt nghiệp tiến sĩ với học bổng toàn phần tại ĐH Công nghệ Nanyang (Singapore) trước khi trở thành nghiên cứu sinh sau tiến sĩ tại Úc. Anh đã nhận được Thị thực tài năng toàn cầu của Úc năm 2020.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét