"Nếu còn ở vùng giá 1.400-1.500 điểm thì hơn 900 triệu cổ phiếu được giao dịch trên sàn HoSE trong phiên 16/11 chắc chắn sẽ tạo nên một phiên giao dịch tỷ đô", ông Bùi Văn Huy khẳng định.
Đảo chiều ngoạn mục từ vùng giá thấp, thị trường chứng khoán Việt Nam vừa có phiên tăng điểm mạnh nhất thị trường châu Á. Sự phục hồi diễn ra trên diện rộng với hàng trăm mã tăng điểm, trong đó có tới gần 300 cổ phiếu tăng trần trên cả ba sàn. Kết quả, chỉ số VN-Index đóng cửa tại 942,9 điểm, tăng 31 điểm tương ứng 3,4%.
Đáng chú ý, có thời điểm trong phiên 16/11 chỉ số VN-Index đã lùi sát ngưỡng 873, biên độ dao động từ mức thấp nhất so với đóng cửa lên tới hơn 69 điểm, tương ứng tăng 7,9%. Theo thống kê, đây là con số biến động cao nhất từng ghi nhận trong lịch sử, vượt trên cả mức dao động 7,3% của phiên 26/5/2011.
Xét trên khía cạnh khác, phiên 16/11 cũng tiếp tục đặc biệt khi đây là phiên thứ 4 trong vòng 10 năm trở lại đây VN-Index đóng cửa phiên trước giảm trên 3% rồi phục hồi tăng trên 3% trong phiên kế sau đó. Thực tế trước đây, biến động như vậy mới chỉ được ghi nhận 3 lần, lần lượt là phiên 26/5/2011, phiên 28/7/2020 và phiên 29/1/2021.
Từ đây, một thông tin tích cực nhà đầu tư có thể tham khảo liên quan đến diễn biến của VN-Index. Cụ thể, sau 5 phiên, 10 phiên, 20 phiên rồi 30 phiên kể từ khi VN-Index ghi nhận hiện tượng trên, chỉ số chính của thị trường chứng khoán Việt Nam đều tăng điểm tích cực. Gần nhất trong tháng 1/2021, sau khi tăng 3,2% lên 1.056,61 điểm trong phiên 29/1, chỉ số tiếp tục hồi phục, tăng 6,7% sau 5 phiên, rồi tăng hơn 11% sau 10 phiên và tăng 13% sau 30 phiên giao dịch. Tương tự vào hai lần trước đó, VN-Index tăng 9,3% sau 30 phiên kể từ phiên 28/7/2020 và tăng gần 8% sau 30 phiên kể từ 26/5/2011. Điều này mở ra hy vọng cho bối cảnh hiện tại, VN-Index có thể hồi phục và giành lại ngưỡng quan trọng 1.000 điểm khi hết năm 2022.
Nhận định về thị trường, ông Bùi Văn Huy, Giám đốc Chứng khoán DSC Chi nhánh TP.HCM đánh giá chứng khoán Việt Nam vừa có một phiên đảo chiều thuộc dạng hiếm có, trong 10 năm gần nhất chỉ gặp vài lần. Đồng thời, thanh khoản thị trường cũng rất tốt. Ông Huy cho biết nếu chỉ xét theo giá trị sẽ không thấy hết được do giá cổ phiếu đã chia đôi, chia ba, và thị trường chung cũng giảm gần 40%. Tuy nhiên, nếu xét theo số lượng cổ phiếu được giao dịch sẽ thấy rõ hơn sự phục hồi của dòng tiền. "Nếu còn ở vùng giá 1.400-1.500 thì hơn 900 triệu cổ phiếu được giao dịch trên sàn HoSE thì chắc chắn tạo nên phiên giao dịch tỷ đô ", ông Huy khẳng định.
Đánh giá về triển vọng, vị chuyên gia cho rằng "cơn ác mộng" mang tên call margin chéo gần như đã thực hiện xong, bằng chứng là nhiều mã đã thoát sàn và tăng hết biên độ trong nhóm bất động sản. Hoạt động bán giải chấp ở cấp độ doanh nghiệp nhìn chung cũng đã ổn thoả. Nhờ đó, các kịch bản quá bi quan về thị trường sẽ dần được cởi bỏ.
Để thị trường thực sự trở lại và tâm lý được cởi bỏ, ông Huy cho rằng những giải pháp kịp thời để hỗ trợ doanh nghiệp và thị trường sẽ tạo động lực cho sự phục hồi mạnh mẽ. Các biện pháp đồng bộ từ "room" tín dụng, minh bạch thị trường trái phiếu và chứng khoán sẽ giúp đà tăng trở nên bền vững, nhịp hồi phục có thể kéo dài từ hiện tại đến cuối năm 2022 và thậm chí có thể kéo dài sang đầu năm 2023.
Nhịp Sống Thị Trường
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét