Trong bối cảnh giao dịch phân khúc đất nền giảm mạnh, nhiều môi giới phân khúc này đã lựa chọn đi tìm "cửa sáng" ở loại hình chung cư và nhà đất thổ cư để có thể tiếp tục bám nghề, vượt qua giai đoạn khó khăn.
Hơn nửa năm nay, thị trường bất động sản rơi vào tình cảnh khó chồng khó. Giá đất dần hạ nhiệt, nhu cầu mua có xu hướng giảm. Các nhà đầu tư cũng không mặn mà với bất động sản do e ngại rủi ro mà quyết định gửi tiết kiệm khi lãi suất liên tục tăng.
Trong khi đó, với các nhà đầu tư đang “ôm” đất cũng trong tình trạng lo lắng giá giảm cũng nhưng không thể tiếp tục “gồng” lãi suất ngân hàng do sử dụng đòn bẩy tài chính lớn. Bên cạnh đó, các môi giới bất động sản cũng chịu ảnh hưởng nặng nề khi thị trường đất nền rơi vào trầm lắng như hiện nay.
Một giám đốc sàn giao dịch bất động sản phân khúc đất nền vùng ven Hà Nội cho biết, nhân viên của sàn đã tạm thời nghỉ hoặc nghỉ hẳn khá nhiều.
“Thời điểm sôi động, môi giới sống bằng khoản hoa hồng từ các giao dịch thành công. Còn giờ, thị trường trầm lắng, khách hỏi mua còn không có thì môi giới chắc chắn “đói” rồi. Cho nên, mấy tháng nay, môi giới sàn tôi chuyển sang làm nghề khác để mưa sinh khá nhiều. Tuy nhiên, họ chỉ làm tạm thời chờ ngày thị trường ấm lên. Còn một số ít thì chuyển qua môi giới các phân khúc khác”, vị này cho hay.
Anh Xuân Lâm, môi giới chuyên phân khúc đất nền dự án khu vực Phú Xuyên, Hoài Đức cho biết đã 6 tháng nay không phát sinh được giao dịch mới. Để có thu nhập đảm bảo cuộc sống, anh quyết định lấn sân môi giới chung cư và nhà đất thổ cư.
“Tôi đi theo một người anh chuyên môi giới nhà đất thổ cư khu vực Thanh Xuân để học việc. Nhờ có sẵn tệp khách hàng cũ, tôi cũng đã có một giao dịch. Hoa hồng phân khúc này cũng ổn nhưng nguồn hàng không dễ tìm, cạnh tranh cao”, anh Lâm chia sẻ.
Chị Hồng Ánh - một môi giới lâu năm phân khúc nhà đất thổ cư cho biết, thời gian gần đây lượng môi giới chuyển sang phân khúc này tăng cao do là phân khúc ở thực nên vẫn có giao dịch dù thị trường trầm lắng. Có thể nói, đây là phân khúc “sáng” nhất nhì thị trường bất động sản. Cả khách có nhu cầu ở thực và khách có nhu cầu đầu tư đều tìm kiếm.
Còn anh Nguyễn Tuấn cũng vừa chuyển qua môi giới chung cư hơn 3 tháng nay, nhận thấy tình hình khá khả quan. Anh cho biết, dù thông tin tăng giá khiến tâm lý khách hàng lung lay, nhưng lượng người có nhu cầu mua căn hộ chung cư vẫn rất lớn, nhất là các căn có giá trong khoảng 3 tỷ đồng.
Ông Phạm Đức Toản, Tổng giám đốc công ty bất động sản EZ Property chia sẻ tại một talkshow rằng, mọi người cho rằng thị trường bất động sản khó khăn nhưng theo ông đây chỉ là một giai đoạn của thị trường.
Ông Toản cũng đưa ra ví dụ việc bán căn hộ của mình, khi vừa gửi cho môi giới thì lập tức có rất nhiều người quan tâm. Người mua đều là những người có thu nhập ổn định và là gia đình trẻ.
“Điều này để thấy được thị trường vẫn vận động và nhu cầu vẫn có. Chúng ta chịu ảnh hưởng bởi thị trường đầu tư và những đối tượng đầu tư sử dụng đòn bẩy tài chính nên đôi khi ảnh hưởng lớn. Và thị trường bất động sản Việt Nam chủ yếu đầu tư là chính. Cho nên, khi tín dụng thắt chặt, dòng tiền hạn chế lập tức thị trường đi xuống chưa kể chứng khoán đi xuống, trái phiếu nguy hiểm đó là vấn đề ảnh hưởng thị trường bất động sản nói chung”, ông Toản chia sẻ.
Thị trường trầm lắng, ít giao dịch nhưng vẫn có những nhu cầu ở thực của những hộ gia đình trẻ, di dân cơ học đến với thành phố lớn như TP.HCM, Hà Nội, Bình Dương... Các cư dân đó đều có nhu cầu nhà ở và khi đã có nhu cầu thì lập tức có thị trường và thị trường cần có giao dịch mua bán. Theo ông, đây là điểm sáng của thị trường bất động sản hiện nay.
Nhịp sống thị trường
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét