Thứ Sáu, 18 tháng 11, 2022

FOMO là gì? Thoát khỏi FOMO với 2 bước đơn giản

FOMO (Fear Of Missing Out: hội chứng sợ bỏ lỡ cơ hội) là hội chứng cực kỳ nguy hiểm và là nguyên nhân chính khiến đa số các bạn mới tham gia thị trường chứng khoán trắng tay. Chúng ta hãy cùng tìm hiểu thật kỹ về hiệu ứng này, nguyên nhân cũng như cách tránh bị FOMO nhé.

FOMO là gì?

FOMO là từ viết tắt của cụm từ Fear Of Missing Out, một hiệu ứng tâm lý ám chỉ những người sợ bỏ mất cơ hội nào đó.

Đây là tâm lý chung ở bất cứ thị trường nào: Chứng khoán, Forex, Bitcoin,…

Nghe có vẻ rất vô lý bởi nếu không có kiến thức trong một thị trường nào đó thì việc bạn bỏ ngoài tai khoản “lợi nhuận” kếch xù được hứa hẹn là rất bình thường. Tuy nhiên điều đáng buồn là không nhiều người làm được việc này.


FOMO trong chứng khoán

Có thể bạn không biết nhưng FOMO có thể khiến bạn trắng tay, ngay cả khi bạn là thiên tài với chỉ số IQ cao vút!

Isaac Newton cũng không tránh khỏi FOMO, đến nỗi ông đã phải thốt lên rằng:

“Tôi có thể tính toán được sự chuyển động của các hành tinh, nhưng không thể tính toán được sự điên rồ của con người.”

Chuyện kể rằng vào năm 1720, Newton sở hữu cổ phần của công ty South Sea Company, một trong những cái tên “hot” nhất tại Anh khi đó được cấp phép độc quyền buôn bán tại khu vực Nam Mỹ.

Một thời gian sau khi đầu tư, cổ phiếu South Sea đã tăng rất mạnh, Newton lập tức thực hiện hóa lợi nhuận và thu về khoản lợi nhuận gấp đôi, tương đương 7.000 bảng Anh.

Tuy vậy, chỉ vài tháng sau khi Newton chốt lời, cổ phiếu South Sea vẫn tiếp tục tăng khiến nhà bác học không thể kiềm chế thêm được nữa và mau chóng cuốn vào đám đông, mua lại cổ phiếu này với mức giá cao hơn nhiều thời điểm chốt lãi.

Không may mắn cho Newton bởi ngay sau khi ông tái gia nhập thị trường thì cổ phiếu South Sea Bubble lập tức lao dốc giảm mạnh.

Kết quả, ông mất cả vốn lẫn lãi với số tiền khoảng 20.000 bảng Anh, một con số rất lớn vào thời điểm đó. Và kể từ ngày đó ông cấm bất kỳ ai nói từ “South Sea Bubble” trước mặt mình.

 

Cách loại bỏ cảm giác FOMO trên TTCK

Warren Buffett:

“Hãy tham lam khi người khác sợ hãi và hãy sợ hãi khi người khác tham lam”

Ai cũng có thể trích lại câu quote kinh điển này của Warren như một cách để giúp mình tránh khỏi cảm giác FOMO nhưng làm thế nào để bạn có thể tự cảm thấy “sợ hãi” giống như ông?

#1. Hiểu thật rõ về doanh nghiệp

Sau khi tìm hiểu chiến lược của nhiều nhà đầu tư thành công như: Warren Buffett, Filip Fisher hay Peter Lynch,…

Tôi nhận ra rằng có thể tùy từng hoàn cảnh hoặc quan điểm đầu tư của họ có thể khác nhau nhưng suy cho cùng giữa họ đều cho một điểm chung đó là cực kỳ am hiểu về doanh nghiệp mà mình đầu tư.

Có rất nhiều bạn nhầm lẫn rằng cách giải quyết FOMO đơn giản nhất là không mua cổ phiếu khi chúng đang đã tăng mạnh trước đó rồi.

Tuy nhiên trên thực tế lại không phải như vậy. Có rất nhiều cổ phiếu vẫn tiếp tục tăng giá nhiều lần sau lần mua đầu tiên của bạn…

Tôi đã từng phím cho nhóm bạn thân mua cổ phiếu CTR khi nó mới ở vùng giá 3-4x nhưng ai cũng tặc lưỡi bảo nó đã tăng gấp đôi rồi…

Tới bây giờ cổ phiếu này đã tăng gấp đôi thêm 1 lần nữa lên hơn 100k/cp nhưng nhóm bạn tôi vẫn không dám mua.

Bạn có thể thấy với những cổ phiếu có thể tăng trưởng đều qua các năm thì gần như không có đỉnh và bạn có mua ở vùng giá nào cũng vẫn sẽ có lãi trong dài hạn.

Do đó thực chất khái niệm FOMO này ám chỉ những người không thực sự hiểu rõ hành động của mình, không hiểu về doanh nghiệp và không hiểu rõ về loại tài sản mà mình đang đầu tư.

Ngược lại, khi đã hiểu rõ bạn đang làm gì thì kể cả mua cổ phiếu ở vùng giá cao cũng vẫn sẽ an toàn.

Với các bạn mới, sẽ rất dễ xảy ra trường hợp mua thăm dò thì lãi, băn khoăn mãi không dám mua thêm, tới khi không chịu được FOMO thì lại đu ngay đỉnh.

Tất cả có thể gói gọn lại rằng bạn chưa biết giá trị thật của cổ phiếu ở đâu!

Do đó am hiểu doanh nghiệp chính là chìa khóa để giải quyết phần lớn vấn đề mà các nhà đầu tư hay gặp phải.


#2. Xây dựng chiến lược đầu tư rõ ràng

Thiếu chiến lược đầu tư rõ ràng là lỗi khá cơ bản của các bạn mới tham gia vào thị trường chứng khoán.

Phần lớn họ đều quyết định mua nếu thấy giá cổ phiếu tăng một ít. Mua mạnh hơn khi giá cổ phiếu tăng giá mạnh. Lo lắng khi giá cổ phiếu giảm. Và hoảng loạn bán tháo khi giá cổ phiếu giảm sâu.

Nghĩa là nếu bạn quyết định mua bán hoàn toàn phụ thuộc vào diễn biến thị trường thì sẽ rất dễ bị FOMO và giải ngân nhiều nhất ngay ở vùng đỉnh.

Bạn hãy tự xây dựng cho mình một chiến lược riêng và tuyệt đối tuân thủ các nguyên tắc đã đặt ra, chúng sẽ giúp bạn giảm thiểu tác động của cảm xúc trong mua bán.

Ví dụ như:

  • Chỉ mua cổ phiếu sau khi đã thực sự am hiểu về doanh nghiệp

  • Chỉ mua cổ phiếu khi biên an toàn lớn hơn 30%

  • Cân nhắc bán cổ phiếu nếu chúng đi lệch khỏi quỹ đạo dự phóng ban đầu


Bottom Line

Tóm lại, FOMO hay sợ bỏ lỡ cơ hội trong thị trường chứng khoán là tình trạng thường thấy ở phần lớn các nhà đầu tư.

Quá kì vọng vào những thứ mình không thực sự am hiểu là nguyên nhân chính dẫn tới tình trạng này.

Do đó để giải quyết triệt để FOMO bạn sẽ cần thực sự am hiểu về doanh nghiệp trước khi đầu tư.

Không có nhận xét nào: