Phóng viên Thời báo Hoàn cầu đã phỏng vấn tập đoàn Tam Hiệp - đơn vị quản lý đập Tam Hiệp - để có câu trả lời chính thức cho những nghi ngờ về đập thủy điện lớn nhất hành tinh.
Đập Tam Hiệp, đập thủy điện lớn nhất hành tinh ở Trung Quốc. Ảnh: Tân Hoa xã
Đập Tam Hiệp, đập thủy điện lớn nhất hành tinh ở Trung Quốc, đóng vai trò quan trọng trong việc điều tiết nước và sản xuất điện trên sông Dương Tử. Tuy nhiên, kể từ khi được xây dựng năm 1994, đập Tam hiệp vẫn luôn bị nghi ngờ và chỉ trích về khả năng của nó.
Trung Quốc đang phải hứng chịu thảm họa lũ lụt nghiêm trọng trong nhiều thập kỷ, khiến hơn 20 triệu người ở miền nam Trung Quốc bị ảnh hưởng. Đập Tam Hiệp đã góp phần giảm nhẹ lũ lụt trên sông Dương Tử. Sau đợt lũ thứ 2 trong năm nay trên sông Dương Tử ngày 19/7, đập Tam Hiệp vẫn trụ vững.
Dẫu vậy, nhiều câu hỏi vẫn được đặt ra về đập thủy điện lớn nhất hành tinh: Đập Tam Hiệp đã hoạt động ra sao trong đợt lũ lụt nghiêm trọng năm nay? Liệu có phải con đập đang làm tồi tệ thêm tình hình ở trung và hạ lưu sông Dương Tử? Đập Tam Hiệp có bị biến dạng hay thậm chí đối mặt với nguy cơ "vỡ đập" như một số báo phương Tây đưa tin?
Các phóng viên của Thời báo Hoàn cầu đã phỏng vấn tập đoàn Tam Hiệp - đơn vị quản lý đập Tam Hiệp - để có câu trả lời chính thức cho những nghi ngờ về đập thủy điện lớn nhất hành tinh.
Hỏi: Đợt lụt năm nay khiến nhiều người nhớ lại trận lụt lịch sử năm 1998. Nếu đập Tam Hiệp không tồn tại, lũ lụt năm nay sẽ thảm khốc thế nào?
Trong trận lụt năm 1998 dọc lưu vực sông Dương Tử, mực nước tại trạm thủy văn Shashi ở khu vực Jingjiang - phần rủi ro nhất của sông Dương Tử - đạt mức 45,22 mét, cao hơn 0,22 mét so với mức an toàn.
Khu vực Jingjiang khi đó phải đối mặt với tình huống vô cùng căng thẳng. Hơn 1 triệu binh lính Trung Quốc và người dân địa phương phải căng sức đối phó với lũ lụt thời điểm đó.
Theo mô phỏng và tính toán, nếu có đập Tam Hiệp trước trận lũ năm 1998, mực nước ở trạm Shashi sẽ không vượt quá 44,5 mét và nước lũ tại khu vực Chenglingji - nơi thoát nước của hồ Động Đình - sẽ giảm từ 10,8 tỷ m3 xuống còn 3,5 tỷ m3, giải phóng áp lực phòng chống lũ lụt tại trung và hạ lưu sông Dương Tử.
Trong đợt lũ lụt năm nay, nếu không có đập Tam Hiệp, mực nước tại khu vực Chenglingji và Hukou (nơi thoát nước của hồ Bà Dương - hồ nước ngọt lớn nhất Trung Quốc) sẽ vượt mức an toàn. Trạm thủy văn Hankou tại thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, sẽ hứng chịu mực nước cao hơn. Trong trường hợp này, trung và hạ lưu sông Dương Tử sẽ đối mặt với tình huống lũ lụt đặc biệt nghiêm trọng.
Nếu đập Tam Hiệp không tồn tại, lũ lụt năm nay ở Trung Quốc sẽ nghiêm trọng hơn hiện tại. Ảnh: AP
Hỏi: Một số người cho rằng việc đập Tam Hiệp liên tục xả lũ đã làm trầm trọng hơn tình hình ngập lụt tại trung và hạ lưu sông Dương Tử. Điều này có phải là sự thật?
Xả lũ là cách mà hồ chứa kiểm soát lượng nước chảy ra qua các công trình xả lũ. Thông thường, hồ chứa sẽ cho nước chảy qua các đơn vị phát điện. Chỉ khi lượng nước vượt khả năng của các đơn vị, hồ chứa mới sử dụng tới các cổng xả.
Tuy nhiên, xả lũ không có nghĩa là hồ chứa đánh mất chức năng phòng chống lũ lụt của nó. Ví dụ, ngày 2/7, hồ chứa đập Tam Hiệp chứng kiến lượng nước chảy vào là 53.000 m3/s và chảy ra là 35.000 m3/s.
Đập Tam Hiệp giúp giảm áp lực lũ lên các khu vực trung và hạ lưu của sông Dương Tử, như ở hồ Bà Dương - hồ nước ngọt lớn nhất Trung Quốc.
Hỏi: Nếu lũ lụt năm nay vẫn tiếp tục, đập Tam Hiệp có thể duy trì khả năng điều tiết nước hay không?
Đập thủy điện lớn nhất hành tinh vẫn giữ vai trò điều tiết nước khi mưa lũ diễn biến phức tạp. Ảnh: Tân Hoa xã
Nhiệm vụ phòng chống lũ lụt của đập Tam Hiệp phần lớn dựa vào các khu vực Jingjiang, Chenglingji và khu thoát nước của hồ Động Đình. Với một hồ chứa có dung tích 22 tỷ m3 nước, đập Tam Hiệp được thiết kế để ngăn lũ lớn ở thượng nguồn sông Dương Tử. Nó hoạt động khá hiệu quả để ngăn chặn tình trạng lũ lụt vượt tầm kiểm soát.
Nếu lũ lụt xảy ra do mưa lớn ở trung và hạ lưu sông Dương Tử, các thành phố xung quanh sẽ phải trông cậy chủ yếu vào các công trình thoát lũ của mình. Trong tình cảnh như vậy, đập Tam Hiệp vẫn có thể đóng góp vai trò quan trọng bằng các giữ lại nước ở hồ chứa để giảm lượng nước chảy về các thành phố ở trung và hạ lưu sông Dương Tử.
Hỏi: Một số phương tiện truyền thông nước ngoài cho rằng đập Tam Hiệp bị "biến dạng" và có nguy cơ cao sẽ "vỡ đập". Hiện tại, con đập vẫn trong điều kiện an toàn?
Đập Tam Hiệp vẫn đang hoạt động an toàn. Trong vài năm qua, không có cái gọi là "biến dạng" xảy ra ở đập Tam Hiệp hoặc bất kỳ rủi ro nào khác.
Từ đầu năm 1994 tới tháng 6 năm đó, đơn vị giám sát an toàn đã lắp đặt 12.000 thiết bị ở trong và xung quanh con đập. Quá trình giám sát bao gồm: theo dõi biến dạng, lưu lượng thấm và lực thấm, động đất, thủy lực cũng như động lực học. Ngoài công nghệ và các thiết bị giám sát hiện đại, còn có các đoàn giám sát thực tế, thường xuyên kiểm tra tình trạng con đập.
Các tòa nhà và nền móng của đập Tam Hiệp vẫn bình thường, an toàn và đáng tin cậy.
Hỏi: Một số người nói rằng đập Tam Hiệp ảnh hưởng đến môi trường sinh thái dọc sông Dương Tử. Vậy tập đoàn Tam Hiệp và các cơ quan ban ngành đã làm gì để bảo vệ môi trường quanh đập và dọc sông Dương Tử?
Theo tập đoàn Tam Hiệp, đập Tam Hiệp góp phần bảo tồn và tu bổ hệ sinh thái cũng như môi trường dọc sông Dương Tử. Ảnh: IC
Ngoài kiểm soát lũ lụt, sản xuất điện và điều tiết nước, một nhiệm vụ khác không kém phần quan trọng của hồ chứa đập Tam Hiệp là kho lưu trữ nước ngọt. Với khả năng điều chỉnh mạnh mẽ, hồ chứa đập Tam Hiệp đóng vai trò quan trọng trong bảo tồn và tu bổ hệ sinh thái cũng như môi trường dọc sông Dương Tử.
Cụ thể, hồ chứa nước đập Tam Hiệp có thể bổ sung nước cho khu vực hạ lưu. Kể từ năm 2003, hồ chứa đã bổ sung khoảng 29 tỷ m3 nước cho dòng chảy hạ lưu.
Hồ chứa đập Tam Hiệp cũng cung cấp các điều kiện tốt nhất cho sự sống và sinh sản của động vật hoang dã cũng như các loài cá ở sông Dương Tử bằng cách điều chỉnh và kiểm soát lượng nước xả thải hồi tháng 5 và tháng 6/2020.
Ngoài ra, đập Tam Hiệp còn có thể thực hiện kiểm soát khẩn cấp. Khi sự cố ảnh hưởng tới chất lượng, an toàn của nước xảy ra, hồ chứa đập Tam Hiệp có thể điều chỉnh và kiểm soát lượng xả. Ví dụ, hồi tháng 2/2014, hồ chứa đập Tam Hiệp đã mở rộng xả nước xuống hạ lưu và hạn chế thành công cuộc "xâm lăng" của thủy triều xâm nhập mặn tại cửa sông Dương Tử ở Thượng Hải.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét