Thứ Hai, 6 tháng 7, 2020

Sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp vừa là mục tiêu, vừa là thước đo Cải cách hành chính

Sáng ngày 01/7, Chủ tịch UBND tỉnh Dương Văn Thái chủ trì Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Chương trình tổng thể cải cách hành chính (CCHC) nhà nước tỉnh Bắc Giang giai đoạn 2011-2020; phương hướng, nhiệm vụ giai đoạn 2021-2030. Tham dự có Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Từ Minh Hải; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Ánh Dương; đại diện lãnh đạo Ủy ban MTTQ tỉnh, các sở, ban, ngành của tỉnh.
Chủ tịch UBND tỉnh Dương Văn Thái phát biểu chỉ đạo hội nghị. Ảnh: BGP/Trâm Anh

Cải cách hành chính theo hướng tinh gọn, hiệu quả

Sau gần 10 năm triển khai thực hiện Chương trình tổng thể CCHC nhà nước, các mục tiêu, nhiệm vụ về công tác CCHC trên cả 6 lĩnh vực lớn gồm: cải cách thể chế; cải cách thủ tục hành chính (TTHC); cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước; đổi mới, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; cải cách tài chính công; hiện đại hóa nền hành chính nhà nước đã cơ bản hoàn thành, góp phần hoàn thiện hệ thống chính trị đảm bảo tinh gọn, hiệu quả, thúc đẩy phát triển KT-XH của tỉnh.

Công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành về CCHC luôn được cấp ủy, chính quyền các cấp quan tâm với nhiều cách làm sáng tạo, hiệu quả. Công tác kiểm tra, giám sát được tập trung thực hiện, qua đó kịp thời khắc phục các thiếu sót, chấn chính kỷ luật, kỷ cương làm việc.

Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về thể chế, chính sách thường xuyên được rà soát, sửa đổi, bổ sung, qua đó ngày càng hoàn thiện trên các lĩnh vực. Công tác cải cách TTHC và thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông được triển khai nghiêm túc.

Định kỳ hàng tháng, Chủ tịch UBND tỉnh tổ chức gặp mặt, tiếp xúc với các nhà đầu tư, doanh nghiệp, qua đó giúp lãnh đạo tỉnh nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, những khó khăn của doanh nghiệp.

Từ năm 2011 đến nay, Chủ tịch UBND tỉnh đã công bố, công khai 13.218 TTHC áp dụng trên địa bàn tỉnh, trong đó chú trọng cắt giảm từ 25-30% thời gian giải quyết.

Đặc biệt, việc thành lập và đi vào hoạt động của Trung tâm phục vụ hành chính công tỉnh đã góp phần nâng cao chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp trong giải quyết TTHC. Bộ phận một cửa tại cấp huyện, cấp xã đã được triển khai đồng bộ, hoạt động ổn định, phát huy hiệu quả. Đến nay, toàn tỉnh có 1.825 TTHC được thực hiện theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông, đạt tỷ lệ trên 90%.

Bên cạnh đó, công tác cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước được chú trọng theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu quả. Đến nay, đã sắp xếp giảm 13 phòng chuyên môn, chi cục và tương đương cấp sở, 142 đơn vị sự nghiệp công lập, 23 ban chỉ đạo cấp tỉnh.

Đặc biệt, đã hoàn thành sắp xếp, sáp nhập 40 xã, thị trấn, 679 thôn, tổ dân phố, qua đó đã giảm 21 đơn vị hành chính cấp xã và giảm 362 thôn, tổ dân phố.

Toàn tỉnh đã giảm được 3.362 biên chế so với thời điểm năm 2015, trong đó khối hành chính, sự nghiệp giảm hơn 3.000 người, đạt gần 8%.

Chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chứng không ngừng được nâng cao về trình độ, chuyên môn nghiệp vụ. Hạ tầng công nghệ thông tin phục vụ giải quyết TTHC ngày càng được hoàn thiện, chuẩn hóa.

Các tập thể được khen thưởng tại hội nghị. Ảnh: BGP/Trâm Anh

Vẫn còn những tồn tại, hạn chế

Mặc dù đạt nhiều kết quả, công tác CCHC của tỉnh trong 10 năm qua vẫn còn những tồn tại cần khắc phục. Trong đó, công tác chỉ đạo, điều hành của cấp ủy đảng, chính quyền về CCHC đã có nhiều cố gắng song chưa thường xuyên, quyết liệt. Các chỉ số như Par-index, PAPI, PCI… đã được cải thiện thứ hạng nhưng không ổn định. Công tác xây dựng, tham mưu ban hành văn bản quy phạm pháp luật còn hạn chế. TTHC ở một số lĩnh vực còn rườm rà, việc giải quyết TTHC cho người dân còn để xảy ra tình trạng quá hạn, người dân phải đi lại nhiều lần.

Ông Phạm Văn Đà - Giám đốc Trung tâm Phục vụ Hành chính công tỉnh cho biết: Còn xảy ra tình trạng doanh nghiệp phải đến tiếp xúc với cơ quan, công chức chuyên môn để xin ý kiến, hoàn thiện hồ sơ trước khi nộp tại Trung tâm Phục vụ Hành chính công. Tình trạng này xuất phát từ nguyên nhân do tỉnh còn thiếu các đơn vị tư vấn, hỗ trợ chuyên nghiệp. Vẫn còn tình trạng một số TTHC tiếp nhận ở hai nơi với lý do cơ quan chuyên môn cũng có bộ phận một cửa theo chỉ đạo của Bộ. Điều này dẫn đến vừa lãng phí nguồn lực của cơ quan nhà nước, vừa làm cho tổ chức, công dân lúng túng không biết đâu là nơi tiếp nhận chính.

Theo ông Vũ Trí Hải - Chủ tịch UBND thành phố Bắc Giang cho biết, mặc dù thực hiện giải quyết liên thông 3 cấp qua Hệ thống thông tin một cửa điện tử nhưng cán bộ phường, xã vẫn phải chuyển trực tiếp hồ sơ giấy lên thành phố để giải quyết. Lý do theo quy định thì thành phần hồ sơ đầu vào vẫn phải là văn bản bằng giấy bản chính hoặc bản sao nên các cơ quan giải quyết vẫn đòi hỏi phải dùng văn bản giấy.

Ngoài ra, tỷ lệ hồ sơ TTHC tiếp nhận và trả kết quả qua dịch vụ bưu chính công ích, số hồ sơ TTHC giải quyết trực tuyến mức độ 3, 4 còn thấp do chưa đảm bảo hạ tầng thông tin, thiếu hệ thống hỗ trợ thanh toán trực tuyến và do người dân, doanh nghiệp chưa quen với việc giải quyết TTHC trực tuyến. Hạ tầng công nghệ thông tin còn thiếu, chưa đáp ứng nhu cầu.

Ông Bùi Thế Sơn - Giám đốc Sở Giao thông vận tải cho biết: Tỷ lệ  hồ sơ TTHC cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 của Sở Giao thông vận tải chưa cao. Từ đầu năm 2020 đến nay, giải quyết TTHC mức độ 3 và mức độ 4 được 932 hồ sơ trên tổng số 9748 hồ sơ, chỉ đạt khoảng 10%. Nguyên nhân do trình độ sử dụng công nghệ thông tin của người dân và doanh nghiệp còn hạn chế; cơ sở vật chất còn thiếu, thiết bị máy móc chưa được đầy đủ, hiện đại. Cùng đó là do công tác tuyên truyền sử dụng dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 còn chưa đa dạng để người dân, doanh nghiệp được biết.

Bên cạnh đó, một số cơ quan hành chính còn chưa kịp thời bố trí, sắp xếp lại tổ chức bộ máy theo quy định. Số lượng đơn vị sự nghiệp công lập còn nhiều. Kết quả tinh giản biên chế chủ yếu do cắt giảm cơ học. Việc chấp hành quy định của pháp luật về kỷ luật, kỷ cương hành chính, văn hóa công sở của một số cán bộ, công chức, viên chức còn hạn chế.

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Dương Văn Thái nhấn mạnh:  Nhìn lại chặng đường 10 năm qua, công tác CCHC của tỉnh Bắc Giang đã có những bước đi khá xa, ở cả cấp tỉnh đến huyện, xã. Trong đó, công tác lãnh đạo, chỉ đạo về CCHC được quan tâm, triển khai quyết liệt; đã huy động được cả hệ thống chính và người dân, doanh nghiệp cùng thực hiện.

Công tác cải cách thể chế được quan tâm chỉ đạo, hệ thống các văn bản pháp luật thường xuyên được rà soát, bổ sung để thống nhất quy định của Trung ương và phù hợp điều kiện của tỉnh, tạo bước đột phá phát triển trong các lĩnh vực. Công tác cải cách TTHC, một cửa, một cửa liên thông thực hiện bài bản đã thay đổi cách thức làm việc của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.

Ứng dụng công nghệ thông tin được đẩy mạnh. Bắc Giang là 1 trong 7 tỉnh đầu tiên đưa Trung tâm phục vụ hành chính công vào hoạt động. Các chỉ số về sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước, chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công nằm trong top 10 tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước….

Các kết quả CCHC thời gian qua đã góp phần nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, tiết kiệm ngân sách, tạo môi trường pháp lý thông thoáng, nâng cao cải thiện năng lực cạnh tranh, đóng góp quan trọng vào sự phát triển của tỉnh.

Tuy nhiên, Chủ tịch UBND tỉnh Dương Văn Thái cũng cho rằng vẫn còn rất nhiều tồn tại, hạn chế như các đại biểu đã chỉ ra. Đặc biệt, chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức chưa cao, tình trạng cán bộ “hành dân, hành doanh nghiệp” vẫn diễn ra, gây cản trở sự phát triển của tỉnh. Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh, những cán bộ ấy dứt khoát phải xử lý, không thể để thực hiện nhiệm vụ tại bộ phận một cửa.

Cùng đó, hạ tầng công nghệ thông tin còn nhiều khó khăn do ngân sách hạn chế, điều đó cũng ảnh hưởng lớn đến công tác CCHC.

Các cá nhân được khen thưởng tại hội nghị. Ảnh: BGP/Trâm Anh

Trách nhiệm người đứng đầu và chất lượng cán bộ, công chức là then chốt

Chủ tịch UBND tỉnh Dương Văn Thái nhấn mạnh, cùng với cả nước, Bắc Giang đang bước vào giai đoạn mới với nhiều khó khăn, thách thức. Hội nhập quốc tế sâu rộng sẽ khiến cho tính cạnh tranh gia tăng, không chỉ cạnh tranh giữa các quốc gia mà giữa các địa phương.

Quan điểm của tỉnh là xác định trong khi các nguồn lực chỉ là hữu hạn, thì việc đẩy mạnh CCHC phải là giải pháp cần đặc biệt quan tâm để tối ưu hóa các nguồn lực. Công tác CCHC phải lấy sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp làm thước đo; coi đây vừa là mục tiêu, vừa là thước đo để thực hiện. Điều này sẽ tạo ra năng lực cạnh tranh cấp tỉnh.

Chủ tịch UBND tỉnh cho biết mục tiêu của CCHC trong giai đoạn tới là hướng đến  xây dựng và hoàn thiện nền hành chính nhà nước “phục vụ nhân dân, chuyên nghiệp, hiện đại, hiệu lực, hiệu quả”; xây dựng chính quyền điện tử, chính quyền số. Để đạt được mục tiêu này, trước mắt phải khắc phục ngay các tồn tại, hạn chế hiện nay, cải thiện mạnh mẽ các chỉ số đánh giá cấp tỉnh.

Về nhiệm vụ thời gian tới, các cấp, các ngành tiếp tục quán triệt và triển khai hiệu quả các chỉ đạo, quan điểm của Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Tỉnh ủy về CCHC, phù hợp tình hình thực tiễn địa phương. Quan tâm nguồn lực để đầu tư cho công tác CCHC đảm bảo có lộ trình và hiệu quả, đặc biệt là hạ tầng CNTT.

Các cơ quan, đơn vị, địa phương phải nhận thức rõ vai trò của CCHC là nhiệm vụ thường xuyên liên tục, thực hiện đồng bộ quyết liệt, thực chất; đặc biệt phát huy tốt vai trò người đứng đầu các cấp.

Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu mỗi ngành, địa phương phải lựa chọn đăng ký 1 nhiệm vụ, sáng kiến về CCHC để thực hiện. Đây sẽ là tiêu chí để đánh giá người đứng đầu các đơn vị.

Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh, muốn CCHC hiệu quả thì vai trò đội ngũ cán bộ, và trách nhiệm người đứng đầu là vô cùng quan trọng. Cán bộ, công chức, viên chức phải đổi mới tư duy, nhận thức, hành động trong thực thi nhiệm vụ, không ngừng học tập, rèn luyện, nâng cao bản lĩnh chính trị, kỷ luật, kỷ cương hành chính. Các sở, ngành đưa cán bộ, công chức ra làm việc tại bộ phận một cửa phải có chuyên môn tốt, có văn hóa, đạo đức tốt. Quan tâm ưu tiên bổ nhiệm đội ngũ này sau khi hoàn thành nhiệm vụ tại bộ phận một cửa.

Các cơ quan thông tin, truyền thông kịp thời tuyên truyền về công tác CCHC, tăng cường tiếp nhận sự phản biện của người dân, doanh nghiệp.

Cộng đồng, doanh nghiệp và nhân dân trong tỉnh chung tay với chính quyền để xây dựng môi trường đầu tư thông thoáng, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh để đưa Bắc Giang thực sự trở thành điểm đến hấp dẫn của các doanh nghiệp.

Nhân dịp này, 10 tập thể, 40 cá nhân có thành tích xuất sắc trong thực hiện Chương trình Tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2011-2020 được khen thưởng tại hội nghị.

Không có nhận xét nào: