Thứ Hai, 6 tháng 7, 2020

Đẩy mạnh cải cách hành chính, xây dựng chính quyền điện tử

Công tác Cải cách hành chính (CCHC) luôn được các cấp, các ngành trên địa bàn tỉnh Bắc Giang xác định là nhiệm vụ chính trị quan trọng, góp phần cải thiện môi trường đầu tư, thúc đẩy KT-XH phát triển. 10 năm qua (giai đoạn 2021-2020), việc triển khai công tác CCHC trên địa bàn tỉnh Bắc Giang đã đạt những kết quả tích cực, là bài học quan trọng để triển khai thực hiện trong giai đoạn tiếp theo. Cổng Thông tin điện tử tỉnh Bắc Giang ghi lại một số ý kiến của lãnh đạo các sở, ngành tại Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Chương trình tổng thể CCHC nhà nước tỉnh Bắc Giang giai đoạn 2011-2020, sáng 01/7.
Ông Bùi Thế Sơn - Giám đốc Sở Giao thông vận tải Bắc Giang. Ảnh: BGP/Trâm Anh
Nâng cao chất lượng giải quyết TTHC mức độ 3, 4
Ông Bùi Thế Sơn, Giám đốc Sở Giao thông vận tải: Thời gian qua, Sở Giao thông vận tải luôn đi đầu trong công tác CCHC giai đoạn 2011-2020, đặc biệt là thực hiện các TTHC mức độ 3 và 4. Việc giải quyết TTHC trên dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 đã góp phần tiết kiệm chi phí đi lại, tiết kiệm thời gian. Qua triển khai, chúng tôi rút ra nhiều kinh nghiệm. Trong đó, muốn phát huy tốt việc giải quyết TTHC mức độ 3, 4 thì công tác tuyên truyền hết sức quan trọng. Ngoài việc truyên truyền trên Cổng Thông tin điện tử của Sở, chúng tôi phối hợp với Đài phát thanh truyền hình tỉnh xây dựng các Clip hướng dẫn thực hiện giải quyết TTHC mức độ 3 và 4 để lan tỏa tới người dân, doanh nghiệp.
Đồng thời công khai bộ TTHC của Sở tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả  một cửa điện tử, một cửa điện tử liên thông đặt tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh để người dân và doanh nghiệp dễ dàng thực hiện; thực hiện niêm yết công khai trên Cổng Thông tin điện tử của Sở nhằm tạo điều kiện cho tổ chức, cá nhân biết, tìm hiểu về TTHC của ngành Giao thông vận tải trên cả 3 cấp là cấp tỉnh, cấp huyện và cấp xã theo quy định.
Sở cũng quán triệt cán bộ, công chức trong việc sử dụng có hiệu quả phần mềm Một cửa điện tử, một cửa điện tử liên thông trong hỗ trợ giải quyết TTHC; tăng cường cung ứng dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 tạo thuận lợi cho người dân, tổ chức. Rút ngắn thời gian xử lý hồ sơ TTHC theo hướng đơn giản hóa, giảm 33% thời gian giải quyết các TTHC có thời gian giải quyết từ 10 ngày trở lên. Kết quả đến nay, Sở Giao thông vận tải Bắc Giang đang thực hiện việc giải quyết TTHC mức độ 3 là 08 TTHC; mức độ 4 là 27 TTHC.  
Ngoài ra, Sở Giao thông vận tải còn phối hợp với Bưu điện tỉnh triển khai việc tiếp nhận và trả kết quả TTHC đối với 82/82 TTHC, đạt 100% (trả kết quả tại nhà theo đăng ký). Từ tháng 9/2016, Sở đã phối hợp với Bưu điện tỉnh và Viettel Bắc Giang thực hiện tiếp nhận hồ sơ cấp đổi giấy phép lái xe tại 01 điểm thuận lợi tại các huyện và thực hiện dịch vụ trả giấy phép lái xe tới nhà cho những cá nhân có nhu cầu.
Trong thời gian tới, Sở Giao thông vận tải tiếp tục nâng cao nhận thức, trách nhiệm của người đứng đầu các phòng, đơn vị, của công chức về vai trò, ý nghĩa và nội dung của công tác CCHC. Xây dựng đội ngũ công chức có trình độ, năng lực và phẩm chất đạo đức tốt, khả năng giao tiếp phù hợp và thái độ chân tình trong phục vụ tổ chức, công dân. Xử lý kiên quyết, kịp thời, nghiêm minh đối với những công chức, viên chức và người hợp đồng lao động có hành vi vi phạm pháp luật. Thường xuyên tuyên truyền sử dụng dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4.
Ông Phạm Văn Đà - Giám đốc Trung tâm phục vụ hành chính công tỉnh. Ảnh: BGP/Trâm Anh
Sự ra đời của Trung tâm phục vụ hành chính công có ý nghĩa quan trọng
Ông Phạm Văn Đà - Giám đốc Trung tâm phục vụ hành chính công tỉnh đánh giá, sự ra đời của Trung tâm đã giúp cụ thể hóa nhanh chóng, kịp thời những quyết tâm cải cách TTHC của Trung ương, của tỉnh vào cuộc sống. Mọi quy trình giải quyết TTHC được công khai, minh bạch và kiểm soát chặt chẽ, từ đó vừa hạn chế phiền hà, sách nhiễu, vừa tạo điều kiện thuận lợi cho để người dân tiếp cận và giám sát quá trình thực thi công vụ của đội ngũ cán bộ, công chức.
Trung tâm phục vụ hành chính công hiện đang tiếp nhận, giải quyết 1.454 TTHC của các sở, cơ quan thuộc UBNBD tỉnh; 190 TTHC của 03 cơ quan Trung ươngKết quả giải quyết bình quân hàng năm trả sớm và đúng hạn trên 99%. Giải quyết TTHC trực tuyến mức độ 3, 4 đạt bình quân gần 30%; trả kết quả TTHC qua bưu chính công ích cũng đạt gần 10%. Các TTHC giải quyết tại Trung tâm được kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ cả trên thực tế và trên Hệ thống phần mềm một cửa điện tử liên thông. Các trạng thái hồ sơ cũng được theo dõi chặt chẽ.
Để nâng cao hiệu quả hoạt động, thời gian tới, Trung tâm xác định một số nhiệm vụ trọng tâm sau: Thực hiện đúng các quy định và chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh về giải quyết TTHC theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông. Tham mưu, đề xuất đơn giản hóa quy trình, các bước thực hiện, tạo ra sự thay đổi thực chất trong tiếp nhận, giải quyết hồ sơ TTHC.
Tiếp tục theo dõi, kiểm soát chặt chẽ quá trình tiếp nhận, giải quyết TTHC cả trên thực tế và trên các hệ thống phần mềm. Định kỳ hàng tuần, tháng tổng hợp, báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh những khó khăn, vướng mắc và những tồn tại, hạn chế trong giải quyết TTHC, nhất là những đơn vị giải quyết không đạt chỉ tiêu và có hồ sơ chậm muộn, yêu cầu bổ sung, trả lại hoặc nhận vào nhưng đề nghị chủ hồ sơ xin rút…
Duy trì nghiêm nền nếp văn hóa công sở, thực hiện đúng chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh về “Bốn xin: Xin chào - Xin cảm ơn - Xin phép - Xin lỗi ”, “Bốn luôn: Luôn mỉm cười - Luôn nhẹ nhàng - Luôn lắng nghe - Luôn giúp đỡ” và “Năm không: Không cửa quyền, hách dịch - Không quan liêu, vô cảm - Không tham nhũng, lãng phí - Không gian dối - Không lợi dụng chức vụ, quyền hạn”. Chuẩn bị các điều kiện tốt nhất để mọi người dân, doanh nghiệp đến với Trung tâm đều được phục vụ chu đáo, tận tình.
Ông Vũ Trí Hải - Chủ tịch UBND thành phố Bắc Giang. Ảnh: BGP/Trâm Anh
Ứng dụng Hệ thống thông tin một cửa điện tử giải quyết TTHC liên thông 3 cấp
Ông Vũ Trí Hải - Chủ tịch UBND thành phố Bắc Giang cho biết: Thời gian qua, công tác CCHC luôn được thành phố Bắc Giang quan tâm, thực hiện. Trong đó, việc ứng dụng Hệ thống thông tin một cửa điện tử để giải quyết TTHC liên thông 3 cấp được xác định là nhiệm vụ trọng tâm trong cải cách TTHC. Thành phố Bắc Giang được tỉnh chọn là địa phương triển khai thí điểm và đã chính thức hoạt động từ ngày 02/01/2020 tại Bộ phận một cửa thành phố và 16/16 phường, xã, với tổng số 48 TTHC liên thông.
Qua quá trình áp dụng, chúng tôi nhận thấy những ưu điểm nổi bật khi giải quyết TTHC theo cơ chế liên thông 3 cấp. Đó là việc giải quyết TTHC theo cơ chế liên thông nhanh chóng, kịp thời và hiệu quả hơn, bảo đảm công khai, minh bạch, bình đẳng và hạn chế các yếu tố gây phiền hà, sách nhiễu. Chất lượng hồ sơ đầu vào được nâng lên. Cùng đó, tổ chức và người dân thay vì phải đến 3 địa điểm để giải quyết TTHC thì nay chỉ cần đến 1 nơi duy nhất (UBND phường, xã), việc chuyển hồ sơ TTHC do cơ quan nhà nước đảm nhiệm.
Thời gian tới, thành phố Bắc Giang sẽ tiếp tục củng cố, đẩy mạnh việc giải quyết TTHC theo cơ chế liên thông. Để đạt hiệu quả, UBND thành phố đề nghị Sở Thông tin và Truyền thông sớm chỉ đạo đơn vị tư vấn hoàn thiện một số chức năng của phần mềm Hệ thống thông tin để các địa phương thực hiện thuận lợi hơn. Đồng thời, Sở Thông tin và Truyền thông cũng sớm tham mưu đưa vào hoạt động Cổng dịch vụ công cấp tỉnh, trong đó cần tích hợp chung phần mềm giải quyết TTHC của các sở, ngành, địa phương và dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 để nâng cao hiệu quả giải quyết TTHC theo cơ chế liên thông và giải quyết TTHC trực tuyến mức độ 3, 4... phục vụ tổ chức và người dân.
Ông Trần Minh Chiêu - Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Bắc Giang. Ảnh: BGP/Trâm Anh
Đẩy mạnh xây dựng chính quyền điện tử
Ông Trần Minh Chiêu - Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông: Nhằm cụ thể hóa các văn bản chỉ đạo của Trung ương về xây dựng chính quyền điện tử, Sở Thông tin và Truyền thông đã tham mưu cho Tỉnh ủy, UBND tỉnh nhiều văn bản chỉ đạo, giải pháp để thực hiện phù hợp với thực tiễn địa phương. Trong đó nổi bật là xây dựng hạ tầng, nền tảng công nghệ phát triển Chính quyền điện tử; bước đầu xây dựng, nâng cấp Trung tâm Tích hợp dữ liệu tỉnh để quản trị, vận hành trên 190 phần mềm chuyên ngành của các cấp, ngành; xây dựng nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu tỉnh Bắc Giang làm cơ sở tích hợp, kết nối liên thông, chia sẻ dữ liệu trong tỉnh với với hệ thống của Trung ương.
Cùng đó, xây dựng phát triển Chính quyền điện tử bảo đảm gắn kết chặt chẽ giữa ứng dụng công nghệ thông tin với CCHC. Các hệ thống phần mềm ứng dụng dùng chung của tỉnh được các cấp, các ngành khai thác sử dụng hiệu quả, góp phần đẩy mạnh CCHC. Việc triển khai chữ ký số được quan tâm thực hiện. Ứng dụng công nghệ thông tin trong các lĩnh vực giáo dục, y tế, nông nghiệp, giao thông và các lĩnh vực đời sống được quan tâm, hướng tới xây dựng nền tảng cho dịch vụ số, xã hội số và công dân số trong giai đoạn tới.
Đặc biệt, quan tâm đào tạo, nâng cấp chất lượng nguồn nhân lực công nghệ thông tin đáp ứng yêu cầu xây dựng Chính quyền điện tử.
Để triển khai xây dựng Chính quyền điện tử tỉnh Bắc Giang, hướng tới xây dựng chính quyền số, thời gian tới, Sở Thông tin và Truyền thông tiếp tục làm tốt công tác xây dựng, thực hiện quy hoạch, nghị quyết, kế hoạch của Tỉnh ủy, UBND tỉnh về phát triển công nghệ thông tin, xây dựng chính quyền điện tử. Tập trung phát triển các hệ thống nền tảng phát triển Chính quyền điện tử, triển khai kết nối, chia sẻ dữ liệu. Nâng cấp Trung tâm tích hợp dữ liệu của tỉnh thành Trung tâm dữ liệu hiện đại. Xây dựng Trung tâm giám sát, điều hành thông minh của tỉnh, đóng vai trò là bộ não tổng hợp, phân tích, điều hành các hoạt động quan trọng. Đào tạo chuyên sâu, nâng cao trình độ nghiệp vụ quản lý nhà nước về công nghệ thông tin…

Không có nhận xét nào: