Thứ Sáu, 19 tháng 6, 2020

Tự sự của một nhà đầu tư F0

Tôi bắt đầu, chính xác hơn là bắt đầu trở lại thị trường chứng khoán ở một thời điểm mà giá trị nhiều tài sản rất thấp, “đầu lạnh” vì không bị ám ảnh bởi cơn sóng thần thê thảm trước đó. 


Dù bận rộn với công việc kinh doanh riêng, nhưng tôi vẫn sẽ dành thời gian cho chứng khoán.

Một ngày đầu tháng 4, tôi bắt đầu ngày mới ở nhà khi cả xã hội thực hiện giãn cách và tự hỏi mình sẽ làm gì trong những ngày này? Chuông điện thoại reo vang, ở đầu dây bên kia, anh bạn là người có chức sắc ở một ngành nọ bốc máy tâm sự.

Anh ta nói chuyện trên trời dưới bể, nhưng cuối cùng đặt câu hỏi: “Trong thời điểm suy thoái, để tiền mặt trong ngân hàng phải chăng là phương án kém?”, rồi tự trả lời: “Chúng ta nên đầu tư chứng khoán”.

Tôi không phải là người ngoại đạo với chứng khoán, nhưng tài khoản của tôi đã nằm im hơn chục năm vì bận bịu công việc kinh doanh và tôi nghĩ, đó chắc hẳn là câu chuyện vu vơ của anh bạn nhân ngày nhàn tản.

Sau bữa cơm trưa, câu nói của Warren Buffett bỗng vang lên trong đầu: “Hãy tham lam khi mọi người sợ hãi”. Mở bảng điện tử, ôi chao, giá nhiều cổ phiếu rớt xuống mức thấp đáng kinh ngạc. Lòng tham của tôi trỗi dậy, tại sao mình không bỏ vốn vào chứng khoán ngay nhỉ?

Sau này, tôi thấy báo chí gọi những nhà đầu tư như tôi là F0. Nhưng tôi cho rằng, lợi thế của những nhà đầu tư F0 không phải là nhỏ. Chúng tôi bắt đầu, hoặc bắt đầu lại ở một thời điểm mà giá trị nhiều tài sản trên thị trường chứng khoán rất thấp, “đầu lạnh” vì không bị ám ảnh bởi cơn sóng thần thê thảm trước đó trên thị trường để chùn tay.

A lô cho nhân viên công ty chứng khoán hướng dẫn kích hoạt lại tài khoản, tôi lập tức chuyển tiền vào để bắt đầu công cuộc chống lại sự nhàn rỗi của mình. Với kiến thức kinh tế sẵn có khi quản lý một doanh nghiệp nhỏ, cộng với kinh nghiệm đầu tư năm xưa, không quá khó với những nhà đầu tư như tôi để bắt đầu đặt lệnh.

Tôi đặt ra tiêu chí khi lựa chọn cổ phiếu, đó là những công ty nhỏ có dòng tiền tốt, cổ tức tốt, thị giá cổ phiếu không vượt quá 2x, chốt lời khi lãi trên 10% và cắt lỗ khi giảm 10%.

Có lẽ, sự may mắn đến với các nhà đầu tư F0 khi thị trường bước vào những ngày bùng nổ theo đà và sóng nối sóng. BSR, KDC, BFC, NT2…, danh mục của tôi xuất hiện nhiều mã cổ phiếu. Sau 1 tuần, tôi quyết định chuyển thêm tiền vào tài khoản. Ðó thực sự là kênh đầu tư thú vị. 

Nhiều người nói, đầu tư chứng khoán bận như “nuôi tằm”, nhưng giờ đây tôi không thấy điều đó đúng với mình. Tôi không dành nhiều thời gian phân tích kỹ một mã cổ phiếu nào đó trước khi quyết định bỏ vốn, mà thường lướt qua các thông số, đọc qua tin tức trên báo chí về doanh nghiệp, xem qua triển vọng ngành và lập tức đặt mua cổ phiếu. Tất nhiên, bối cảnh thị trường chung hồi phục giúp việc lựa chọn cổ phiếu có khả năng tăng giá dễ dàng hơn.

Khi thị trường bước vào giai đoạn phân phối, tức là tuần đầu tháng 6, tôi đã tất toán danh mục, tạm nghỉ ngơi, tổng kết lại đạt tỷ suất lợi nhuận 50%. Có thể tôi gặp may vì “cả làng có lãi, riêng mình anh đâu”. Anh bạn tôi bỏ ra số vốn đầu tư tương tự, “con xịt, con nổ”, nhưng cũng kiếm được khoản lãi không nhỏ.

Dòng tiền nhà đầu tư F0 đổ vào thị trường được nhìn nhận là một trong những lý do giải thích cho việc thanh khoản trên HOSE lập kỷ lục trong nhiều phiên gần đây, có phiên đạt 500 triệu đơn vị.

Các thị trường liên tục ở trong tình trạng bất ổn và biến động mạnh, chúng ta kiếm lợi nhuận bằng cách chiết khấu những điều chắc chắn và đánh cược vào những điều bất ngờ

- George Soros 

Một bài báo trích nguồn dữ liệu từ Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam (VSD) cho biết, trong 3 tháng tính đến hết tháng 5, nhà đầu tư trong nước mở mới hơn 102.000 tài khoản chứng khoán, tương đương với số tài khoản mở mới trong 7 tháng cuối năm 2019 và những tài khoản này đều giao dịch tích cực.

Trong dòng tiền từ những nhà đầu tư mới tham gia thị trường thời Covid-19 còn có dòng tiền từ chính các doanh nghiệp, lãnh đạo doanh nghiệp đăng ký mua vào, lên tới hàng nghìn tỷ đồng.

Dòng tiền bắt đáy từ các nhà đầu tư F0 đã giúp thị trường cân bằng trước áp lực bán ròng của khối ngoại do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Cụ thể, từ tháng 3 tới hết tháng 5, khối ngoại ròng rã bán ròng hơn 14.000 tỷ đồng trên HOSE, nhưng chỉ số VN-Index đã đi từ vùng đáy 650 điểm vào cuối tháng 3 lên sát 900 điểm vào đầu tháng 6.

Khi cuộc sống và công việc trở lại guồng quay bận rộn, chứng khoán giảm bớt tỷ trọng ưu tiên thời gian đối với tôi, nhưng đọc báo, lướt web tin tức kinh tế, đặc biệt là những phân tích có giá trị đã trở thành thói quen và sẽ tiếp tục phục vụ cho hoạt động đầu tư chứng khoán.

“Ðối với những người chuẩn bị tốt, thị trường con gấu (giảm điểm) không chỉ là tai họa, mà còn là cơ hội”, câu nói của một nhà đầu tư tài ba nào đó đã giúp chúng tôi có những trải nghiệm đáng nhớ mùa Covid-19 năm nay. Ða dạng hóa kênh đầu tư cũng là cách quản trị tài chính. Những ngày này, Hà Nội, Sài Gòn đang vào cao điểm mùa nắng nóng, tôi tự hỏi, thị trường chứng khoán liệu có “nóng” nữa không?

Cảm nhận chung của một nhà đầu tư vẫn dành mối quan tâm cho chứng khoán: giảm nhiệt là cần thiết, vì VN-Index đã tăng hơn 30% từ khi tạo đáy. Khi thị trường tăng nóng, rồi hạ nhiệt, rồi lại tăng, lại hạ nhiệt…, nhà đầu tư sẽ có nhiều cơ hội hơn, biết sửa sai sau mỗi lần không đúng, tích lũy dần kinh nghiệm với kênh đầu tư hấp dẫn nhưng không dễ dàng này.

Vào những phiên giảm điểm mạnh, giá trị khớp lệnh lớn được duy trì cho phép nhà đầu tư kỳ vọng vào thực tế, nguồn tiền đứng ngoài thị trường dồi dào, sẵn sàng tham gia.

Dòng tiền là yếu tố quyết định sự lên/xuống của giá cổ phiếu, việc dòng tiền sẵn sàng tham gia khi thị trường điều chỉnh mạnh như đã từng diễn ra trước đó là tín hiệu tốt, thị trường vẫn còn hấp dẫn.

Công ty Chứng khoán SSI nhận xét: “Việc dòng tiền lớn gia nhập khi thị trường bị định giá thấp giai đoạn vừa qua phần nào cho thấy chuyển biến tích cực về nền tảng của giới đầu tư trong nước. Nhà đầu tư đã hành động bình tĩnh hơn, không xảy ra hiện tượng bán tháo hàng chục phiên liên tiếp như thời kỳ thị trường chịu tác động của khủng hoảng tài chính 2008 - 2009”.

Trong bối cảnh lãi suất đang giảm dần, nhiều kênh đầu tư khác kém hấp dẫn, thì dòng tiền trong nước dành cho kênh đầu tư chứng khoán được đánh giá là bền vững, có sự nghiên cứu kỹ, sẽ dẫn dắt VN-Index tiến tới những điểm số cao hơn.

Ðây chính là cơ hội để các nhà tạo lập chính sách, điều hành kinh tế vĩ mô thúc đẩy thị trường chứng khoán thực hiện chức năng và vai trò dẫn vốn cho doanh nghiệp, cho nền kinh tế mạnh mẽ hơn. Một lớp nhà đầu tư F0 trưởng thành sẽ là sự tiếp nối cần thiết để thị trường chứng khoán tiếp tục phát triển.

Không có nhận xét nào: