Tôi có nhiều bạn bè là giáo viên dạy phổ thông. Nhiều người trong số họ mưu sinh bằng việc bán hàng qua mạng.
Tôi mới hỏi thăm Lan, một trong số bạn tôi hiện là giáo viên dạy cấp ba có thâm niên bán hàng qua mạng hơn ba năm. "Đó là chặng đường cay đắng, tủi hổ", cô kể. Vì hoàn cảnh gia đình nên Lan bảo "không còn lựa chọn nào khác" để có thêm thu nhập nuôi hai đứa con đang tuổi ăn học và chăm lo cho mẹ già đang bệnh.
Chồng cùng dạy chung trường với cô nên thu nhập hai vợ chồng đã gần như cố định nhiều năm nay. Lúc mới bán hàng online, vì không có sẵn tiền vốn nên Lan chỉ dám đăng quảng cáo, nếu có ai đặt món nào cô mới dám đặt lại từ đại lý rồi đem giao kiếm chút tiền chênh lệch. Tiền lời tuy không bao nhiêu, cô còn khá xấu hổ với đồng nghiệp, phụ huynh học sinh hay những lúc bị khách hàng mắng vì giao chậm, hàng không đạt chất lượng như giới thiệu. "Nhiều lúc như vậy, muốn bỏ tất cả nhưng giờ cũng quen rồi", cô nói với tôi.
Trong số giáo viên bán hàng tôi biết, có người mới bắt đầu nhưng cũng có người đã dạn dày và thuần thục, thậm chí còn làm đại lý, đầu mối phân phối cho một nhãn hàng, công ty nào đó. Phải nói thật, nhiều lúc tôi thấy không thoải mái lắm khi trang cá nhân của mình liên tiếp hiện lên thông tin quảng cáo bán hàng, giới thiệu sản phẩm từ ai đó. Nhưng tôi không và chưa bao giờ có ý nghĩ sẽ chặn hay hủy kết bạn với bất kỳ ai vì muốn đặt mình vào vị trí của họ để quan sát toàn cảnh.
Năm 2013, một nghiên cứu của Viện Khoa học giáo dục Việt Nam sau khi tiến hành "khảo sát thực trạng lao động sư phạm của giáo viên phổ thông" đã cho kết quả: hơn một nửa giáo viên từ tiểu học đến trung học phổ thông nói rằng "sẽ không làm giáo viên nếu được chọn lại". Cụ thể, 41 % trong số 216 giáo viên tiểu học, 59 % trong số 144 giáo viên trung học cơ sở và hơn 52 % trong số 166 giáo viên trung học phổ thông trả lời "không" cho câu hỏi "nếu được chọn lại ông/ bà có chọn nghề giáo không?". Đặc biệt, có tới 75% giáo viên tiểu học tại TP HCM "không muốn chọn nghề giáo" nếu được làm lại. Trong cái nhìn của riêng tôi, đây là vấn đề rất nghiêm trọng nhưng có vẻ cho đến nay vẫn rất ít người quan tâm từ góc độ chính sách.
Chúng ta đã nghe nhiều bàn thảo về lương và thu nhập ngoài lương của các thầy cô giáo trên diễn đàn Quốc hội, các mổ xẻ trên mạng, thậm chí nhiều ý kiến không ngại ngần gắn nó với "phẩm giá nghề giáo", vấn nạn lạm thu trong trường học hay dạy thêm tràn lan. Tôi cho rằng bán hàng là công việc không có gì xấu, thậm chí tử tế hơn nhiều so với việc lạm thu của học sinh hay dạy thêm bất chấp. Nhưng vị thế và hình ảnh của các thầy cô giáo hôm nay ngày một giảm sút trong mắt xã hội đôi khi cả vì lý do cơm áo gạo tiền dù chính đáng.
Hẳn còn ai nhớ lời hứa hẹn: "đến năm 2010 giáo viên phổ thông sẽ sống được bằng lương". Nhưng giờ đã là năm 2020, chính phủ đang tiến hành "đổi mới căn bản và toàn diện" nền giáo dục. Tuy vậy, theo quan sát của tôi, có vẻ công cuộc đổi mới này chưa "căn bản và toàn diện" lắm, vì nó vẫn tập trung vào đổi mới chương trình và sách giáo khoa, tiếp tục còn nhiều tranh cãi. Tôi thấy lo cho lần "đổi mới căn bản và toàn diện" này. Nếu như hình ảnh và vị thế của thầy, cô giáo hôm nay không được cải thiện thì chúng ta lại giẫm lên vết xe đổ của những lần cải cách trước đó.
Một mùa hè nữa đang đến, rất nhiều giáo viên của chúng ta lại sẽ loay hoay với làm thêm, dạy thêm, bán hàng, chưa kể nhiều giáo viên đã bị giảm lương vì dịch Covid. Tôi thực sự không muốn các bạn, đồng nghiệp, người quen của tôi đang làm nghề giáo bị tổn thương. Nhưng tôi biết có không ít phụ huynh đang nhìn các giáo viên bán hàng qua mạng hiện nay bằng thái độ thiếu thiện cảm, thậm chí xem thường. Khi nghe Lan nói "lúc mới làm thấy rất xấu hổ nhưng giờ thì quen", tôi thật sự chua xót. Với nghề giáo hay bất kỳ nghề nào, nếu không toàn tâm toàn ý, rất dễ phản bội lại mục tiêu, lý tưởng của mình và cộng đồng, trừ khi ai đó nghĩ rằng việc dạy học cốt chỉ đảm bảo đúng chương trình và nhất là đáp ứng nhu cầu thi cử thuần túy.
Phẩm giá của một cá nhân nói cho cùng không nằm ngoài phẩm giá chung của một cộng đồng, dân tộc. Nghề giáo trong xã hội hôm nay vẫn còn những "sứt mẻ" về hình ảnh, như bạn tôi vẫn phải bán hàng qua mạng trong khi chờ đợi lời hứa "sống được bằng lương" thành hiện thực. Đây là một thực tế cần được nghiêm túc nhìn nhận. Để cứu vãn vấn đề, không còn cách nào khác là thay đổi tư duy và nhận thức của các nhà quản trị đất nước và sau đó của toàn xã hội về giáo dục nói chung. Sự thay đổi đầu tiên tôi cho rằng từ phía những người trực tiếp lãnh đạo, điều hành và quản lý nền giáo dục, với sự trung thực trong từng suy nghĩ, lời nói và hành động. Đã có khảo sát nào của ngành Giáo dục hỏi các giáo viên xem họ cần gì, muốn gì, mong đợi chính sách nào để chúng ta có thể trả họ về đúng với vị trí và chức phận của nghề giáo? Đã có đề án tài chính nào từng trả công thật xứng đáng với những gì mà thầy cô giáo đóng góp cho xã hội? Tôi e rằng khó mà tìm ra bằng chứng trong thực tế.
Nhiều người vẫn nói câu cửa miệng "nghề giáo cao quý nhất trong những nghề cao quý" nhưng trên thực tế lại có vẻ trái ngược nếu không muốn nói là giả tạo? Các thầy cô giáo của chúng ta, trừ số ít sống sung túc, thử hỏi nếu "trồng mình" còn khó thì làm sao có thể "trồng người" suôn sẻ?
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét