Liên hệ số di động/zalo: 0979766122 NGUYEN QUANG ANH Hỗ trợ cho tôi theo Số tài khoản: 0979766122 Vietinbank thành phố Bắc Giang
Thứ Ba, 25 tháng 4, 2023
Việt Nam sẽ xây dựng chương trình sản xuất chip điện tử
Giới thiệu tổng quan về tỉnh Nghệ An
Thu nhập bình quân của lao động gần 8 triệu đồng một tháng
Thủ tướng: Các ngân hàng phải giảm lãi suất
Cô dâu Việt lấy chồng giám đốc vẫn bán phở, nước mía trên đất Hàn
Bắc Giang: Người dân đăng ký cấp hộ chiếu có gắn chíp điện tử tăng mạnh
Sau một tháng Công an tỉnh Bắc Giang triển khai cấp hộ chiếu phổ thông cho công dân Việt Nam theo Luật Xuất cảnh, nhập cảnh, lượng người dân đăng ký cấp hộ chiếu phổ thông có gắn chíp điện tử tăng mạnh, chiếm khoảng 60% tổng số hồ sơ đăng ký cấp.
Từ ngày 1/3, Công an tỉnh Bắc Giang triển khai cấp hộ chiếu phổ thông có gắn chíp điện tử cho công dân Việt Nam theo Luật Xuất cảnh, nhập cảnh.
Theo Thượng tá Nguyễn Thế Cường, Trưởng phòng Quản lý xuất nhập cảnh, Công an tỉnh Bắc Giang, trong thời gian qua, cấp ủy, lãnh đạo đơn vị đã luôn bám sát sự lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Giám đốc Công an tỉnh để triển khai nhiệm vụ cấp hộ chiếu phổ thông, trong đó có hộ chiếu gắn chíp điện tử cho công dân Bắc Giang một cách thuận tiện, nhanh chóng nhất. Đơn vị đã chỉ đạo cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị thực hiện nhiệm vụ với phương châm "làm hết việc chứ không hết giờ", luôn nêu cao tinh thần phục vụ nhân dân.
Từ ngày 25/3, cứ vào Chủ nhật hằng tuần, Phòng Quản lý xuất nhập cảnh, Công an tỉnh Bắc Giang phối hợp với Bưu điện tỉnh, Bưu điện huyện, Công an huyện, Công an xã trên địa bàn tỉnh tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn và hỗ trợ người dân đăng ký cấp hộ chiếu trực tuyến. Đây là một trong số hơn 100 dịch vụ công trực tuyến cấp độ 3, 4 mà Công an tỉnh Bắc Giang đang triển khai thực hiện nhằm tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho người dân, góp phần vào công cuộc chuyển đổi số quốc gia, xây dựng Chính phủ điện tử.
Thượng tá Nguyễn Hữu Thoan- Phó trưởng phòng Quản lý xuất nhập cảnh cho biết: Thời kỳ đầu triển khai đăng ký cấp hộ chiếu phổ thông bằng hình thức trực tuyến đã gặp nhiều khó khăn và đạt tỉ lệ thấp. Tuy nhiên đến nay, Phòng đã khắc phục mọi khó khăn, chủ động, sáng tạo và đạt được những kết quả tốt.
Chỉ tính riêng trong tháng 3 vừa qua, đơn vị đã hoàn thiện thủ tục đăng ký cho 7.588 công dân có nhu cầu cấp hộ chiếu phổ thông; trong đó, có 92,75% nộp trực tuyến; số còn lại không đủ điều kiện để nộp trực tuyến vì đối tượng đăng ký cấp hộ chiếu là trẻ em dưới 14 tuổi, người chưa được cấp Căn cước công dân, hồ sơ bị lỗi khi thao tác. Tuy nhiên, sau khi các hồ sơ này được Phòng Quản lý xuất nhập cảnh tiếp nhận thì đều hoàn thành đăng ký bằng hình thức trực tuyến, nâng tỉ lệ nộp hồ sơ trực tuyến lên 100% tổng số hồ sơ.
Sau một tháng triển khai cấp hộ chiếu phổ thông có gắn chíp điện tử cho công dân Việt Nam theo Luật Xuất cảnh, nhập cảnh, bằng nhiều hình thức tuyên truyền, số lượng công dân đăng ký cấp loại hộ chiếu này tăng lên, chiếm khoảng 60% tổng số hồ sơ đăng ký cấp.
Hiện nay, Phòng Quản lý xuất nhập cảnh đang nỗ lực để tuyên truyền, hỗ trợ, hướng dẫn người dân đăng ký, cấp hộ chiếu phổ thông cho công dân một cách thuận lợi nhất, cùng chung tay xây dựng chính quyền số, Chính phủ điện tử.
Đại hội đại biểu toàn quốc Liên đoàn Cờ Việt Nam nhiệm kỳ VII (2023-2028)
Sáng 25/4, tại Khách sạn Mường Thanh (TP. Bắc Giang), Liên đoàn Cờ Việt Nam tổ chức Đại hội đại biểu toàn quốc nhiệm kỳ VII (2023 - 2028).
Dự Đại hội có các đồng chí: Nguyễn Hồng Minh - Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Thể dục Thể thao; Mai Sơn- Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh; đại diện lãnh đạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTT&DL) cùng hơn 100 đại biểu chính thức.
Theo báo cáo tại Đại hội, thời gian qua mặc dù bị ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19 nhưng phong trào cờ ở Việt Nam vẫn phát triển mạnh mẽ và rộng khắp, thành tích thi đấu ngày càng được nâng cao. Cờ vua có nhiều đại kiện tướng, kiện tướng nằm trong top vận động viên đỉnh cao thế giới.
Đặc biệt, đến hết năm 2022, các kỳ thủ Việt Nam đã giành được 834 huy chương các loại, góp phần đáng kể vào bảng vàng thành tích chung của thể thao Việt Nam. Trong đó, Liên đoàn Cờ vua Thế giới đã phong đẳng cấp đại kiện tướng quốc tế nam (GM) cho 3 kỳ thủ, kiện tướng quốc tế (IM) cho 3 kỳ thủ, kiện tướng quốc tế nữ (WIM) cho 3 kỳ thủ. Cùng đó, số lượng kiện tướng được Liên đoàn Cờ Việt Nam phong tặng ngày càng tăng qua các năm.
Tuy nhiên, trong nhiệm kỳ qua, Liên đoàn Cờ chưa thực sự làm tốt công tác vận động tài trợ, mọi sự đồng hành của các đơn vị đều giành cho các giải đấu, do đó công tác khen thưởng, hỗ trợ các giải đấu phong trào và tạo điều kiện để thành lập các Liên đoàn Cờ địa phương chưa có nguồn kinh phí để thực hiện. Tuy phong trào cờ rất phát triển trong các lứa tuổi nhưng Liên đoàn Cờ chưa phối hợp tốt với Bộ Giáo dục và Đào tạo đưa môn cờ vua là môn học chính thức trong trường học.
Phát huy kết quả đạt được trong nhiệm kỳ qua, Đại hội đã đề ra phương hướng và mục tiêu phấn đấu nhiệm kỳ VII (2023-2028) như: Tiếp tục xây dựng và phát triển phong trào cờ rộng khắp trong cả nước mà đối tượng chủ yếu là học sinh, tạo nền tảng rộng khắp cho việc phát hiện năng khiếu, đào tạo đỉnh cao cung cấp tài năng cho thể thao nước nhà. Xây dựng kế hoạch, tổ chức tuyển chọn các kỳ thủ xuất sắc nhất thông qua các giải đấu trong nước và quốc tế; lựa chọn và mời chuyên gia để đào tạo, tập huấn tạo nguồn, nâng cao thành tích, xây dựng đội tuyển làm nhiệm vụ tại các Đại hội thể thao và giải quốc tế. Bên cạnh đó, Liên đoàn Cờ tổ chức tốt các giải đấu trong hệ thống thi đấu quốc gia và các giải đấu mở rộng các miền Bắc, Trung, Nam; tăng cường cử các vận động viên tham gia các giải đấu chính thức và các giải quốc tế mở rộng.
Phát biểu chỉ đạo tại Đại hội, Phó Tổng Cục trưởng Tổng Cục Thể dục Thể thao Nguyễn Hồng Minh đề nghị Liên đoàn Cờ Việt Nam khóa VII cần phối hợp chặt chẽ với các ngành, địa phương đẩy mạnh phát triển phong trào tập luyện và thi đấu các môn cờ. Tập trung triển khai các giải pháp nâng cao thành tích thi đấu của vận động viên ở các giải thi đấu khu vực, châu lục và thế giới. Trước mắt, cần tập trung phối hợp chuẩn bị lực lượng tốt nhất tham dự SEA Games 32 tại Campuchia, phấn đấu vượt chỉ tiêu 2 Huy chương Vàng, 5 Huy chương Bạc, 5 Huy chương Đồng, cũng như giành thành tích tốt tại Đại hội Thể thao Châu Á lần thứ 19 tại Hàng Châu, Trung Quốc.
Cùng với đó, Liên đoàn Cờ cần củng cố tổ chức bộ máy; quan tâm đào tạo đội ngũ huấn luyện viên; chủ động nghiên cứu, tham mưu với Nhà nước ban hành các chế độ, chính sách đối với vận động viên, huấn luyện viên; đẩy mạnh xã hội hóa tạo nguồn tài chính phát triển Liên đoàn.
Đại hội đã bầu Ban Chấp hành Liên đoàn Cờ Việt Nam nhiệm kỳ VII (2023-2028) gồm 39 người. Ông Phạm Văn Tiền - Giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng Phạm Khang giữ chức Chủ tịch Liên đoàn Cờ Việt Nam nhiệm kỳ VII./.
Thu Hằng
HTX Nông nghiệp xanh Yên Thế quan tâm xây dựng sản phẩm OCOP
Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp xanh Yên Thế được thành lập từ đầu tháng 5/2017, có trụ sở văn phòng tại tổ dân phố Hoàng Hoa Thám (thị trấn Cầu Gồ) và địa chỉ cơ sở sản xuất tại thôn Hồng Lạc (xã Đồng Tâm, Yên Thế). Ngành nghề sản xuất, kinh doanh chính của HTX là sản xuất và chế biến nông - lâm - thủy sản; trong đó đặc biệt quan tâm, chú trọng đến việc xây dựng và phát triển mô hình liên kết sản xuất gà đồi Yên Thế theo chuỗi có gắn tem truy xuất nguồn gốc nhằm đẩy mạnh mô hình chuỗi liên kết chăn nuôi - giết mổ - chế biến - tiêu thụ sản phẩm gà đồi Yên Thế.
Ngay từ khi mới thành lập, Ban quản trị HTX Nông nghiệp xanh Yên Thế đã xác định và tập trung xây dựng nhiệm vụ, kế hoạch cụ thể cho định hướng phát triển sản xuất và tiêu thụ gà đồi Yên Thế. Phối hợp chặt chẽ với các cơ quan có thẩm quyền trong việc xác định vùng chăn nuôi có lợi thế, các hộ chăn nuôi có kinh nghiệm để làm nguồn nguyên liệu chính. Đồng thời, tích cực tìm kiếm thị trường tiêu thụ.
Quy mô tổng đàn gà của trên 20 thành viên thuộc HTX bình quân theo thời điểm khoảng gần 20 nghìn con. Sau thời gian tìm hiểu và nghiên cứu thị trường cho sản phẩm, ban đầu, HTX đã cung cấp ra thị trường được trên 15 tấn gà qua giết mổ, 500 kg giò gà và trên 80 tấn gà lông. Các sản phẩm gà của HTX được kiểm tra chặt chẽ, đầy đủ các yêu cầu về thời gian chăn nuôi cũng như chất lượng sản phẩm, được dán tem truy xuất nguồn gốc trước khi đưa ra thị trường tiêu thụ, đảm bảo theo quy định của pháp luật. Do vậy, đã tạo được sự yên tâm của người tiêu dùng khi sử dụng sản phẩm.
Đối với sản phẩm gà đồi của thành viên và các hộ chăn nuôi có liên kết với HTX được chăn nuôi theo quy trình kỹ thuật của HTX, có sổ sách theo dõi, quản lý, đảm bảo thời gian nuôi cũng như thời gian cách ly các loại thuốc kháng sinh trước khi xuất bán ra thị trường theo quy định. Ngoài ra, các thành viên HTX cũng thường xuyên được tham gia các lớp tập huấn về khoa học kỹ thuật do HTX và cơ quan chức năng cấp trên tổ chức.
Hưởng ứng Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) của huyện, thời gian qua, HTX Nông nghiệp xanh Yên Thế đã đặc biệt quan tâm đến việc xây dựng và chuẩn hóa các sản phẩm OCOP. Ông Giáp Quý Cường, Giám đốc HTX cho biết: Ngoài 2 sản phẩm truyền thống là gà lông và gà qua giết mổ, mấy năm gần đây, HTX đã cho ra thị trường một số sản phẩm mới gồm: Giò gà, chả gà và thịt gà đóng túi hút chân không. Tuy sản lượng chưa nhiều, nhưng với chất lượng tốt, mẫu mã đẹp, các mặt hàng này đã được người tiêu dùng chấp nhận và dần khẳng định được chỗ đứng trên một số thị trường như: Bắc Giang, Hà Nội, Quảng Ninh, Hải Phòng…
Theo ông Lương Văn Hiến, Phó Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Yên Thế, năm 2019, toàn huyện có 7 sản phẩm tham gia Chương trình OCOP của huyện; trong đó HTX Nông nghiệp xanh Yên Thế có 2 sản phẩm gồm: Giò gà, thịt gà đóng túi hút chân không. Cả 2 sản phẩm này đều nằm trong số các sản phẩm tham gia Chương trình OCOP cấp tỉnh. Kết quả, cùng với chè xanh bản Ven, 2 sản phẩm kể trên của HTX Nông nghiệp xanh Yên Thế đã được công nhận sản phẩm 4 sao. Theo quy định, sản phẩm được xếp hạng từ 3 sao trở lên phải đạt các tiêu chí về an toàn vệ sinh thực phẩm, kiểu dáng, nhãn mác, bao bì, nguồn gốc xuất xứ, đã công bố hợp quy hoặc quy định phù hợp, hệ thống sản xuất đạt chuẩn và khả năng tiếp thị sản phẩm tốt...
Được biết, năm 2020, HTX Nông nghiệp xanh Yên Thế đăng ký thêm sản phẩm Chả gà tham gia Chương trình OCOP cấp huyện. Đây là sản phẩm đang dần có chỗ đứng trên thị trường và nhận được những phản hồi tích cực. Theo thông tin trên hệ thống truy xuất nguồn gốc nông lâm thủy sản thực phẩm thành phố Hà Nội thì gà đồi Yên Thế được chăn thả trên vườn đồi Yên Thế, quy trình chăn thả đúng theo tiêu chuẩn VietGAP theo chuỗi giá trị sản phẩm.
Từ con giống đầu vào được HTX lựa chọn và ký kết với các trung tâm, HTX cung cấp con giống đảm bảo chất lượng. Gà được tiêm phòng đầy đủ khi còn nhỏ, ăn thức ăn hỗn hợp của Công ty Cám Trường Thọ Hà Nội. Đến khi được 4 tháng tuổi, gà được cách ly hoàn toàn kháng sinh và chuyển sang ăn thức ăn phối trộn gồm ngô và đậu tương; đảm bảo gà khi xuất chuồng không còn dư lượng kháng sinh trong cơ thể, thịt gà vừa chắc vừa thơm ngon. Tất cả quy trình chăn nuôi đều được theo dõi và ghi chép đầy đủ. Sản phẩm Chả gà, theo giới thiệu, được bảo quản trong ngăn mát tủ lạnh, ăn được ngay sau khi mở gói và ngon hơn khi ăn nóng.
Cùng với 12 sản phẩm khác của huyện Yên Thế tham gia Chương trình OCOP cấp huyện năm nay, sản phẩm Chả gà của HTX Nông nghiệp xanh Yên Thế sau khi được tổ chức đánh giá, phân hạng, nếu đạt được các tiêu chí chất lượng theo quy trình hứa hẹn sẽ có thêm nhiều cơ hội phát triển hơn nữa./.
Văn Thư
Công bố Quyết định bổ nhiệm Giám đốc Bưu điện tỉnh Bắc Giang
Chiều 25/4, Tổng công ty Bưu điện Việt Nam tổ chức lễ công bố Quyết định bổ nhiệm Giám đốc Bưu điện tỉnh Bắc Giang. Dự lễ công bố có các đồng chí: Mai Sơn - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh; Nguyễn Minh Đức - Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam. Cùng dự có đại diện lãnh đạo Văn phòng UBND tỉnh, các sở, ngành liên quan và Bưu điện tỉnh Bắc Ninh.
Tại đây, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam Nguyễn Minh Đức trao Quyết định bổ nhiệm đồng chí Nguyễn Thị Giang - Phó Giám đốc phụ trách Bưu điện tỉnh Bắc Giang giữ chức vụ Giám đốc Bưu điện tỉnh Bắc Giang. Quyết định có hiệu lực từ ngày 01/5/2023, thời hạn 03 năm.
Chúc mừng đồng chí Nguyễn Thị Giang được lãnh đạo Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam tin tưởng giao nhiệm vụ, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Mai Sơn và Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty Bưu điện Việt Nam Nguyễn Minh Đức ghi nhận và đánh giá cao những đóng góp của Bưu điện tỉnh và cá nhân đồng chí Nguyễn Thị Giang đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và ngành bưu điện thời gian qua. Đồng thời tin tưởng, trên cương vị mới, tân Giám đốc Bưu điện tỉnh sẽ cùng tập thể lãnh đạo Bưu điện tỉnh Bắc Giang khẩn trương triển khai các nhiệm vụ, nêu cao quyết tâm đoàn kết đồng lòng phấn đấu hoàn thành xuất sắc mục tiêu sản xuất kinh doanh năm 2023 và kế hoạch Tổng Công ty giao.
Phát biểu nhận nhiệm vụ, bà Nguyễn Thị Giang cảm ơn Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam đã tin tưởng giao nhiệm vụ mới. Đồng thời mong muốn Tổng Công ty tiếp tục quan tâm, tạo điều kiện để bản thân có thể phát huy năng lực, sở trường trên cương vị mới. Đồng chí hứa sẽ nỗ lực, đem hết sức mình, gương mẫu, tiên phong, cùng lãnh đạo, người lao động đơn vị xây dựng tập thể đoàn kết, dân chủ, sáng tạo, phấn đấu thực hiện tốt mọi nhiệm vụ được giao. Cùng đó, thực hiện công tác quản lý điều hành, dẫn dắt Bưu điện tỉnh Bắc Giang ngày một phát triển lớn mạnh hơn trong thời gian tới./.
Diệu Hoa
Thứ Hai, 24 tháng 4, 2023
Tập trung chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh hại giai đoạn phát triển quả non
Sở Nông nghiệp và PTNT Bắc Giang vừa có văn bản yêu cầu các huyện, thành phố chỉ đạo cơ quan chuyên môn hướng dẫn người dân tập trung chăm sóc và phòng trừ sâu bệnh hại trên cây ăn quả giai đoạn phát triển quả non nhằm đảm bảo năng suất, chất lượng.
Hiện nay, trà vải sớm đang giai đoạn phát triển quả non, tỷ lệ đậu quả trên 85% (dự kiến tập trung thu hoạch từ ngày 30/5 - 15/6/2023); trà vải chính vụ đang giai đoạn phát triển quả non, tỷ lệ đậu quả trên 80% (dự kiến tập trung thu hoạch từ ngày 10/6 - 20/7/2023). Do ảnh hưởng của điều kiện thời tiết, một số đối tượng sâu bệnh đang gây hại như sương mai, thán thư diện tích nhiễm bệnh 600 ha. Cây có múi đang giai đoạn phát quả non, tỷ lệ đậu quả đạt trên 80%, một số đối tượng sâu bệnh gây hại như sâu đo diện tích nhiễm 500 ha, rệp muội diện tích nhiễm 650 ha…
Để đảm bảo năng suất, chất lượng đối với cây ăn quả, Sở Nông nghiệp và PTNT đề nghị UBND các huyện, thành phố chỉ đạo các cơ quan chuyên môn tập trung chỉ đạo, hướng dẫn nông dân thực hiện tốt chăm sóc và phòng trừ sâu bệnh hại.
Cụ thể, đối với cây nhãn, vải người dân cần tập trung chăm sóc, vệ sinh vườn sạch sẽ, cắt tỉa thông thoáng, tỉa bỏ cành tăm, cành vượt, cành bị sâu bệnh để hạn chế nơi cư trú của sâu bệnh và giúp cây tập trung dinh dưỡng nuôi quả.
Tưới nước đủ ẩm, bón phân cân đối, hạn chế bón đạm đơn hoặc NPK có hàm lượng đạm cao, bổ sung phân bón lá giàu vi lượng, canxi để hạn chế rụng quả sinh lý và nứt quả non. Theo dõi chặt chẽ diễn biến phát sinh gây hại của các đối tượng sâu bệnh như: Sương mai, thán thư, sâu đục cuống quả, bọ xít, sâu đo, sâu róm, rệp… để có biện pháp phòng trừ kịp thời, hiệu quả.
Đối với cây ăn quả có múi (cam, bưởi) tiến hành các biện pháp chăm sóc, vệ sinh vườn, cắt tỉa cành tăm, cành khô, tỉa bớt quả trên chùm dày quả, loại bỏ quả nhỏ, quả vẹo. Tưới nước hợp lý, bón phân cân đối NPK, tăng cường sử dụng phân bón hữu cơ để cây sinh trưởng và phát triển tốt, tăng sức đề kháng hạn chế sâu bệnh hại.
Đối với những vườn vụ trước thu hoạch quả muộn cần tăng cường chăm sóc, bón phân, cung cấp dinh dưỡng kịp thời để cây phục hồi nhanh; bổ sung phân bón vi lượng giàu kẽm, canxi, magie để hạn chế rụng quả non. Những vườn cây bị bệnh không thể phục hồi tiến hành xử lý đất và chuyển đổi sang cây trồng khác có hiệu quả kinh tế cao, phù hợp với quy hoạch, có thị trường tiêu thụ ổn định. Theo dõi và phòng trừ kịp thời các đối tượng sâu bệnh như: Bệnh loét, sẹo, sâu vẽ bùa, bọ rĩ, rệp, nhện đỏ...
Thường xuyên kiểm tra, thăm vườn nắm bắt tình hình sinh trưởng phát triển của các loại cây ăn quả trên địa bàn tỉnh, thực hiện tốt công tác chỉ đạo, hướng dẫn chăm sóc, dự tính dự báo và phòng trừ kịp thời các ổ sâu bệnh hại.
Cơ quan chuyên môn tăng cường công tác phối hợp thanh tra, kiểm tra việc sản xuất, kinh doanh phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, vật tư nông nghiệp trên địa bàn quản lý, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm, kiên quyết không để vật tư nông nghiệp giả, kém chất lượng lưu hành gây thiệt hại cho bà con nông dân.
* Xem chi tiết Văn bản tại đây./.
Ngọc Thọ
Ban hành tiêu chí Điểm giới thiệu và bán sản phẩm thuộc Chương trình Mỗi xã một sản phẩm giai đoạn 2023 - 2025
Bộ Công Thương vừa ban hành Quyết định về việc ban hành tiêu chí Điểm giới thiệu và bán sản phẩm thuộc Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) giai đoạn 2023 - 2025.
Theo đó, điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP phải được đặt tại vị trí giao thông thuận lợi, tập trung nhiều khách du lịch, khu dân cư đông đúc ví dụ như cửa hàng tại nhà ga, sân bay, bến xe, bến tàu; trạm, điểm dừng, nghỉ trên cao tốc, quốc lộ; trung tâm thương mại, siêu thị, chợ; cửa hàng trong khu du lịch, nhà hàng, khách sạn; khu vực làng nghề, trung tâm dịch vụ thương mại cấp huyện, xã, các khu, cụm công nghiệp; trung tâm hội chợ, triển lãm, giới thiệu sản phẩm; bưu cục, bưu điện văn hóa xã trên mạng lưới bưu chính công cộng.
Sản phẩm phải đáp ứng nhu cầu của thị trường, phù hợp với thị hiếu của người tiêu dùng, bảo đảm tiêu chuẩn chất lượng, an toàn đối với sức khỏe người tiêu dùng và môi trường. Cụ thể sản phẩm phải đáp ứng các tiêu chí như: đạt hạng 3 sao trở lên theo bộ tiêu chí đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP được Thủ tướng Chính phủ ban hành; sản phẩm trong danh mục sản phẩm chủ lực của tỉnh; sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu, sản phẩm nông nghiệp nông thôn tiêu biểu. Bên cạnh đó sản phẩm phải là đặc trưng, đặc sản, tiềm năng, lợi thế của địa phương, vùng miền do Sở Công Thương lựa chọn.
Sản phẩm tại điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP phải có tên, bao bì, xuất xứ và ghi nhãn hàng hóa sản phẩm theo quy định của pháp luật. Có mã số, mã vạch đối với những loại sản phẩm có thể đăng ký mã số, mã vạch để thuận tiện cho công tác quản lý và giám sát của khách hàng. Sản phẩm nông sản thực phẩm phải đáp ứng các quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm và các quy định pháp luật khác. Sản phẩm phải được niêm yết giá bán, thể hiện rõ ràng trên nhãn sản phẩm, bao bì sản phẩm hoặc được niêm yết tại giá hàng, quầy hàng, điểm kinh doanh; có bảo hành phải ghi rõ thời hạn và điều kiện, địa điểm bảo hành. Hàng hóa, dịch vụ kinh doanh tại điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP không thuộc danh mục cấm kinh doanh theo quy định của pháp luật. Đối với hàng hóa, dịch vụ hạn chế kinh doanh và kinh doanh có điều kiện phải đáp ứng theo quy định của pháp luật hiện hành.
Về trưng bày, giới thiệu và bán sản phẩm OCOP, phải có bảng hiệu, biểu tượng, biển hiệu nhận diện theo hướng dẫn. Có bố trí quầy hoặc khu vực phù hợp để trưng bày, bán sản phẩm OCOP. Tổng diện tích dành cho giới thiệu và bán sản phẩm OCOP phù hợp, tối thiểu là 3m2.
Đối với điểm có bán sản phẩm là thực phẩm, phải đáp ứng các quy định về an toàn thực phẩm. Việc lựa chọn, thiết kế, xây dựng điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP phải bảo đảm các yêu cầu phòng cháy, chữa cháy và bảo vệ môi trường theo quy định. Có trang thiết bị cần thiết để bảo quản hàng hóa phù hợp theo yêu cầu đặc thù của sản phẩm.
Sắp xếp, bố trí các sản phẩm một cách văn minh, khoa học, thuận tiện cho khách hàng lựa chọn, mua sắm và thanh toán. Khuyến khích khách hàng thanh toán không dùng tiền mặt và ứng dụng phần mềm công nghệ trong quản lý bán hàng tại điểm bán.
* Xem chi tiết Quyết định tại đây./.
Bắc Giang: Bảo đảm trật tự an toàn giao thông dịp nghỉ lễ Giỗ Tổ Hùng Vương, lễ 30/4 - 01/5 và cao điểm du lịch hè 2023
UBND tỉnh Băc Giang có văn bản chỉ đạo các cơ quan, đơn vị liên quan thực hiện Công điện số 281/CĐ-TTg ngày 20/4/2023 của Thủ tướng Chính phủ về việc bảo đảm trật tự, an toàn giao thông (TTATGT) phục vụ nhu cầu đi lại của Nhân dân dịp nghỉ lễ Giỗ Tổ Hùng Vương, lễ 30/4 - 01/5 và cao điểm du lịch hè 2023.
Theo đó, Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị Công an tỉnh chỉ đạo lực lượng tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm TTATGT đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa, tập trung các lỗi như: Người điều khiển phương tiện vi phạm quy định nồng độ cồn, ma tuý, chở quá tải trọng, quá số người quy định; phương tiện kinh doanh vận tải vi phạm quy định về an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường; không có thiết bị cứu sinh cho hành khách trên phương tiện thủy…; chủ động phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý nghiêm các hành vi tụ tập gây rối trật tự công cộng, đua xe trái phép; cương quyết xử lý, trấn áp những đối tượng có hành vi chống người thi hành công vụ; có phương án điều tiết, phân luồng hợp lý, hướng dẫn lưu thông an toàn, thông suốt, nhất là trên các tuyến đường, các khu vực được dự báo sẽ có lưu lượng tăng cao trong dịp nghỉ lễ Giỗ Tổ Hùng Vương, lễ 30/4-01/5 và nghỉ hè năm 2023.
Sở Giao thông vận tải chỉ đạo các phòng, ban, đơn vị trực thuộc và các đơn vị kinh doanh vận tải xây dựng phương án tổ chức vận tải đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân, đảm bảo ATGT, giảm ùn tắc giao thông và thực hiện nghiêm các quy định về phòng, chống dịch COVID-19; chỉnh trang, đảm bảo điều kiện an toàn của kết cấu hạ tầng giao thông, nhất là các tuyến giao thông chính, các đầu mối giao thông quan trọng, khu vực đô thị, thị trấn, thị tứ và địa bàn thu hút đông khách du lịch; khẩn trương xử lý các “điểm đen”, điểm tiềm ẩn xảy ra tai nạn giao thông mới phát sinh; rà soát, bổ sung hệ thống báo hiệu, biển chỉ dẫn đảm bảo dễ nhận biết, tạo thuận lợi cho người tham gia giao thông; kiểm tra việc thực hiện các quy định về bảo đảm an toàn giao thông đối với hoạt động kinh doanh vận tải, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm chở quá tải, quá khổ, chở quá số người, tăng giá vé trái quy định.
Sở Thông tin và Truyền thông chỉ đạo các cơ quan thông tấn báo chí, hệ thống Đài Truyền thanh cơ sở tăng cường thời lượng và nội dung tuyên truyền về TTATGT trong dịp cao điểm nghĩ lễ và du lịch hè năm 2023.
Sở Y tế có phương án bố trí lực lượng, phương tiện, trang thiết bị y tế, thuốc chữa bệnh và máu để đảm bảo khả năng cao nhất trong việc cứu chữa nạn nhân tai nạn giao thông; đồng thời thực hiện nghiêm quy định về phòng, chống dịch COVID-19.
Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch bảo đảm các điều kiện an toàn về phương tiện, kết cấu hạ tầng giao thông kết nối đến các địa bàn thu hút khách du lịch, điểm đỗ và trông giữ phương tiện phục vụ khách du lịch.
UBND các huyện, thành phố chỉ đạo các cơ quan truyền thông, UBND cấp xã, lực lượng chức năng tăng cường tuyên truyền vận động Nhân dân, du khách chấp hành các quy định pháp luật về TTATGT gắn với phòng, chống dịch COVID-19; tuần tra kiểm soát xử lý vi phạm TTATGT; tổ chức hoạt động vận tải và bảo đảm kết cấu hạ tầng giao thông, cấp cứu nạn nhân tai nạn giao thông, hoạt động chở khách ở các bến đò ngang, các điểm du lịch.
Ủy ban MTTQ tỉnh, các cơ quan thành viên Ban ATGT tỉnh tăng cường tuyên truyền, vận động, hướng dẫn người dân không lái xe vượt quá tốc độ; không lái xe sau khi uống rượu, bia; không sử dụng điện thoại khi lái xe; dừng xe quan sát an toàn khi qua đường ngang đường sắt và khi đi từ đường phụ ra đường chính; đội mũ bảo hiểm đạt chuẩn khi đi mô tô, xe máy, xe đạp điện; mặc áo phao khi đi đò; lựa chọn thời điểm, phương tiện, tuyến đường tham gia giao thông để giảm thiểu nguy cơ tai nạn giao thông và ùn tắc giao thông.
Công an tỉnh, Sở Giao thông vận tải, Văn phòng Ban ATGT tỉnh, UBND các huyện, thành phố công bố số điện thoại đường dây nóng về bảo đảm TTATGT nhằm tiếp nhận, kịp thời xử lý các phản ánh của người dân về tình hình trật tự an toàn giao thông trong dịp nghỉ lễ trên địa bàn.
* Xem chi tiết Văn bản tại đây./.
Trần Khiêm