Thứ Ba, 25 tháng 4, 2023

Thủ tướng: Các ngân hàng phải giảm lãi suất

Thủ tướng yêu cầu các ngân hàng thương mại Nhà nước sử dụng tối đa các biện pháp để giảm chi phí, hạ lãi suất nhằm tăng khả năng tiếp cận vốn cho người dân, doanh nghiệp.
Ngày 25/4, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì cuộc họp Thường trực chính phủ với các bộ, ngành và 5 ngân hàng thương mại Nhà nước về các giải pháp giảm lãi suất cho vay, trái phiếu doanh nghiệp và tháo gỡ khó khăn cho các dự án bất động sản.
Cuộc họp diễn ra trong bối cảnh nhiều lĩnh vực sản xuất, kinh doanh đang đối diện khó khăn khi đơn hàng giảm, sức cầu yếu, lãi suất cho vay vẫn ở mức cao. Thị trường trái phiếu, bất động sản được gỡ vướng pháp lý nhưng hiệu quả chưa như kỳ vọng. Theo Thủ tướng, trong lúc người dân, doanh nghiệp gặp khó khăn, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương phải đồng hành và sử dụng hết các công cụ của Nhà nước để chia sẻ, hỗ trợ, trên tinh thần "hài hòa lợi ích, chia sẻ rủi ro".
Ngoài thực hiện các chính sách đã có, lãnh đạo Chính phủ nói cần "nghiên cứu các chính sách mới, đột phá để các thị trường có thêm nguồn lực, động lực phát triển cả phía cung - cầu".
Theo đó, với thị trường tài chính, Thủ tướng cho rằng các ngân hàng thương mại Nhà nước chiếm tỷ trọng lớn trong tổng lượng tín dụng nền kinh tế nên phải tham gia dẫn dắt, điều tiết thị trường.

"Bằng nhiều biện pháp, các ngân hàng thương mại Nhà nước cần giảm lãi suất huy động và cho vay, trên cơ sở đảm bảo cân đối lạm phát - tỷ giá để khuyến khích người dân gửi tiền", Thủ tướng nói. Việc ngân hàng hạ lãi suất đầu vào - đầu ra cũng sẽ tăng khả năng tiếp cận, hấp thụ vốn của người dân, doanh nghiệp.
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại cuộc họp thường trực Chính phủ về lãi suất, trái phiếu doanh nghiệp và bất động sản, ngày 25/4. Ảnh: VGP

Thực tế, vốn đang là điểm nghẽn của nhiều lĩnh vực sản xuất như thuỷ sản, dệt may, gỗ trong bối cảnh đơn hàng sụt giảm, các thị trường xuất khẩu chính giảm cầu do lạm phát, suy thoái kinh tế.
Chẳng hạn, ba tháng đầu năm nay, xuất khẩu thuỷ sản giảm 27,5% - tương đương mức giảm trong giai đoạn Covid-19 bùng phát nặng nhất, theo Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam (VASEP). Dự báo ngành này tiếp tục đối diện khó khăn trong năm nay bởi các thị trường xuất khẩu chính như Mỹ, châu Âu, Nhật Bản đều suy giảm mạnh.
Xuất khẩu giảm khiến dòng tiền về chậm. Nhưng vốn tín dụng hạn hẹp khiến các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu cạn tiền mua nguyên liệu.
Cuối tháng 3, mặt bằng lãi suất huy động tiền đồng của các nhà băng giảm nhẹ, nhưng vẫn quanh 8-9% một năm. Với mức lãi đầu vào này, lãi suất cho vay ra của các ngân hàng phổ biến 10-11,5% một năm. Các doanh nghiệp cho rằng, lãi vay như vậy là rất cao trong bối cảnh sụt giảm sản xuất, đơn hàng.
Còn lãi suất cho vay bằng đồng USD, theo ông Nguyễn Hoài Nam, Phó tổng thư ký VASEP, hiện trên 4%, tức tăng 1,7-1,9% so với trước. Vì thế việc hạ lãi suất, các doanh nghiệp cho rằng sẽ giúp họ có nguồn lực trong lúc khó khăn này.
Thủ tướng trao đổi với đại diện các bộ, ngành, ngân hàng tại cuộc họp ngày 25/4. Ảnh: VGP

Với thị trường trái phiếu, Ngân hàng Nhà nước vừa ban hành thông tư gỡ vướng, cho phép các ngân hàng mua lại ngay trái phiếu doanh nghiệp chưa niêm yết. Chính sách gỡ vướng cho thị trường này cũng được Bộ Tài chính sửa đổi trước đó.
Tuy nhiên, Thủ tướng nói vẫn cần có thêm các công cụ, phương pháp để doanh nghiệp phát hành có điều kiện thanh toán trái phiếu đến hạn cho các trái chủ. Ông giao Bộ Tài chính sớm rà soát, điều chỉnh điều kiện phát hành trái phiếu doanh nghiệp ra công chúng.
Bộ này cũng được yêu cầu hoàn thiện phương án giảm 2% thuế VAT, giảm tiền thuê đất và đề xuất phương án áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu để trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.
Còn với bất động sản, ngoài tháo gỡ về pháp lý, Thủ tướng Phạm Minh Chính nói cần hỗ trợ vốn cho các doanh nghiệp để hoàn thành công trình, dự án, đưa sản phẩm mới ra thị trường. Ngành ngân hàng và xây dựng cũng phải đẩy nhanh triển khai gói tín dụng 120.000 tỷ đồng cho nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, nhưng phải tránh trục lợi, tiêu cực.
Thủ tướng cũng chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tài chính và Bộ Xây dựng sử dụng hết các công cụ để tháo gỡ khó khăn vướng mắc về pháp lý và giám sát việc thực thi đảm bảo "việc gì, ở đâu, ai làm, bao giờ hoàn thành".
"Chính phủ kiên định mục tiêu giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng nhằm tạo điều kiện cho các hoạt động sản xuất, kinh doanh, trong đó có hoạt động nghiệp vụ của các ngân hàng", Thủ tướng nói.

Không có nhận xét nào: