Thứ Hai, 27 tháng 3, 2023

“Con số biết nói” về lãng phí qua giám sát tối cao của Quốc hội

 Dù mới là kết quả bước đầu, hơn nữa nhiều bộ ngành, địa phương chưa báo cáo đầy đủ, nhưng Đoàn giám sát tối cao của Quốc hội đã chỉ ra sự lãng phí nguồn lực rất lớn.

Chuyên đề giám sát tối cao của Quốc hội về “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021” như Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh là nhận được sự quan tâm rất lớn của dư luận, cử tri vì liên quan trực tiếp đến nhân lực, vật lực, tài lực của quốc gia.

Hơn nữa, “đôi khi hậu quả của lãng phí còn lớn hơn tham nhũng”, dù chưa có con số thống kê cụ thể song qua thực tế ai cũng cảm nhận được. Cuộc giám sát vì thế được kỳ vọng sẽ khiến lãng phí phải “hiện hình” công khai. Và những con số dù mới là bước đầu vừa được Đoàn giám sát báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại Phiên họp thứ 9 cũng cho thấy phần nào thực trạng lãng phí.


Phiên họp thứ 9 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Ảnh: Quốc hội

Trước hết hãy nói về mặt được. Đó là công tác THTK,CLP đạt được một số kết quả tích cực, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu, chỉ tiêu phát triển KTXH được Quốc hội đề ra. Rõ nét nhất là số tiết kiệm kinh phí ngân sách, vốn nhà nước giai đoạn 2016-2021 là 350,54 nghìn tỷ đồng, trong đó năm 2020 là 88.479 tỷ đồng, gấp 4 lần so với năm 2016.

Tuy nhiên, tồn tại, hạn chế lại là vấn đề lớn hơn, dù nội dung giám sát khu biệt ở 5 lĩnh vực trọng tâm dễ nãy sinh lãng phí, thất thoát là: Quản lý, sử dụng NSNN; Quản lý, khai thác và sử dụng vốn nhà nước khác; Quản lý tài sản nhà nước; Quản lý, sử dụng lao động, thời gian lao động trong khu vực nhà nước và Quản lý, khai thác và sử dụng tài nguyên.

Về quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước, theo báo cáo tổng hợp số liệu chưa đầy đủ của các bộ, ngành, địa phương, giai đoạn 2016-2021 phát hiện và xử lý 12.640 vụ vi phạm các quy định về định mức, tiêu chuẩn, chế độ với tổng giá trị được kiến nghị thu hồi và bồi thường là 894,1 tỷ đồng. Lập dự toán sai chế độ, sai đối tượng, sai tiêu chuẩn định mức gần 2.553 tỷ đồng; số tiền vi phạm đã xử lý, cắt giảm dự toán hơn 8.574 tỷ đồng.

6 năm có 3.845 cơ quan, tổ chức sử dụng NSNN lãng phí, sai chế độ đã được phát hiện với số tiền 883,2 tỷ đồng. Số vốn chậm giải ngân so với kế hoạch là 25.185,4 tỷ đồng; Số dự án thực hiện chậm tiến độ rất lớn (8.580 dự án trong giai đoạn 2016-2020)...

Trong khi đó, vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp nhà nước chưa được bảo toàn; công tác cổ phần hóa, thoái vốn tại doanh nghiệp còn nhiều bất cập. Phần lớn các đơn vị còn sai sót trong việc hạch toán kế toán, kê khai nghĩa vụ với NSNN và Kiểm toán Nhà nước kiến nghị thu tăng 32.219,25 tỷ đồng và 756.999 USD. Một số dự án thua lỗ lớn, gây thất thoát, mất vốn, tài sản nhà nước. Các dự án hoàn thành không sử dụng được hoặc có vi phạm pháp luật bị đình chỉ, hủy bỏ là 78.285 dự án…

Còn về tài sản nhà nước có đến gần 7.000 phương tiện đi lại, 33.608 tài sản khác được trang bị, hàng trăm nghìn mét vuông diện tích trụ sở, nhà công vụ sử dụng sai mục đích, sai tiêu chuẩn, chế độ. Việc quản lý, khai thác, sử dụng tài sản kết cấu hạ tầng quốc gia trong lĩnh vực giao thông, cung cấp điện chưa thật sự hiệu quả.

Với quản lý, sử dụng lao động, thời gian lao động trong khu vực nhà nước, báo cáo khẳng định cơ cấu tổ chức bên trong Bộ, cơ quan ngang Bộ vẫn còn cồng kềnh, nhiều tầng nấc trung gian. Việc quản lý, sử dụng biên chế ở một số bộ, ngành, địa phương chưa đúng quy định. Thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính, đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và theo vị trí việc làm chưa đạt yêu cầu đề ra. Ngoài ra có hàng chục nghìn vụ việc vi phạm trong quản lý, sử dụng lao động, thời gian lao động gây thất thoát, lãng phí lớn nguồn lực, thời gian của xã hội.

Đối với tài nguyên, giai đoạn 2016-2021 vẫn còn 650.624.498 m2 đất sử dụng sai mục đích, bỏ hoang hóa, có vi phạm pháp luật. Tuy nhiên, số tiền xử phạt vi phạm thu được lại rất nhỏ là 242.082 triệu đồng. Số lượng vụ việc vi phạm trong quản lý, khai thác, sử dụng tài nguyên là 47.234 vụ; số tiền xử phạt, xử lý vi phạm thu được chỉ có 622.082 triệu đồng.


Bà Nguyễn Thị Phú Hà – Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội, Phó Trưởng Đoàn giám sát trình bày Báo cáo Kết quả bước đầu và kế hoạch tiếp theo của Đoàn giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021” tại phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội

Cũng trong giai đoạn trên, ngành Thanh tra triển khai 43.276 cuộc thanh tra, kiểm tra THTK,CLP hoặc có nội dung liên quan THTK,CLP đã phát hiện vi phạm về kinh tế 148.540 tỷ đồng, 143.777 ha đất. Cơ quan thanh tra kiến nghị chuyển cơ quan điều tra 293 vụ, 375 đối tượng; kiến nghị xử lý hành chính trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị 1.709 người, xử lý hình sự 50 người.

Cùng thời gian trên, Kiểm toán Nhà nước (KTNN) kiến nghị xử lý tài chính 431.435,5 tỷ đồng (trong đó: tăng thu NSNN 72.380 tỷ đồng; giảm chi NSNN 107.240,4 tỷ đồng; xử lý khác 265.814 tỷ đồng). Đặc biệt, KTNN phát hiện những hiện tượng, những dấu hiệu tham ô, lãng phí, không tuân thủ pháp luật trong quản lý kinh tế, tài chính, sử dụng kém hiệu quả các nguồn lực tài chính, tài sản nhà nước… và chuyển 21 vụ việc có dấu hiệu tội phạm sang cơ quan Cảnh sát điều tra.

Cần nhắc lại rằng đó chỉ mới là kết quả bước đầu của cuộc giám sát. Số liệu cũng tổng hợp chưa đầy đủ vì có đến 32 bộ, cơ quan trung ương, 10 HĐND cấp tỉnh, 9 UBND cấp tỉnh, 2 tập đoàn, tổng công ty nhà nước chưa gửi báo cáo, trong khi các báo cáo đã có lại “chất lượng không đảm bảo yêu cầu của Đoàn giám sát, nội dung nhiều báo cáo rất sơ sài, nhận định chung chung”. Mới chừng ấy thôi song cũng khiến cử tri “giật mình” về mức độ lãng phí, thất thoát nguồn lực trên nhiều lĩnh vực.

Theo kế hoạch, Đoàn giám sát dự kiến tổ chức khảo sát thực tế, làm việc với 16 bộ ngành trung ương và 6 địa phương. Ngoài ra, Đoàn có thể tổ chức thêm một số Nhóm công tác liên ngành tổ chức giám sát việc quản lý,khai thác, sử dụng đất đai không hiệu quả tại một số địa phương và một số nhiệm vụ trọng tâm khác.

Quan điểm của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và lãnh đạo Quốc hội rất rõ ràng: Giám sát trọng tâm tâm, trọng điểm, chỉ rõ địa chỉ, phản ánh “con số biết nói”, “nói có sách, mách có chứng” và sàng lọc, lựa chọn tạo danh mục một loạt vụ việc lớn vi phạm về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí để cảnh tỉnh, răn đe và tạo hiệu ứng xã hội.

Chính vì vậy, hàng loạt câu hỏi như “Bao nhiêu dự án treo, dự án dang dở hay đầu tư xong rồi lại phơi mưa phơi nắng? Diện tích đất hoang hoá, chưa kiểm kê đo đếm, vi phạm mà chưa thu hồi là bao nhiêu? Các dự án, diện tích đó tên gì, nằm ở đâu? Bộ ngành, địa phương, đơn vị nào làm tốt hoặc chưa tốt? Trách nhiệm cụ thể thuộc về ai?” dù rất khó nhưng khả năng rất lớn sẽ được trả lời trong thời gian tới./.

Theo vov.vn

TP HCM chấm điểm chất lượng xe buýt

 

Xe buýt tại thành phố sẽ được chấm điểm với các tiêu chí: tỷ lệ hoàn thành số chuyến; đúng giờ; bị hành khách phản ánh, khiếu nại... để thưởng, phạt.

Bộ tiêu chí đánh giá xe buýt trên địa bàn dự kiến thực hiện từ đầu tháng 4. Các tiêu chí đánh giá gồm tỷ lệ hoàn thành số chuyến so với kế hoạch; đúng giờ; hành khách phản ánh, khiếu nại; đảm bảo an toàn giao thông; hoàn thành kế hoạch chỉ tiêu chất lượng xe; tài xế, xe đủ điều kiện xuất bến.

Xe buýt đón khách ở sân bay Tân Sơn Nhất, năm 2022. Ảnh: Gia Minh

Xe buýt đón khách ở sân bay Tân Sơn Nhất, năm 2022. Ảnh: Gia Minh

Với từng tiêu chí, trung tâm đưa ra các chỉ số, thang đo cụ thể để đánh giá. Trong đó, mức hoàn thành tốt tương ứng 8-10 điểm; hoàn thành khi số điểm đạt 6-8 và nếu doanh nghiệp chỉ đạt 2-6 điểm bị xem là không hoàn thành.

Việc đánh giá chất lượng được thực hiện hàng tháng với từng tuyến buýt qua kiểm tra trực tiếp trên xe và các số liệu từ giám sát trực tuyến. Dựa trên kết quả này, cơ quan này sẽ có chính sách thưởng, phạt tương ứng với đơn vị vận tải.

Trước đó, Trung tâm quản lý giao thông công cộng cho biết trong hợp đồng đặt hàng với các doanh nghiệp vận tải đã có chế tài nhưng là các vi phạm riêng lẻ, chưa đồng đều. Do đó, nhiều đơn vị chỉ tập trung vào từng hành vi để tránh vi phạm, chưa chú trọng chất lượng chung.

Việc áp dụng tiêu chí đánh giá mới được kỳ vọng giúp nâng cao chất lượng phục vụ, cải thiện độ hài lòng của người dân khi đi xe buýt. Giải pháp này cũng được cho tạo sự cạnh tranh bình đẳng giữa các đơn vị, khuyến khích họ tập trung hơn về chất lượng, thu hút khách.

TP HCM hiện có 2.043 xe buýt hoạt động trên 127 tuyến, trong đó 91 tuyến trợ giá. Ngoài phương thức đặt hàng, thành phố đang lên kế hoạch đấu thầu 60 tuyến buýt trong năm nay, dự kiến cũng áp dụng tương tự các tiêu chí trên.

Trước đó TP HCM cũng lập 8 tiêu chí để ưu tiên lựa chọn đầu tư dự án giao thông quan trọng, cấp thiết, đặc biệt với dự án dùng ngân sách. Việc "chấm điểm" nhằm có cơ sở để đề xuất, chọn dự án trọng điểm cần ưu tiên, tránh sử dụng dàn trải vốn.

Cuộc chiến với cây ngân hạnh

Mùa thu năm 2020, liên quan đến vấn đề cây xanh đường phố, đỉnh điểm có ngày Seoul nhận được trên 30 khiếu kiện của người dân về cây ngân hạnh.
Loài cây này đẹp nhưng trái của nó hễ đụng phải sẽ gây mùi hôi khó chịu. Phía thưa kiện - là người dân - quyết lòng muốn đốn bỏ, trong khi chính quyền ra sức giữ lại "mạng sống" cho 106.205 cây ngân hạnh, chiếm 35% tổng số cây hiện có lúc bấy giờ trên khắp Seoul. Vụ kiện được đặt tên "cuộc chiến với cây ngân hạnh".
Cùng thời điểm, tại Hà Nội, người dân cũng dấy lên làn sóng phản đối khi từng ngày phải chứng kiến 262 cây phong lá đỏ nhập khẩu trụi lá, sống lắt lay. Nhiều chuyên gia cho rằng, nhà quy hoạch đã hời hợt trồng nhanh, tính vội mà thiếu phương án trồng thử, đặc biệt là với giống ngoại lai. Cuối cùng, thành phố phải bứng bỏ gần hết số cây trên đường Nguyễn Chí Thanh. Ngân sách tốn một khoản không nhỏ.
Hai câu chuyện không hoàn toàn giống nhau về bản chất, nhưng có một đặc điểm chung liên quan đến việc chọn phương án "mặc áo xanh" nào để đô thị vừa đẹp, nhà nước vừa tiết kiệm, lại không gây phiền toái cho người dân.
Cây xanh và hạ tầng đô thị là hai yếu tố song hành, tạo thành một không gian sống. Vấn đề ở chỗ cây xanh là thực thể sống, cần chăm sóc. Chọn loại cây gì, kỹ thuật trồng và chăm sóc ra sao để cảnh quan đô thị luôn được xanh, sạch, đẹp là vấn đề không đơn giản.
Phần vì như vậy, trong phương án trả lại không gian đô thị sau khi tuyến Metro số 1 hoàn thành, Sở Quy hoạch và Kiến trúc TP HCM đề xuất "lắp mái che" dọc vỉa hè đường Lê Lợi, có kinh phí dao động 20-30 tỷ đồng, với lời hứa tạo bóng mát, che nắng mưa, hình thành không gian đi bộ cho du khách và người dân.
Tôi thử hình dung, phố đã rộng, lại thêm các công trình như được đề xuất, mỹ quan đô thị chắc sẽ thêm phần hiện đại. Ở các nước tôi có dịp ghé thăm, công trình kiểu này không phải là mới. Đặc biệt ở Seoul, những ngày "đại tuyết" (ngày tuyết rơi nhiều nhất), được đứng trong những mái che như thế thì còn gì bằng. Song, với xứ nóng, đặc biệt là TP HCM, thì mái che kia liệu có như lời hứa, hay sẽ góp phần tạo thêm sự ngột ngạt?
Trở lại "cuộc chiến với cây ngân hạnh", chính quyền sở tại đã không "chiều" lòng dân, không "đoạt mạng sống" của hơn 100.000 cây ngân hạnh, thay bằng cây đô thị khác, hoặc mở chiến dịch làm mái che. Ngược lại, họ đầu tư kinh phí tuyên truyền cho người dân hiểu vì sao "hôi nhưng vẫn nên trồng". Chính quyền còn đầu tư các trang thiết bị tối tân dùng thu hoạch trái, để bớt gây "khó chịu" cho người bất cẩn đạp phải trái cây.
Và quan trọng là chính quyền đã nghiên cứu rất kỹ phương án cây trồng đô thị để nhìn thấy ưu điểm của cây ngân hạnh. So với nhiều loài khác, cây này không che tầm nhìn bảng hiệu trên các tòa nhà như cây bạch dương (được trồng nhiều nhất tại Seoul vào những năm 1980), không lan phấn hoa như cây liễu rủ, gây dị ứng da cho người đi đường. Cây ngân hạnh còn tạo nên sắc vàng, đánh thức sự lãng mạn vào mùa thu, gây nức lòng du khách. Thân cây cũng dày, ít sâu bệnh, dễ chăm sóc.
Bây giờ, một trong những điểm nhấn với du khách khi đến Seoul vào mùa thu là sắc vàng của cây ngân hạnh mà không có nhiều nơi trên thế giới này có được.
Hiện, chính quyền nơi đây cũng phát hiện ra chỉ có cây "cái" mới cho quả nên sắp tới, họ sẽ phủ đầy cây đực bằng biện pháp can thiệp phát hiện "giới" thật sớm. Đó là những nỗ lực đáng nể của người Hàn Quốc trong việc tạo không gian xanh đô thị, tạo điểm nhấn cho ngành du lịch của thành phố bên bờ sông Hán này.
Nhiều năm qua, trong quy hoạch không gian sống, đặc biệt là không gian đô thị, Việt Nam cũng hướng tới mục tiêu lớn: tạo cảnh quan đô thị, xây dựng thành phố xanh - sạch - đẹp, thành phố đáng sống, cải thiện môi trường sống, điểm nhấn du lịch... Để đạt được mục tiêu như vậy, không thể thiếu việc "mặc áo" bằng cây xanh cho đô thị.
Khó trồng, khó chăm không thể là lý do để loại bỏ cây xanh, thay bằng phương án dễ làm, tại bất cứ đô thị nào trên thế giới. Điều thật sự cần là tính toán kỹ để chính quyền không tốn kém trồng rồi phải thay, và người dân được hưởng những lợi ích hơn cả mong đợi.

Sau 7,5 năm học và thực hành, thu nhập của bác sĩ trẻ chưa đến 5 triệu đồng

Thông tin về việc năm 2021 - 2022, làn sóng chuyển dịch nhân lực y tế công sang tư, Bộ Y tế có đánh giá và giải pháp ra sao? Bộ Y tế cho hay, trong 5 năm trở lại đây, quá trình xã hội hóa diễn ra ngày càng mạnh mẽ với sự xuất hiện của nhiều đơn vị y tế tư nhân tham gia vào công tác khám chữa bệnh, tạo ra nhiều cơ hội hơn cho nhân lực y tế nói chung, đặc biệt là nhân lực y tế có chuyên môn cao. Khi tìm được cơ hội đáp ứng mong mỏi, nhân viên y tế sẽ dịch chuyển sang khu vực y tế tư nhân.

Thu nhập thấp, áp lực công việc lớn

Trong một báo cáo của Bộ Y tế về vấn đề này cho biết, báo cáo của các tỉnh, thành phố và đơn vị sự nghiệp trực thuộc Bộ Y tế về số lượng nhân viên y tế thôi việc, bỏ việc từ ngày 1/1/2021 đến 30/6/2022 trên cả nước có 9.680 nhân viên y tế xin thôi việc, bỏ việc (gồm 3.094 bác sĩ, 2.874 điều dưỡng, 551 kỹ thuật y, 276 hộ sinh, 593 dược, 2.280 viên chức khác).

Về nguyên nhân dịch chuyển nhân lực từ y tế công sang tư, theo Bộ Y tế là do áp lực công việc trong khu vực công cao, nhưng thu nhập ở các đơn vị y tế công lập thấp hơn so với tư nhân. Từ khi dịch COVID-19 bùng phát đến nay, cán bộ, viên chức y tế là lực lượng đi đầu trong công tác phòng, chống dịch bệnh.
Cường độ làm việc của nhân viên y tế rất lớn khi số lượng ca mắc mới tăng, số người phải cách ly, xét nghiệm, điều trị tăng cao, nhân viên y tế hầu như không có ngày nghỉ, làm việc với cường độ cao trong thời gian kéo dài, đặc biệt là đối với nhân viên y tế ở những địa phương có dân số lớn như TP.HCM và một số tỉnh phía Nam.
Áp lực công việc cao cộng với thu nhập thấp là một trong những nguyên nhân dẫn đến 9.680 nhân viên y tế xin thôi việc, bỏ việc trong năm 2021 và 2022.© Được VTC cung cấp

Mặt khác, do phải làm việc trong môi trường nguy hiểm, nguy cơ mắc bệnh cao, thậm chí có thể ảnh hưởng tính mạng đã ảnh hưởng sâu sắc đến tâm lý, động lực làm việc của viên chức ngành y tế.
Lương và chế độ phụ cấp với viên chức y tế trong hệ thống y tế công lập thấp, nhất là tại các cơ sở y tế dự phòng và y tế cơ sở. Nguyên nhân, tại các đơn vị sự nghiệp y tế công lập nguồn kinh phí hoạt động chủ yếu là do ngân sách nhà nước bảo đảm, nguồn thu sự nghiệp thấp.
Theo quy định về chế độ tiền lương và phụ cấp hiện nay, (với mức lương cơ sở là 1.490.000 đồng) thì bác sĩ sau khi học 6 năm và sau 18 tháng thực hành để được cấp chứng chỉ hành nghề, nếu tuyển dụng vào đơn vị sự nghiệp công lập thì hưởng lương là 2,34 x 1.490.000 đồng = 3.486.000 đồng. Với phụ cấp ưu đãi nghề là 40% thì mức thu nhập 4.881.240 đồng (chưa trừ nộp bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế).
"Mức lương này chỉ đảm bảo một phần nhu cầu của cuộc sống, vì vậy khó giữ chân cán bộ, viên chức y tế làm việc trong cơ sở y tế công lập vì mức thu nhập tại các cơ sở y tế ngoài công lập cao hơn gấp 3 đến 4 lần, thậm chí có nơi cao gấp 5 đến 6 lần thu nhập của nhân viên y tế tại cơ sở y tế công lập"- thông tin của Bộ Y tế nêu rõ.
Nguyên nhân thứ hai được Bộ Y tế nêu ra là do ảnh hưởng của các vụ việc vi phạm quy định của pháp luật trong đấu thầu mua sắm thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế trong thời gian qua, dẫn đến điều kiện môi trường làm việc của viên chức y tế bị ảnh hưởng: công tác đấu thầu thuốc và vật tư y tế bị tạm dừng, nhân viên y tế tại các cơ sở y tế công lập thiếu điều kiện, thiết bị để phục vụ công tác khám chữa bệnh.
Thiếu thiết bị hiện đại để triển khai các kỹ thuật cao, thiếu thuốc, thậm chí thiếu cả các vật tư tiêu hao, các dụng cụ, trang thiết bị thông thường kể cả thiếu thiết bị bảo hộ cần thiết đã làm hạn chế việc phát huy trình độ, năng lực chuyên môn của cán bộ, viên chức y tế nên viên chức y tế có xu hướng dịch chuyển sang các cơ sở y tế tư nhân có điều kiện, môi trường làm việc tốt hơn.
Nguyên nhân thứ 3, do ảnh hưởng của dịch COVID-19 nên số lượng bệnh nhân đến khám chữa bệnh giảm, nguồn thu của đơn vị sự nghiệp y tế cũng bị giảm đi, làm cho thu nhập nhân viên y tế giảm mạnh.
Thậm chí nhiều đơn vị được giao tự chủ kinh phí chi thường xuyên (nguồn chi trả lương và phụ cấp cho viên chức y tế được trích từ nguồn thu sự nghiệp của đơn vị thông qua giá dịch vụ y tế), trong khi giá dịch vụ y tế cho người có thẻ Bảo hiểm y tế thấp (do chưa tính đủ các yếu tố cấu thành giá dịch vụ y tế), nên nguồn thu sự nghiệp của các đơn vị thấp, từ đó không có kinh phí để chi trả lương nên đã chậm chi trả lương cho nhân viên y tế.
Nguyên nhân thứ tư, do áp lực của xã hội, gia đình và người thân. Theo Bộ Y tế, các cán bộ viên chức y tế, cũng như những người lao động khác đều có nỗi lo về bảo đảm cuộc sống gia đình, bảo đảm điều kiện sống tối thiểu về ăn mặc ở, lo lắng các chi phí về điện nước, học hành ngày càng cao do sự gia tăng giá cả nên khi mức thu nhập đối với nhân viên y tế công lập thấp trong khi công việc lại quả tải, cường độ và thời gian lao động tăng; chế độ thu hút, đãi ngộ hạn chế hoặc không có nên dẫn đến tình trạng cán bộ y tế xin thôi việc, nghỉ việc tăng...

Giải pháp nào giữ chân nhân lực y tế công?

Theo Bộ Y tế cần kịp thời biểu dương, khen thưởng các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc, những tấm gương người tốt, việc tốt trong công tác chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân, công tác phòng, chống dịch COVID- 19.
Đồng thời, tăng cường công tác giáo dục chính trị tư tưởng đối với nhân viên y tế, tạo môi trường làm việc thân thiện, bố trí, sử dụng cán bộ y tế hợp lý, trong đó ưu tiên cho những lĩnh vực khó khăn và cho y tế cơ sở.
Cùng đó, quan tâm, thực hiện đầy đủ các chế độ chính sách tiền lương, phụ cấp cho viên chức y tế. Huy động các nguồn lực khác của xã hội để hỗ trợ vật chất cho viên chức y tế nhằm giảm bớt khó khăn, kịp thời động viên cán bộ y tế yên tâm công tác phục vụ lâu dài trong ngành y tế. Tăng cường xã hội hóa ở những đơn vị có điều kiện để tăng thu nhập cho viên chức y tế, đặc biệt là viên chức có trình độ chuyên môn cao.
Việc thực hiện đầy đủ các chế độ chính sách tiền lương, phụ cấp cho viên chức y tế là rất cần thiết.© Được VTC cung cấp

Xây dựng và đề xuất các chính sách thu hút, trọng dụng nhân viên y tế làm việc tại các cơ sở y tế công lập, nhất là nhân viên y tế công tác tại vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn.
Tiếp tục đầu tư cải thiện môi trường, điều kiện làm việc cho cán bộ, viên chức y tế, thực hiện việc mua sắm đủ trang thiết bị, vật tư, thuốc theo nhu cầu sử dụng của viên chức y tế, giúp cho nhân viên y tế có thể cung cấp các dịch vụ y tế đáp ứng nhu cầu của người dân...
Đề nghị Chính phủ cho phép Bộ Y tế tính đúng, tính đủ giá dịch vụ y tế kể cả giá dịch vụ khám chữa bệnh bảo hiểm y tế làm cơ sở để động viên khuyến khích các đơn vị sự nghiệp y tế tăng cường cung ứng dịch vụ có chất lượng, tăng nguồn thu sự nghiệp của đơn vị, góp phần tăng thu nhập cho cán bộ, viên chức y tế, nhất là tại các đơn vị sự nghiệp y tế công lập đã thực hiện tự chủ chi thường xuyên.
Đề nghị Chính phủ có chính sách chưa thực hiện giảm số lượng người làm việc (giảm biên chế sự nghiệp) của các đơn vị sự nghiệp y tế công lập, cho phép tăng định mức số lượng người làm việc tối thiểu tại trung tâm y tế huyện, tại trạm y tế xã, điều chỉnh số lượng người làm việc tại trạm y tế xã theo quy mô dân số giúp các đơn vị sự nghiệp y tế công lập, nhất là y tế cơ sở có đủ nguồn nhân lực làm việc cần thiết, giảm cường độ làm việc cho cán bộ viên chức ngành y tế.

Đề nghị bỏ điều kiện thường trú, tạm trú khi mua nhà ở xã hội

Bộ Xây dựng đề xuất bỏ quy định người dân muốn mua nhà xã hội phải có đăng ký thường trú hoặc tạm trú từ một năm trở lên tại địa phương nơi có công trình.
Bộ Xây dựng đang hoàn thiện dự thảo nghị quyết của Quốc hội thí điểm một số chính sách nhằm phát triển nhà ở xã hội và nhà lưu trú công nhân khu công nghiệp. Bộ đề xuất người mua, thuê mua nhà ở xã hội phải đảm bảo hai điều kiện về nhà ở và thu nhập.
Người muốn mua phải chưa có nhà ở, đất ở thuộc sở hữu của mình; chưa được mua hoặc thuê mua nhà ở xã hội; chưa được hưởng chính sách hỗ trợ nhà dưới mọi hình thức tại nơi sinh sống, làm việc hoặc có nhà của mình nhưng diện tích bình quân đầu người thấp hơn mức tối thiểu do Chính phủ quy định theo từng thời kỳ và khu vực.
Người mua nhà xã hội phải thuộc diện thu nhập thấp; công nhân, người lao động, chuyên gia đang làm việc tại các doanh nghiệp trong khu công nghiệp; cán bộ, công chức, viên chức thuộc diện không phải nộp thuế thu nhập; hộ nghèo, cận nghèo; người có công với cách mạng, thân nhân liệt sĩ thuộc diện được hỗ trợ cải thiện nhà ở; người đã trả lại nhà công vụ.
Hộ gia đình, cá nhân bị thu hồi đất và phải giải tỏa, phá dỡ nhà ở chưa được Nhà nước bồi thường bằng nhà ở, đất ở thì không cần đáp ứng điều kiện về thu nhập.
Người thuê nhà ở xã hội không bắt buộc đáp ứng điều kiện về nhà ở và thu nhập.
Cuộc sống ở khu nhà ở xã hội Lê Thành An Lạc, quận Bình Tân, TP HCM, tháng 8/2022. Ảnh: Quỳnh Trần

Bộ Xây dựng cũng đề xuất cho doanh nghiệp, hợp tác xã thuê nhà ở xã hội tại khu công nghiệp để cho người lao động trong đơn vị thuê lại. Những doanh nghiệp này phải có hợp đồng thuê mặt bằng khu công nghiệp, đang sản xuất, kinh doanh trong khu công nghiệp; phải có hợp đồng thuê, sử dụng lao động.
Theo Luật Nhà ở năm 2014, người muốn mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội phải đáp ứng ba điều kiện về nhà ở, cư trú, thu nhập. Trong đó, những người này bắt buộc có đăng ký thường trú tại địa phương nơi có nhà ở xã hội; nếu không thì phải có tạm trú từ một năm trở lên.
Bộ Xây dựng cho rằng quy định về điều kiện cư trú như luật hiện hành "đã không còn phù hợp trong tình hình mới, phát sinh thủ tục không cần thiết". Quy định về ba điều kiện nhà ở, cư trú, thu nhập dẫn đến bất cập là người thu nhập thấp muốn thuê nhà xã hội (không mua bán, chuyển quyền sở hữu) cũng phải thực hiện đầy đủ thủ tục, giấy tờ chứng minh.
Theo cơ quan soạn thảo, doanh nghiệp tại khu công nghiệp có nhu cầu rất lớn về nhà ở xã hội để lo cho công nhân. Tuy nhiên luật hiện hành chưa quy định nhóm này được hưởng chính sách thuê nhà ở xã hội.
Vì vậy, đề xuất nói trên sẽ thúc đẩy nguồn cung và cầu nhà ở xã hội, nhất là nhà cho thuê, góp phần giảm gánh nặng ngân sách cho Nhà nước, doanh nghiệp và người dân. Nhóm chính sách này cũng góp phần đảm bảo an sinh xã hội, cải cách thủ tục hành chính.

Bí quyết làm giàu của triệu phú tuổi 24

Lucas - một triệu phú trẻ ở Mỹ, 24 tuổi - đúc kết quan điểm rằng, muốn thành công, mỗi người cần "có thứ gì đó để bán và giới thiệu nó cho đúng người".
Lucas Lee-Tyson đã khai thác sức mạnh của Internet từ khi còn là một thiếu niên và tìm cách kiếm tiền từ không gian mạng. Năm 13 tuổi, cậu bán các biểu ngữ YouTube (banner) tùy chỉnh với giá 5 USD một tệp, với sự trợ giúp của cha mẹ.
10 năm sau, Lucas kiếm được 6 triệu USD mỗi năm khi là chủ doanh nghiệp tự lập Growth Cave. Đây là một công ty tiếp thị kỹ thuật số (digital marketing) cung cấp các khóa học cho những doanh nhân muốn tìm hiểu thêm về quảng cáo trên mạng xã hội.
Lucas Lee-Tyson đang quay khóa học dạy về digital marketing cho khách hàng. Ảnh: Nhân vật cung cấp cho New York Post

"Quan niệm sai lầm lớn nhất về sự giàu có và thành công là bạn phải làm việc nhiều giờ để đánh đổi thời gian lấy tiền bạc", triệu phú trẻ tuổi đang sống ở bang Texas (Mỹ) nói.
Theo Lucas, việc chăm chỉ sẽ không giúp một người trở thành triệu phú. "Có thể bạn đã bị lừa về điều này", cậu nói thêm. Lucas cho rằng, tất cả những gì mỗi người cần làm để thành công là "có thứ gì đó để bán và giới thiệu thứ đó cho đúng người".
Hết tuổi trẻ em cũng là lúc Lucas không còn nhận trợ cấp từ cha mẹ. Cậu rất muốn tự mình kiếm tiền để không cần phụ thuộc vào ai. Lúc bấy giờ, suy nghĩ của chàng trai này rất đơn giản, kiếm tiền để mua đồ ăn vặt và trò chơi điện tử.
Lúc đầu, Lucas chỉ loay hoay với việc bán các tệp đồ họa và thu hút thêm khách hàng bằng cách truyền miệng. Khi 15 tuổi, cậu đã tự học cách tạo và bán các sản phẩm kỹ thuật số. Mỗi tháng, trung bình Lucas kiếm được 6.000 USD. Chỉ trong hai năm, cậu đã tích lũy được hơn 20.000 USD tiền tiết kiệm. Đây là số tiền lớn hơn so với dự định của chính chàng trai trẻ.
"Khi còn là một đứa trẻ, tôi đã có động lực tìm kiếm niềm đam mê của bản thân. Tôi muốn đi theo con đường của riêng mình và nếu nó chưa tồn tại, tôi nghĩ mình sẽ là người xây nên nó", cậu chia sẻ.
Lên đại học, Lucas bắt tay vào làm công việc tự do, kiếm được 10.000 USD từ việc làm thêm trước khi bắt đầu kỳ thực tập năm 2019. Lúc bấy giờ, cậu được trả 3.000 USD một tháng dẫu đang thực hiện các hợp đồng quảng cáo cho công ty trị giá 500.000 USD. "Tôi nghĩ nếu mình có thể kiếm được dù chỉ 1% trong số đó, với tư cách là một doanh nhân, tôi sẽ rất vui", Lucas nói. Và đó là động lực để cậu tìm hiểu kỹ hơn về tiếp thị kỹ thuật số.
Tự mày mò kiến thức, các mẹo trong ngành và học hỏi từ công ty thực tập, cậu quyết nghỉ việc sau một năm và bắt đầu khởi nghiệp. Lucas tìm được đối tác cùng chí hướng, sau đó dần xây dựng nên đội ngũ 35 người. Năm nay, công ty của triệu phú này ước tính có doanh thu 20 triệu USD và đang hướng tới cột mốc 100 triệu USD trong tương lai.
"Có một thời gian, cha mẹ đã âm thầm nghi ngờ về việc làm ăn của tôi", cậu kể. Kiếm được số tiền lớn trong khi thời gian làm việc lại linh động khiến họ thắc mắc liệu điều Lucas đang làm có hợp pháp không. "Giờ cha mẹ đã xem các khóa học tôi bán và cách tôi hướng dẫn nhiều người đạt được thành công trên không gian mạng, họ thực sự tự hào về tôi", cậu chia sẻ.
Nói về tương lai, Lucas tự tin sẽ kiếm được gấp 50 lần so với những gì cậu từng làm khi là thực tập sinh. "Một công việc được trả lương thông thường chỉ mang lại cho bạn mức thu nhập bình thường và những nhu cầu về mua nhà, mua xe... sẽ khiến bạn bị kẹt lại trong trạng thái đó, không phát triển thu nhập thêm được nữa", cậu nói.
Lucas tin rằng sự chăm chỉ không phải là cách duy nhất để đạt được thành công. Cậu vẫn hay nói với khách hàng của mình: "Đừng đánh đổi thời gian của bạn để lấy tiền, vẫn còn cách khác".

Tiểu Gu (theo New York Post)

Biệt thự bỏ hoang trên bán đảo Sơn Trà

ĐÀ NẴNG - Nhiều dự án xây dựng biệt thự ven biển trên bán đảo Sơn Trà bỏ hoang hơn chục năm qua, gây lãng phí, mất mỹ quan.

Bán đảo Sơn Trà thuộc phường Thọ Quang, quận Sơn Trà, cách trung tâm TP Đà Nẵng khoảng 10 km, có diện tích 4.439 ha, là tổng hòa của hệ sinh thái rừng tự nhiên gắn liền biển và đô thị.
Chính quyền Đà Nẵng giai đoạn trước đã cấp phép cho nhiều dự án xây dựng khu resort cao cấp để phát triển du lịch. Tuy nhiên, đến nay nhiều dự án nằm trên đường Hoàng Sa đang bỏ hoang.
Trong ảnh là nhiều biệt thự ở Bãi Trẹm được một doanh nghiệp xây dựng thô hơn chục năm qua. Thành phố giao cho doanh nghiệp hơn 14 ha "đất vàng" cùng hơn 20 ha mặt biển trải dài 1,3 km.
Dự án gồm 204 lô đất để xây dựng khu nghỉ mát, 22 biệt thự cao cấp và một khách sạn 5 sao 18 tầng, vốn đầu tư tới 20 triệu USD, với nhiều dịch vụ giải trí và thể thao bãi biển. Sau khi xây dựng các biệt thự hai tầng, dự án dừng triển khai do vướng thủ tục pháp lý.
Ngoài những dãy biệt thự đã xong phần mái, còn có các khu biệt thự mới xong trụ cột.
Bên trong những căn biệt thự dang dở là cảnh nhếch nhác, nhiều hạng mục đã hư hỏng.
Nhiều vị trí thép dầm đã hoen rỉ, trở thành nơi vẽ bậy, xả rác.
Khu biệt thự này nằm ven biển. Qua những đợt thiên tai năm 2022, bãi biển bị xâm thực, gây sói lở sát mép công trình.
Nằm cạnh nhóm biệt thự bỏ hoang là dự án nghỉ dưỡng Biển Đông resort cũng xuống cấp, cửa đóng im lìm. Khu du lịch này từng hoạt động, nhưng sau đó đóng cửa.
Một dự án khác phía trên chùa Linh Ứng cũng bỏ hoang nhiều năm, sau khi xây dựng ba khối nhà bêtông.
Từ năm 2003 đến 2013, dù chưa có quy hoạch được duyệt, chính quyền TP Đà Nẵng đã phê duyệt, chấp thuận cho đầu tư 18 dự án phát triển du lịch, nghỉ dưỡng, biệt thự lớn nhỏ trên bán đảo Sơn Trà, với tổng diện tích hơn 1.200 ha, gần bằng 1/3 diện tích bán đảo.
Phía dưới chùa Linh Ứng là một dự án khác đang được rào chắn tạm bợ. Dự án này sau khi xây dựng nhà bảo vệ, một chòi ngắm cảnh và tường bao quanh, đã bỏ hoang nhiều năm.
Ngày 18/10/2019, Thanh tra Chính phủ thông báo kết luận việc quản lý, sử dụng đất, bảo vệ và phát triển rừng, bảo vệ môi trường, đầu tư xây dựng các dự án tại bán đảo Sơn Trà có nhiều khuyết điểm, vi phạm.
Trong 18 dự án được phê duyệt, 9 dự án có một phần diện tích là rừng tự nhiên (163,32 ha), nhưng chưa xác định trong phương án giao quản lý, bảo vệ rừng. 7 dự án được giao đất, cho thuê đất đều vi phạm về an ninh quốc phòng.
"Đà Nẵng cho hưởng ưu đãi, giảm 10% tiền sử dụng đất tại một số dự án không đúng quy định; xác định, thu tiền sử dụng đất, tiền thuê đất khi chưa có quyết định giao đất, cho thuê đất; không tính, thu tiền phạt chậm nộp tiền sử dụng đất là không đúng quy định", kết luận thanh tra nêu.
Cảnh hoang tàn, nhếch nhác tại chòi ngắm cảnh. Vách tường ngăn dự án với đường Hoàng Sa, thành nơi vẽ bậy, cỏ mọc ùm tùm.
Giữa năm 2022, Ban Đô thị HĐND TP Đà Nẵng có báo cáo thẩm tra về quyết định nhiệm vụ quy hoạch phân khu xây dựng khu du lịch quốc gia Sơn Trà thuộc Phân khu sinh thái phía đông. Qua đó, Ban đề nghị chính quyền thành phố rà soát kỹ tất cả văn bản pháp lý liên quan bán đảo này.
Theo Ban Đô thị, việc nghiên cứu, thực hiện nhiệm vụ và đồ án quy hoạch phân khu xây dựng khu du lịch quốc gia Sơn Trà cần xác định rõ đây là khu du lịch quốc gia hay địa phương. Ngoài ra, các dự án cần lưu ý đánh giá kỹ tác động đến môi trường, cảnh quan, hạn chế việc can thiệp ảnh hưởng hệ sinh thái tự nhiên, địa hình, địa mạo của khu vực.
Ngoài ra, trên bán đảo Sơn Trà có 68 công trình xây dựng trái phép để kinh doanh các dịch vụ du lịch, ăn uống. Tháng 3/2023, UBND quận Sơn Trà đã xử lý 10 trường hợp, đồng thời đề ra lộ trình từ nay đến năm 2025 sẽ xử lý dứt điểm 58 công trình còn lại.
Trước đó năm 2016, Thanh tra TP Đà Nẵng chỉ ra 68 công trình xây dựng trái phép trên bán đảo Sơn Trà giai đoạn từ 1997 đến 2010. Ban Quản lý khu bảo tồn thiên nhiên Sơn Trà (cũ) giao khoán đất rừng đặc dụng có rừng tự nhiên cho các hộ dân trồng rừng và phát triển kinh tế là trái quy định.

Cổ phiếu Novaland tăng kịch trần

NVL tăng hết biên độ lên 11.900 đồng và khớp lệnh hơn 30 triệu cổ phiếu sau thông tin cổ đông đã thông qua tờ trình tăng vốn tối thiểu 29.000 tỷ đồng.
Cổ phiếu của Tập đoàn Đầu tư địa ốc No Va (Novaland) giảm nhẹ khi mở cửa phiên giao dịch cuối tuần, nhưng càng về cuối phiên càng thể hiện sự hưng phấn.
NVL chốt phiên tại giá trần, qua đó nối dài mạch đi lên phiên thứ ba liên tiếp. Lần gần nhất cổ phiếu này là phiên 6/3, sau khi trải qua một chuỗi giảm mạnh.
Một trong những yếu tố giúp giá tăng vọt là thông tin toàn bộ 7 tờ trình cổ đông đều được thông qua, trong đó có nội dung phát hành 975 triệu cổ phiếu riêng lẻ cho nhà đầu tư chiến lược và chào bán 1,95 tỷ cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu, được phát ra sáng nay. Ngoài ra, doanh nghiệp này cũng vừa thông báo đã có 2 người được đề cử vào Hội đồng quản trị là bà Đỗ Thị Phương Lan và ông Nguyễn Trần Đăng Phước.
Khối lượng khớp lệnh Novaland cũng đạt mức cao nhất trong hơn một tháng trở lại đây. Nhờ đó, cổ phiếu này nằm trong danh sách 5 mã tác động tích cực nhất đến VN-Index.
Ngoài Novaland, nhiều cổ phiếu bất động sản cũng đảo chiều từ giảm thành tăng trong phiên cuối tuần. NLG chạm trần, còn PDR, SCR, HQC, VHM, DIG đều tăng hơn 2% so với tham chiếu.
Sắc xanh đồng thuận từ nhóm bất động sản giúp VN-Index nối dài chuỗi tăng 4 phiên liên tiếp, dù biên độ ngày càng hẹp dần. Chỉ số chốt phiên hôm nay sát mốc 1.047 điểm, tích luỹ chưa đến 2 điểm so với tham chiếu.
Thanh khoản toàn thị trường đạt hơn 9.400 tỷ đồng, tăng gần 2.000 tỷ đồng so với hôm qua. Ngoài bất động sản thì dòng tiền tiếp tục đổ vào tài chính – ngân hàng với hơn 3.400 tỷ đồng. VND, VPB, STB3 mã hút tiền mạnh nhất khi giá trị giao dịch đều trên 400 tỷ đồng.
Trong bối cảnh thị trường có tín hiệu ấm lên, khối ngoại tiếp tục giải ngân. Nhà đầu tư nước ngoài hôm nay mua vào gần 1.500 tỷ đồng và bán ra 1.375 tỷ đồng. VHM được giải ngân mạnh nhất với giá trị ròng hơn 70 tỷ đồng, trong khi đó MSN là cổ phiếu chịu áp lực xả hàng nhiều nhất với gần 50 tỷ đồng.
Phương Đông

Thời sự Bắc Giang ngày 26-03-2023

QUA CƠN MÊ - DUY PHƯƠNG | Anh Thợ Xây Có Giọng Hát Hay Ngất Ngây Khiến Cả Khán Phòng Đứng Dậy Vỗ Tay

Mộc bản kinh phật chùa Vĩnh Nghiêm | Di sản tư liệu thế giới

Giới thiệu về thành xương giang 2021

Vlog Xuống Phố Nhà San Vlog

Nem nướng Liên Chung- Đặc sản quê hương Bắc Giang

Quy Trình Thu Hoạch Mật Ong Hoa Vải Nguyên Chất - Đặc Sản Bắc Giang

Khám Phá Toàn Cảnh Thành Phố Bắc Giang 2023

[Sách nói] Tâm Lý Học Đám Đông - Chương 1 | Gustave Le Bon

Người họ Nguyễn có phải gốc Trung Quốc?

HỖN LOẠN TIN XẤU, TỐT… BÒ VÀ GẤU AI ĐANG Ở THẾ THẮNG?

CẨN THẬN! Video này sẽ làm cho bạn đói! Sườn bò chiên Tandoor

Tôi chưa ăn gà ngon như vậy! Công thức gà Hungary!

Making XO sauce from scratch

Doanh nghiệp thoái vốn tác động thế nào đến giá cổ phiếu?

Thông tin doanh nghiệp thoái vốn, đặc biệt là doanh nghiệp có yếu tố Nhà nước, thường đẩy giá cổ phiếu lên cao trong ngắn hạn, hấp dẫn dòng vốn đầu cơ.
Thoái vốn là quá trình bán hoặc giảm tỷ lệ sở hữu của một doanh nghiệp trong một công ty hoặc một dự án khác. Doanh nghiệp thực hiện thoái vốn để tập trung vào các lĩnh vực kinh doanh chính, thu hồi vốn đầu tư nhằm tăng lợi nhuận hoặc giảm nợ.
Việc thoái vốn của một doanh nghiệp sẽ có tác động tới giá cổ phiếu của công ty đó theo xu hướng tăng lên, thậm chí tăng "nóng". Cổ phiếu thoái vốn được nhiều nhà đầu tư săn đón, bởi các công ty thường có xu hướng muốn thoái vốn giá cao nhằm tạo mặt bằng giá mới. Nhà đầu tư cũng kỳ vọng doanh nghiệp thoái vốn sẽ có tăng trưởng tốt trong tương lai, vì khoản tiền thu được sau khi thoái vốn sẽ được đầu tư vào hoạt động sản xuất kinh doanh, cải thiện doanh thu và lợi nhuận của doanh nghiệp.
Nghiên cứu từ công ty chứng khoán Yuanta cho biết, trong giai đoạn 2007-20082015-2016, Nhà nước đẩy mạnh cổ phần hóa doanh nghiệp cùng với thoái vốn Nhà nước đã giúp cho thanh khoản thị trường chứng khoán tăng mạnh. Cụ thể, năm 2009, thanh khoản thị trường tăng 226% so với 2008 từ mức 720 tỷ đồng lên tới 1.623 tỷ đồng một phiên. Đến năm 2018, con số này đạt trên 5.000 tỷ đồng một phiên.
Một số cổ phiếu tăng nóng nhờ thoái vốn như cổ phiếu VNM của Vinamilk, sau khi thoái vốn nhà nước vào cuối năm 2017, đã tăng mạnh từ 130.000 đồng một cổ phiếu lên 214.000 đồng một cổ phiếu tại thời điểm tháng 3/2018, giá thoái vốn là 190.000 đồng một cổ phiếu. Cổ phiếu SAB đã tăng gần 50% sau thông tin Nhà nước sẽ thoái toàn bộ 36% vốn tại Sabeco.
Tuy nhiên, dòng tiền chảy vào cổ phiếu thoái vốn chủ yếu là dòng vốn đầu cơ nên sóng tăng ngắn, tiềm ẩn rủi ro đối với nhà đầu tư ít kinh nghiệm. Thường dòng tiền đầu cơ sẽ đẩy thị giá và khối lượng giao dịch tăng nhanh trong khoảng thời gian ngắn, vượt quá kỳ vọng của dòng tiền đầu tư về giá trị nội tại của doanh nghiệp. Sau khi câu chuyện thoái vốn ngã ngũ, dòng tiền đầu cơ ngắn hạn rút lui, đà tăng giá sẽ khó được duy trì, thậm chí thị giá có thể phải mất nhiều thời gian để quay lại vùng đỉnh. Do đó, chọn cách đầu tư cổ phiếu thoái vốn có thể khiến nhà đầu tư bị "kẹp hàng", chôn vốn hàng năm nếu doanh nghiệp bị gặp trục trặc trong quá trình thoái vốn, M&A (mua bán và sáp nhập).

Theo kinh nghiệm của nhiều nhà đầu tư lâu năm, "đội lái" có thể lợi dụng thông tin thoái vốn để đầu cơ trục lợi, đẩy giá cố phiếu lên cao. Do đó, để tránh rủi ro, người giao dịch không nên mua đuổi các cổ phiếu tăng nóng, cần quan sát thêm tín hiệu từ dòng tiền, các chỉ báo kỹ thuật khác của cổ phiếu đó, có thể chờ đợi các đợt điều chỉnh để tham gia ở vùng giá tốt hơn.

Warren Buffett và các chuyên gia khuyên gì về kế hoạch hưu trí?

 Tỷ phú đầu tư Warren Buffett và các chuyên gia tài chính cá nhân khuyên mỗi người ưu tiên tiết kiệm, tránh nợ nần, đầu tư ngay khi còn trẻ.

Tùy vào từng giai đoạn trong cuộc đời, mối quan tâm và lo lắng về nghỉ hưu sẽ khác nhau. Tuy nhiên, các chuyên gia tài chính vẫn khuyên rằng mỗi người nên luôn nghĩ đến chủ đề này. Nếu không lên kế hoạch, đầu tư đủ cho tuổi xế chiều và thực hiện một cách nghiêm túc, khi "đến cái dốc bên kia của cuộc đời", bạn sẽ dễ rơi vào trạng thái mất an toàn về tài chính.

Những biểu tượng đầu tư nổi tiếng như tỷ phú Warren Buffett, Mark Cuban hay Jim Cramer đều đã thành công trong việc kiếm tiền và đầu tư sinh lãi. Dưới đây là một số lời khuyên của họ về kế hoạch hưu trí.

Thực hiện chiến lược đầu tư 90/10

Một trong những lời khuyên quan trọng nhất của Warren Buffett dành cho các nhà đầu tư nói chung là đầu tư 10% số tiền nhàn rỗi vào trái phiếu chính phủ ngắn hạn, 90% còn lại vào các quỹ chỉ số có chi phí thấp (còn gọi là quỹ hoán đổi danh mục - ETF).

ETF là một quỹ đầu tư mô phỏng theo biến động của chỉ số chứng khoán hoặc trái phiếu. Quỹ này được niêm yết và giao dịch trên Sở Giao dịch Chứng khoán tương tự như cổ phiếu. ETF góp phần đa dạng hóa sản phẩm chứng khoán, cũng như cung cấp thêm công cụ cho các nhà đầu tư. Tuy nhiên, cũng như bất kỳ sản phẩm tài chính khác, ETF có thể tồn tại một số hạn chế và rủi ro nhất định cần chú ý.

Tránh nợ thẻ tín dụng

Theo Mark Cuban, thanh toán nợ thẻ tín dụng là "khoản đầu tư tồi tệ nhất". Bất kỳ số tiền nào bạn phải trả kèm lãi suất thẻ tín dụng chỉ là số tiền lãng phí, mà lẽ ra có thể được sử dụng để rót vào kế hoạch hưu trí.

Ví dụ, nếu có số dư 100 triệu đồng trên thẻ tín dụng, giả sử lãi suất là 18%, mỗi năm bạn cần trả 18 triệu đồng tiền lãi. Số tiền này hoàn toàn phù hợp để đầu tư cho quỹ hưu trí. Với 18 triệu đồng mỗi năm, giả sử lãi trung bình 10%, bạn có thể thu về 195 triệu đồng sau 25 năm đầu tư, tính theo công thức lãi kép.

Tính lãi kép

Số tiền ban đầu
đồng
Lãi suất hàng năm
%
Thời gian
năm

Nói như thế không có nghĩa Mark Cuban phản đối việc sở hữu và sử dụng thẻ tín dụng. Nếu biết cách dùng và đảm bảo luôn trả hết nợ vào cuối tháng, thẻ tín dụng cũng là một giải pháp chi tiêu không xấu. Ngày nay, đa phần các ngân hàng đều đẩy mạnh chương trình khuyến mãi, tích điểm đổi quà tặng hoặc tiền, hoàn tiền trên mỗi lần chi tiêu, giảm giá trực tiếp. Nếu tận dụng tốt, người dùng có thể thu về một số lợi ích nhất định.

Kế hoạch tiết kiệm và đầu tư không phức tạp

Chuyên gia tài chính cá nhân hơn 30 năm kinh nghiệm tại Mỹ - Dave Ramsey, là một người rất tin tưởng vào việc giữ mọi thứ đơn giản khi nói đến tiết kiệm cho nghỉ hưu. Theo ông, việc đầu tư một cách nhất quán quan trọng hơn nhiều so với việc tìm ra một số kế hoạch phức tạp hay "làm giàu nhanh chóng" để đạt được mục tiêu.

Ramsey khuyên mỗi người chỉ nên đầu tư khi đã sẵn sàng về mặt tài chính và đừng bao giờ rót tiền vào thứ mà bản thân không hiểu rõ. Ngoài chương trình hưu trí của chính phủ và quỹ hưu trí cá nhân, ông thường tư vấn cho khách hàng rót tiền vào quỹ tương hỗ chứng khoán tăng trưởng với lợi nhuận ổn định ít nhất trong 5 năm gần nhất.

Hiểu sự khác biệt giữa đầu tư và đầu cơ

Kevin O'Leary - một trong những nhà đầu tư góp mặt trong Shark Tank Mỹ - không có vấn đề gì với những người thích đầu cơ. Tuy nhiên, nếu muốn nghỉ hưu an nhàn, O'Leary nhấn mạnh rằng trước tiên bạn phải có một kế hoạch đầu tư dài hạn. "Phong cách của tôi là để dành tiền cho cả cuộc đời mình và đầu tư chúng", ông nói.

Ông đã nghe theo lời khuyên của bà mình để tiết kiệm 10% tổng thu nhập và đầu tư số tiền trên vào thị trường. "Đó là một câu thần chú của tôi, rằng mọi người đều có thể tiết kiệm vì có quá nhiều thứ bạn mua mà thật sự không cần. Và nếu rót số tiền đó vào thị trường, với lãi suất trung bình 6-8% trong hơn trăm năm qua, bạn ắt hẳn giàu có khi về hưu", ông chia sẻ với Business Insider.

Tương tự, Warren Buffett từng viết trong bức thư gửi cổ đông năm 2018 rằng: "Mặc dù thị trường nhìn chung hợp lý, đôi khi chúng cũng làm những điều điên rồ". Theo tỷ phú này, các nhà đầu tư cần có khả năng bỏ qua nỗi sợ hãi hoặc sự nhiệt tình của đám đông và tập trung vào một vài nguyên tắc cơ bản đơn giản. Nói cách khác, hãy đầu tư dài hạn và đừng để bị cuốn vào những cảm xúc hàng ngày của thị trường chứng khoán.

Tỷ phú đầu tư Warren Buffett. Ảnh: CNBC

Tỷ phú đầu tư Warren Buffett. Ảnh: CNBC

Đừng nghỉ hưu quá sớm nếu chưa đủ tài chính

Jim Cramer - chuyên gia tài chính của CNBC - rất thận trọng trước những ai nói rằng họ sẽ nghỉ hưu sớm. CNBC trích lời ông nhắn nhủ với những người dự định nghỉ hưu sớm: "Bạn sẽ phải trả giá cho điều đó trong suốt quãng đời còn lại của mình".

Theo ông, đó là vì mỗi người đều cần nhiều tiền khi nghỉ hưu hơn bản thân đã nghĩ. Vì vậy, nếu nghỉ hưu ở độ tuổi 30-50, ông cho rằng vẫn dễ phải xoay sở tiền nong cho những tháng ngày còn lại. Nếu không có thu nhập ổn định, cơ hội để bạn có thể sống ngang với mức sống lúc về hưu là khó.

Đầu tư ngay khi còn trẻ

Khi còn trẻ, bạn rất dễ có suy nghĩ rằng tiết kiệm cho nghỉ hưu là một việc để dành tiền nong cho "một ngày xa xăm nào đó". Theo Jim Cramer, đó là một sai lầm. Bắt đầu đầu tư càng sớm, bạn càng có lợi khi về hưu. Bất kỳ ai cũng có thể tiết kiệm hoặc đầu tư dù chỉ một khoản nhỏ, bất kể thu nhập của họ là bao nhiêu.

Ông lấy bản thân khi còn trẻ để làm bằng chứng cho điều đó. Trong một lần chia sẻ trên CNBC, ông kể rằng vào đầu những năm 20 tuổi luôn sống trong ôtô để tiết kiệm tiền, nhưng vẫn đầu tư 100 USD mỗi tháng. Chú trọng đầu tư từ sớm là một trong những yếu tố giúp Jim Cramer trở thành triệu phú tự thân. Theo đó, những người trẻ tuổi chỉ cần giữ kỷ luật trong đầu tư sẽ tiến đến thành công.

Tiểu Gu (theo Gobankingrates)