Thứ Năm, 23 tháng 7, 2020

Tản mạn về một thị trường tài chính “vắt sữa” nhà đầu tư nhỏ

Khi nào thì các công ty dừng vắt sữa nhà đầu tư nhỏ? 

“Vắt sữa” nhà đầu tư nhỏ

Hai năm trước, khi một người bạn của tôi rời Việt Nam sang Hồng Kông làm việc, chúng tôi có một cuộc trò chuyện ngắn qua Skype. Trong hơn 3 năm ở Việt Nam, anh cũng gọi là hiểu sơ sơ về thị trường tài chính của Việt Nam. Một trong những ấn tượng của anh là nhà đầu tư nhỏ của Việt Nam bị “vắt sữa” nhiều quá (nguyên văn câu nói của anh lúc đó là “milking small investors”).

“Khi nào thị trường này dừng vắt sữa nhà đầu tư nhỏ thì mới khá lên được”, anh nhận xét.

Khi đó, tôi rất đồng ý với nhìn nhận của anh, nhưng cũng không suy nghĩ quá nhiều. Chiêm nghiệm những diễn biến thị trường 2 năm qua, tôi càng thấy những điều anh bạn nói có lý.

Thị trường Việt Nam có 2 đặc tính nổi bật: Nhiều nhà đầu tư cá nhân và sự tập trung cao về quyền sở hữu đa số công ty niêm yết trong tay một nhóm cổ đông lớn (có những công ty mà nhóm cổ đông lớn có quan hệ chặt chẽ với nhau sở hữu hơn 80%).
Hồ Quốc Tuấn - Giảng viên Đại học Bristol, Anh.
Đặc tính này dẫn đến một số hệ lụy. Thứ nhất, nhiều nhà đầu tư cá nhân không có mục tiêu nắm giữ cổ phiếu dài hạn, mà có mục tiêu lướt sóng, sở hữu ngắn hơn một năm. Vì vậy, họ không quan tâm nhiều đến chất lượng quản trị công ty, mà chủ yếu đầu tư khi có sóng, có tin đồn.

Thứ hai, cho dù họ quan tâm, nhưng vì họ là cổ đông nhỏ, không ai quan tâm đến những gì họ nói, hoặc hành xử “chiếu lệ”. Anh bạn tôi từng làm đại diện cho một quỹ đầu tư nước ngoài trong một công ty ở Việt Nam và thấy “nhức mắt” về một số cách hành xử của hội đồng quản trị như tự tiện thực hiện các giao dịch chuyển vốn giữa công ty với những công ty thân thuộc của hội đồng quản trị.

Anh đã đặt ra nhiều câu hỏi và cũng phản ứng dữ dội, nhưng rồi không có hiệu quả gì. Cuối cùng, quỹ của anh rút vốn. Mà công ty đó thì chắc cũng chả quan tâm về sự ra đi của một cổ đông ngoại thiểu số.

Chuyện mà cổ đông lớn của một công ty, đặc biệt là một vài ngân hàng, lấy tiền của công ty cho các công ty thân hữu hoặc chính bản thân mình vay, thậm chí là vào làm cổ đông của công ty mình là chuyện rất phổ biến, mà những giao dịch khuất tất của Huy Vietnam tiến hành qua chuỗi nhà hàng Món Huế gần đây là một ví dụ.

Vài tuần trở lại đây, tôi lại nghe một chuyện khác. Đó là xu hướng công ty chứng khoán, ngân hàng thương mại đẩy mạnh việc phân phối trái phiếu doanh nghiệp cho nhà đầu tư cá nhân.

Điều này dẫn đến một lo ngại rằng, ngày càng nhiều nhà đầu tư cá nhân mua trái phiếu doanh nghiệp vì lãi suất cao mà không hiểu rõ về nó.

Theo một số liệu thống kê, các nhà đầu tư cá nhân đã mua khoảng 15% tổng lượng trái phiếu doanh nghiệp phát hành trong 6 tháng đầu năm nay.

Bất chấp những cảnh báo của Bộ Tài chính, hiện tượng dòng tiền đầu tư cá nhân chảy vào trái phiếu doanh nghiệp đã trở nên phổ biến.

Một người quen của tôi vừa mới hỏi tôi về việc mua trái phiếu doanh nghiệp từ ngân hàng vì nghe nhân viên ngân hàng nói là mua trái phiếu lời hơn gửi tiết kiệm, mà lại của công ty lớn phát hành, an toàn lắm.

Hỏi ra thì bạn chẳng biết gì nhiều về công ty đó, bạn là “khách VIP” của chi nhánh ngân hàng gần nhà nên được chào mua trái phiếu. Tôi hỏi kỹ hơn thì biết đây là một trái phiếu phát hành riêng lẻ.

Ads by AdAsia

Ông Nguyễn Hoàng Dương, Phó vụ trưởng Vụ Tài chính các ngân hàng và tổ chức tài chính, Bộ Tài chính từng khuyến cáo “trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ không phù hợp với nhà đầu tư cá nhân nhỏ lẻ”.

Song, Bộ Tài chính cứ khuyến cáo, còn ngân hàng cứ bán trái phiếu và theo cách diễn tả mơ hồ của bạn tôi về trái phiếu mà cô định mua thì rõ ràng là nhân viên ngân hàng đã không giải thích cho cô hiểu rõ những rủi ro của việc mua trái phiếu này.

Trong khi đó, một người quen khác của tôi làm quản lý cao cấp ở một ngân hàng cho biết, có khi bản thân nhân viên cũng không ý thức hết được tính rủi ro của những trái phiếu này, được giao bán và tập huấn thế nào thì bán vậy thôi.

Trong một thị trường nhà đầu tư cá nhân chiếm số đông, mà họ lại bị “vắt sữa” kiểu như vậy thì thật khó mà mong nhà đầu tư có niềm tin vào cổ phiếu hay trái phiếu. Vậy thì đừng trách vì sao họ lướt sóng, không nắm giữ cổ phiếu dài hạn.

Tuân thủ quy định mới mang tính hình thức 

Ở Việt Nam, không phải không có những quy định bảo vệ nhà đầu tư nhỏ. Các quy định pháp luật, hướng dẫn về quản trị công ty (corporate governance) thường xuyên cập nhật các thông lệ, nguyên tắc quốc tế tốt nhất. Nhưng trên thực tế, nhiều doanh nghiệp chỉ tuân thủ “cho có”.

Nhiều ban kiểm soát, kiểm toán nội bộ, cổ đông độc lập, thậm chí là cổ đông là nhà đầu tư tổ chức đều có đủ, nhưng cổ đông lớn vẫn có thể dễ dàng làm được những gì họ muốn.

“Con voi chui lọt lỗ kim” dường như là chuyện thường ngày trong quản trị doanh nghiệp ở Việt Nam. Chỉ một chuyện vi phạm quy định công bố thông tin thôi cũng đã nói gần 2 thập kỷ nay, nhưng thỉnh thoảng vẫn có những vi phạm sơ đẳng diễn ra.


Thị trường Việt Nam có 2 đặc tính nổi bật: Nhiều nhà đầu tư cá nhân và sự tập trung cao về quyền sở hữu các công ty niêm yết trong tay một nhóm cổ đông lớn... 


Còn chuyện ngân hàng phân phối trái phiếu thì Bộ Tài chính đã có khuyến nghị đơn vị phân phối phải cung cấp đầy đủ thông tin về tình hình doanh nghiệp, nghĩa vụ doanh nghiệp phát hành, tổ chức phân phối và đặc biệt là có biện pháp quản lý để tuân thủ đầy đủ, đúng hạn các cam kết về mua lại trái phiếu với nhà đầu tư khi phân phối trái phiếu.

Thế nhưng, nếu đơn vị phân phối làm cho có, để khách hàng ký nhận một tờ giấy xác nhận đã được cung cấp đủ thông tin, trong khi trên thực tế khách hàng không hiểu rõ các thông tin đó thì sao?

Trong giới làm quản lý tài chính, có một khái niệm gọi là “giả bộ tuân thủ” (mock compliance). Ở Việt Nam, việc giả bộ tuân thủ là phổ biến trong hầu hết các vụ bê bối tài chính đã đổ vỡ, từ tín dụng ngân hàng cho đến số liệu kế toán và hoạt động lạm quyền, rút ruột công ty của cổ đông lớn.

Có người nói Việt Nam là một thị trường cận biên (frontier market) thì với cái ý nghĩa của dân ở biên giới, phải đi khai phá các vùng đất mới hoang dã một chút, khó kiểm soát một tí. Nhưng nếu giữ mãi cái bản chất của một thị trường cận biên như vậy thì khó có thể mơ tới việc trở thành một trung tâm tài chính nghiêm túc được.

Một người bạn của tôi làm việc lâu năm ở Singapore và có nhiều mối quan hệ làm ăn ở Việt Nam cho rằng, có lẽ cũng nên suy nghĩ lại định hướng chiến lược về phát triển thị trường tài chính.

Nếu không thay đổi được cung cách cũ thì có thể nghĩ cách trở thành một vệ tinh của một thị trường trưởng thành hơn như Singapore và chỉ chuyên đi tập trung vào mảng dẫn vốn từ Singapore vào các công ty chưa niêm yết có tăng trưởng cao ở Việt Nam (như các công ty start-up công nghệ).

Đó cũng là điều mà Singapore đang hợp tác với Nasdaq để dẫn vốn từ Mỹ vào các công ty tăng trưởng nhanh ở Đông Nam Á (nhưng chưa mấy thành công).

Nghe cũng có lý, nhưng cũng chua xót. Trở thành một thị trường tài chính vệ tinh thì có nghĩa là chúng ta phải chấp nhận rằng mình chỉ mãi là một thị trường cận biên, phụ thuộc vào một con đường kết nối tới trung tâm tài chính của họ.

Một nền kinh tế có nhiều thuận lợi để đón dòng dịch chuyển sản xuất từ quốc tế chẳng lẽ chỉ đáng như thế thôi sao? Câu hỏi này xin để lại cho những người đang làm công tác quản lý thị trường tài chính trả lời.

20 năm học cách kiếm tiền bền vững trên thị trường chứng khoán

Tham gia thị trường chứng khoán từ những năm đầu, nếm đủ cả thành quả ngọt ngào và trái đắng, tôi dần học được cách đầu tư dựa trên yếu tố cốt lõi của doanh nghiệp. 

Những ngộ nhận ban đầu

Năm 2006, tôi biết đến thị trường chứng khoán nhờ nhiều người bạn tôi tham gia đầu tư và kiếm được lợi nhuận khá tốt.

Tôi bắt đầu tìm hiểu và tham gia vào thị trường với số vốn ban đầu khiêm tốn. Giai đoạn này, cơ hội kiếm lợi nhuận khá dễ dãi và từ đó như một vòng xoáy cuốn tôi vào thị trường.

Thực tế khi đó, tôi không hề có phương pháp, cách lựa chọn cổ phiếu cụ thể nào, mà chỉ đơn thuần là lựa chọn ngẫu nhiên một cổ phiếu ưa thích để mua vào. Trên sàn cũng không có nhiều sự lựa chọn đa dạng như hiện nay.

Nhưng cũng vì lý do số lượng cổ phiếu trên sàn khá ít, trong khi dòng tiền đổ vào liên tục nên giá các cổ phiếu cứ được đẩy lên liên tục. Nhờ vậy mà tôi có được lợi nhuận khá nhanh chóng và tôi bắt đầu nghĩ rằng, kiếm tiền trên thị trường chứng khoán thật đơn giản, chỉ cần mua là có lời.

Trong thời điểm hiện tại, khi chứng kiến nhóm cổ phiếu phá sản tại Mỹ được nhà đầu tư mua tăng 100%, 200% như Hertz, Whiting Petroleum, Pier 1, J.C. Penney.

Cổ phiếu FANGDD, một công ty bất động sản của Trung Quốc tăng hơn 2.000% trong tháng 6 có thể chỉ vì tên công ty này gần giống nhóm cổ phiếu FANG, gồm 4 công ty công nghệ hàng đầu nước Mỹ (Facebook, Amazon, Netflix và Alphabet), tôi lại liên tưởng đến cách tăng giá của các cổ phiếu trên thị trường chứng khoán trong nước những năm 2006 - 2007.

Giai đoạn này, tôi chủ yếu đầu tư vào các cổ phiếu đang hút dòng tiền như SAM, REE, GMD, KDC, liên tục mua bán và chốt lời cổ phiếu.

Sự hưng phấn không chỉ có ở mình tôi mà đi đâu cũng nghe mọi người bàn tán về thị trường chứng khoán, nào là “mua con gì”, rồi “chốt lời bao nhiêu”. Trong cơn say chiến thắng, tôi đã không thể rút chân ra kịp.

Đầu tháng 3/2007, thị trường giảm điểm rất mạnh chỉ trong 2 tháng, đến tháng 5/2007 thì hồi phục, nhưng sau đó thị trường vẫn tiếp tục giảm.

Với thói quen giao dịch liên tục trước đó và tâm lý khá bảo thủ, tôi kiên quyết nắm giữ cổ phiếu để chờ hồi phục và điều tồi tệ nhất xảy ra vào cuối tháng 10/2007 khi thị trường liên tục giảm 10%, 20%, 30%, 50%… vẫn không hồi phục. Thời điểm đó, tôi và các nhà đầu tư khác cùng nhìn tài khoản bị bốc hơi từng ngày.

Sau cú sốc đó, tôi bắt đầu tìm hiểu sâu hơn về thị trường chứng khoán. Trải qua mất mát, tôi mới ngộ ra rằng, đầu tư chứng khoán không dễ dàng như mình từng tưởng tượng.

Tôi bắt đầu nhận ra cách tiếp cận thị trường của mình quá đơn giản, khi may mắn bước vào thị trường sóng tăng, thị trường đã tạo ra cho tôi cảm giác tự mãn và rất nhanh chóng đã lấy lại toàn bộ lợi nhuận tôi thu được, thậm chí còn khiến tôi bị âm vốn nặng.

Tôi bắt đầu tìm hiểu từ sách báo về phong cách đầu tư của những nhà đầu tư thành công trên thế giới nhưWarren Buffett, Philip Fisher… và nhận ra những cách tiếp cận cần thay đổi.

Bài học đầu tư phải hiểu doanh nghiệp

Sau khi tìm hiểu về cách đầu tư của những nhà đầu tư huyền thoại, cũng như xem lại lịch sử thị trường, tôi nhận ra điều quan trọng nhất khi đầu tư chứng khoán là phải biết mình đang đầu tư vào doanh nghiệp nào, đâu là vấn đề cốt lõi của doanh nghiệp.

Phương pháp đầu tư của tôi được xây dựng lại dựa trên doanh nghiệp hoạt động kinh doanh cốt lõi tăng trưởng, doanh nghiệp đang có điểm rơi lợi nhuận có thể ghi nhận trong tương lai gần. Đặc biệt, cổ phiếu giao dịch với mức định giá P/E vừa phải so với thị trường, cũng như với ngành.
Đi theo nguyên tắc ấy, đầu năm 2013, tôi quyết định đầu tư cổ phiếu GAS, một doanh nghiệp niêm yết mới trong lĩnh vực dầu khí. Điểm hấp dẫn nhất ở cổ phiếu này chính là doanh nghiệp gần như độc quyền khai thác và vận chuyển khí đốt, song P/E chỉ có 7,46 lần, với mức EPS 2012 là 5.175 đồng.
Tôi đầu tư vào cổ phiếu GAS cho tới giữa năm 2014, khi chứng kiến giá dầu có xu hướng lao dốc khi tăng trưởng kinh tế Trung Quốc có dấu hiệu giảm tốc do nhiều năm xây dựng quá mức, nhu cầu tiêu thụ dầu khí được dự báo giảm.

Trong khi cung đang vượt cầu, thành viên Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) lại không hành động kịp thời để cắt giảm sản lượng.

Chính điều này đã làm tôi thay đổi quan điểm về triển vọng ngành dầu khí từ khả quan với mức giá dầu cao sang bi quan, lo ngại khó khăn kéo dài. Với kinh nghiệm trong quá khứ, khi triển vọng ngành thay đổi tôi nhanh chóng thoát khỏi vị thế nắm giữ cổ phiếu này.

Hay với việc đầu tư cổ phiếu “họ” cao su thiên nhiên, hồi đầu năm 2017, sau khi Trung Quốc ra chính sách cấm chặt phá rừng, nhu cầu gỗ cao su ở Việt Nam tăng mạnh, điều này đẩy giá thanh lý gỗ cao su tăng khá cao.

Trong nhóm doanh nghiệp cao su niêm yết, tôi phân tích thông tin, chỉ có PHR có độ tuổi cây lớn, dự tính doanh nghiệp mỗi năm thanh lý 1.000 ha.

Do đặc thù hoạt động của ngành cao su là có thời gian trồng, khai thác, thanh lý gỗ nên hoạt động thanh lý gỗ hàng loạt khi giá thanh lý cao chính là điểm nhấn lợi nhuận gối đầu lên nhau đối với PHR giai đoạn cuối 2017 và các năm sau đó, chưa kể tới lợi nhuận nhận được từ đền bù đất.

Đối với mã NDN của CTCP Đầu tư phát triển Nhà Đà Nẵng, kể từ đầu năm 2018, tôi bắt đầu nhìn thấy quá trình bán hàng dự án Chung cư The Monarchy block B, lượng tiền đặt cọc dự án liên tục gia tăng, đồng thời quỹ tiền mặt của doanh nghiệp liên tục tăng lên.

Nếu như đầu năm 2018, lượng đầu tư tài chính chỉ có 343 tỷ đồng thì cuối năm là 926,1 tỷ đồng, người mua trả tiền trước ngắn hạn từ 43,7 tỷ đồng lên 957,8 tỷ đồng.

Điều này kết hợp với đặc điểm doanh nghiệp bất động sản chỉ được ghi nhận doanh thu khi bàn giao dự án cho người mua.

Trong khi đó, doanh nghiệp vay nợ rất thấp, tổng lượng tiền mặt, đầu tư tài chính và tiền gửi kỳ hạn dài là 1.027,4 tỷ đồng, tương ứng mỗi cổ phiếu sẽ có 21.449 đồng tiền mặt.


Trong khi đó, cổ phiếu chỉ giao dịch ở vùng 10.000 - 13.000 đồng/cổ phiếu, điều này tạo nên mức hấp dẫn về định giá, cũng như sớm muộn khi doanh nghiệp bàn giao dự án phần lợi nhuận đầu tư dự án sẽ chuyển thành vốn chủ sở hữu. Trong khi đó, doanh nghiệp sở hữu lượng tiền mặt lớn.

Có thể thấy, kể từ thời điểm ban đầu tham gia đầu tư chỉ quan tâm tới mã chứng khoán và giao dịch liên tục, cú sốc năm 2008 đã giúp tôi điều chỉnh phương pháp đầu tư, chuyển dịch sang lựa chọn cổ phiếu có điểm rơi lợi nhuận, giao dịch dưới giá trị thực sự của doanh nghiệp. Điều này giúp chiến lược đầu tư của tôi an toàn hơn rất nhiều so với những năm trước.

Hai năm trở lại đây, thị trường liên tiếp đón nhận những cú sốc từ chiến tranh thương mại Mỹ - Trung leo thang và đại dịch Covid-19 làm thay đổi cục diện và thói quen người tiêu dùng. Với việc tham gia thị trường chứng khoán, sự khốc liệt này còn lớn hơn nhiều so với công việc khác.

Tuy nhiên, nhờ vào việc tích luỹ kinh nghiệm trong quá khứ, tôi luôn có kế hoạch dự phòng cho trường hợp xấu của thị trường và không còn quá bảo thủ như giai đoạn mới tham gia vào thị trường.

Thứ nhất, việc mua cổ phiếu chính là việc đầu tư vào doanh nghiệp, khi đã đầu tư là cần phải hiểu về doanh nghiệp, đâu là điểm bùng nổ lợi nhuận, đâu là điểm thoái trào lợi nhuận, từ đó, xây dựng các kịch bản đầu tư đối phó với diễn biến giá chứng khoán.

Một doanh nghiệp tốt thôi chưa đủ, mà cần phải hội tụ điểm bùng nổ lợi nhuận đi kèm, khi đó giá cổ phiếu mới có thể tăng bền vững.

Thứ hai, thị trường chứng khoán có chu kỳ, có giai đoạn sóng tăng sẽ có giai đoạn sóng giảm. Để có thể tồn tại trên thị trường, cần phải tận dụng sóng tăng kiếm thật nhiều lợi nhuận và trong giai đoạn thị trường khó khăn, việc cần ưu tiên là bảo vệ tài khoản.

Đầu tư là cả quá trình dài hạn, không thể tính thành quả thông qua một hay hai mã cổ phiếu cụ thể.

Thứ ba, việc cắt lỗ bảo vệ tài khoản đôi khi vẫn là lựa chọn thông minh, chỉ khi giữ được tiền thì mới có khả năng kiếm được tiền trong giai đoạn sóng tăng tiếp theo.

Trong khi đó, chần chừ không cắt lỗ sớm sẽ dẫn tới việc “ôm hàng” kéo dài và không còn tiền để mua ở vùng giá thấp khi thị trường chuẩn bị vào sóng tăng mới.

Thứ tư, mọi phân tích của mình chỉ đúng và kiếm được tiền khi thị trường cũng phản ứng như vậy. Không nên quá bảo thủ và đi ngược xu hướng bởi trong ngắn hạn, thị trường có thể phản ứng thái quá giữa lòng tham và nỗi sợ hãi lâu hơn sức chịu đựng của bản thân.

Hai mặt của đồng tiền

Bạn muốn kiếm tiền nhiều mà bạn lại không muốn bỏ thói quen xấu, thói quen lười nhác thì thật khó có thể thực hiện ước mơ của mình. Chúng ta luôn muốn có cả hai, tiền bạc và thời gian.

Nếu bây giờ tôi bảo bạn hãy từ bỏ tất cả những đam mê, từ bỏ những thú vui thì bạn sẽ có rất nhiều tiền. Bạn có sẵn lòng từ bỏ, chỉ dành thời gian cho việc kiếm tiền?

Bạn muốn có nhiều tiền nhưng bạn lại muốn có nhiều thời gian. Điều này là cực kỳ khó với người mới bắt đầu khởi nghiệp. Khoảng thời gian đầu có một núi công việc cần làm. Bạn phải làm việc hết mình, dành hết thời gian cho công việc thì mới mong có thể đạt kết quả.

>> Thu nhập 800 triệu đồng nhưng tôi không cố làm thêm việc

Tiền bạc dư giả giúp bạn có cuộc sống hạnh phúc nếu chúng gắn liền với đam mê của bạn. Lúc đầu bạn kiếm tiền có thể bạn phải hy sinh một vài điều gì đó. Bởi có những thói quen xấu sẽ làm cho bạn không thể nào giàu có được.

Đồng tiền có hai mặt của nó. Mặt tích cực giúp bạn có tài chính và giúp bạn có cuộc sống mơ ước. Bạn có thể dùng tiền dư của mình giúp đỡ mọi người. Nhưng mặt trái đó là bạn sẽ phải mất đi thời gian, có khi phải bỏ những đam mê của bản thân để dành thời gian kiếm tiền. Chúng ta ai cũng muốn kiếm thật nhiều tiền. Nhưng hãy luôn cố gắng đừng để đồng tiền lấn át tất cả.

“Cò đất” kể chuyện kiếm tiền tỷ nhờ cơn "sốt đất" ở Hà Nội

Không bằng cấp và chỉ học hết lớp 9, song nhờ làm nghề môi giới BĐS, trong 3 năm, anh T.T.N (SN 1995) đã sở hữu 2 căn hộ hạng B tại Hà Nội, trị giá khoảng 3,4 tỷ đồng.

Thông qua người quen giới thiệu, anh T.T.N bắt đầu dấn thân vào nghề môi giới BĐS vào năm 2017. Và chỉ sau 3 năm, từ tay trắng, N. đã có trong tay 2 căn hộ hạng B, một căn hộ dùng để ở, căn còn lại cho thuê với mức giá 6 triệu đồng/tháng.

"Chỉ một mét vuông có cả trăm người cùng làm môi giới đất"

Hồi tưởng lại thời điểm mới chân ướt, chân ráo bước vào nghề môi giới, anh N. cho biết, bất cứ công việc nào cũng vậy, đầu tiên là phải tìm “sư phụ”, người đỡ đầu để truyền lại một số thủ thuật trong nghề. Hằng ngày, một “cò” đất học việc phải đi học cách tư vấn khách hàng và làm thế nào “chốt đơn” nhanh nhất có thể.

Quá trình tiếp cận cũng tương đối nhanh, chỉ cần 1 - 2 tháng là vững, một “cò” đất mới vào nghề có thể tự đi tìm kiếm cơ hội làm giàu tại một số sàn giao dịch BĐS hoặc tự tìm kiếm cơ hội ở một số đội “cò” mồi BĐS lẻ tẻ trong thành phố.

Theo N. nghề này không cần bằng cấp, không cần học thức hay xuất thân, bất kỳ ai cũng có thể làm nghề môi giới BĐS, kể cả ông xe ôm, bà bán trà đá, ngay cả sinh viên đang đi học cũng có thể làm.

“Cò đất” kể chuyện kiếm tiền tỷ nhờ cơn sốt đất ở Hà Nội - 1

Nhấn để phóng to ảnh

Anh T.T.N chia sẻ về những thủ thuật trong nghề môi giới đất

Cho nên, hiện nay, xung quanh các dự án BĐS lớn, hoặc ở những nơi đang “sốt đất”, chỉ một mét vuông có cả trăm người cùng làm môi giới đất. Tuy nhiên, chỉ có khoảng 5 - 10% dân môi giới thật sự thành công và trụ lại được với nghề.

Chia sẻ về bí quyết thành công trong nghề, N. cho rằng, một “cò” đất giỏi phải là người hiểu về sản phẩm mà mình đang bán, có khả năng giao tiếp và có những thủ thuật riêng.

“Khách hàng mua BĐS đa phần là người có tiền, thế nên họ thường khá quan tâm tới hình thức bên ngoài của nhân viên môi giới. Vì vậy, để tạo ấn tượng với khách, dân môi giới mượn đồ của nhau, dùng chung một lọ nước hoa là điều bình thường. Thậm chí, có người chơi sang, thuê hẳn ô tô để đi tư vấn khách hàng. Chuyện này không hề hiếm thấy”, N. cho biết.

N. tự nhận, bản thân là người may mắn và mát tay trong nghề môi giới. Ngay trong tháng đầu tiên đi làm, anh đã bán được 2 lô đất nền tại Hưng Yên và được chia hoa hồng khoảng 120 triệu đồng.

“Cò đất” kể chuyện kiếm tiền tỷ nhờ cơn sốt đất ở Hà Nội - 2

Nhấn để phóng to ảnh

Nhiều vụ "sốt" đất do chính môi giới, đầu nậu bắt tay tạo ra kịch bản. Trong ảnh là các nhà đầu tư xem đất nền tại Bình Dương

Trong 3 năm làm nghề môi giới, bình quân mỗi tháng N. bán được 1 - 3 sản phẩm, đa phần là đất nền ven đô. Đặc biệt, trong 2 tháng cuối năm 2019, khi đất nền ở Hòa Lạc và Gia Lâm tăng giá mạnh, N. đã từng chốt 4 lô đất, tổng lợi nhuận thu về lên tới 500 triệu đồng.

N. thừa nhận, so với phân khúc nhà phố và chung cư đang khan hiếm nguồn cung, thì đất nền ven đô chính là lựa chọn vàng của nhà đầu tư, đây cũng là “mảnh đất” màu mỡ, quy tụ nhiều dân môi giới từ khắp nơi đổ về.

“Cò đất” kể chuyện kiếm tiền tỷ nhờ cơn sốt đất ở Hà Nội - 3

Nhấn để phóng to ảnh

Trong 2 tháng cuối năm 2019, khi đất nền ở Hòa Lạc và Gia Lâm tăng giá mạnh, N. đã từng chốt 4 lô đất, tổng lợi nhuận thu về lên tới 500 triệu đồng. Ảnh: T.K

Lời thú tội của “cò” đất

Sau 3 năm hoạt động trong nghề môi giới BĐS, N. thừa nhận công việc này có rất nhiều góc khuất. Trong đó, người làm nghề môi giới khi mới vào về sẽ có 2 sự lựa chọn, thứ nhất là làm cho các sàn giao dịch BĐS uy tín, thứ hai là làm “cò” cho một số công ty “ma”.

Với người đi làm thuê cho các công ty BĐS uy tín, một dân môi giới dù có kinh nghiệm đến mấy cũng chỉ nhận mức lương hỗ trợ hàng tháng là 2 - 3 triệu đồng, kèm hoa hồng. Nếu trong 3 tháng không đảm bảo chỉ tiêu sản phẩm, dân môi giới sẽ bị công ty sa thải.

“Cò đất” kể chuyện kiếm tiền tỷ nhờ cơn sốt đất ở Hà Nội - 4

Nhấn để phóng to ảnh

Đoàn người đổ về trong cơn "sốt" đất ở Đồng Trúc đầu năm 2020. 

Có hai cách chia hoa hồng, thứ nhất là chủ đầu tư sẽ đưa ra mức giá tối thiểu, phía môi giới “có thể đẩy giá lên cao” và phần hoa hồng sẽ được chia theo tỷ lệ 6 - 4 giữa công ty và nhân viên tư vấn. Thứ hai là ăn phần trăm theo sản phẩm, ví dụ, một căn hộ có giá 2 tỷ đồng, một nhân viên môi giới sẽ được ăn tối đa 2 - 3% giá trị của sản phẩm đó.

Với dân “cò” đất, làm cho các công ty BĐS “ma” hoặc làm “cò” tự do thì ăn chia theo sản phẩm là chủ yếu, mức hoa hồng rất cao, có thể đạt 50 - 60%.

Nghề “cò” đất tự do thì rất nhiều thủ thuật, thậm chí nhiều người bất chấp thủ đoạn để đẩy giá trị BĐS lên cao, ăn chênh lệch. Mỗi phi vụ thành công, một cò đất dạng này có thể kiếm vài trăm triệu, thậm chí cả tỷ đồng. Các thủ đoạn của dân “cò” đất tự do thường làm như tạo các cơn sốt đất ảo, làm giả tin chính sách, hoặc làm các dự án ma, không có thật,...

Tuy nhiên, N. cho biết, thủ đoạn mà dân “cò” đất tự do thường hay làm nhất đó là ép người mua đặt cọc, sau đó tạo ra các điều kiện bất lợi để nuốt trọn tiền đặt cọc.

Hầu hết, chiêu trò của họ là mở sự kiện bán hàng, hoặc tổ chức các chuyến thăm quan dự án. Trong các sự kiện đó, “cò” đất có nhiệm vụ hù dọa và tạo ra “bánh vẽ” cho khách hàng thông qua lời nói, ví dụ như cam kết lợi nhuận sẽ đạt 20 - 30%/năm, nếu không chốt đơn ngay, ngày mai sẽ hết suất,....

Mục đích của những lời tư vấn này là ép khách hàng đặt cọc từ 50 - 100 triệu đồng, tùy thuộc vào thỏa thuận giữa hai bên. Sau khi lấy được tiền đặt cọc, “cò” đất sẽ đưa ra một số hợp đồng gây bất lợi cho khách hàng, ví dụ như chậm thanh toán, hoặc vi phạm hợp đồng sẽ mất hoàn toàn chi phí đặt cọc.

“Hầu hết các bản hợp đồng dạng này thường các điều khoản mơ hồ, gây hiểu lầm cho người mua. Trong khi, khách mua lại không đọc kỹ hợp đồng, nên nhiều trường hợp khách mua bị thiệt thòi, dẫn tới mất cọc. Đó là chưa kể tới trường hợp rót vốn vào dự án ma, khách đặt cọc xong thì chỉ có mất. Sau khi lấy được tiền đặt cọc của khách là đoàn “cò” đất một đi không trở lại”, N. nói.

Theo thống kê của Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARS), số lượng môi giới hiện khoảng 200.000 người, hoạt động trong các công ty môi giới, sàn giao dịch hoặc độc lập, nhưng chủ yếu tập trung ở hai thị trường lớn là Hà Nội và TP.HCM.

Trong đó, ở Hà Nội có trên 70.000 nhà môi giới, TP.HCM nhiều hơn, với trên 90.000 nhà môi giới. Tuy nhiên, theo ước tính của VARS, đến nay, mới chỉ có khoảng 30.000 người được cấp chứng chỉ hoạt động môi giới chuyên nghiệp, chiếm khoảng 15%.

Vì vậy, theo một số chuyên gia trong lĩnh vực BĐS đề nghị Bộ Xây dựng cần chuẩn hóa quy định về nghề môi giới. Trong đó, khi làm nghề này, bắt buộc phải có chứng chỉ nghề nghiệp.

Đồng thời, giới chuyên gia đề nghệ Bộ Xây dựng xây dựng các chế tải xử lý vi phạm đối với hành vi hành nghề môi giới bất động sản khi chưa được cấp chứng chỉ hành nghề, chưa đủ sức răn đe, tránh trường hợp “cò” đất làm chui, gây nhiễu loạn thị trường BĐS và làm nhiều nhà đầu tư rơi vào cảnh tiền mất, tật mang.

Lý do giá vàng liên tục đi lên

Sự lấp lánh của vàng đang được phản chiếu qua thành tích sau: Tăng gần 50 USD một ounce chỉ trong 2 ngày và tăng hơn 20% từ đầu năm.

Sáng nay, giá vàng giao ngay thế giới có thời điểm chạm 1.865 USD một ounce – cao nhất kể từ cuối năm 2011. Chỉ trong hai ngày, giá đã tăng gần 50 USD. Còn so với đầu năm, mỗi ounce vàng đã tăng hơn 20%.

Vàng là công cụ trú ẩn được ưa chuộng trong thời kỳ biến động chính trị - xã hội. Vì vậy, giới phân tích cho rằng khi thế giới phải đối mặt với nhiều thách thức suốt hơn nửa năm qua, việc giá liên tục phá kỷ lục không phải điều ngạc nhiên. Theo các nhà băng lớn như Citigroup, Goldman Sachs hay Bank of America, những diễn biến sau có thể lý giải đà tăng của kim loại quý.

Triển vọng kinh tế toàn cầu u ám do đại dịch

Diễn biến giá vàng thế giờ từ đầu năm.

Diễn biến giá vàng thế giới từ đầu năm.

Covid-19 khiến hoạt động kinh tế trên toàn cầu đình trệ. Hàng loạt quốc gia, từ Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, Singapore,...đã bị đẩy vào suy thoái trong năm nay. Hiện tại, trong khi Trung Quốc đã tăng trưởng trở lại, Mỹ, Ấn Độ hay Brazil lại chứng kiến số ca nhiễm mới tăng vọt. Khi triển vọng vaccine Covid-19 còn mờ mịt, lệnh phong tỏa kéo dài sẽ càng khiến kinh tế toàn cầu hồi phục chậm chạp.

Nhà đầu tư vì thế tìm đến vàng để phòng trừ rủi ro. Goldman Sachs cho biết vàng là "công cụ lưu trữ giá trị quan trọng nhất" trong thời kỳ kinh tế suy giảm nghiêm trọng.

Các chính sách nới lỏng kỷ lục

Covid-19 khiến các chính phủ phải tung các gói kích thích khổng lồ để vực dậy nền kinh tế. Mới đây nhất, 27 nước thuộc Liên minh châu Âu (EU) đạt thỏa thuận về gói kích thích tài khóa trị giá 750 tỷ euro, sau 4 ngày chạy đua đàm phán. Trước đó, các thành viên EU cũng đã áp dụng gói kích thích riêng trị giá hàng trăm tỷ euro cho nước mình, đồng thời hạ lãi suất để cứu nền kinh tế.

Còn tại Mỹ, khi số ca mắc Covid-19 mới tăng vọt, các nghị sĩ nước này cũng đang phải phác thảo một gói kích thích mới trong chưa đầy 2 tuần, trước khi chương trình hỗ trợ thất nghiệp mở rộng cho hàng triệu người nước này hết hạn. Trước đó, Mỹ đã công bố gói kích thích hàng nghìn tỷ USD và nhiều lần hạ lãi suất khẩn cấp.

Việc nới lỏng cũng phổ biến tại nhiều quốc gia khác, như Singapore, Nhật Bản, Trung Quốc, Ấn Độ,... Các chính sách này sẽ làm tăng nguy cơ lạm phát và tiền tệ mất giá. Hôm qua, Dollar Index còn xuống đáy 4 tháng so với rổ tiền tệ lớn.

Trong khi đó, vàng là công cụ truyền thống để phòng trừ các rủi ro này. "Làn sóng kích thích từ mọi nơi không chỉ làm dấy lên rủi ro lạm phát mà còn vẽ ra bức tranh u ám cho nền kinh tế, khiến vàng càng thêm hấp dẫn", Edwar Meir – nhà phân tích tại ED&F Man Capital Markets nhận định.

Bank of America cũng đồng tình với quan điểm trên. "Khi GDP giảm mạnh, chi tiêu tài khóa tăng và bảng cân đối kế toán của các ngân hàng trung ương phình ra gấp đôi, tiền tệ các nước sẽ chịu sức ép", các nhà phân tích nhận xét, "Nhà đầu tư vì thế sẽ nhắm đến vàng".

Lợi suất thực ở mức thấp

Dù đôla Mỹ mất giá cũng là một trong các nguyên nhân kéo vàng lên cao, DailyFX cho rằng lợi suất thực (lợi suất danh nghĩa trừ lạm phát) tại Mỹ có tác động lớn hơn tới đà tăng giá kỷ lục của kim loại quý năm nay. Hiện tại, lợi suất thực ở đây đã về -0,8%, tiến gần mức đáy năm 2012 là -0,9%. Dĩ nhiên, vàng là công cụ hưởng lợi rõ rệt nhất từ xu hướng này. Nhà đầu tư sẽ khó rời bỏ vàng trong ngắn hạn.

Nhu cầu vàng đã liên tục đi lên từ khi đại dịch bùng phát. Wall Street Journal cho biết dòng vốn chảy vào các quỹ ETF vàng đã lên kỷ lục trong giai đoạn giá tăng cao. Trong 6 tháng đầu năm, khoảng 40 tỷ USD đã được đổ vào các quỹ này, cao hơn cùng kỳ các năm trước.

Phần lớn nhà đầu tư bị thu hút với vai trò cất giữ giá trị của kim loại quý. Bên cạnh đó, vàng còn là công cụ được sử dụng rộng rãi trong công nghiệp bán dẫn, đặc biệt là sản xuất chip.

Giới phân tích cho rằng giá kim loại quý thời gian tới sẽ còn tiếp tục tăng. Trong báo cáo triển vọng hàng hóa quý III, các nhà phân tích tại Citigroup dự báo lên cao nhất mọi thời đại trong 6-9 tháng tới. Xác suất giá chạm 2.000 USD một ounce trong 3-5 tháng tới hiện là 30%.

Tháng trước, Goldman Sachs dự báo giá vàng trong 3-6 tháng tới lên 1.800-1.900 USD và một năm sau lên 2.000 USD một ounce. Hồi tháng 4, Bank of America cho rằng chính sách kích thích kỷ lục của các nước trong đại dịch sẽ kéo vàng lên 3.000 USD một ounce cuối năm sau.

Lý do cổ phiếu Tesla liên tiếp lập đỉnh

Có hai nhóm nhà đầu tư mua cổ phiếu Tesla - những người tin tưởng vào tương lai của hãng và những người cho rằng Tesla khó thành công.

Cổ phiếu hãng xe điện Tesla hôm qua chốt phiên tại 1.568 USD, cao gấp gần 4 lần so với đầu năm. New York Times cho rằng phần lớn đà tăng có thể do sự nhiệt tình của những người ủng hộ Tesla. Với họ, CEO Elon Musk là một người hùng. Tuy nhiên, những người không ưa hãng xe điện cũng có thể đóng vai trò trong việc này.

Nhà đầu tư hào hứng với tương lai của Tesla

Với những người lạc quan, Tesla đang hướng đến những thành tích không tưởng sau nửa đầu năm 2019 sóng gió. Sau khi đốt 1,1 tỷ USD nửa đầu năm trước vì các vấn đề về sản xuất và giao hàng mẫu xe Model 3, Tesla đã lật ngược tình thế trong nửa cuối năm.

Quý III/2019, hãng bất ngờ báo lãi hơn 340 triệu USD. Đến quý IV/2019 và quý đầu năm nay, Tesla tiếp tục có lợi nhuận. Hiện tại, với việc số xe giao quý II/2020 nhiều hơn dự báo, nhà đầu tư cũng đang kỳ vọng Tesla lần đầu tiên có lợi nhuận 4 quý liên tục.

Diễn biến giá cổ phiếu Tesla từ đầu năm.

Diễn biến giá cổ phiếu Tesla từ đầu năm.

Cũng như các năm khác, Tesla vẫn lỗ trong cả năm 2019. Tuy nhiên, những người ủng hộ cho rằng công ty này đã thay đổi hướng đi đúng đắn. Chi phí hoạt động năm ngoái giảm 7%. Doanh số bán xe tăng 13%. Số xe bàn giao tăng 50%. Với việc nhà máy mới tại Thượng Hải bắt đầu hoạt động để sản xuất cho thị trường Trung Quốc và một nhà máy nữa đang xây tại châu Âu, Tesla đang dần mở rộng ra toàn cầu.

Hồi đầu tháng, họ công bố giao được hơn 90.000 xe trong quý II, cao hơn nhiều mức dự báo 72.000 chiếc của giới phân tích. Cổ phiếu Tesla đã tăng 8% sau thông tin này. Trong đại dịch, số liệu đó khiến nhiều người kinh ngạc.

Dù vậy, vốn hóa của Tesla đang tăng nhanh hơn nhiều so với mức độ cải thiện hiệu suất và khả tốc độ xây nhà máy của công ty này. Hiện tại, họ là hãng xe giá trị nhất thế giới, với vốn hóa gần 300 tỷ USD - cao gấp 4 lần đầu năm. Mức tăng này cho thấy nhà đầu tư đang đặt cược vào tương lai của hãng nhiều hơn là nhìn vào số liệu thực tế.

Tesla tập trung vào phân khúc nhỏ, nhưng đang tăng trưởng nhanh - đó là xe điện. Nhà đầu tư tin rằng họ sẽ không đánh mất thị trường này. Trong một báo cáo công bố hồi tháng 5, công ty đầu tư ARK dự báo giá cổ phiếu Tesla có thể lên 7.000 USD trong 5 năm. Họ tin rằng Tesla có thể tăng lợi nhuận, giảm chi phí và gây dựng một mạng lưới taxi tự lái. Kể cả những nhà phân tích kém lạc quan nhất cũng nhận định công ty này đang dần khẳng định được bản thân.

Dan Ives - nhà phân tích tại Wedbush cho biết trong một báo cáo đầu tháng rằng nhu cầu xe Model 3 của khách hàng Trung Quốc có thể tiếp tục kéo mã này lên cao. Đây là điểm sáng với Tesla trong bối cảnh môi trường toàn cầu u ám.

Bên cạnh đó, xe Model Y mới cũng đang được tăng tốc sản xuất tại Trung Quốc. Sự tăng trưởng của thị trường này có thể giúp cổ phiếu Tesla tăng thêm 300 - 400 USD nữa.

Những người không tin tưởng Tesla cũng giúp cổ phiếu đi lên

Elon Musk nhảy trong lễ giao xe tại Thượng Hải. Ảnh: Reuters

Elon Musk nhảy trong lễ giao xe tại Thượng Hải. Ảnh: Reuters

Có nhiều lý do khiến người ta không tin tưởng vào Tesla. Một là Tesla dường như khó kiếm đủ tiền từ bán xe để trang trải chi phí. Hãng này từng gặp vấn đề về việc sản xuất xe đúng hạn. Bên cạnh đó, Musk lại nổi tiếng vạ miệng trên mạng xã hội, khiến hãng xe càng bị giới chức để ý và bản thân ông cũng mất chức Chủ tịch. Ngoài ra, cổ phiếu Tesla từ lâu đã bị định giá quá cao, khiến mã này dễ tổn thương nếu kết quả tài chính gây thất vọng.

Cuộc lội ngược dòng gần đây đã khiến những lời chỉ trích bớt đi phần nào. Tuy nhiên, không phải ai cũng bị thành tích đó thuyết phục. Họ cho rằng giá cổ phiếu Tesla rồi sẽ giảm. Vì thế, họ bắt đầu bán khống - vay cổ phiếu Tesla từ các hãng môi giới, sau đó bán đi và kỳ vọng mua lại với giá rẻ hơn để hoàn trả. Khoản chênh lệch đó sẽ là tiền lãi của họ.

Ví dụ, một người bán khống vay cổ phiếu Tesla, bán đi với giá 300 USD và sau đó mua lại với giá 200 USD. Khi đó, họ sẽ lãi 100 USD (không tính các chi phí giao dịch).

Tuy nhiên, nếu giá cổ phiếu tăng cao hơn giá mua ban đầu, họ sẽ lỗ. Trên lý thuyết, khoản lỗ này là không giới hạn, vì giá cổ phiếu có thể tiếp tục tăng. Vì thế, khi giá tăng lên, như những gì đang xảy ra với Tesla, nhóm này sẽ phải đổ xô mua cổ phiếu để tránh lỗ thêm. Nếu số lượng người bán khống đủ nhiều, việc này có thể đẩy giá cổ phiếu Tesla lên cao nữa. Và vòng xoáy này lại tiếp tục.

Tình huống này được gọi là bán non. Nó không chỉ khiến những người bán khống chịu lỗ, mà còn khiến nhà đầu tư mới ngừng đặt cược vào việc giá giảm. Nhiều nhà đầu tư thấy giá tăng cao lại tham gia mua vào, với hy vọng lướt sóng kiếm lời nhanh.

Hồi tháng 5, NYT cho biết Tesla vẫn là một trong các cổ phiếu bị bán khống nhiều nhất trên thị trường. Dù vậy, hoạt động này đã giảm đi đáng kể so với trước đây.

Những người không ưa Tesla không chỉ giúp giá cổ phiếu hãng này đi lên, mà còn giúp Musk giàu lên nhanh chóng. Tỷ phú hiện nắm 20% cổ phần Tesla. Ông còn là cổ đông lớn kiêm CEO SpaceX. Theo Forbes, Musk hiện sở hữu 71,6 tỷ USD, tăng gấp 3 lần trong năm nay.

Giá thuê nhà phố mặt tiền giảm mạnh

Quý II, giá chào thuê nhà mặt phố tại quận 1 giảm 16% so với đầu năm và nhiều mặt bằng vị trí "vàng" bị bỏ trống.
Theo báo cáo mới nhất của Batdongsan.com.vn về thị trường nhà phố lẻ quý II trên các chợ trực tuyến, Covid-19 đã tác động mạnh mẽ đến phân khúc nhà phố mặt tiền cho thuê ở 2 thành phố lớn nhất nước là Sài Gòn và Hà Nội.
Dữ liệu từ các sàn trực tuyến tại TP HCM cho thấy, giá chào thuê nhà phố mặt tiền quận 1 giảm 16% so với quý trước. Quận Bình Thạnh giảm 14% còn quận rìa trung tâm là Tân Phú có giá thuê nhà mặt phố giảm 15% so với quý đầu năm. Nhà phố hẻm tại quận 1 còn xuất hiện tin rao trực tuyến với giá thuê giảm 12%.
Điều đáng chú ý là tại TP HCM giá rao bán nhà mặt phố bắt đầu ghi nhận xu hướng giảm ở biên độ nhỏ. Ví dụ, quận 1, Tân Bình, Tân Phú xuất hiện tin rao bán nhà mặt tiền giảm 1% - điều chưa từng xảy ra ở giai đoạn từ năm 2019 trở về trước.
Nhà phố mặt tiền đang đóng cửa chào thuê tại trung tâm quận 1, TP HCM ngày 8/7. Ảnh: Vũ Lê
Nhà phố mặt tiền đang đóng cửa chào thuê tại trung tâm quận 1, TP HCM ngày 8/7. Ảnh: Vũ Lê.
Điều chỉnh ở biên độ hẹp hơn so với TP HCM, tại Hà Nội, giá thuê nhà mặt phố quận Cầu Giấy, Hai Bà Trưng, Đống Đa và Thanh Xuân lần lượt giảm 2-4-5-7% trên các chợ trực tuyến. Tuy nhiên, giá chào thuê nhà phố hẻm tại Đống Đa, Hoàng Mai giảm mạnh hơn nhà mặt phố, rớt đến 8-12%.
Nguyên nhân giá thuê nhà phố mặt tiền thể hiện rõ xu hướng đi xuống trong quý II theo Batdongsan.com.vn là do tác động của Covid-19 khiến việc kinh doanh của khách thuê gặp nhiều khó khăn. Do việc khai thác mặt bằng không còn hiệu quả như trước nên nhiều nhà phố bỏ trống trong những tháng qua.
Khảo sát của VnExpress, đến ngày 8/7, nhiều căn nhà phố mặt tiền vị trí đắc địa tại quận 1, thuộc khu vực lõi trung tâm TP HCM như Nguyễn Huệ, Đồng Khởi, Ngô Đức Kế, Hồ Tùng Mậu... vẫn đóng cửa. Dù trước Covid-19, đây là cửa hiệu, hàng quán nhưng hiện ngừng kinh doanh. Mặt tiền các căn nhà này đầy các thông tin môi giới cho thuê với nhiều số điện thoại liên hệ quảng cáo là chính chủ (liên hệ trực tiếp chủ nhà).
Trong khi đó, theo báo cáo mới nhất của CBRE Việt Nam, trong quý II giá chào thuê mặt bằng nhà phố mặt tiền tại TP HCM đã giảm 10-20% so với trước dịch.
Hiện nay, thời hạn thuê nhà phố cũng rút ngắn lại, các hợp đồng chỉ ký trong 2-3 năm thay vì mức phổ biến 5 năm như trước đây. Các nhà bán lẻ cũng có xu hướng tập trung cải thiện kinh doanh hơn là mở rộng chuỗi đồng thời họ cũng hoãn lại việc tìm kiếm mặt bằng mới.

Rủi ro so với liều lĩnh

Điều gì phân biệt giữa những nhà đầu tư thông minh thành công với những người còn lại?

Sự khác biệt giữa rủi trong đầu tư và những hành vi đầu tư liều lĩnh.
90% các nhà đầu tư trung bình là những người sẽ tiếp tục tiết kiệm rồi đầu tư vào những quỹ tương hỗ hay là những công cụ nghỉ hưu khác.
10% còn lại là những người muốn giáo dục bản thân mình để trở thành những nhà đầu tư chuyên nghiệp.

Rủi ro là sự kiểm soát hiểu biết của chúng ta tới các khoản đầu tư
Rủi ro khác với liều lĩnh, cũng như khi bạn lái ô tô trên đường cũng sẽ có rủi ro, giống như trên ô tô có dây đeo an toàn, túi khí an toàn thì cũng không có nghĩa là chúng ta là người lái xe liều lĩnh, nếu như chúng ta tuân thủ quy tắc, chúng ta đeo dây an toàn và lái xe đúng theo quy luật thì chúng ta sẽ giảm thiểu sự rủi ro của mình nhưng vẫn sẽ có rủi ro ở đây.

Tương tự như các nhà đầu tư, các khoản đầu tư đều có rủi ro của nó nhưng nhà đầu tư liều lĩnh bởi vì thiếu kiến thức về đầu tư họ sẽ nghe theo lời khuyên của truyền thông, hay đơn giản là họ không có kiến thức để thành công. Nhà đầu tư thông minh họ biết cách đo lường nó như thế nào, đo lường thị trường ra làm sao, nghiên cứu cổ phiếu, vàng bạc và họ đầu tư có tính toán để giảm thiểu rủi ro và tối đa hoá lợi nhuận.

Bạn có thể nghe đầu tư nó liều lĩnh và mạo hiểm bởi vì 3 lý do sau:
1. Bạn CHƯA ĐƯỢC ĐÀO TẠO để trở thành 1 nhà đầu tư, nhà đầu tư cần 1 số chương trình đào tạo cụ thể để có thể trở nên thành công.
Con người chúng ta là sinh vật có cảm xúc, đôi khi chúng ta bị sợ hoặc bị tham khi mà nói đến đầu tư, nhà đầu tư chưa qua đào tạo thông thường họ sẽ mua khi thị trường lên hoặc sẽ bán khi thị trường xuống, họ sợ. Nhưng mà không may những hành vi này thường làm cho những nhà đầu tư chưa được đào tạo này họ sẽ mua ở gần đỉnh và bán ở gần đáy. Và những nhà đầu tư chuyên nghiệp họ sẽ biết chính xác cần phải huấn luyện bản thân mình, cung cấp cho mình với những kiến thức như thế nào và nắm bắt cơ hội ra làm sao.

2. Bạn THIẾU KIỂM SOÁT soát với các khoản đầu tư của mình.
Tôi làm việc với 1 khách hàng mà gần đây cô ấy mới phát hiện ra rằng, có 1 cái lựa chọn là bán hết quỹ tương hỗ của mình đi ở trong tài khoản nghỉ hưu của mình và rút hết số tiền đấy ra tiền mặt. Trước đấy cô ấy cứ nghĩ tất cả số số quỹ của cô ấy phải bỏ vào chứng khoán hay quỹ khác. Vấn đề là cô ấy chỉ khám phá ra điều này sau khi các khoản đầu tư trong tài khoản của cô ấy mất hết đi một nửa giá trị.
Mọi chuyện sẽ thế nào nếu cô ấy biết khi thị trường đi xuống, tuy nhiên cô ấy không có quyền kiểm soát vì cô ấy thiếu thông tin.

3. Đầu tư từ BÊN NGOÀI, chứ không phải từ BÊN TRONG
Giao dịch nội bộ là bất hợp pháp - không phải như vậy, tuy nhiên bạn sẽ là 1 dạng giao dịch hợp pháp nếu bạn biết xu hướng từ sớm và bạn cập nhật với thị trường, với ngành, với đối thủ cạnh tranh để mà bạn biết được xem khoản đầu tư nào sẽ thay đổi trước khi đám đông làm theo và trước khi thông tin được đưa ra đại chính.

CÔNG THỨC THÀNH CÔNG LÀ GÌ? Là khi:
KIẾN THỨC của bạn TĂNG LÊN
RỦI RO của bạn ĐI XUỐNG
LỢI NHUẬN của bạn nó sẽ TĂNG LÊN



ANDY TANNER - CỐ VẤN QUAN TRỌNG NHẤT TRONG ĐỘI NGŨ CHA GIÀU CỦA ROBERT KIYOSAKI VỀ VÀNG, BẠC, CHỨNG KHOÁN, KINH TẾ VĨ MÔ, VÀ DỰ BÁO KHỦNG HOẢNG sẽ chia sẻ nhận định của mình để giúp Bạn có cái nhìn tổng quát về thị trường tài chính toàn cầu, lắng nghe dự báo về giá Vàng, thị trường BĐS và chứng khoán trong thời gian tới.
Chương trình được thiết kế trong 3 ngày đặc biệt để cung cấp cho bạn những kiến thức, sự hiểu biết và những tác động của thị trường tới nền kinh tế và túi tiền của bạn, lĩnh vực nào bạn nên đầu tư ngay trong giai đoạn này: vàng, bạc, chứng khoán, bất động sản,... và làm thế nào để có thể gia tăng thu nhập và nhân gấp 5 - 10 tài sản bạn đang có.

5 nguyên tắc để tự chủ tài chính của Shark Thái Vân Linh

"Trả lương" cho bản thân trước lúc trả nợ là một trong 5 nguyên tắc giúp bà Linh thoát khỏi bế tắc tài chính sau nhiều năm làm việc cật lực.

Bà Thái Vân Linh từng là Giám đốc Chiến lược và vận hành tại Công ty Quản lý quỹ VinaCapital. Bà có thời gian dài sống cùng gia đình tại Los Angeles (Mỹ) trước khi trở về Việt Nam đầu tư và cố vấn cho các doanh nghiệp khởi nghiệp. Bà Linh được biết đến nhiều trong vai trò giám khảo chính của chương trình truyền hình thực tế Shark Tank (Thương vụ bạc tỷ) hai mùa đầu tiên.

Bà Linh kể, điều kiện kinh tế gia đình không khá giả nên từ lúc 7 tuổi đã bán kẹo trong trường học để kiếm tiền mua những thứ mình thích. Trải nghiệm này giúp bà hiểu dần về tự chủ tài chính. Sau đó, bà đúc rút thành định nghĩa có thể làm bất cứ điều gì mà không cần nghĩ đến tiền nong.

Năm 18 tuổi, bà vay 25.000 USD để vào trường đại học, rồi tốt nghiệp lại vay thêm 100.000 USD học MBA trong hai năm.

"Thời điểm đó, số tiền này đủ mua một căn nhà và lớn đến mức tôi không thể tưởng tượng làm cách nào mình có thể trả hết nợ. Tôi tính toán chi ly từng đồng, thậm chí cuối tháng không còn dư nỗi một đồng để mua ly cà phê", bà Linh nhớ lại.

Trong 5 năm đầu ra trường, bà làm việc cật lực để trả nợ và gần như không có tiền tiết kiệm. Sau đó, bà rút ra một điều: phải "trả lương" cho bản thân trước khi trả nợ bởi bản thân cũng cần được yêu chiều. Hơn hết, khi số tiền trong tài khoản không còn đủ trả nợ thì ắt sinh ra động lực tiếp tục kiếm tiền. Nếu trả nợ trước thì không bao giờ còn dư dả để tiết kiệm.

Bà Linh cho rằng, khi có lương hoặc thu nhập bên ngoài, đừng vội vàng cho tiền vào tài khoản vì tiết kiệm cũng cần có kế hoạch.

Bà chia khoản tiết kiệm thành ba phần gồm: dự phòng bất trắc, nhu cầu giải trí và đầu tư. Tuỳ theo mức độ ưu tiên vào mỗi thời điểm mà tỷ trọng các phần tiết kiệm được điều chỉnh linh động. Việc chia trứng vào nhiều rổ và linh hoạt mang đến cho bà cảm giác số tiền tích luỹ có giá trị, hữu dụng cho nhiều mục đích.

Bà Thái Vân Linh tại toạ đàm của XTB. Ảnh: Kim Khanh.

Bà Thái Vân Linh tại toạ đàm nền tảng giao dịch trực tuyến XTB . Ảnh: Kim Khanh.

Theo Shark Linh, một trong những thứ dễ gây nghiện nhất sau khi ra trường chính là lương. Khoản tiền này ổn định, nhưng đến thời điểm phù hợp thì quyết tâm "cai nghiện" bằng việc thử kinh doanh hoặc làm những công việc bản thân yêu thích mà không nghĩ đến tài chính.

"Không có lựa chọn nào màu hồng để đạt trạng thái tự chủ tài chính. Tất cả đều phải hi sinh hoặc đánh đổi bằng vốn liếng hoặc thời gian", bà Linh nói và dẫn chứng khi mới ra trường, bà cũng từng kinh doanh mắt kính, túi đựng golf... nhưng đều thất bại.

Dù vậy, doanh nhân này khuyên giới trẻ luôn suy nghĩ và bắt tay thực hiện ngay khi cảm thấy những ý tưởng kinh doanh mới khả thi. Không nhất thiết phải khởi nghiệp hay có công ty riêng để làm ông bà chủ, làm thêm hay bán hàng online cũng tốt. Thu nhập từ những công việc bán thời gian thường đóng góp không nhỏ để tự chủ tài chính.

Nhiều người nghĩ tốt nghiệp đại học là kết thúc, nhưng không đúng vì việc trau dồi kiến thức và mở rộng mối quan hệ luôn cần thiết cho sự nghiệp. Bà Linh nói đây là lý do bà ưu tiên một phần số tiền kiếm được để phát triển bản thân.

Theo bà Linh, nguyên tắc này rất quan trọng, nhưng phần lớn bị giới trẻ bỏ qua vì các khoá học, sự kiện... để bổ túc kiến thức thường tiêu tốn số tiền không nhỏ và tương đối khó cảm nhận hiệu quả tức thì.

Một cách khác để các quyết định trong tương lai không bị lệ thuộc vào tiền bạc là đầu tư. Bà Linh đánh giá hiện nay có nhiều hình thức đầu tư phù hợp cho người ít vốn như đầu tư chứng khoán, góp vốn cùng bạn bè... so với thời điểm bà mới ra trường.

"Nhưng tôi luôn nhắc bản thân rằng, ranh giới giữa đầu tư và cờ bạc rất mong manh. Cờ bạc phụ thuộc vào vận may, không biết thắng thua lúc nào, còn đầu tư là vận dụng kiến thức và kinh nghiệm để giảm thiểu rủi ro tài sản bị vơi mất", Shark Linh nói. Đồng thời bà chia sẻ nguyên tắc chỉ rót tiền vào những gì mình hiểu sâu sắc vì không thể chiến thắng nếu đầu tư bằng cảm tính và không nắm rõ vấn đề.

Cách để nông sản Việt được ưa chuộng tại Nhật

Ngoài chất lượng, nông sản phải được đảm bảo độ tươi cũng như giữ nguyên màu sắc mới có thể thu hút được người tiêu dùng Nhật.
Xuất khẩu các mặt hàng nông sản của Việt Nam từ đầu năm đến nay liên tục giảm trên 2 con số khi nhiều thị trường chính giảm thu mua và đóng cửa. Tuy nhiên, việc xuất khẩu nông sản sang Nhật lại có nhiều điểm sáng.
Nhưng để đưa được nông sản của Việt Nam sang Nhật Bản - thị trường khó tính bậc nhất thế giới, cũng như chinh phục được người tiêu dùng nước này là cả một vấn đề lớn.
Theo đó, ông Tomoaki Fukui - Giám đốc cao cấp Bộ phận Sản phẩm AEON TopValu cho biết, yếu tố quan trọng giúp hàng Việt sang Nhật được ưa chuộng là sản phẩm phải đạt độ tươi ngon về chất lượng và màu sắc giữ ổn định.
Do đó, các doanh nghiệp Việt Nam cần có quy trình quản lý chuỗi cung ứng, chất lượng sản phẩm, quá trình nhập và vận chuyển sản phẩm, nhiệt độ cũng như thời hạn sử dụng tối ưu nhất.
Màu sắc của những trái vải sang Nhật được giữ ổn định. Ảnh: Minh Hà.
Màu sắc của những trái vải sang Nhật được giữ ổn định. Ảnh: Minh Hà.
Ông Tomoaki Fukui cũng chia sẻ bí quyết để lô vải thiều hôm 20/6 qua Nhật suốt 16 tiếng mà vẫn giữ được nguyên màu sắc, chất lượng như tại Việt Nam. Cụ thể, công ty phải nghiên cứu nhiệt độ bảo quản thích hợp để trái vải không chuyển qua màu nâu.
Theo đó, vải phải được bảo quản ở nhiệt độ 0-2 độ C, sử dụng bao bì thoáng khí và được bảo quản nghiêm ngặt trong tất cả các công đoạn từ kho lạnh cho tới chế biến lạnh. Hay với quả chuối, nhiệt độ duy trì để đảm bảo độ tươi và vỏ chúng không bị thâm thì phải bảo quản ở nhiệt độ không cao hoặc thấp hơn 13 độ C.
Song song đó, quy trình xử lý quả chuối phải khắt khe, từ khâu thu hoạch, sơ chế. Đặc biệt, quá trình sơ chế không được sờ tay trực tiếp vào vỏ quả chuối. Bởi nhiệt độ cơ thể người sẽ làm vỏ quả chuối đổi màu. Sau khi sấy ráo nước, xếp vào thùng và hút chân không để đảm bảo không tồn tại khí CO2, tránh đẩy nhanh quá trình chín của trái chuối...
Theo lãnh đạo doanh nghiệp này, sắp tới để nông sản Việt được vào Nhật nhiều hơn, công ty sẽ lựa chọn thêm 20-30 doanh nghiệp cung ứng. Đồng thời, công ty sẽ nghiên cứu và hỗ trợ doanh nghiệp làm sao để nông sản và hàng hóa đưa vào Nhật đảm bảo chất lượng và độ tươi ngon tối đa.
Thừa nhận nông sản Việt đang ngày càng thu hút người Nhật, ông Yuichiro Shiotani, Tổng giám đốc Công ty AEON TopValu Việt Nam cho biết, 6 tháng đầu năm, tập đoàn này đã xuất khẩu 260 triệu USD hàng hóa Việt sang các hệ thống bán lẻ của doanh nghiệp tại Nhật. Con số này tăng 20% so với cùng kỳ năm ngoái và dự kiến đạt 500 triệu USD cuối năm nay, cũng như hướng tới 1 tỷ USD vào năm 2025.
Hiện AEON đã đưa 3 nông sản của Việt Nam sang thị trường Nhật khá được ưa chuộng là thanh long, vải và xoài. Riêng với trái xoài, ngoài xuất khẩu quả tươi, xoài đông lạnh cũng được người Nhật yêu thích. Trong năm nay, tập đoàn này đặt kế hoạch xuất 65 tấn xoài đông lạnh vào hệ thống siêu thị tại Nhật.
Ông Nguyễn Hữu Tín - Giám đốc ITPC cũng nhìn nhận, thị trường Nhật đang ngày càng yêu thích nông sản Việt. Đây là thị trường tiềm năng để doanh nghiệp Việt bớt phụ thuộc vào Trung Quốc.
Tuy nhiên, để hàng hoá thâm nhập sâu vào thị trường Nhật và châu Á, cách nhanh nhất theo ông Tín là doanh nghiệp xuất khẩu thông qua kênh bán lẻ ở các nước.
Theo ông Yuichiro Shiotani, để được AEON hỗ trợ xuất khẩu, các sản phẩm của doanh nghiệp Việt Nam phải có đầy đủ chứng nhận và truy xuất nguồn gốc. Đặc biệt, các nông sản hữu cơ, nông nghiệp sạch được ưu tiên, đồng thời doanh nghiệp cần có năng lực sản xuất ổn định.