Cũng là thịt lợn nhưng thịt "lợn nhà” - được nuôi theo kiểu truyền thống bằng thức ăn tự nhiên, không có chất kích thích tăng trưởng hay chất phụ gia độc hại luôn được người tiêu dùng ưa chuộng hơn vì có hương vị đậm đà, khi chế biến tỏa ra mùi thơm hấp dẫn và đặc biệt là an toàn đối với sức khỏe. Những con lợn nuôi thả rông càng được đánh giá cao vì chúng săn chắc, ít mỡ thừa nhưng lại không bị khô. Đó được coi là thịt lợn sạch.
Trong khi đó, thịt lợn nuôi công nghiệp thường dùng thức ăn chế biến sẵn, có sử dụng chất kích thích tăng trưởng để có thể đạt trọng lượng lớn và xuất chuồng trong thời gian ngắn nên thịt nhạt, nhiều nước, mùi không thơm và đặc biệt là có dư lượng chất độc hại, về lâu dài sẽ ảnh hưởng xấu đến sức khỏe người tiêu dùng. Được nuôi theo kiểu công nghiệp, những con lợn này cũng dễ mắc bệnh hơn nên thường có dư lượng kháng sinh.
Do đó, dù thịt lợn công nghiệp giá rẻ hơn khá nhiều, người tiêu dùng thông minh vẫn thường chọn mua thịt lợn sạch, được nuôi theo kiểu truyền thống, mà họ hay gọi là "lợn nhà". Vậy làm thế nào để phân biệt thịt lợn sạch và thịt lợn tăng trọng?
Phân biệt thịt lợn sạch và thịt lợn tăng trọng
Thịt lợn sạch thường được nuôi trong ít nhất 10 tháng mới đạt kích thước xuất chuồng, sản lượng thấp. Do đó, các hộ chăn nuôi thường chỉ tập trung vào lợn công nghiệp, lượng thịt lợn nuôi truyền thống trên thị trường không nhiều, chỉ đáp ứng nhu cầu của một phần nhỏ dân số. Trước tâm lý ưa chuộng thịt lợn sạch, sẵn sàng bỏ chi phí cao của người tiêu dùng, không ít người bán hàng online quảng cáo là "lợn nhà" nhưng lại bán lợn có tăng trọng.
Mẹo nhỏ dưới đây sẽ giúp bạn phân biệt thịt lợn sạch và thịt lợn tăng trọng.
Quan sát da, mỡ: Nhìn chung, da của “thịt lợn nhà” sẽ trắng, bóng hơn thịt lợn công nghiệp. Thịt lợn nuôi kiểu truyền thống thường có lớp mỡ dày 2 - 3 cm, nhiều mỡ ít nạc. Lớp mỡ và phần thịt nạc dính chặt với nhau, lớp da dày. Thịt lợn công nghiệp có rất ít mỡ, da mỏng.
Cảm nhận độ kết dính: Khi dùng ngón tay nhấn vào miếng thịt, bạn sẽ cảm thấy thịt lợn nuôi truyền thống gây dính tay nhiều hơn, thớ thịt săn chắc hơn. Trong khi đó, thịt lợn tăng trọng thường có độ dính thấp, thớ thịt cũng bở, mềm hơn.
Để nhận ra sự khác biệt trên, người tiêu dùng phải có cảm nhận tinh tường, khả năng này sẽ tăng dần theo kinh nghiệm. Càng "đi chợ" nhiều, bạn sẽ càng giỏi phân biệt thịt lợn sạch và thịt lợn tăng trọng. Khi đã mua về rồi, bạn cũng có thể nhận biết mình mua nhầm trong quá trình chế biến, bởi thịt lợn tăng trọng sẽ tiết ra nhiều nước khi rang, xào, thớ thịt bở, mùi thơm không rõ ràng. Trong khi đó, thịt lợn sạch sẽ rất ít nước, khi nấu tỏa mùi thơm lừng vô cùng hấp dẫn, thờ thịt dai và ăn đậm đà.
Nhận biết thịt lợn bệnh
Thịt lợn mang mầm bệnh rất nguy hiểm cho sức khỏe, thậm chí tính mạng người tiêu dùng, nhưng nhiều người bán hàng vô lương tâm vẫn cố tiêu thụ. Dưới đây là các dấu hiệu nhận biết:
- Lợn nhiễm sán (lợn gạo): Bằng mắt thường, bạn có thể nhận thấy các dấu hiệu như đốm trắng hình bầu dục và to bằng hạt đậu, hạt gạo.
- Lợn bị thương hàn: Có những nốt xuất huyết lấm tấm hoặc nốt bầm, thịt nhão, tai bị tím.
- Lợn bị tả: Dưới da hoặc trên vành tai lợn có những nốt xuất huyết lấm tấm như muỗi đốt.
- Lợn bị tụ huyết trùng: Miếng thịt lợn tụ máu hoặc có những mảng bầm.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét