TRUNG QUỐCĐập Tam Hiệp trên sông Dương Tử sản xuất hơn 1.600 tỷ kWh điện trong 20 năm qua, giúp tiết kiệm lượng lớn than, nhờ đó giảm thải CO2.
Kể từ năm 2003, khi tổ máy phát điện đầu tiên của đập Tam Hiệp được đưa vào vận hành, công trình đã sản xuất hơn 1.600 tỷ kWh điện, tương đương tổng lượng điện sử dụng trực tiếp của người dân Trung Quốc trong cả năm 2022. Con số này cũng tương đương với lượng điện sản xuất từ hơn 480 triệu tấn than tiêu chuẩn, giúp giảm khoảng 1,32 tỷ tấn khí thải CO2, CGTN hôm 10/7 đưa tin.
Với 34 tổ máy phát điện turbo, nhà máy thủy điện Tam Hiệp có tổng công suất lắp đặt là 22,5 triệu kW và công suất phát điện hàng năm theo thiết kế là 88,2 tỷ kWh. Công trình là "xương sống" của các dự án truyền tải điện từ tây sang đông và cung cấp điện từ bắc đến nam của Trung Quốc. Nhà máy cũng cung cấp điện cho những khu vực nằm ngoài dự án như miền trung Trung Quốc và tỉnh Quảng Đông.
Việc xây dựng nhà máy thủy điện Tam Hiệp bắt đầu vào năm 1994. Sau khi vượt qua mọi thử nghiệm, nhà máy chính thức được công nhận là đã hoàn thành và bắt đầu đi vào hoạt động năm 2020. Ngoài sản xuất điện, công trình cũng đóng vai trò quan trọng trong việc kiểm soát lũ lụt, vận chuyển và sử dụng tài nguyên nước.
Đập Tam Hiệp dài 2.355 m, đỉnh đập cao 185 m so với mực nước biển. Công trình sử dụng 27,2 triệu m3 bê tông, chủ yếu cho thành đập, 463.000 tấn thép, đủ xây 63 tháp Eiffel, và đào 102,6 triệu m3 đất. Thành đập cao 181 m so với nền đá. Chi phí xây dựng đập lên tới hơn 30 tỷ USD tính từ thời điểm khởi công năm 1994.
Thu Thảo (Theo CGTN)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét