Cổng di sản thế giới thành nhà Hồ được xây bằng cách đắp đất tạo hình vòm, sau đó ghép những khối đá tảng hình thang dạng múi bưởi lên trên.
Trung tâm Bảo tồn di sản Thành nhà Hồ và Viện Khảo cổ học ngày 4/3 đã thông báo kết quả đợt khai quật hơn ba tháng tại khu vực bốn cổng Đông - Tây - Nam - Bắc di sản thành nhà Hồ.
Ông Nguyễn Văn Long, Phó giám đốc Trung tâm Bảo tồn di sản thành nhà Hồ, cho hay trên diện tích khai quật khoảng 5.000 m2 tại bốn cổng thành, các nhà khoa học đã làm rõ kích thước ban đầu của cổng thành và kỹ thuật xây dựng vốn được cho là bí ẩn trong kết cấu tường thành nhà Hồ.
Theo đó, hệ thống cửa cuốn thành nhà Hồ được xây bằng cách đắp đất tạo thành hình vòm, sau đó ghép những khối đá tảng hình thang dạng múi bưởi lên trên. Sau khi hoàn thiện phần ghép đá, thợ sẽ xúc đất cốt nền đưa đi nơi khác.
Ba bức tường thành phía Đông, Nam và Tây tương tự nhau về kích thước, kỹ thuật ghép đá. Đáy cổng thành được trải lớp đá lót móng, 4-5 hàng đá phía trên có kích thước lớn được mài nhẵn, hàng dưới to nhất, càng lên cao càng nhỏ dần. Phía trong tường thành là hệ thống đá và đất sét sỏi gia cố.
Đá xây thành cổng phía Bắc có kích thước nhỏ, mạch ghép lớn hơn, bề mặt nhiều viên không được làm nhẵn, không vuông vức so với ba cổng còn lại. Các nhà khoa học nhận định, có thể do quá trình xử lý vật liệu gấp gáp và một phần do những lần tu sửa giai đoạn sau này chưa đúng kỹ thuật.
Đợt khai quật lần này cũng xác định trục trung tâm chính thành nhà Hồ là dấu tích con đường Hoàng Gia nối từ cổng Nam lên khu vực chính điện. Tổng thể mặt bằng kiến trúc thành nhà Hồ được phân bố thành nhiều lớp ngang dọc. Tất cả đều được đối xứng qua trục đường Hoàng Gia ở trung tâm.
Các nhà nghiên cứu khoa học tiếp tục kiến nghị Trung tâm Bảo tồn di sản Thành nhà Hồ căn cứ vào khuyến nghị của UNESCO và quy định pháp luật, kết quả khảo cổ để xây dựng kế hoạch bảo tồn trong các năm tiếp theo nhằm phát huy tốt nhất giá trị của di sản văn hóa thế giới độc đáo này.
Thành nhà Hồ nằm trên hai xã Vĩnh Tiến và Vĩnh Long, huyện Vĩnh Lộc, là công trình kiến trúc bằng đá độc đáo có một không hai tại Việt Nam. Trải qua hơn 600 năm tồn tại, ngoài cổng thành hầu hết công trình kiến trúc bên trong Hoàng thành đã bị phá hủy. Những dấu tích nền móng cung điện xưa giờ vẫn nằm ẩn phía dưới những ruộng lúa của người dân quanh vùng.
Ngày 27/6/2011, tại phiên họp lần thứ 35 của Ủy ban Di sản thế giới thuộc Tổ chức Văn hóa, Khoa học và Giáo dục Liên Hợp Quốc (UNESCO) diễn ra tại Paris, Thành nhà Hồ được công nhận là Di sản văn hóa thế giới.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét