Thứ Ba, 14 tháng 2, 2023

Phương Tây khó tịch thu tài sản Nga

Ý tưởng tịch thu hàng trăm tỷ USD tài sản của Nga ở nước ngoài để hỗ trợ Ukraine có vẻ đơn giản, song đây thực sự là thách thức với phương Tây.
Sau khi Nga phát động chiến dịch quân sự ở Ukraine hồi tháng hai năm ngoái, phương Tây đã áp loạt biện pháp trừng phạt chưa từng thấy nhắm vào kinh tế Nga và đóng băng khoảng 350 tỷ USD dự trữ ngoại hối cũng như tài sản của giới tài phiệt nước này.
Gần 12 tháng trôi qua, các chính trị gia phương Tây đang tìm cách chuyển số tài sản đóng băng này thành nguồn viện trợ cho Ukraine, giúp Kiev xây dựng lại cơ sở hạ tầng, nhà cửa và doanh nghiệp bị phá hủy.
Tổng thống Nga Vladimir Putin tới thăm kho dự trữ của Ngân hàng Trung ương Nga hồi năm 2011. Ảnh: AFP.
Cuộc xung đột "đã gây ra quá nhiều thiệt hại và quốc gia khơi mào nó phải trả giá", Phó thủ tướng kiêm Bộ trưởng Tài chính Canada Chrystia Freeland phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới hồi tháng một.
Cuối năm ngoái, Canada lần đầu tiên khởi động quy trình chuyển giao cho Ukraine khoảng 26 triệu USD thuộc về một công ty bị trừng phạt của tài phiệt Nga Roman Abramovich, hành động mà Moskva gọi là "ăn cướp giữa ban ngày".
Hồi đầu tháng, Ủy ban châu Âu (EC) đã cam kết "đẩy mạnh nỗ lực hướng tới việc sử dụng tài sản bị đóng băng của Nga để hỗ trợ tái thiết Ukraine". Ba Lan và ba quốc gia vùng Baltic khác cũng kêu gọi hành động "càng sớm càng tốt".
Estonia đã công bố kế hoạch riêng nhằm tịch thu tài sản của Nga với hy vọng trở thành quốc gia tiên phong trong Liên minh châu Âu (EU).
"Tổng thống Putin đã phá hủy Ukraine, ông ấy nên sửa chữa mọi việc", doanh nhân Bill Browder, sáng lập viên quỹ đầu tư Hermitage Capital Management từng rót vốn vào Nga, nói. Browder cũng đang tìm cách gây áp lực lên các nghị sĩ Mỹ nhằm chuyển tài sản bị đóng băng của Nga cho Ukraine.
"Có 50 đề xuất khác nhau về cách thực hiện nó. Và nếu bạn muốn chắc chắn rằng điều gì đó không thể được thực hiện, hãy đưa ra 50 đề xuất khác", ông nói.
Quốc hội Mỹ đã tổ chức các phiên điều trần về cách thức thay đổi quy định luật pháp nhằm cho phép tịch thu vĩnh viễn tài sản của Nga, mặc dù chính quyền Tổng thống Joe Biden vẫn tỏ ra thận trọng về ý tưởng này.
Các chuyên gia pháp lý phân biệt rõ ràng giữa tài sản tư nhân bị chính phủ phương Tây đóng băng, như du thuyền của các nhà tài phiệt, và tài sản nhà nước, như dự trữ ngoại tệ của Ngân hàng Trung ương Nga.
Với tài sản tư nhân, những biện pháp bảo vệ pháp lý khiến các quốc gia phương Tây chỉ được phép tịch thu chúng vĩnh viễn trong trường hợp rất hạn chế, thường là khi chúng được chứng minh là tài sản do phạm tội mà có.
"Chúng ta rất khó xác định các tài sản bị phong tỏa có phải do phạm tội mà có hay không", học giả Anton Moiseienko từ Đại học Quốc gia Australia lưu ý.
Việc tịch thu chúng phải đối mặt với các vấn đề nhân quyền và thách thức pháp lý cơ bản, như quyền sở hữu tài sản hay quyền được bảo vệ khỏi bị trừng phạt tùy tiện.
Cam kết công khai của phương Tây đối với mục tiêu tôn trọng pháp quyền cũng là một yếu tố cần được cân nhắc.
"Làm thế nào bạn chứng minh được rằng những tài sản bị tịch thu là tài sản do phạm tội mà có nếu Nga không hợp tác", Moiseienko, chuyên gia luật quốc tế, nói thêm.
Các vấn đề khác phát sinh do những hiệp ước đầu tư song phương hoặc quốc tế đã ký với Nga có khả năng khiến phương Tây phải đối mặt với hàng loạt khiếu kiện pháp lý tại các tòa án trọng tài quốc tế trong tương lai.
Cho đến nay, Canada là quốc gia duy nhất đang theo đuổi các biện pháp mà Moiseienko gọi là cách tiếp cận "cứng rắn độc nhất".
"Hãy chờ xem chúng sẽ diễn ra như thế nào tại tòa án", ông cho hay.
Các tài sản nhà nước như dự trữ của Ngân hàng Trung ương Nga cũng đặt ra hàng loạt vấn đề không kém phần phức tạp, bởi chúng được bảo vệ bởi khái niệm "quyền miễn trừ chủ quyền", một nhận thức chung rằng quốc gia này sẽ không tịch thu tài sản của quốc gia khác.
Một số ngân hàng trung ương như Cục Dự trữ Liên bang Mỹ, Ngân hàng Trung ương châu Âu hay Ngân hàng Nhật Bản được cho là đã phong tỏa khoản dự trữ trị giá khoảng 300 tỷ USD của Nga.
"Luật quốc tế về quyền miễn trừ chủ quyền thường bảo vệ tài sản của nhà nước khỏi bị tịch thu", chuyên gia Paul B. Stephen viết trên Tạp chí Luật Thị trường Vốn hồi tháng 6 năm ngoái. "Có những trường hợp ngoại lệ, nhưng phạm vi của chúng không rõ ràng".
Kể từ khi xung đột Nga - Ukraine bùng phát, một cuộc tranh luận sôi nổi đã diễn ra trong giới học giả về cách phương Tây có thể tịch thu những tài sản nhà nước như dự trữ của ngân hàng trung ương.
Nhiều chuyên gia viện dẫn luật quốc tế về các biện pháp đối phó, trong đó cho rằng một quốc gia có thể áp đặt cái giá phải trả cho một quốc gia khác khi họ hành động vượt quá giới hạn của luật pháp quốc tế. Nhưng cái gọi là "biện pháp đối phó" như vậy hoàn toàn có thể bị đảo ngược.
Một số luật sư tin rằng cơ hội tốt nhất để Ukraine nhận được bồi thường là cố gắng đạt được những thỏa thuận có lợi nhằm chấm dứt xung đột, trong đó gồm cả điều khoản về bồi thường, điều mà Kiev được hưởng theo luật pháp quốc tế.
Nhưng những người khác lập luận rằng một cách tiếp cận triệt để hơn sẽ góp phần gửi thông điệp cảnh báo mạnh mẽ tới các quốc gia khác. "Thật phi lý khi chúng ta không thể xây dựng lại khung pháp lý để đối phó với những hành động như vậy", Browder nói.

Không có nhận xét nào: