Sống trong đời, mỗi người có một hoàn cảnh. Tuy nhiên, chẳng mấy ai may mắn được hoàn cảnh trải cho tấm thảm nhung để dễ dàng bước đến thành công. Hoàn cảnh luôn tác động lớn đến mỗi người. Nếu ai đó sinh ra chẳng may gặp điều rủi ro, bất hạnh họ thường so bì với kẻ khác và cảm thấy bất công. Khi gặp thất bại, họ gục ngã và đổ tội cho số phận. Thật ra, chỉ có nghị lực của mỗi người mới là nhân tố cốt lõi quyết định sự thành công của con người.
Nghị lực là một năng lực tinh thần. Nó tác động đến suy nghĩ, cách làm việc của mỗi người. Còn thành công là kết quả làm việc. Kết quả đó có được là nhờ dùng phương tiện lương thiện để đạt mục đích. Trong cuộc sống, ai cũng phải có mục đích của riêng mình, dù lớn nhỏ miễn sao không ti tiện. Để đạt được mục đích, con người phải có nghị lực để thực hiện chứ không thể trông chờ vào may mắn, hay phụ thuộc vào hoàn cảnh.
Hiển nhiên ta thừa nhận có những kẻ thành công dựa vào hoàn cảnh may mắn. Đó là những kẻ từ khi sinh ra đã được cha mẹ chăm lo đầy đủ, có sự giáo dục hoàn hảo. Họ được tạo mọi điều kiện để học hành, rèn luyện nên có tri thức, sức khỏe cần thiết. Lớn lên học có thể đỗ vào các trường đại học rồi ra trường được cha mẹ cho vốn để làm ăn, mở công ty, xưởng sản xuất... từ đó mà phát triển và làm ra của cải giàu có. Những người thành công như vậy vẻ vang gì đâu? Bất kỳ ai nằm trong hoàn cảnh đó mà chẳng thành công được. Chỉ có những người từ nghịch cảnh vươn lên để tạo dựng sự nghiệp mới thật là đáng nể. Cuộc đời vẫn thường chất chứa bao nhiêu sóng gió, nhiều người gặp những hoàn cảnh rủi ro, đầy gian truân, trở ngại. Thế nhưng họ vẫn vươn lên và đạt những thành công rực rỡ, có những người được cả thế giới biết đến.
Ta có thể kể đến Macxim Gorki. Tuổi thơ ông cũng chẳng êm đềm như bao đứa trẻ khác. Chẳng được học hành đến nơi đến chốn, lại phải bươn chải kiếm sống, đối chọi với một nghị lực mạnh mẽ vượt qua mọi trở ngại để cuối cùng trở thành một nhà văn Nga vĩ đại, mọi người ngưỡng mộ. Ngoài ra còn rất nhiều tấm gương điển hình như như thế. Bà Helen Keller hồi hai mươi tuổi bị bệnh rồi hóa mù, điếc. Vậy mà bà vẫn vượt lên số phận, học rộng hiểu sâu. Bà viết được bảy quyển sách, đi diễn thuyết khắp Châu Âu và Châu Mĩ, được cả thế giới biết đến. Hay hầu hết những ông vua thép, vua dầu lửa, vua xe hơi… những thành công của họ thì bất kì ai trong chúng ta cũng phải nghiêng mình kính nể. Đó là những con người có nghị lực phi thường. Nhờ đó mà họ mới thành công như vậy.
Người có nghị lực luôn có thể chuyển rủi thành may, chuyển họa thành phúc. Chẳng khi nào họ chịu khuất phục số phận và đổ lỗi thất bại của mình cho cái “"số xấu” như nhiều kẻ vẫn làm. Họ luôn biến nghịch cảnh thành sức mạnh và động lực mạnh mẽ để đẩy họ đến thành công lớn. Nếu như không bị mù thì Milton chắc gì trở thành một thi hào muôn thuở, nếu Beethoven không bị điếc thì tài nghệ của ông chưa chắc đạt đến mức tuyệt đỉnh. Ông Ben Fortson bị tai nạn xe hơi, cụt hai chân nhưng không cho đó là nghịch cảnh. Ông 'tận dụng' điều đó để dành thời gian nằm một chỗ đọc sách. Ông đọc rất nhiều sách về kinh tế, chính trị, xã hội và trở thành một nhà bác học có tài hùng biện rồi được bầu làm thống đốc một tiểu bang của Mỹ. Như vậy, rõ ràng nhờ có nghị lực họ có thể vượt qua tất cả để đến thành công họ mong muốn.
Nghị lực của con người không phải trời sinh ra mà có, nó xuất phát và được rèn luyện từ gian khổ của cuộc sống. Người xưa nói: “Không ai giàu ba họ, không ai khó ba đời” là vậy. Khi người ta bị hiếp đáp nghèo khó, tủi nhục người ta sinh ra nghị lực và tận lực quyết tâm vượt qua số phận để cải thiện đời sống. Những người sống trong nhung lụa, giàu sang cần gì chẳng có, nên họ chẳng phải lao tâm vào việc gì mà cần nghị lực. Nghị lực của họ yếu dần và có thể mất đi. Khi gặp thất bại khó khăn họ thường sụp đổ nhanh chóng và bỏ cuộc sớm. Vậy nên muốn có nghị lực ta phải rèn luyện, đi từ gian khó mà lên. Trời không lấy hết đi của ai thứ gì, nghị lực là tài sản lớn nhất và vô giá mà cuộc sống ban tặng cho người bị cuộc sống lấy đi những may mắn.
Để rèn luyện nghị lực, ta phải rèn ở ba phương diện năng lực, đó là: suy nghĩ, quyết định và hành động. Để được gọi là người có nghị lực ta phải đạt mức: suy nghĩ thông sâu, sáng kiến; tinh thần quyết đoán và hành động bền bỉ, tự chủ. Những đức tính này phải trung hòa, nếu thái quá sẽ có hại cho nghị lực. Có nhiều yếu tố tác động đến nghị lực. Chẳng hạn, sự hiểu rộng, biết nhiều giúp ta suy nghĩ chín chắn, thông sâu; tình cảm nồng nhiệt giúp ta quyết định màu và bền chí hành động; hoàn cảnh xã hội - lời khen chê của người khác làm tăng giảm nghị lực... Ta phải dựa vào những điều đó để điều tiết việc làm và rèn nghị lực sống. Bắt đầu từ những việc nhỏ nhất như thay đổi những thói quen xấu mà lâu nay ta vẫn chưa làm được đến những việc lớn hơn.
Khi đã có nghị lực con người đối chọi với khó khăn một cách dễ dàng hơn, có thể vượt qua được mọi thử thách của cuộc sống một cách đơn giản hơn. Người có nghị lực lớn được xem là người “bị định mệnh thử thách”, họ luôn tỏ ra xuất chúng khi vượt qua trở ngại, thậm chí còn thích đương đầu với nó. Thành công của họ là từ chính họ làm nên vì vậy nó không phụ thuộc và bất kì hoàn cảnh nào. Những thành công đó thật vẻ vang và đáng tự hào.
Vậy nên muốn thành công thì không thể thiếu nghị lực. Đừng sợ trở ngại, vì chính nó là thứ để ta rèn nghị lực sống của mình. Phải đương đầu với thử thách và thất bại thì mới đủ nghị lực để đạt đến thành công trong cuộc sống.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét