Kinh tế tuần hoàn là một trong những khái niệm mới được đề cập đầu tiên trong Luật Bảo vệ môi trường sửa đổi của Việt Nam năm 2020, có hiệu lực từ năm 2022. Mặc dù các hoạt động của kinh tế tuần hoàn đã được phản ánh trong nhiều chiến lược và chính sách phát triển quốc gia những năm gần đây, nhưng vẫn chưa có khung tiêu chuẩn quốc gia về kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam. Vì vậy, xây dựng hệ thống tiêu chuẩn quốc gia về kinh tế tuần hoàn là một trong những nỗ lực quan trọng nhằm thiết lập khung tiêu chuẩn quốc gia cho Việt Nam trong thời gian tới.
Nền kinh tế hiện đang phải đối mặt với tình trạng khai thác tài nguyên quá mức dẫn đến thiếu hụt tài nguyên, cùng với dân số tăng nhanh, biến đổi khí hậu gay gắt đặt ra yêu cầu cấp thiết phải chuyển dịch sang nền kinh tế tuần hoàn (KTTH). Trong bối cảnh đó, KTTH được coi là mô hình kinh tế đáp ứng yêu cầu giải quyết ô nhiễm môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, phục vụ mục tiêu phát triển bền vững.
Theo Ellen MacArthur Foundation (2013), nền KTTH là “một hệ thống công nghiệp phục hồi hoặc tái tạo theo ý định và thiết kế” (xem Hình 1). Lấy cảm hứng từ khái niệm nền KTTH của Quỹ Ellen MacArthur, nền KTTH được định nghĩa trong ISO 20400:2017 là một nền kinh tế phục hồi và tái tạo theo thiết kế, nhằm mục đích giữ cho các sản phẩm, linh kiện và vật liệu luôn có giá trị và giá trị sử dụng cao nhất, phân biệt giữa các chu kỳ kỹ thuật và sinh học (ISO, 2017).
Hình 1: Hệ thống kinh tế tuần hoàn (Nguồn: Ellen MacArthur Foundation, 2013)
Năm 2018, tổ chức tiêu chuẩn hóa quốc tế ISO đã thành lập ban kỹ thuật ISO/TC 323 KTTH, tập trung xây dựng tiêu chuẩn về khung, hướng dẫn, công cụ hỗ trợ và yêu cầu hoạt động của các tổ chức liên quan nhằm tối đa hóa đóng góp của họ cho nền kinh tế toàn cầu vì mục tiêu phát triển bền vững. Hiện có 6 dự thảo tiêu chuẩn đang được xây dựng gồm ISO/WD 59004, KTTH – Khuôn khổ và nguyên tắc thực hiện; ISO/WD 59010, Nền KTTH – Hướng dẫn về mô hình kinh doanh và chuỗi giá trị; ISO/WD 59020.2, Nền KTTH – Khung đo lường tính tuần hoàn; ISO/CD TR 59031, Nền KTTH – Cách tiếp cận dựa trên kết quả hoạt động – Phân tích các nghiên cứu điển hình; ISO/DTR 59032.2, Nền KTTH – Đánh giá việc triển khai mô hình kinh doanh; ISO/AWI 59040, Nền KTTH – Bảng dữ liệu về tính tuần hoàn của sản phẩm.
Ngoài ra, các Ban Kỹ thuật khác của ISO cũng như tổ chức tiêu chuẩn hóa khác như IEC, UL, ETSI, EN, BS đã và đang phát triển các tiêu chuẩn liên quan đến khía cạnh khác nhau của KTTH.
Tại cuộc họp Hội đồng Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) lần thứ 20 vào năm 2021, khung KTTH cho AEC đã được thông qua với 5 ưu tiên chiến lược: (1) Hài hòa hóa tiêu chuẩn và công nhận lẫn nhau về sản phẩm và dịch vụ tuần hoàn; (2) Mở cửa thương mại và tạo thuận lợi thương mại đối với hàng hóa và dịch vụ tuần hoàn; (3) Nâng cao vai trò của đổi mới, số hóa và công nghệ xanh/mới nổi; (4) Tài chính bền vững cạnh tranh và đầu tư ESG sáng tạo; và (5) Sử dụng hiệu quả năng lượng và các nguồn tài nguyên khác.
Tại Việt Nam, khái niệm KTTH được đề cập đầu tiên trong Luật Bảo vệ môi trường sửa đổi năm 2020, có hiệu lực từ năm 2022. Theo đó, KTTH là mô hình kinh tế bao gồm các hoạt động thiết kế, sản xuất, tiêu dùng và dịch vụ nhằm giảm nguyên liệu thô, kéo dài tuổi thọ sản phẩm, giảm phát sinh chất thải và giảm thiểu tác động xấu đến môi trường.
Mặc dù các hoạt động của KTTH đã được phản ánh trong nhiều chiến lược và chính sách phát triển quốc gia những năm gần đây, nhưng vẫn chưa có khung tiêu chuẩn quốc gia về KTTH ở Việt Nam. Vì vậy, xây dựng hệ thống tiêu chuẩn quốc gia về KTTH vào thời điểm này là một trong những nỗ lực quan trọng nhằm thiết lập khung tiêu chuẩn quốc gia cho Việt Nam trong thời gian tới.
Nghiên cứu này được thực hiện nhằm tìm hiểu thực trạng hoạt động tiêu chuẩn hóa liên quan đến KTTH ở Việt Nam và các hoạt động KTTH trên thế giới, đặc biệt là các tổ chức tiêu chuẩn hoá, qua đó đề xuất xây dựng danh mục tiêu chuẩn hoặc nhóm tiêu chuẩn đáp ứng một phần hình thành khung hỗ trợ thúc đẩy KTTH trên cả nước.
Nhóm nghiên cứu đã áp dụng cách tiếp cận từ đánh giá các tài liệu quốc tế và trong nước, rà soát định hướng, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước và Chính phủ và các văn bản quy phạm pháp luật, thực trạng hoạt động tiêu chuẩn hoá liên quan đến KTTH để đề xuất danh mục tiêu chuẩn hoặc nhóm tiêu chuẩn liên quan đến quan điểm KTTH. Ngoài ra, việc lấy ý kiến các nhà khoa học, chuyên gia trong các ban kỹ thuật khác, cơ quan chuyên môn của các bộ, viện, doanh nghiệp, tập đoàn liên quan thông qua điều tra bằng bảng câu hỏi và hội thảo cũng được thực hiện trong quá trình nghiên cứu.
Kết quả của đề tài đã đưa ra được dự thảo về Danh mục các tiêu chuẩn thúc đẩy hoạt động KTTH, được chia thành nhóm các tiêu chuẩn chung và nhóm tiêu chuẩn trong ngành công nghiệp, nông nghiệp, và dịch vụ. Các tiêu chuẩn chung chủ yếu dựa trên những tiêu chuẩn đang được xây dựng của ISO, các tiêu chuẩn về khuôn khổ và hướng dẫn liên quan đến quản lý môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu và trách nhiệm xã hội của tổ chức.
Trong lĩnh vực công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ, nhóm nghiên cứu ưu tiên tập trung vào các vấn đề như tái chế, xử lý chất thải nhựa, rác thải nhựa, rác thải hữu cơ, chất thải rắn, sản phẩm sinh học, kinh tế chia sẻ. Các nội dung này được đề cập bám sát đề án phát triển KTTH đến năm 2022 tại Quyết định số 687/QĐ-TTg ngày 7/6/2022.
Dự thảo danh mục dự kiến sẽ được Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành với mong muốn định hướng cho hoạt động tiêu chuẩn hoá tại Việt Nam những năm tới để hỗ trợ phát triển KTTH.
Đoàn Thị Thanh Vân – Viện Tiêu chuẩn Chất lượng Việt Nam
Nguyễn Kiều Lan Phương – Khoa KTTP&MT, Trường Đại học Nguyễn Tất Thành
Tài liệu tham khảo:
1. Ellen MacArthur Foundation. (2013). Towards the circular economy Vol. 1: an economic and business rationale for an accelerated transition. https://ellenmacarthurfoundation.org/towards-the-circular-economy-vol-1-an-economic-and-business-rationale-for-an
2. Author. (2017). ISO 20400:2017 Sustainable procurement — Guidance. ISO. https://www.iso.org/obp/ui/es/#iso:std:iso:20400:ed-1:v1:en
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét