Các nhà vườn huyện Ninh Phước đang tất bật chăm sóc nho kiểng để kịp bán vào dịp Tết Quý Mão 2023, với nhiều hình dáng bắt mắt, mỗi chậu có giá từ 1-3 triệu đồng.
Đầu tháng Chạp, làng nho Phước Thuận, huyện Ninh Phước trở nên sôi động. Ngoài nho canh tác để bán quả theo lối truyền thống, tại đây, một số vườn còn trồng nho kiểng. Thời điểm này, chủ vườn và các nhân công đang tất bật chăm sóc để đảm bảo kịp bán cho dịp Tết Nguyên đán.
Ông Đỗ Văn Thu, 56 tuổi, đang chăm sóc vườn nho kiểng hơn 1.000 gốc, cho biết hầu hết các chậu đều ra trái, kịp thời vụ. Đợt mưa gần đây có làm hư hại một số gốc, nhưng nhờ chăm sóc tỉ mỉ, số còn lại vẫn tươi tốt. Dù vườn chưa xuất bán, nhưng các mối cây cảnh ở Hà Nội và TP HCM đã đặt hàng trước.
Theo ông Thu, những năm trước, nho kiểng làm đơn giản, nhưng gần đây chúng được các nhà vườn tạo hình bắt mắt để nhìn hấp dẫn hơn. Cành nho được uốn thành những mô hình bắt mắt như: pin năng lượng mặt trời, cánh quạt điện gió, vòng tròn 3 tầng, vòng tròn 1 tầng... theo hình dạng định sẵn trên khung sắt hoặc thanh tre.
Để có lứa nho kiểng bán Tết, các chủ vườn phải chọn những cành giống khỏe nhất trong vườn nho ăn trái ghép vào gốc chuẩn bị sẵn trong chậu từ giữa năm. Đất trồng nho kiểng được trộn với mạt cưa, trấu cháy, phân hữu cơ cho tơi xốp. Việc này nhằm giúp bộ rễ phát triển khoẻ mạnh, cây nho giữ được lâu.
Sau khi được tạo hình, các cành nho đủ già được cắt tỉa và tưới nước. Từ các mắt (mụt) già sẽ đâm các chồi mới cho ra hoa và kết trái. Quá trình chăm sóc khá kỳ công. Mỗi ngày, chủ vườn dùng cây kéo nhỏ đi săm soi, cắt tỉa những chùm trái cho đều, đồng thời tỉa bớt lá rợp để chùm trái khoe ra bắt mắt. "Một giàn nho đẹp phải có lá và trái đều. Có lá mà không có trái hay có trái mà không có lá đều bị chê", ông Thu nói.
Ông Lê Ngọc Hoài, người có hơn 30 năm trồng nho ăn trái ở Phước Thuận cũng cho biết, gia đình bắt đầu trồng nho kiểng khoảng 5 năm gần đây. Lúc đầu, ông chỉ trồng thử để chưng Tết, sau thấy nhiều người hỏi mua nên mới trồng nhiều để bán. "Gần đây, nhiều người thích chưng nho kiểng Ninh Thuận trong ngày Tết vì lạ, cây lại có trái đỏ đẹp, cầu may đầu năm mới. Mỗi chậu có giá 1-3 triệu đồng, tùy theo thế dáng, cao thấp", ông Hoài nói.
Theo ông Thu, nho kiểng phải được cho ra trái trước Tết 22 ngày. Lúc khách mua về trái vẫn còn xanh, đến mùng 1 Tết nho sẽ chín đỏ nửa chùm, đến khoảng mùng 10 cả chùm đỏ rộ rất đẹp. "Nho chín đỏ dần trong những ngày đầu năm mới tạo nên sự thích thú đối với người chơi kiểng", ông Thu nói và cho biết chưng Tết xong, có thể tách chậu, đưa cây nho kiểng ra trồng ngoài đất, cho leo lên hàng rào, mái hiên, sân thượng, tạo cảnh trang trí mặt tiền nhà rất đẹp.
Ông Lê Ngọc Cường, Giám đốc Hợp tác xã nho kiểng A8 Phước Thuận, cho biết nho kiểng là một trong những sản phẩm đặc thù của vùng đất nắng gió Ninh Thuận. Loại cây kiểng này đang được người dân tiêu thụ mạnh. Qua hai năm dịch trầm lắng, nay thị trường bắt đầu sôi động trở lại.
"Hiện thương lái ngoài Bắc, trong Nam đã về đây mua nho kiểng, đến khoảng trước rằm tháng Chạp lứa nho này sẽ được bán hết", ông Cường nói và cho biết nho kiểng ở Phước Thuận trồng hoàn toàn bằng hữu cơ, vi sinh, nên đảm bảo hái ăn được sau khi chín.
Năm nay, Hợp tác xã A8 trồng hơn 10.000 cây nho kiểng tại 4 vườn ở làng nho Phước Thuận. Nho làm kiểng bán Tết chủ yếu là giống nho đỏ của Ninh Thuận. Ngoài ra, nơi này đang trồng thêm các loại nho: Bảy sắc cầu vồng, mẫu đơn, trái tim... Ngoài hợp tác xã A8 Phước Thuận, toàn tỉnh Ninh Thuận hiện có hơn chục hộ khác cũng đang phát triển mô hình trồng nho kiểng để cung cấp cho thị trường mỗi dịp Tết.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét