Từng bế tắc đến mắc bệnh vì thua lỗ trong kinh doanh, anh Hà Anh Tuấn đã tìm ra hướng đi mới - sản xuất xà phòng nghệ thuật.
Ngày giữa tháng 11, trên chiếc bàn gỗ lớn, anh Tuấn, 30 tuổi, ở xã An Đồng, huyện An Dương, luôn tay trộn dầu ôliu, dầu tràm cùng một số nguyên liệu, sau đó chia ra hơn chục túi nhỏ đợi phối màu để tạo thành bánh xà phòng có hình bức tranh đêm đầy sao của họa sĩ Van Gogh.
Ngắm nghía bức tranh, anh Tuấn bắt đầu phối màu vào các túi xà phòng đã được chia nhỏ. "Tôi phác thảo lại bức tranh trong đầu rồi phun từng lớp xà phòng đã pha màu vào khuôn. Thao tác giống như phun kem trang trí lên bánh sinh nhật", anh Tuấn vừa làm vừa giải thích.
Hơn một tiếng sau khi cho vào khuôn gỗ, xà phòng khô lại. Anh Tuấn cắt khối xà phòng thành 10 bánh nhỏ, nặng khoảng 100 gr. Ở mặt cắt ngang mỗi bánh là bức tranh đêm đầy sao. Để ra mẻ xà phòng mới, anh Tuấn mất 30 đến 45 ngày, bao gồm lên ý tưởng, thiết kế khuôn chuyên dụng, đánh trộn, trang trí và phơi.
Từ giờ đến dịp Giáng sinh, anh Tuấn sẽ sản xuất khoảng 14.000 bánh xà phòng nghệ thuật.
Xà phòng nghệ thuật do anh Tuấn sản xuất có hương thơm đa dạng, được trang trí nhiều lớp màu sắc, chi tiết. Nguyên liệu có hóa đơn xuất xứ, chứng nhận an toàn sử dụng cho da do Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ cấp. Anh Tuấn đặt tên thương hiệu của mình là Jenni Home, giá bán lẻ xà phòng hiện nay 105.000-180.000 đồng/bánh tùy mẫu và nguyên liệu sử dụng.
Để đến với công việc này, anh Tuấn trải qua hơn hai năm với nhiều biến cố. Năm 2017, anh Tuấn vào TP HCM kinh doanh quần áo, mỹ phẩm. Khi dịch bệnh Covid bùng phát, công việc kinh doanh giảm sút, anh thua lỗ gần 300 triệu đồng. "Stress vì thua lỗ, sau đó là thời gian giãn cách khiến tôi thấy cuộc sống mơ hồ, mất dần khả năng xử lý con số. Tôi sợ hãi với mọi thứ", anh Tuấn chia sẻ
Cuối năm 2020, anh Tuấn về Hải Phòng chữa bệnh. "Khi đó, tôi chỉ còn vài triệu đồng. Tâm lý càng bất ổn. Tôi luôn có cảm giác người thân gặp nguy hiểm. Ai đến nhà cũng nghĩ họ sẽ làm hại bố mẹ và em trai. Gặp tiếng động mạnh là hoảng sợ. Các bác sĩ kết luận tôi bị rối loạn lo âu, một bệnh lý về thần kinh", anh Tuấn kể về thời gian khó khăn. May mắn, anh được gia đình quan tâm nên đến đầu năm 2021 bệnh tình đã khả quan hơn.
Với mong muốn tìm kiếm động lực cho cuộc sống, anh Tuấn bàn với em trai Hà Anh Tùng nghiên cứu thị trường, tìm sản phẩm để khởi nghiệp. Nhận thấy xà phòng thủ công được nhiều khách hàng Việt Nam ưa chuộng, anh bắt tay làm vào làm với một triệu đồng còn lại. Những mẻ xà phòng đầu tiên chưa có hình vẽ độc đáo nhưng cũng nhận được một số đơn đặt hàng từ những người xung quanh, giá 45.000 đồng/bánh.
Sau một vài tháng, anh Tuấn nhận thấy nếu chỉ làm xà phòng thủ công đơn điệu thì sớm muộn cũng thất bại nên quyết định tập trung cải tạo mẫu mã sản phẩm. Khâu khó nhất là vẽ tranh lên xà phòng phải theo chiều thẳng đứng, người làm cần có khả năng tưởng tượng hình học không gian, nhớ từng lớp hình để đổ màu cho đúng. Thao tác thực hiện cũng dứt khoát, nhanh vì khi xà phòng đã đông đặc thì không thể làm được nữa, anh Tuấn lý giải.
Do tài chính eo hẹp, thử nghiệm nhiều lần thất bại, công việc của anh Tuấn dậm chân tại chỗ thời gian dài. Để có thêm tiền làm xà phòng, em trai anh phải làm thêm một số công việc khác. "Đây có lẽ là thời điểm khó khăn nhất. Tuy nhiên, tôi không thể phụ công sức của em trai, sự động viên của bố mẹ nên gạt bỏ mọi sợ hãi để tiếp tục", anh Tuấn chia sẻ.
Nhận thấy cứ tự tìm hiểu có thể sẽ đâm vào ngõ cụt, tháng 11/2021, anh Tuấn quyết định đi Hàn Quốc học nghề. Anh qua Seoul học một thương hiệu sản xuất xà phòng nghệ thuật nổi tiếng của Hàn Quốc, học phí trong sáu ngày 32 triệu đồng. Chi phí ăn ở, đi lại mất thêm 20 triệu đồng.
Khóa học đã giúp anh Tuấn nâng cao tay nghề cũng như kiến thức trong việc sản xuất xà phòng thủ công nghệ thuật. Từ tháng 3/2022, các sản phẩm làm ra đã có chất lượng tốt hơn, công việc kinh doanh dần ổn định.
Từng có kinh nghiệm trong việc kinh doanh, phân phối mỹ phẩm khi còn ở TP HCM, anh Tuấn triển khai phân phối sản phẩm xà phòng qua các kênh online. Trên các nền tảng mạng xã hội, anh hướng đến những người yêu thích đồ thủ công, thích sử dụng sản phẩm thiên nhiên.
Từ chỗ bế tắc dẫn đến mắc bệnh, đến nay anh Tuấn đã gây dựng được sản phẩm có thương hiệu riêng. Trung bình mỗi tháng, anh em anh Tuấn cùng ba cộng sự sản xuất được 6.000-8.000 bánh xà phòng, cho thu nhập hơn 100 triệu đồng.
Chị Nguyễn Hương Giang, 40 tuổi, ngụ phường Sở Dầu, quận Hồng Bàng, người dùng xà phòng nghệ thuật do anh Tuấn làm được hơn 4 tháng, cho biết sản phẩm có hương thơm dễ chịu, không bị khô da. "Đợt 20/11 này, tôi đặt 10 bánh để làm quà tặng cho các cô giáo ở trường con trai", chị Giang kể.
Nói về dự định tương lai, anh Tuấn cho biết sẽ mở xưởng sản xuất có diện tích lớn hơn để cho những ai đam mê xà phòng nghệ thuật có thể đến học, tham quan trực tiếp, đồng thời xây dựng thương hiệu giảm thiểu sử dụng bao bì từ nhựa, tận dụng nguyên liệu xanh.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét