Địa điểm chiến thắng Xương Giang thuộc phường Xương Giang, thành phố Bắc Giang. Xương Giang là tên ngôi thành cổ do quân Minh xây dựng vào thế kỷ XV (1407).Sau khi xâm lược nước ta, nhà Minh đã cho xây dựng các sở vệ, đắp thành lũy ở những nơi xung yếu để phòng thủ. Xương Giang khi đó trở thành thành lũy kiên cố, án ngữ trên con đường dịch trạm từ Quảng Tây (Trung Quốc) nối với Đông Quan (Hà Nội ngày nay).
Lễ hội Xương Giang
Trong lịch sử chống giặc ngoại xâm của dân tộc Việt Nam, chiến thắng Xương Giang gắn liền với tên tuổi, sự nghiệp của chủ tướng Lê Lợi và quân sư Nguyễn Trãi cùng các vị tướng lĩnh trực tiếp chỉ huy tham gia trận đánh Xương Giang tạo nên chiến công lừng lẫy. Nơi đây đã diễn ra trận công thành của Nghĩa quân Lam Sơn tiêu diệt hàng vạn quân Minh. Thực hiện chủ chương “vây thành diệt viện”, từ cuối năm 1426 Nghĩa quân Lam Sơn đã cho vây hãm thành, quyết tâm hạ thành trước khi viện binh của địch kéo sang. Nghĩa quân Lam Sơn đã cho đào hầm từ ngoài vào trong rồi tiến hành nội công ngoại kích. Sau hơn 9 tháng chiến đấu, thành Xương Giang đã bị hạ. Chiến thắng Xương Giang là điển hình của nghệ thuật quân sự “lấy ít thắng nhiều, lấy yếu đánh mạnh”. Là biểu tượng của sức mạnh tinh thần và ý chí quyết thắng của dân tộc Việt Nam. Chiến thắng Xương Giang là niềm tự hào của quân và dân cả nước, góp phần chấm dứt 20 năm đô hộ của nhà Minh đối với Đại Việt. Mở ra những trang mới trong lịch sử dựng nước và giữ nước vinh quang của dân tộc ta. Cũng từ chiến thắng ấy Vua Lê Lợi lập nên một triều đại mới, triều đại hậu Lê, đổi tên đất nước Đại Việt.Để tưởng nhớ các anh hùng dân tộc và giáo dục truyền thống yêu nước. Năm 2012 UBND tỉnh Bắc Giang đã cho xây dựng ngôi Đền Xương Giang mới trên nền Thành cổ Xương Giang xưa. Khu di tích được xây dựng trên tổng diện tích 10ha gồm các hạng mục chính như: Cổng tam quan; Nghi môn, bình phong; Tả vu, hữu vu; Lầu chuông, lầu trống; Sân chính; Tòa tiền tế, tòa thiêu hương, Tòa chính cung.Đến đầu năm 2017, công trình được hoàn thành và đi vào đón khách đúng dịp kỷ niệm 590 năm chiến thắng Xương Giang. Đây là công trình văn hóa có ý nghĩa chính trị, lịch sử mang đậm tính nhân văn, là nơi để thế hệ hôm nay và mai mai sau thể hiện sự tôn kính, ghi nhớ công ơn các bậc tiền nhân đã có công giữ nước”.
Trung tâm quần thể di tích là công trình Đền Xương Giang có tổng diện tích 1,3ha. Phía trước ngôi đền là cổng tam quan với 3 lối đi chính rồi đến nghi môn và bình phong. Nghi môn được xây dựng theo lối tứ trụ kình thiên, uy nghi trầm mặc giữa đất trời. Phía bên trái sân là tả vu và lầu chuông, phía bên phải sân là hữu vu và lầu trống. Qua nghi môn là sân hội lớn lát đá vuông. Ngoài ra còn có các hạng mục như: Nhà trưng bày và biểu diễn các tác phẩm nghệ thuật, khuôn viên văn hóa…
Đền Xương Giang, gồm có 3 tòa chính gồm: Tòa Tiền tế, Thiêu hương và Chính cung. Khu vực tòa Tiền Tế là nơi vào các dịp lễ, ngày tế, ngày hội, quan viên ban tế nhà đền là lễ tế các anh hùng nghĩa sĩ của Nghĩa quân Lam Sơn. Đây là công trình kiến trúc kết hợp giữa đá và gỗ hài hòa, ăn khớp với nhau. Nơi đây còn lưu giữ di vật vô cùng quý giá đó là 1 viên gạch từ thế kỷ XV hiện được đặt trong tòa đền chính được lấy về từ đền Lam Kinh - Kinh đô đầu tiên của nhà Lê sau khi thống nhất đất nước lập ra nhà nước Đại Việt. Tiếp đến là Tòa Thiêu Hương nơi đây có đặt 1 đỉnh đồng cỡ lớn mang ý nghĩa thần khí linh thông, tượng trưng cho sự uy nghiêm của nơi thờ tự. Mặt trước của Đỉnh Đồng có khắc 3 di sản văn hóa của miền đất Bắc Giang: Cây dã hương nghìn năm tuổi ở huyện Lạng Giang, Chùa Vĩnh Nghiêm cổ tự và Mộc bản Kinh phật – di sản ký ức thế giới khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Mặt sau của Đỉnh Đồng khắc lên toàn cảnh Lễ hội Xương Giang; Tòa Chính Cung có 3 gian thờ chính. Ban thờ Hoàng đế Lê Lợi đặt ở giữa gian. Tiếp theo là hai gian ban thờ chia hai bên tả, hữu gian giữa. Ban thờ thờ 17 vị tướng lĩnh tham gia trực tiếp vào trận đánh Xương Giang năm 1427 và 17 vị tướng. Kế đó là ban thờ tiền quân và hậu quân Nghĩa quân Lam Sơn trong trận quyết chiến năm 1427.
Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bí thư Tỉnh ủy Bùi Văn Hải trao Bằng xếp hạng Di tích Quốc gia đặc biệt Địa điểm Chiến thắng Xương Giang cho đại diện lãnh đạo ngành văn hóa và TP Bắc Giang.
Để kỷ niệm lịch sử chiến thắng của nghĩa quân Lam Sơn tại thành Xương Giang, hàng năm tỉnh Bắc Giang tổ chức lễ hội vào ngày 6-7 tháng Giêng. Lễ hội Xương Giang là một lễ hội lớn của thành phố Bắc Giang nói riêng và tỉnh Bắc Giang nói chung, thu hút đông đảo khách thập phương dự. Trong lễ hội có nhiều nghi lễ đặc sắc và các trò chơi dân gian truyền thống như: Đánh đu, kéo co, vật....Trước ngày khai hội, tối mồng 5 tháng Giêng, thanh niên tổ chức đốt lửa trại. Sáng sớm ngày mồng 6 tháng Giêng âm lịch, các đoàn người từ các phường xã, giương cờ, gióng trống, xe kiệu với quần áo rực rỡ, tề chỉnh từ các ngả đường lần lượt tiến về trung tâm khai hội…
Hiện nay địa điểm chiến thắng Xương Giang đã trở thành điểm du lịch tâm linh quen thuộc cho du khách trong và ngoài nước đến tham quan tìm hiểu. Đồng thời công trình còn có ý nghĩa giáo dục truyền thống cho học sinh sinh viên về tinh thần chống giặc ngoại xâm của cha ông ta.Với giá trị lịch sử tiêu biểu, ngày 31/12/2019, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1954/QĐ-TTg xếp hạng Địa điểm Chiến thắng Xương Giang là di tích quốc gia đặc biệt./.
Hiện nay địa điểm chiến thắng Xương Giang đã trở thành điểm du lịch tâm linh quen thuộc cho du khách trong và ngoài nước đến tham quan tìm hiểu. Đồng thời công trình còn có ý nghĩa giáo dục truyền thống cho học sinh sinh viên về tinh thần chống giặc ngoại xâm của cha ông ta.Với giá trị lịch sử tiêu biểu, ngày 31/12/2019, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1954/QĐ-TTg xếp hạng Địa điểm Chiến thắng Xương Giang là di tích quốc gia đặc biệt./.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét