Nằm bên bờ sông Cầu, làng Thổ Hà nổi danh với nghề làm gốm từ thế kỷ 14. Nơi đây từng là một thương cảng tấp nập thuyền bè ngược xuôi ra vào bến sông Như Nguyệt, mang đi những đồ gốm thổi hồn từ đất và bàn tay nghệ nhân làng.
Trải qua hàng trăm năm, làng Thổ Hà nay vẫn là nơi những người say mê phong cảnh hữu tình của làng Việt, những nghệ sĩ, nghệ nhân về tìm cảm hứng.
Qua bến đò Thổ Hà phía bờ hữu ngạn sông Cầu, từ trên mặt sông đã cảm nhận được vẻ hiền hoà của dòng nước, lũy tre xanh và bờ tường ghép đầy mảnh gốm đen bóng. Những cây đa, cây si gần bến nước rủ từng chùm rễ in bóng xuống mặt sông.
Ngôi đền thờ thành hoàng làng ngay bến nước, tường gạch rêu phong. Ông tổ của nghề gốm làng Thổ Hà được cho là tiến sĩ Đào Trí Tiến. Ông đã học được nghề gốm trên đường đi xứ Trung Quốc và truyền lại cho dân làng từ thế kỷ XIV. Bà cụ già mái tóc bạc phơ bên quán nước nhỏ đầu làng bỏm bẻm nhai trầu kể cho khách nghe những mẩu chuyện dân gian về nghề gốm.
Đi vào trong làng, kỳ thú nhất là những ngõ nhỏ. Một màu đỏ của thứ gạch cũ kĩ đã mòn vẹt, trơ ra thần thái của những bước chân thời gian, ngõ nhỏ heo hút, tường xếp chằn chặn một thứ sành nâu đen bóng. Khách đến nơi đây thường có ấn tượng đặc biệt với những ngõ xóm hun hút đẹp một vẻ cổ kính, hoài niệm mà lại dân dã, lắng đọng.
Cái đặc biệt trong lối ăn ở của con người làng gốm cổ là sử dụng chính những đồ gốm, mảnh gốm bỏ đi để xây nhà, xây tường. Không trát vôi vữa, mặc kệ gió mưa mà tạo thành hình thành khối gắn kết độc đáo.
Đình làng Thổ Hà được dựng năm 1692, đây là công trình văn hoá được xếp hạng di tích lịch sử quốc gia. Hoa văn rồng phượng ẩn hiện trong mây hài hoà cùng người và cỏ cây, hoa lá, muông thú còn ghi lại dấu ấn bàn tay tài hoa của người thợ khắc.
Gốm Thổ Hà xưa không dùng men, cái thứ đất dẻo kỳ diệu ấy được nung cho đến tự chảy men ra, bám trên bề mặt đồ gốm một màu nâu óng, mượt như nhung, mát lịm. Làng chỉ làm đồ gốm gia dụng, những chum vại, tiểu sành, chĩnh chõ nổi tiếng một thời. Bề mặt đồ gốm tím sẫm, đanh lại, gõ kêu như đánh vào thép nguội. Những mảnh gốm xưa còn sót lại trên các bức tường vẫn nguyên hình vẹn trạng, chính thế mà hồn gốm như còn đọng mãi.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét