Nhiều công ty đề nghị giảm giá thuê, có đơn vị buộc phải trả lại một phần hoặc toàn bộ văn phòng do kinh doanh sa sút.
Khảo sát của VnExpress cho thấy, một cao ốc văn phòng tại khu trung tâm quận 1 đang có nhiều khách thuê dọn đi do họ phải thu hẹp hoạt động. Những khách còn lại đồng loạt đề nghị chủ tòa nhà giảm giá 50% vì tình hình kinh doanh "bết bát" không đủ sức gánh chi phí mặt bằng quá cao. Trước hai kịch bản: giữ giá thì mất khách hay hạ giá mới có nguồn thu khi dịch còn phức tạp trên toàn cầu, chủ tòa nhà buộc phải đồng ý giảm giá.
Trong khi đó, khách thuê sắp hết hạn hợp đồng tại cao ốc trên đường Nguyễn Đình Chiểu, quận 3 cũng vừa rút hẳn khỏi tòa nhà, trả mặt bằng vì đề nghị giảm giá không được đơn vị quản lý tòa nhà đáp ứng. Một công ty Nhật hoạt động trong ngành may mặc tại tòa nhà trên đường Điện Biên Phủ cũng nộp đơn đề nghị miễn tiền thuê văn phòng trong thời gian tạm đóng cửa do không có đơn hàng.
Tại cao ốc trên đường Cách Mạng Tháng Tám, nhóm công ty ngành xuất nhập khẩu đặt trụ sở tại đây cũng đề nghị giảm 30% chi phí thuê mặt bằng trong quý II do đơn hàng giảm mạnh, doanh thu lao dốc, không kham nổi tiền thuê văn phòng.
Ông Nguyễn Hồng Hải, Chủ tịch HĐQT VNO Group, đơn vị hiện quản lý vận hành 9 tòa nhà cho thuê tại quận 1, 3, Bình Thạnh (TP HCM) xác nhận, thị trường văn phòng đang rất khó khăn và làn sóng yêu cầu giảm giá, thậm chí miễn giá thuê hay trả lại mặt bằng đang mạnh mẽ.
Ông Hải chia sẻ, hệ thống các tòa nhà cho thuê của VNO Group đã xem xét và giảm 30-50% giá thuê văn phòng cho các công ty có hợp đồng thuê dài hạn, tùy vào đặc thù ngành nghề. Với các đơn vị hoạt động trong ngành mất doanh thu suốt quý II, công ty có thêm chính sách giảm 10% giá thuê trong 6 tháng cuối năm nếu khách thuê chưa thoát khỏi khó khăn.
Ông Hải cho rằng công ty chấp nhận trích một phần doanh thu trong năm 2020 để hỗ trợ khách thông qua giảm giá thuê để đồng hành với họ trong giai đoạn thách thức này.
Với những tòa văn phòng thuê để cho thuê lại, VNO đàm phán giảm giá một phần với chủ nhà, đồng thời công ty cam kết giảm cho khách hàng nhiều hơn mức chủ nhà hỗ trợ. "Trên cơ sở này chúng tôi áp dụng chính sách "lá lành đùm lá rách", giảm 30-50% giá thuê văn phòng, nhằm giúp khách thuê vượt qua khủng hoảng do đại dịch", ông Hải tiết lộ.
Chủ tịch VNO Group đánh giá, đại dịch tác động mạnh mẽ đến dòng tiền của tất cả thành phần trong xã hội và với doanh nghiệp, trụ cột nuôi sống người lao động, sức ép với họ càng lớn hơn. Nếu không có sự hỗ trợ giảm giá thuê, các khách thuê sắp hết hạn hợp đồng chắc chắn sẽ trả mặt bằng, dời đi nơi khác có chi phí rẻ hơn để cắt giảm ngân sách dành cho văn phòng.
Những khách thuê còn hợp đồng sẽ có 2 chọn lựa. Một là ở lại tòa nhà văn phòng và "gồng gánh" chi phí, hai là phá vỡ hợp đồng. Về bản chất, phía chủ tòa nhà và khách thuê có mối quan hệ tương hỗ. Nếu khách thuê bỏ đi hết, chủ tòa nhà cũng mất doanh thu và tổn thất không ít. "Vì vậy, đôi bên cùng lùi một bước để hỗ trợ nhau vượt qua khó khăn, là cách giảm thiệt hại cho cả hai phía và tạo cho nhau cơ hội đồng hành về sau", ông Hải nhận định.
Theo bà Phạm Ngọc Thiên Thanh, Phó giám đốc CBRE Việt Nam, sự kéo dài của Covid-19 trên toàn cầu đã bắt đầu khiến bức tranh thị trường văn phòng cho thuê chuyển sang màu xám. Nếu quý I thị trường văn phòng vẫn chưa ghi nhận những tác động đáng kể thì sang quý II, các khách thuê bắt đầu có phản ứng yêu cầu hạ giá khi doanh thu của họ đều sụt giảm trong nửa đầu năm 2020. Một số khách thuê buộc phải trả lại một phần hoặc toàn bộ mặt bằng văn phòng.
Hiện các khách thuê có xu hướng thu hẹp mặt bằng ở tòa nhà hiện tại để chuyển sang các tòa nhà thuộc phân khúc thấp hơn nhằm tìm kiếm giá thuê cạnh tranh hơn. Bên thuê chấp nhận cả những cao ốc có vị trí ở rìa trung tâm hoặc ngoại vi thành phố nhằm tiết kiệm chi phí. Khách thuê tòa nhà hạng A có xu hướng dịch chuyển mạnh hơn. Do đó, phân khúc văn phòng hạng B có giá thuê cạnh tranh hơn hạng A, dưới 30 USD mỗi m2 một tháng hưởng lợi từ làn sóng này.
Dịch bệnh đã thay đổi xu hướng thuê văn phòng của các doanh nghiệp. Bà Thanh phân tích, sau thời gian cách ly xã hội (tháng 3-4/2020), các doanh nghiệp lần lượt áp dụng chính sách làm việc tại nhà và họ ghi nhận năng suất làm việc không bị ảnh hưởng.
Nếu trước đây nhân viên đều mong muốn được ngồi ở văn phòng làm việc để đạt hiệu suất cao thì hiện nay họ có thể linh hoạt hơn về không gian làm việc. Vì vậy, di dời văn phòng ra khu vực ngoài trung tâm không còn là quyết định khó khăn. Hiện không ít công ty áp dụng chính sách làm việc tại nhà một ngày trong tuần cả thời gian dài, thu hẹp bớt mặt bằng thuê hoặc di dời sang các tòa nhà có giá thuê thấp hơn.
Bà Thanh xác nhận trong quý II, phần lớn yêu cầu CBRE nhận được là di dời văn phòng, chiếm đến 72% tổng số yêu cầu thuê từ khách hàng, trong đó có một số khách thuê lớn di dời từ tòa nhà hạng A xuống phân khúc hạng B, thậm chí mục tiêu là tìm kiếm tòa nhà có chi phí thuê thấp hơn. Ngành tài chính ngân hàng và tài chính công nghệ bắt đầu có động thái thu hẹp diện tích (chiếm 2%) do những công ty này muốn tái cấu trúc văn phòng làm việc tại nhiều địa điểm khác nhau nhằm tiết kiệm chi phí.
Theo đánh giá của đại diện CBRE, sự thay đổi nhu cầu và kỳ vọng của khách thuê văn phòng trong quý II đang ngày càng rõ rệt hơn so với quý I. Nhiều khả năng thị trường sẽ còn đón nhận thêm nhiều giao dịch thu hẹp hoặc di dời mặt bằng văn phòng trong những tháng cuối năm 2020. Điều này đòi hỏi các chủ tòa nhà cần phải có những giải pháp linh hoạt trong cách tiếp cận và hỗ trợ khách thuê để giữ chân khách hàng.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét