LG, Panasonic hay Foxconn - nhà cung ứng của Apple... đang có kế hoạch mở rộng đầu tư, chuỗi sản xuất tại Việt Nam sau Covid-19.
Theo báo cáo tình hình sản xuất công nghiệp 6 tháng của Bộ Công Thương, cơ quan này ghi nhận một số tập đoàn công nghệ lớn thế giới đang lên kế hoạch dịch chuyển chuỗi sản xuất, đầu tư sang Việt Nam. "Việt Nam đang đứng trước cơ hội lớn đón làn sóng đầu tư này", Bộ Công Thương nhận xét.
Trong số những tên tuổi lớn được Bộ này nhắc tới gồm: LG, Panasonic, Foxconn - nhà cung ứng linh kiện cho Apple... Theo đó, Bộ Công Thương cho biết, LG đã chuyển toàn bộ dây chuyền sản xuất từ Hàn Quốc về Hải Phòng.
Tại hội nghị Chính phủ với các địa phương cách đây một tuần, Chủ tịch UBND TP Hải Phòng, ông Nguyễn Văn Tùng cũng cho biết đang xin Chính phủ phê duyệt mở rộng một khu công nghiệp để LG mở rộng thêm, sau nhà máy đầu tiên được mở tại đây vào năm 2015.
Cụ thể, lãnh đạo TP Hải Phòng đề xuất điều chỉnh địa giới khu kinh tế Đình Vũ - Cát Hải, gắn liền mở rộng khu công nghiệp Tràng Duệ giai đoạn 3 với diện tích 687 ha. Chủ tịch UBND TP Hải Phòng nhấn mạnh, mục đích xin mở rộng khu công nghiệp này để thu hút Tập đoàn LG (Hàn Quốc) mở rộng quy mô tại đây.
Ngoài LG, theo Bộ Công Thương, Panasonic Việt Nam cũng đang chuẩn bị tiếp nhận dây chuyền sản xuất tủ lạnh, máy giặt cửa đứng công suất lớn từ Thái Lan, vào đầu tháng 9 tới. Hay một "ông lớn" khác là Apple cũng gia tăng sản xuất 3-4 triệu chiếc tai nghe AirPods trong quý II, tương đương gần 1/3 tổng sản lượng AirPods của hãng trên toàn thế giới thông qua Foxconn - nhà cung ứng của "quả táo khuyết" ở Việt Nam.
Hiện Foxconn đã có nhà máy đặt tại Bắc Giang và đề xuất Chính phủ xây 3 dự án nhà ở xã hội tại miền Bắc, cạnh các khu công nghiệp của tập đoàn này với tổng vốn đầu tư hơn 7.400 tỷ đồng.
Ba dự án nhà ở xã hội của Foxconn dự tính xây tại Bắc Ninh, Bắc Giang và Vĩnh Phúc. Trong đó, dự án tại huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang có quy mô lớn nhất với 16,7 ha, vốn đầu tư 3.422 tỷ đồng (khoảng 150 triệu USD). Hai dự án còn lại ở huyện Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh có quy mô 6,3 ha, vốn đầu tư 2.925 tỷ đồng (hơn 125 triệu USD) và ở Vĩnh Phúc có quy mô 9,9 ha, vốn đầu tư hơn 1.000 tỷ đồng.
Việc kiểm soát dịch bệnh của Việt Nam được cộng đồng quốc tế đánh giá cao, và là động lực quan trọng thu hút nhiều hơn vốn đầu tư nước ngoài sau Covid-19. Sự rót vốn, mở rộng chuỗi sản xuất của các tập đoàn đa quốc gia trong lĩnh vực điện tử giúp ngành sản xuất này ghi nhận tăng trưởng khá trong nửa đầu năm, dù ảnh hưởng không ít từ dịch bệnh.
Theo Bộ Công Thương, chỉ số sản xuất công nghiệp của ngành sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học tháng 6 tăng 29,3% so với tháng 5 và tăng 21,7% so với cùng kỳ năm trước.
Nửa đầu năm, sản xuất ngành này tăng gần 10% so với cùng kỳ, cao hơn 6% so với 6 tháng đầu năm 2019.
Về giá trị xuất khẩu, mặt hàng máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đạt gần 19,3 tỷ USD, tăng trên 24%; điện thoại các loại và linh kiện khoảng 21,5 tỷ USD. Dự kiến 6 tháng cuối năm, ngành điện tử vẫn bị ảnh hưởng lớn do diễn biến dịch bệnh phức tạp có khả năng làm sụt giảm nhu cầu tiêu thụ sản phẩm điện tử tại các thị trường Mỹ và châu Âu.
Doanh thu và sản lượng toàn cầu của Samsung dự báo giảm do ảnh hưởng chung của dịch bệnh đến ngành điện tử nói chung. Samsung Việt Nam cũng dự kiến giảm mục tiêu xuất khẩu xuống còn khoảng 45,5 tỷ USD trong năm 2020, so với 51,4 tỷ USD năm 2019.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét