Bắc Giang là tỉnh giàu truyền thống văn hóa và cách mạng. Trên địa bàn tỉnh Bắc Giang có nhiều dân tộc cư trú, chính đặc điểm này đã tạo cho Bắc Giang những nét văn hóa độc đáo. Những nét văn hóa một phần tạo bởi tính đa dạng trong cơ cấu dân số (gồm nhiều dân tộc anh em) được bắt nguồn từ mỗi gia đình, làng xã, cộng đồng… Nhân tố góp phần hun đúc, bảo tồn và phát triển những yếu tố tinh thần quý gía đó có thể kể ra nhiều, nhưng không thể không nói đến vai trò của các dòng họ.Hiện nay ở Bắc Giang có các họ Dương, Đỗ, Đồng, Đinh, Chu, Cao, Biện, Giáp, Khổng, Lê, Mai, Nguyễn, Phí, Ông, Ong, Trương, Trịnh, Trần, Thôn, Vũ, Vi, Phùng, Ngọ, Phương, Lều, Thạch, Bạch, Vương, Hoàng, Sầm, Quách, Ninh, Lã, Ngô, Lưu, Hà, Lý, Khuất, Tạ, Đào, Phạm, Phan, Bùi, Phó, Đoàn, Lương, Hồ, Nông, Âu, Hoắc, La, Kiều, Cáp, Diêm, Tô, Tống, Yên…
Trước thế kỷ X các dòng họ ở Bắc Giang chưa được ghi trong sách chính sử. Do đó không rõ thời ấy có những họ nào đã cư trú ở Bắc Giang. Tài liệu dã sử như Thần tích, Thánh tích ở các địa phương có cho biết một số họ đã sống ở Bắc Giang như họ Thạch trong tích Thạch Linh thần tướng, họ Hùng ở Thù Sơn (Hiệp Hoà); họ Diên, họ Ngọ, họ Dương có các vị nữ tướng của Hai Bà Trưng đóng quân ở Đông Lâm (Hiệp Hoà), Vân Sơn (Yên Dũng), Nhã Nam (Tân Yên), họ Trương ở Mai Thượng (Hiệp Hoà)… Các truyền tích ấy đều do người đời sau hư truyền, thực giả không rõ nên chỉ có ý nghĩa tham khảo.
Từ thế kỷ X trở đi, trong chính sử đã xuất hiện các nhân vật và sự kiện liên quan đến vấn đề các dòng họ ở Bắc Giang : Trong mỗi thế kỷ lại xuất hiện một vài họ có người hiền tài và những nhân vật lịch sử hay các danh nhân khoa bảng…
Dòng họ ở Bắc Giang có họ gốc và họ di cư ở nơi khác tới cư trú, nhưng các dòng họ đều hoà hợp, thương yêu, đoàn kết với nhau để cùng tồn tại. Cơ cấu tổ chức các dòng họ ở Bắc Giang không chặt chẽ, mà đơn giản hơn nhiều nơi. Trong họ không có các điều lệ quy định khắt khe đối với các thành viên, ngoài những tiết lệ giỗ tổ.
Trong nghiên cứu về dòng họ, hai loại tài liệu xác thực nhất là nhà thờ họ và gia phả. Các họ lớn ở Bắc Giang có nhà thờ họ không nhiều. Số gia phả dòng họ còn lại rất ít. Nhiều họ do điều kiện xưa ít học, bận mưu sinh nên không có gia phả. Nhưng cư dân ở các tỉnh khác về Bắc Giang cư trú, có một số gia đình mang theo bản sao gia phả dòng họ để giữ lấy gốc. Cũng có những quyển gia phả của một số họ viết khá rõ. Chẳng hạn, người Sán Dìu lập gia phả từng nhà, từng chi, gia phả viết tên đệm gồm 9 chữ khác nhau tượng trưng cho 9 đời rồi quay lại chữ đầu. Để nhận nhau là họ hàng, anh em, người ta còn có lối in dấu “hợp phù”. Nghĩa là gấp tờ đầu của hai quyển gia phả lại, khớp hai nửa giấy vào nhau thành một trang. Sau đó đem dấu của gia đình úp mực in lên. Mỗi quyển gia phả có một nửa dấu. Không may các đời sau lưu lạc đi xa, theo 2 nửa dấu đó mà nhận họ hàng. Còn gia phả của người Sán Chí tuy có ghi các bậc nam, bậc nữ, nhưng con gái thì gọi là “Múc” (tương đương với từ Cô trong tiếng Việt).
Căn cứ vào các nguồn tài liệu trong sử sách và các bản gia phả có được, xin trình bày tóm tắt về nguồn gốc, địa bàn cư trú và những nhân vật tiêu biểu của một số dòng họ ở Bắc Giang trong lịch sử. Do không có đủ tài liệu nên còn nhiều họ chưa được giới thiệu trong dịp này. Rất mong được sự thông cảm và cộng tác của các họ để lần tái bản sách Địa chí Bắc Giang, sẽ có thêm thông tin về nhiều họ khác và về bản thân những họ đã được giới thiệu lần này, nhưng chưa đầy đủ.
Họ Dương
Họ Dương khá phổ biến ở Bắc Giang. Sống tập trung, đông và có tiếng là những họ Dương ở các xã Vân Trung, Song Vân, An Dương… của hai huyện Tân Yên và Việt Yên.
Họ Dương ở thôn Bài Cả, xã Vân Cốc, huyện Yên Dũng xưa có Dương tướng công, từng làm quan những năm 1750-1772, trải các chức Tiền đặc tiến phụ quốc thượng tướng quân, Đô chỉ huy sứ, tước Hiển quận công.
Họ Dương ở Cầu Vồng, xã Song Vân (Tân Yên) là một dòng họ lớn, có danh tiếng trong thời Lê – Mạc. Dòng họ Dương ở đây có nhiều người tài giỏi, thượng võ, có 18 quận công nổi tiếng trong dã sử. Tiêu biểu là ba anh Dương Quốc Công, Dương Hùng Lượng và Dương Quốc Nghĩa. Tinh thần thượng võ của các vị đã làm cho vùng đất Yên Thế vốn đã nổi tiếng lại nổi tiếng hơn. Nỏ Yên Thế là loại nỏ bắn tên thuốc độc, cứng, mạnh. Bắn trúng chảy máu chết ngay, đã được Nguyễn Trãi ghi trong sách Dư địa chí. Anh em họ Dương là những tay thiện sạ về cung, nỏ. Thời này, hội Lim là hội được tổ chức lớn. Con gái làng Lim giỏi làm ăn buôn bán, lại hát Quan họ hay. Trai Cầu Vồng (Yên Thế) giỏi, xứng với gái làng Lim nên đã có câu ca : Trai Cầu Vồng Yên Thế, Gái Nội Duệ Cầu Lim. Làng Cầu Vồng, xã Vân Cầu là làng gốc của họ Dương, sau đó phát triển ra các nơi ở Yên Thế như Ngô Xá, An Dương đều là những nơi có nhà thờ các vị tổ ấy.
Họ Dương ở Dương Lâm có cụ quận Dương Đình Bột, uy thế rất lớn; có Dương Đình Tuấn từng phù giúp Lê Chiêu Thống long đong lận đận khắp vùng Kinh Bắc, Yên Thế. Tuy có lỗi nhưng sau cũng được triều Nguyễn coi như là một vị trung thần tiết nghĩa.
Họ Dương ở vùng Yên Thế có Dương Thận Huy người xã Lan Giới đỗ Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân khoa Canh Tuất niên hiệu Cảnh Lịch thứ 3 (1550) làm quan đến chức Thừa Chánh sứ. Dòng họ này ngày nay không ai rõ con cháu cư trú ở nơi nào. Thời kỳ nhà Nguyễn có Dương Văn Cán, quê ở làng Giã (Mục Sơn) khởi nghĩa, đã gây cho triều đình nhiều tổn thất. Ở làng Chũng (Nhã Nam) có Dương Văn Truật (tức Đề Truật) nổi lên chống Thanh phỉ, rồi tham gia khởi nghĩa Yên Thế. Thời kỳ kháng chiến chống Pháp (1945-1954) có Dương Văn Hội là Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét