Trong ngày vía Thần Tài hôm nay (19.2), dư luận lại đặc biệt chú ý tới định hướng sửa đổi Nghị định 24 về quản lý hoạt động kinh doanh vàng và khả năng xóa bỏ độc quyền vàng miếng.
Như Lao Động đưa tin, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ngày 15.2 có Chỉ thị 06 về việc đôn đốc thực hiện nhiệm vụ trọng tâm sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán 2024.
Một nội dung thu hút sự chú ý là tại chỉ thị này, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu khẩn trương tổng kết Nghị định 24 năm 2012 về quản lý hoạt động kinh doanh vàng; đề xuất giải pháp quản lý hiệu quả thị trường vàng trong tình hình mới, hoàn thành trong quý I/2024.
Thực tế theo tìm hiểu của Lao Động, kế hoạch tổng kết Nghị định 24 về quản lý hoạt động kinh doanh vàng bắt đầu được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) khởi động từ cách đây nhiều năm.
Trong một báo cáo của Chính phủ gửi các đại biểu Quốc hội vào tháng 10.2023, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cho biết các công việc phục vụ tổng kết, đánh giá Nghị định 24 bắt đầu được triển khai ngay từ tháng 5.2022.
Vào thời điểm này, NHNN tổ chức các đợt thanh tra, kiểm tra trên cả nước, yêu cầu chi nhánh NHNN tại 63 tỉnh, thành phố phối hợp với cơ quan chức năng (Cục Quản lý thị trường, Sở Khoa học và Công nghệ, Công an) triển khai thanh tra, kiểm tra đối với các tổ chức kinh doanh vàng nhằm chấn chỉnh hoạt động kinh doanh vàng, xử lý các vi phạm theo thẩm quyền, yêu cầu khắc phục tồn tại phát hiện sau kiểm tra, thanh tra.
NHNN đến tháng 7.2022 tổ chức họp lấy ý kiến về chính sách quản lý hoạt động kinh doanh vàng với các đối tượng chịu sự tác động trực tiếp của chính sách, bao gồm: Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam và 33 tổ chức tín dụng, doanh nghiệp có hoạt động kinh doanh vàng miếng.
Các đại biểu dự họp đều thống nhất đánh giá những thành công của Nghị định 24 và chính sách chấm dứt huy động, cho vay vàng của NHNN những năm qua là bước tiến quan trọng để ổn định thị trường vàng, hạn chế tình trạng vàng hóa trong nền kinh tế, loại vàng hóa ra khỏi hệ thống các ngân hàng, qua đó ổn định thị trường tiền tệ, ngoại hối và kinh tế vĩ mô trong nước.
Cũng theo Thống đốc Nguyễn Thị Hồng: "Các đại biểu cũng thống nhất việc sửa đổi Nghị định 24 là vấn đề cần cân nhắc thận trọng để đảm bảo mục tiêu chống vàng hóa và hạn chế tác động tới thị trường tiền tệ, ngoại hối".
Đến năm 2023, báo cáo của Chính phủ cho hay, NHNN tiếp tục tu chỉnh dự thảo báo cáo đánh giá, tổng kết Nghị định 24, gửi xin ý kiến và nhận được đầy đủ ý kiến của các bộ, ngành liên quan và Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam.
Nghị định 24 năm 2012 quy định nhà nước độc quyền sản xuất, kinh doanh vàng miếng. Ảnh: Hải Nguyễn© Được Lao Động cung cấp
Với một loạt các hoạt động được tổ chức vào các tháng cuối năm 2023, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng trong báo cáo của Chính phủ khẳng định sẽ tiếp tục hoàn thiện dự thảo báo cáo tổng kết, đánh giá tình hình thực hiện Nghị định 24 trình Chính phủ và đề xuất các chính sách quản lý vàng phù hợp (nếu cần thiết).
Đến ngày 27.12.2023, trong Công điện 1426 về các giải pháp quản lý thị trường vàng, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu ngày 31.1.2024 là hạn cuối NHNN trình báo cáo tổng kết Nghị định 24, trong đó có đề xuất sửa đổi, bổ sung một số quy định quản lý thị trường vàng.
Tới nay, định hướng sửa đổi Nghị định 24 vẫn đang là vấn đề nóng được người dân và thị trường quan tâm, đặc biệt với các đề xuất bỏ quy định nhà nước độc quyền sản xuất, kinh doanh vàng miếng SJC được quy định tại Nghị định 24.
Yêu cầu mới nhất của Thủ tướng Chính phủ về việc NHNN phải hoàn thành tổng kết Nghị định 24 và đề xuất giải pháp quản lý hiệu quả thị trường vàng trong quý I/2024 là động thái tiếp theo đang được thị trường chờ đợi về việc Nghị định 24 tới đây sẽ được sửa đổi, bổ sung theo hướng nào và đề xuất xóa bỏ độc quyền vàng miếng sẽ được tiếp nhận ra sao.
Tôn trọng quyền mua bán, cất trữ vàng của người dân
Tại cuộc họp triển khai nhiệm vụ năm 2024, khi nói về việc bỏ độc quyền vàng miếng SJC theo quy định của Nghị định 24, Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú cho hay, dù nhiều loại vàng hay không, mục tiêu cuối cùng là phải ổn định thị trường vàng miếng, đảm bảo quyền lợi của 100 triệu dân. Quyền lợi của nhóm doanh nghiệp kinh doanh vàng rất nhỏ, Nhà nước không bảo hộ giá cả vàng miếng, song luôn tôn trọng quyền mua bán, bảo quản, cất trữ vàng của người dân.
"Nhà nước không khuyến khích kinh doanh vàng miếng, không bảo hộ giá vàng miếng. Tuy nhiên, cũng không chấp nhận được sự chênh lệch giá quá lớn giữa vàng trong nước và quốc tế, giữa vàng SJC và các loại vàng miếng khác. Tất cả vấn đề này sẽ được xem xét trong sửa đổi Nghị định 24 sắp tới” - ông Đào Minh Tú nói thêm.