Hàng trăm ha cà phê già cỗi, kém năng suất được người dân chặt bỏ để trồng chanh dây, trước sức ép kinh tế.
Màu xanh cây cà phê đang dần được thay thế bằng chanh dây ở huyện Chư Păh, một trong những địa phương trồng chanh dây lớn nhất tỉnh Gia Lai.
Từ diện tích vài chục ha năm 2016-2017, đến nay diện tích chanh dây tăng lên 500 ha, trong đó 400 ha trồng xen trong vườn cà phê, 100 ha trồng thuần.
600 gốc cà phê của ông Rơ Châm Ja, (60 tuổi, xã Ia Mơ Nông) được trồng từ năm 2005 bị phá bỏ.
Theo ông Ja, sau gần 20 năm, vườn cà phê của gia đình đã già cỗi, năng suất giảm, chi phí đầu tư cao, thời gian chăm sóc, thu hoạch kéo dài nên ông quyết định chuyển sang trồng chanh dây.
Sau khi thuê máy múc cây cà phê lên, ông Rơ Châm Ja đẽo rễ lấy thân bán cho các cơ sở lò đốt. Nhánh cà phê được gia đình tận dụng làm củi.
Một số nhà vườn thu gom lá, cành đốt trước khi múc cây cà phê để bán.
Gốc cà phê tái canh được thu mua từ 10.000 đến 12.000 đồng một cây để làm chất đốt.
Ông Lê Văn Thanh, Giám đốc Hợp tác xã nông nghiệp Ia Mơ Nông, cho rằng nông dân trồng chanh dây phải tham gia vào chuỗi liên kết, ký hợp đồng với doanh nghiệp nhằm đảm bảo đầu ra cho sản phẩm.
"Thực tế nhiều nông dân cứ ồ ạt trồng chanh dây mà không tính đến đầu ra cho sản phẩm", ông Thanh nói.
Vườn chanh dây 20 ngày tuổi của gia đình anh Rơ Châm Vui ở xã Ia Mơ Nông sau khi phá bỏ 500 gốc cà phê 20 năm tuổi.
Anh Vui cho biết, gia đình chưa bao giờ trồng chanh dây, song thời gian qua thấy giá chanh dây lên cao từ 10.000 đến 20.000 đồng/kg, nhiều hộ lãi hàng trăm triệu đồng chỉ sau nửa năm đầu tư. Vì vậy, vợ chồng quyết định bỏ ra gần 50 triệu đồng để chuyển hướng đầu tư.
Cây bời lời (đã lấy vỏ) được người dân mua về để làm giàn cho chanh leo.
Nhiều nông dân tận dụng sẵn cây cà phê để làm giàn cho chanh dây. Tuy nhiên họ phải chặt nhánh và cắt rễ chùm để cây cà phê tự chết, không hút chất dinh dưỡng của chanh dây.
Vườn chanh dây của người dân ở huyện Mang Yang sắp cho thu hoạch. Giá chanh dây hiện tại dao động khoảng 15.000 đồng một kg, bình quân một ha đạt 40 tấn quả, trừ chi phí nông dân lãi 350-400 triệu đồng trên ha.
Gia Lai hiện có khoảng 4.500 ha chanh dây. Từ tháng 7/2022, chanh dây Việt Nam được xuất khẩu chính ngạch vào thị trường Trung Quốc. Ngoài thị trường Trung Quốc, chanh dây còn xuất khẩu các nước thành viên EU, châu Mỹ, Malaysia, Hàn Quốc, tạo cơ hội cho sản xuất chanh dây của tỉnh.
Tuy nhiên, chanh dây trên địa bàn tỉnh đang gặp nhiều thách thức khi diện tích tăng ồ ạt, cùng chất lượng cây giống chưa được kiểm soát. Vì vậy, UBND tỉnh đã có văn bản yêu cầu cơ quan chức năng rà soát, khuyến cáo bà con không tự ý mở rộng diện tích trồng chanh dây.
Khu đô thị Hiệp Hòa nằm giữa cù lao Phố dự kiến rộng gần 300 ha, thu hút 31.600 người với nhiều dịch vụ hiện đại.
Chiều 28/3, Phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Võ Tấn Đức ký quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư dự án khu đô thị Hiệp Hòa. Tỉnh cũng phê duyệt danh mục dự án đầu tư có sử dụng đất đối với khu đô thị trên để đấu thầu.
Khu đô thị Hiệp Hòa nằm ở vị trí đắc địa trên cù lao giữa sông Đồng Nai, kết nối trung tâm TP Biên Hòa bằng những cây cầu. Trong tổng số diện tích khu đô thị, đất của dự án hơn 84 ha, chiếm 28,8%; đất cây xanh hơn 110 ha, chiếm 38,4%; đất hỗn hợp gần 35 ha; đất giao thông 43 ha...
Dự án được cho sẽ tạo kiến trúc đô thị ven sông, hiện đại, hài hòa với cảnh quan thiên nhiên. Đồng thời, dự án hướng đến phát triển du lịch bền vững, kết hợp nhiều loại hình nhà ở với trung tâm thương mại, du lịch.
Tổng số vốn đầu tư dự án hơn 72.229 tỷ đồng, dự kiến thực hiện trong 12 năm, từ 2023 đến 2035, phân kỳ giai đoạn theo 5 dự án thành phần.
Cù lao Phố rộng gần 700 ha thuộc xã Hiệp Hoà, TP Biên Hòa, được bao bọc bởi hai nhánh của sông Đồng Nai. Vào thế kỷ 17-18, cù lao là trung tâm kinh tế của khu vực Biên Hòa - Gia Định, sử sách hay gọi Nông Nại Đại Phố.
Đối với các dự án liên vùng, trong đó có TP HCM, các địa phương liên quan cần được hưởng chính sách đặc thù của thành phố, theo đề xuất của chuyên gia.
Kiến nghị được chuyên gia Nguyễn Xuân Thành, Đại học Fulbright Việt Nam, nêu tại buổi góp ý dự thảo thay thế Nghị quyết 54 - thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP HCM, sáng 30/3.
Nội dung này vừa được Chính phủ đề xuất Quốc hội bổ sung vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm nay để thông qua tại kỳ họp tháng 5 tới theo thủ tục rút gọn. Dự thảo mới đưa ra 7 nhóm chính sách đặc thù, với 40 điều, gồm quản lý đầu tư; tài chính, ngân sách; quản lý đô thị và tài nguyên môi trường; thu hút nhà đầu tư chiến lược; quản lý khoa học, đổi mới sáng tạo; tổ chức bộ máy của TP HCM và TP Thủ Đức.
Theo ông Thành, nếu muốn tạo đột phá, nghị quyết mới không nên giới hạn trong địa bàn TP HCM. Thay vào đó, các dự án của thành phố mà đi qua các địa phương khác thì HĐND thành phố và các tỉnh được quyết định các vấn đề như bổ sung ngân sách, tăng chi phí đầu tư... theo cơ chế vượt trội này.
"Được vậy, sự thay đổi của TP HCM sẽ có tác động lan toả cho cả vùng, giúp giải quyết nhiều dự án trong ba năm tới", ông Thành nói và cho rằng một trong những cơ chế có thể áp dụng với các dự án liên vùng là cho phép đấu thầu, chọn nhà đầu tư để phát triển đô thị gắn kết với giao thông công cộng (mô hình TOD).
Đồng quan điểm, GS.TS Nguyễn Trọng Hoài, nguyên hiệu phó trường Đại học Kinh tế TP HCM, cho rằng cơ chế đột phá, vượt trội phải bao quát hơn để phát huy vai trò mang tính lan toả vùng của thành phố. Tinh thần bao trùm của nghị quyết nên là trao quyền nhiều hơn, kiểm soát ít hơn, tức là lãnh đạo phải có trách nhiệm hơn, sở ngành có động lực phụng sự hơn.
"Tuy nhiên, dự thảo trao quyền chưa đủ khi nhiều quy định còn ràng buộc các bước cuối phải thông qua Quốc hội, Thủ tướng", ông nói và đề nghị dự thảo cần tiếp cận ở góc độ mở rộng phạm vi không gian địa lý, bởi nếu tiếp cận từ nguồn lực mang tính giới hạn của thành phố sẽ rất khó tạo đột phá.
Trong dự thảo lần này, để thu hút đầu tư cho các dự án, TP HCM đề xuất được áp dụng trở lại phương thức xây dựng - chuyển giao (hợp đồng BT) vốn đã bị "xoá sổ" từ năm 2018. Đồng thời, thành phố xin cơ chế đầu tư các dự án trong lĩnh vực thể thao, công nghiệp văn hóa, bảo tàng, di tích và di sản văn hóa theo phương thức đối tác công tư (PPP); thực hiện BOT trên các tuyến đường hiện hữu.
Ông Nguyễn Xuân Thành dự báo đề xuất về hợp đồng BT sẽ vướng nhiều tranh cãi. Bởi cơ chế này trước đây bị chỉ trích vì không minh bạch và thực chất là né quy định đầu tư công. Do đó, để giải quyết mối quan ngại này, thành phố cần làm rõ thực hiện BT sẽ không đổi đất lấy hạ tầng, mà thanh toán từ nguồn ngân sách với cơ chế minh bạch. Còn cơ chế xét duyệt tổng mức đầu tư, chọn nhà thầu vẫn tuân thủ đầu tư công.
Một vấn đề khác được ông Thành nêu ra là sự không cân đối về năng lực của đội ngũ tư vấn giữa khối tư nhân và chính quyền khi làm dự án PPP. Theo đó, hợp đồng là luật và ai vi phạm sẽ bị kiện, kể cả chính quyền. Trong khi doanh nghiệp có luật sư giỏi, cố vấn giỏi, còn chính quyền thì "không có kinh phí để trả luật sư đi cãi".
Từ thực tế đó, chuyên gia này đề xuất thành phố phải có phòng ban về PPP, đủ năng lực về thiết kế, quy hoạch, tài chính dự án, pháp chế để có vị thế cân bằng khi đối thoại với nhà đầu tư. "Thương thảo phải đủ năng lực để cùng thiết kế, đối thoại, và không để tư nhân dẫn dắt", ông nói và cảnh báo PPP là "con dao hai lưỡi", nếu làm không khéo sẽ thành bán cơ hội cho tư nhân và chính quyền phải lo tất cả rắc rối về sau.
Nhân kỷ niệm 22 năm ngày mất của cố nhạc sỹ Trịnh Công Sơn, Mộc San sẽ kết hợp với Đài truyền hình Tây Ninh tổ chức một đêm nhạc mang tên Mộc San – Làn gió mới của nhạc Trịnh.
Trong chương trình, Mộc San sẽ cùng với khách mời trình bày 15 ca khúc nhạc Trịnh quen thuộc. Nữ ca sỹ tâm sự cô muốn thực hiện đêm nhạc này để gửi lời tri ân chân thành nhất đến cố nhạc sỹ Trịnh Công Sơn. Cô muốn cảm ơn những ca khúc của ông đã chữa lành tâm hồn mình, đồng thời cũng là dịp để hát tặng những khán giả luôn yêu mến mình.
Thời gian qua, ca sỹ Mộc San gây chú ý khi thể hiện các ca khúc nhạc Trịnh như Ru ta ngậm ngùi, Biển nhớ, Diễm xưa, Cát bụi… Cách hát mộc mạc, gần gũi và đặc biệt là chỉ hát với guitar của nữ ca sỹ tạo nên một sức cuốn hút đến kỳ lạ đối với người nghe.
Mộc San chính là Đam San – nữ ca sỹ đến từ Đà Lạt bước ra từ cuộc thi Solo cùng Bolero 2017. Cô được mệnh danh là “Hoa hậu Bolero” bởi không chỉ có giọng hát hay mà còn có ngoại hình đẹp, chiều cao lý tưởng.
Nói về việc thay đổi nghệ danh, Mộc San cho biết ý nghĩa của từ “mộc” chính là hát mộc với guitar. Cô không ngờ cách hát này lại nhận được rất nhiều sự yêu mến của khán giả, thậm chí còn có sức lan tỏa rất lớn. Vì lý do đó, cô nghĩ cái tên Mộc San có duyên nên quyết định xin Tổ Nghiệp đổi nghệ danh.
Chia sẻ về cơ duyên hát dòng nhạc Trịnh, Mộc San tâm sự: “Khán giả vốn đã quen tôi xuất phát điểm từ một cuộc thi bolero, tuy nhiên, nhạc của Trịnh Công Sơn là dòng nhạc đã gắn bó với tôi hơn 10 năm trời ở các phòng trà khi còn ở Đà Lạt. Tôi thấy may mắn vì có thể hát được nhiều dòng nhạc. Cơ duyên để tôi quay trở lại với dòng nhạc này có lẽ là do cuộc sống. Sau 2 năm dịch bệnh tôi nhận ra mình cần sống chậm lại, suy nghĩ và chiêm nghiệm nhiều hơn. Tôi thấy mình thích hát lại dòng nhạc này vì tìm thấy mình trong đó”.
Khi được so sánh có tiếng hát kế thừa của danh ca Khánh Ly, Lệ Thu, Ngọc Lan.., Mộc San cảm thấy trân trọng. Tuy nhiên cô không bao giờ dám đưa mình so sánh với các ca sỹ gạo cội đi trước. Với Mộc San, họ chính là những tượng đài lớn để cô nhìn vào và học hỏi, hoàn thiện bản thân mỗi ngày.
Nói về kế hoạch sắp tới, Mộc San cho biết: “Với tôi, âm nhạc như là hơi thở nên tôi luôn cố gắng tạo ra những sản phẩm âm nhạc chỉn chu nhất với cái tâm của người làm nghệ thuật chân chính để gửi đến người nghe. Thời gian tới, tôi dự định sẽ phát hành 1,2 CD nhỏ để gửi đến người hâm mộ vì có rất nhiều khán giả muốn mua đĩa. Về dòng nhạc theo đuổi chính trong thời gian tới thì tôi nghĩ mình sẽ tiếp tục với dòng nhạc Trịnh và nhạc xưa, song song đó em vẫn có thể hát bolero, dân ca nếu được khán giả yêu cầu”.
Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang vừa ban hành Quyết định về việc xếp hạng di tích lịch sử cấp tỉnh năm 2021.
Cụ thể, các di tích lịch sử được xếp hạng gồm: Nghè My Điền, Thị trấn Nếnh; Chùa làng Núi, xã Việt Tiến; Đền Thượng, xã Tiên Sơn; Đình Cầu, xã Tự Lạn (huyện Việt Yên); Đình Tranh, Thị trấn Cao Thượng (huyện Tân Yên); Chùa Nội, xã Đức Giang (huyện Yên Dũng); Đình Rừng Cấm, xã Vân Sơn (huyện Sơn Động).
Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các Sở, ban, ngành, cơ quan, đơn vị, địa phương liên quan có trách nhiệm quản lý, hướng dẫn, khai thác và đầu tư xây dựng các khu di tích lịch sử - văn hóa và các điểm di tích lịch sử đúng theo quy định của pháp luật, đảm bảo hiệu quả, phát triển bền vững.
Đối với các di tích lịch sử đã xếp hạng cần được bảo vệ và phát huy giá trị theo Luật Di sản văn hóa. Nghiêm cấm các hành vi chiếm đoạt, làm sai lệch, hủy hoại hoặc gây nguy cơ hủy hoại; đào bới, xây dựng trái phép, lấn chiếm đất đai thuộc di tích lịch sử; trường hợp thay đổi, tu bổ, phục hồi di tích lịch sử, sử dụng đất đai thuộc di tích phải được phép của UBND tỉnh.
Trong hệ thống lăng ở huyện Hiệp Hòa nói riêng và tỉnh Bắc Giang nói chung đều lưu giữ được những giá trị độc đáo về kiến trúc, nghệ thuật và dấu ấn lịch sử-văn hóa của một thời kỳ oanh liệt trong tiến trình phát triển của dân tộc. Trong đó, lăng cụ Nghè Sổ (Đình nguyên Nguyễn Đình Tuân - gọi tắt là lăng cụ Nghè Sổ) thuộc thôn Trâu Lỗ, xã Mai Đình, huyện Hiệp Hòa là một trong những ngôi lăng như vậy.
Lăng cụ Nghè sổ được xây dựng từ lâu đời, đến nay còn bảo tồn nguyên vẹn những kết cấu cơ bản của ngôi lăng từ khi khởi dựng. Lăng chính là nơi an nghỉ của cụ Nghè Sổ-Đình nguyên Nguyễn Đình Tuân. Cụ là người đỗ đầu khoa thi Đình năm Tân Sửu 1901. Trong 180 thủ khoa Nho học qua các triều đại phong kiến Việt Nam kéo dài từ năm 1075 đến 1919, Nghè Sổ Nguyễn Đình Tuân là 1 trong 4 người của tỉnh Bắc Giang đỗ Đình nguyên-Tiến sĩ (cùng với Giáp Hải, Đào Sư Tích và Đoàn Xuân Lôi). Thời nhà Nguyễn, cụ Nghè Sổ là người duy nhất của tỉnh Bắc Giang đỗ Đình nguyên, trong tổng số 43 Đình nguyên. Cụ có nhiều công trạng với dân với nước, là người sáng lập ra xã Tân Cương (nay thuộc thành phố Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên) và có công mang cây chè từ Phú Thọ về trồng ở Tân Cương, sau này nhân dân đã phát triển cây chè trở thành sản phẩm, thức uống nổi tiếng của tỉnh Thái Nguyên. Bởi thế, cụ Nghè Sổ còn được coi như ông tổ nghề chè Tân Cương và được tôn thờ làm Thành hoàng làng ở chính vùng đất này.
Theo tài liệu của dòng tộc cung cấp có viết về cụ Nghè Sổ được biết: Cụ Nghè Sổ (Đình nguyên Nguyễn Đình Tuân) tự Hữu Mai, sinh ngày 12 tháng Giêng năm Đinh Mão (1867) tại làng Trâu Lỗ, tổng Mai Đình (nay là thôn Trâu Lỗ, xã Mai Đình, huyện Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang. Làng Trâu Lỗ có tên nôm là làng Sổ, vì vậy ông Nghè Nguyễn Đình Tuân vẫn được gọi là ông nghè Sổ. Cụ thân sinh ông là Nguyễn Đình Khiêm, một nhà nho nghèo. Tuy không đỗ cao, chỉ đỗ tú tài nhưng là đỗ thứ hai khoa thi Hương năm Giáp Tý (1864)...Từ nhỏ, ông đã nổi tiếng thông minh dĩnh ngộ, việc gì cũng để tâm xem xét, ghi nhớ, tỏ rõ trí lực và cốt cách hơn hẳn những trẻ cùng lứa tuổi...Chính vì vậy, năm 14 tuổi ông đi khảo khóa đã đỗ. Đặc biệt, Năm 35 tuổi (Tân Sửu-1901) ông đi thi Hội tại kinh đô Huế. Cả 4 kỳ đều được phê điểm cao, kỳ văn sách được phê 5 phân điểm tối đa quán trường (nhất trường thi) được dâng lên vua Thành Thái xem. Khoa thi Hội năm ấy cả nước đỗ được 9 vị Tiến sỹ. Khi vào kinh thi Đình (cuộc thi dành cho các Tiến sỹ mới đỗ) ông đỗ Đình Nguyên (đỗ đầu), ông Ngô Đức Kế đỗ thứ hai...Ông nghè Trâu Lỗ Nguyễn Đình Tuân mất ngày 20 tháng 6 năm Tân Tỵ (14/7/1941).
Lăng cụ Nghè Sổ (Đình nguyên Nguyễn Đình Tuân) được tọa lạc ở nơi đắc địa phong thủy, có cảnh quan thiên nhiên đẹp và là nơi sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng của dòng họ và nhân dân địa phương. Hiện nay, lăng cụ Nghè Sổ còn bảo tồn cơ bản nguyên vẹn các hạng mục công trình từ nghi môn nội, nghi môn ngoại, khu mộ và nhà bia. Nghi môn ngoại được xây dựng theo dạng trụ biểu bằng gạch, trát vữa, phía trên cột trụ biểu đắp trang trí hình bốn con chim phượng chụm đuôi vào nhau, phía dưới tạo các hình lồng đèn. Nghi môn ngoại mặt trước tường nối với hai cột trụ biểu nghi môn nội đắp trang trí hình võ sĩ đang trong tư thế đứng, võ sĩ bên phải tay cầm thanh đao, võ sĩ bên trái tay cầm chùy (nhìn từ ngoài vào). Nghi môn nội xây theo kiểu trụ biểu, gồm hai cột trụ biểu phía ngoài cùng trên đỉnh đắp trang trí hình hai con nghê đang trong tư thế chầu vào trong, phía dưới tạo các ô lồng đèn, không trang trí hoa văn, thân cột trụ biểu để trống. Hai cột trụ biểu phía trong trên đỉnh đắp trang trí hình bốn con chim phượng chụm đuôi vào nhau, phía dưới trang trí hình rồng. Ở gần thân trụ biểu được tạo bốn ô hình lồng đèn, mặt ngoài đắp trang trí hình tứ linh (long, ly, quy, phượng). Hai cửa giả phụ của nghi môn nội được xây bằng gạch, trát vữa gồm 2 tầng 8 mái. Tại các đầu đao cửa giả phụ đắp trang trí hình hoa văn thủy ba cách điệu. Phía dưới tầng mái thứ nhất, thứ hai cửa giả phụ được tạo ô hình chữ nhật, mặt ngoài đắp trang trí hình tứ linh (long, ly, quy, phượng).
Khu mộ trong lăng gồm có các phần mộ của người thân trong dòng họ, trong đó tiêu biểu, đặt ở vị trí trung tâm là phần mộ của cụ Nghè Sổ. Mộ cụ Nghè Sổ có dạng hình chữ nhật, được xây bằng gạch, phủ vữa.
Tiếp đến, nhà bia trong lăng được xây dựng rất độc đáo theo bình đồ kiến trúc kiểu chữ đinh gồm tòa tiền bia và hậu bia. Tòa tiền bia được tạo bởi 3 gian, theo kiểu hai tầng tám mái. Tường xây gạch, trát vữa, quét vôi trắng phía trong. Tầng mái trên bờ nóc xây gạch, phủ vữa, chính giữa bờ nóc đắp trang trí hình mặt trời. Bờ dải, bờ guột xây gạch, phủ vữa, phía trên đắp trang trí hình rồng. Phía dưới tầng mái trên tạo 3 ô hình chữ nhật, ô chính giữa trang trí hình rồng, hai ô bên khắc chữ Hán, bên trái khắc chữ “Hữu”, bên phải khắc chữ “Mai” là tên tự của cụ Nghè Sổ. Tầng mái dưới bờ dải xây gạch, trát vữa, phía trên đắp trang trí hình rồng. Tòa tiền bia gồm có 1 cửa chính ra vào được xây kiểu cuốn vòm. Phía trước hai gian hồi trổ hai ô thoáng hình hoa văn kỷ hà. Phía trong tòa tiền bia được xây dạng cuốn vòm, chính giữa đặt một tấm bia đá niên hiệu Bảo Đại thứ 5 (1930). Hậu bia gồm 1 gian nhỏ. Các nét chạm khắc ở khu lăng mộ rất tinh tế trên đá muối thể hiện ở tượng voi, trên nghi môn, nhà bia với các đề tài tứ linh (long, ly, quy, phượng), hoa lá cách điệu, vân mây…mang đậm phong cách nghệ thuật thời Nguyễn đầu thế kỷ XX.
Ngoài ra, lăng cụ Nghè Sổ còn lưu giữ được nhiều tài liệu, hiện vật có giá trị như: 01 bia đá thời Nguyễn niên hiệu Bảo Đại thứ 5 (1930) ghi về tiểu sử công trạng của cụ Nghè Sổ, 02 tượng voi đá muối, sắc phong... Đồng thời, di tích là nơi sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng của dòng tộc họ Nguyễn và nhân dân địa phương. Hằng năm, vào ngày 20 tháng 6 âm lịch, dòng tộc cùng cộng đồng nhân dân Trâu Lỗ tổ chức lễ giỗ để tưởng nhớ tới công trạng của Cụ Nghè Sổ đối với quê hương đất nước. Những năm làm giỗ lớn, nhân dân vùng Tân Cương, thành phố Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên lại cùng về khu lăng mộ thắp hương tưởng nhớ công ơn của cụ đã khai sáng giúp dân phát triển cây chè, trở thành một sản phẩm nổi tiếng của vùng đất Thái Nguyên.
Với những giá trị to lớn đó, lăng cụ Nghè Sổ (Đình nguyên Nguyễn Đình Tuân), đã được UBND tỉnh Bắc Giang quyết định xếp hạng Di tích Lịch sử-văn hóa cấp tỉnh năm 2014 (Quyết định 1987/QĐ-UBND ngày 12 tháng 12 năm 2014).
Chiều 28/3, Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT (Agribank) Chi nhánh tỉnh Bắc Giang tổ chức kỷ niệm 35 năm ngày thành lập 26/3 (1988 - 2023) và hội nghị tri ân khách hàng. Đến dự có đồng chí Phan Thế Tuấn - Phó Chủ tịch UBND tỉnh; đại diện lãnh đạo một số sở, ngành, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Ngân hàng Phát triển Nông nghiệp tỉnh Hà Bắc là Chi nhánh trực thuộc Ngân hàng Phát triển Nông nghiệp Việt Nam, được thành lập theo Quyết định số 31/NH-QĐ ngày 18/5/1988 của Tổng Giám đốc (nay là Thống đốc) Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Chi nhánh chính thức đi vào hoạt động từ ngày 01/7/1988. Năm 1990, Ngân hàng Phát triển Nông nghiệp Việt Nam được đổi tên thành Ngân hàng Nông nghiệp Việt Nam. Theo đó Chi nhánh Ngân hàng Phát triển Nông nghiệp tỉnh Hà Bắc cũng được đổi tên thành Chi nhánh Ngân hàng Nông nghiệp tỉnh Hà Bắc để phù hợp với chức năng, nhiệm vụ và phục vụ lĩnh vực phát triển nông nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Trong quá trình hoạt động, Chi nhánh Agribank tỉnh Bắc Giang luôn bám sát định hướng, mục tiêu phát triển KT-XH của địa phương. Tổng nguồn vốn huy động đến ngày 31/12/2022 của ngân hàng đạt hơn 18.111 tỷ đồng; tổng dư nợ đạt 12.497 tỷ đồng, trong đó dư nợ cho vay nông nghiệp, nông thôn đạt 10.497 tỷ đồng, chiếm 84% trong tổng dư nợ.
Cùng với hoạt động đầu tư, cho vay, Agribank Chi nhánh tỉnh Bắc Giang là một trong những đơn vị đi đầu thực hiện đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt; chiến lược tài chính toàn diện quốc gia. Đặc biệt, Agribank Chi nhánh tỉnh Bắc Giang đã thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 như: Cơ cấu lại thời hạn trả nợ; miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ; triển khai nhiều chương trình, gói tín dụng ưu đãi lãi suất đối với đối tượng khách hàng khác nhau: Doanh nghiệp xuất khẩu, doanh nghiệp nhỏ và vừa, khách hàng lớn, khách hàng vay tiêu dùng.
Song song với hoạt động kinh doanh, Agribank Chi nhánh tỉnh Bắc Giang đặc biệt quan tâm đến hoạt động an sinh xã hội. Hàng năm, cán bộ nhân viên của chi nhánh tự nguyện đóng góp hàng tỷ đồng hỗ trợ hộ nghèo, ủng hộ đồng bào bị thiên tai bão lụt, xây dựng nhà tình nghĩa và các công trình phúc lợi. Riêng năm 2022, kể cả phần đóng góp của cán bộ nhân viên và các nguồn hỗ trợ, đơn vị đã thực hiện các hoạt động xã hội từ thiện với số tiền 8,53 tỷ đồng.
Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phan Thế Tuấn chúc mừng thành quả của Agribank Chi nhánh tỉnh Bắc Giang đạt được trong thời gian qua. Đồng chí nhấn mạnh Agribank chi nhánh tỉnh Bắc Giang là ngân hàng thương mại đầu tiên được thành lập trên địa bàn tỉnh Bắc Giang theo chủ trương chuyển đổi từ mô hình ngân hàng 1 cấp sang mô hình 2 cấp.
Quá trình thành lập, xây dựng và phát triển, đơn vị đã có những bước phát triển vượt bậc, về quy mô, mạng lưới và chất lượng sản phản phẩm dịch vụ, đóng góp quan trọng trong huy động vốn, cho vay và cung ứng sản phẩm dịch vụ ngân hàng.
Với dư nợ cho vay nông nghiệp, nông thôn luôn chiếm hơn 84% tổng dư nợ, chiếm tỷ trọng lớn nhất trong dư nợ tín dụng “tam nông” tại địa bàn tỉnh Bắc Giang, Agribank Chi nhánh tỉnh Bắc Giang tiếp tục tiên phong triển khai hiệu quả chương trình tín dụng chính sách, chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững.
Với sự năng động sáng tạo và những kết quả đạt được thời gian qua, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phan Thế Tuấn tin tưởng tập thể lãnh đạo và người lao động Agribank Chi nhánh tỉnh Bắc Giang sẽ tiếp tục phát huy tinh thần “dám nghĩ, dám làm”, “nghĩ lớn, làm lớn” vượt qua mọi khó khăn, thách thức; tận dụng những cơ hội mới, thời cơ mới, đưa đơn vị phát triển bền vững, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị và nhiệm vụ kinh doanh trong thời gian tới, đóng góp tích cực vào sự phát triển KT-XH của tỉnh; đồng thời nâng cao chất lượng dịch vụ ngân hàng, đáp ứng nhu cầu của người dân.
Nhân dịp này, đồng chí Phan Thế Tuấn - Phó Chủ tịch UBND tỉnh tặng lẵng hoa chúc mừng Agribank Chi nhánh tỉnh Bắc Giang./.
Ngày 29/3, đồng chí Lê Ánh Dương - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh tiếp và làm việc với Đoàn công tác Châu Hồng Hà, tỉnh Vân Nam, Trung Quốc do đồng chí Triệu Thụy Quân - Bí thư Châu ủy Châu Hồng Hà làm trưởng đoàn về quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư giữa tỉnh Bắc Giang và Châu Hồng Hà, tỉnh Vân Nam, Trung Quốc.
Dự buổi làm việc có đồng chí Phan Thế Tuấn - Phó Chủ tịch UBND tỉnh; đại diện lãnh đạo một số sở, ban, ngành của tỉnh; lãnh đạo huyện Tân Yên, Lục Ngạn.
Tại buổi làm việc, thay mặt Đảng bộ, chính quyền, Nhân dân tỉnh Bắc Giang, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Ánh Dương chào mừng đồng chí Triệu Thụy Quân - Bí thư Châu ủy Châu Hồng Hà và các thành viên trong đoàn công tác đã đến thăm, làm việc với tỉnh Bắc Giang.
Đồng chí nhấn mạnh Việt Nam và Trung Quốc là hai đất nước núi liền núi, sông liền sông, có mối quan hệ láng giềng hữu nghị, truyền thống tốt đẹp từ nhiều đời nay. Trong những năm gần đây, Bắc Giang thu hút được nhiều nhà đầu tư Trung Quốc; mối quan hệ hợp tác giữa Bắc Giang và các địa phương của Trung Quốc ngày càng phát triển.
Bắc Giang có quy mô diện tích đứng thứ 36 cả nước, dân số khoảng 2 triệu người. Tỉnh đứng thứ 13 cả nước về quy mô nền kinh tế. Cơ cấu kinh tế trong những năm gần đây chuyển dịch từ nông nghiệp sang công nghiệp. Hiện nay, tỷ trọng công nghiệp chiếm hơn 60% GRDP của tỉnh. Bắc Giang trở thành trung tâm sản xuất công nghiệp, đặc biệt là sản xuất điện tử. Các nhà đầu tư của Trung Quốc có đóng góp rất quan trọng trong phát triển sản xuất công nghiệp của tỉnh.
Tốc độ tăng trưởng kinh tế của Bắc Giang luôn ở trong nhóm dẫn đầu cả nước. Năm 2022, tăng trưởng kinh tế của tỉnh đạt 19,3%, đứng thứ 2 cả nước. Quý I năm nay, mặc dù gặp rất nhiều khó khăn, song tăng trưởng kinh tế của tỉnh đạt 8,4%, đứng thứ 8 cả nước.
Bên cạnh phát triển công nghiệp, tỉnh chú trọng phát triển dịch vụ và nông nghiệp. Về nông nghiệp, Bắc Giang là tỉnh có vùng sản xuất cây ăn quả đứng thứ 2 miền Bắc, đứng thứ nhất cả nước về sản lượng quả vải thiều, đây là loại quả nhiều năm nay xuất khẩu sang Trung Quốc, trong đó có tỉnh Vân Nam.
Sự phát triển của Bắc Giang có mối giao thương với các địa phương lân cận, trong đó có tỉnh Vân Nam và Châu Hồng Hà. Tỉnh Bắc Giang mong muốn buổi gặp mặt sẽ mở ra mối quan hệ mới ngày càng sâu sắc giữa Bắc Giang và Châu Hồng Hà. Đồng thời hoan nghênh các doanh nghiệp của Châu Hồng Hà quan hệ đầu tư, hợp tác, giao thương kinh tế với các doanh nghiệp của tỉnh Bắc Giang.
Chuyến thăm, làm việc của Đoàn công tác Châu Hồng Hà với tỉnh Bắc Giang có ý nghĩa quan trọng nhằm nâng cao hiệu quả hợp tác trên các lĩnh vực kinh tế, thương mại, đầu tư, tạo nền tảng vững chắc cho phát triển quan hệ song phương.
Trao đổi tại buổi làm việc, đồng chí Triệu Thụy Quân - Bí thư Châu ủy Châu Hồng Hà thông tin Châu Hồng Hà nằm ở phía Nam, tỉnh Vân Nam, là Châu biên giới tiếp giáp với 2 tỉnh Lào Cai và Lai Châu (Việt Nam). Châu Hồng Hà có cửa khẩu Lào Cai - Hà Khẩu và Kim Thuỷ Hà, trong đó cửa khẩu Lào Cai - Hà Khẩu là cửa khẩu Việt - Trung lớn nhất tại tỉnh Vân Nam. Cửa khẩu này đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế khu vực biên giới Việt - Trung.
Châu Hồng Hà có hệ thống sông Châu Giang và sông Hồng chảy qua; có vị trí đối diện với Vịnh Bắc Bộ, sát với đồng bằng châu thổ sông Châu Giang, chạy thẳng ra Thái Bình Dương. Dân số hơn 4,4 triệu người. GDP năm 2022 đạt 42 tỷ USD, đứng thứ 3 tỉnh Vân Nam.
Về phát triển công nghiệp, hiện Châu Hồng Hà đã hình thành hệ thống công nghiệp nặng, chủ yếu gồm kim loại màu, năng lượng, hóa chất, vật liệu xây dựng. Các ngành nghề như: Sản xuất thuốc lá, luyện kim loại màu, hóa chất công nghiệp nặng, nông nghiệp đặc sản cao nguyên, văn hóa du lịch có ưu thế rõ ràng. Châu Hồng Hà có nhà máy phát điện, nhà máy luyện kim loại màu với công suất trên 3 triệu tấn…
Với những lợi thế đó, đồng chí Triệu Thụy Quân mong muốn trong thời gian tới tỉnh Bắc Giang tham quan, khảo sát, hợp tác với Châu Hồng Hà để thúc đẩy phát triển kinh tế. Đồng thời hy vọng tỉnh Bắc Giang có thể hình thành chuỗi cung ứng nguyên liệu cho Châu Hồng Hà và ngược lại…
Trước đó, Đoàn công tác Châu Hồng Hà thăm, khảo sát tại Công ty TNHH Ja Solar Việt Nam, Khu công nghiệp Quang Châu, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang.
Được biết, ngày 28/3, tại trụ sở Bộ Công Thương đã diễn ra ký kết Biên bản ghi nhớ giữa Sở Công Thương tỉnh Bắc Giang và Sở Thương mại, tỉnh Vân Nam, Trung Quốc về tăng cường hợp tác trong lĩnh vực kinh tế, thương mại./.
Chiều 29/3, tại thành phố Bắc Giang, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bắc Giang và Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thái Nguyên tổ chức hội nghị ký kết chương trình phối hợp, liên kết phát triển giữa hai tỉnh giai đoạn 2023-2025 và những năm tiếp theo.
Đồng chí Dương Văn Thái - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Giang và đồng chí Nguyễn Thanh Hải - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên đồng chủ trì hội nghị.
Dự hội nghị, về phía tỉnh Bắc Giang có các đồng chí: Lê Thị Thu Hồng - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Lê Ánh Dương - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Lâm Thị Hương Thành - Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh.
Về phía tỉnh Thái Nguyên có các đồng chí: Trịnh Việt Hùng - Ủy viên dự khuyết BCH Trung ương Đảng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Phạm Hoàng Sơn - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh.
Cùng dự có các đồng chí Ban Thường vụ Tỉnh ủy, lãnh đạo HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ, Đoàn đại biểu Quốc hội và lãnh đạo các sở, ngành hai tỉnh.
Phát biểu khai mạc, Bí thư Tỉnh ủy Bắc Giang Dương Văn Thái cho biết, Bắc Giang và Thái Nguyên là hai tỉnh giáp ranh, cùng nằm trong vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ, quy hoạch vùng Thủ đô và trên địa bàn Quân khu 1. Với vị trí chiến lược quan trọng, thời kỳ tiền khởi nghĩa, hai tỉnh đã được Đảng, Bác Hồ lựa chọn làm nơi xây dựng các an toàn khu cho cách mạng. Hai tỉnh đều được tái lập năm 1997 và có nhiều điểm tương đồng về diện tích, quy mô dân số, là địa bàn cư trú của nhiều dân tộc anh em với bản sắc văn hóa đa dạng, phong phú.
Sau hơn 25 năm tái lập, được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương; đặc biệt là sự đoàn kết, nỗ lực, phấn đấu không ngừng của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân hai tỉnh; Bắc Giang và Thái Nguyên đều đã có bước phát triển tích cực, đạt nhiều kết quả ấn tượng, toàn diện trên các lĩnh vực.
Những năm qua, hai tỉnh đã chủ động xây dựng, triển khai nhiều chương trình, nội dung hợp tác phát triển trên một số lĩnh vực như: Quy hoạch, kế hoạch, xây dựng hạ tầng giao thông, công nghiệp, thương mại, du lịch, dịch vụ, quốc phòng, an ninh… góp phần tích cực thúc đẩy liên kết vùng, liên vùng.
Đơn cử như cùng phối hợp đề nghị Bộ Giao thông vận tải hoàn thành nâng cấp đường địa phương thành QL17 qua ba tỉnh Bắc Ninh - Bắc Giang - Thái Nguyên; cùng đầu tư mở mới tuyến kết nối hai tỉnh (tuyến đường QL37 - cầu Hòa Sơn - TP Phổ Yên, tuyến nối QL37- QL17 - Võ Nhai).
Trong các khu công nghiệp của tỉnh Bắc Giang có hơn 40 doanh nghiệp đã và đang là doanh nghiệp vệ tinh của Tập đoàn SamSung, trong đó có Công ty TNHH SamSung Electronics Thái Nguyên. Hiện nay có khoảng 10 nghìn lao động của tỉnh Bắc Giang đang làm việc trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên.
Hai tỉnh đã tổ chức các Đoàn Famtrip khảo sát, xây dựng sản phẩm du lịch của 3 tỉnh Thái Nguyên - Bắc Giang - Quảng Ninh. Tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong việc triển khai Đề án tổng thể bảo vệ môi trường lưu vực sông Cầu liên quan đến hai tỉnh.
Cùng nằm trong địa bàn Quân khu 1, có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về quốc phòng, an ninh trong thế trận phòng thủ của Quân khu và cả nước. Lực lượng vũ trang hai tỉnh đã chủ động phối hợp, làm tốt chức năng quản lý nhà nước về quốc phòng, an ninh, giữ vững ổn định chính trị - xã hội, tạo môi trường thuận lợi thực hiện nhiệm vụ phát triển KT-XH của địa phương.
Tuy nhiên, kết quả hợp tác giữa hai tỉnh còn chưa tương xứng với tiềm năng; chủ yếu mới chỉ là các nội dung hợp tác ngắn hạn để giải quyết một số vấn đề cụ thể thực tiễn đặt ra; còn thiếu các chương trình hợp tác mang tính chiến lược, tổng thể, lâu dài để thúc đẩy hai địa phương cùng phát triển.
Tại hội nghị, các đại biểu đã trao đổi, thảo luận, chia sẻ kinh nghiệm về phát triển KT-XH, bảo đảm quốc phòng, an ninh, xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị và thống nhất các biện pháp phối hợp, liên kết phát triển giữa hai địa phương giai đoạn 2023-2025 và những năm tiếp theo.
Phát biểu tại hội nghị, Bí thư Tỉnh ủy Thái Nguyên Nguyễn Thanh Hải nhấn mạnh hội nghị ký kết có ý nghĩa hết sức quan trọng, là dịp để lãnh đạo chủ chốt hai tỉnh đánh giá lại kết quả hợp tác; từ đó bàn, thống nhất các nội dung đẩy mạnh hợp tác trong thời gian tới, bảo đảm toàn diện hơn, bài bản hơn, thực chất và hiệu quả hơn trên cơ sở phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế của mỗi địa phương và hỗ trợ, thúc đẩy lẫn nhau cùng phát triển.
Để công tác phối hợp đi vào chiều sâu, đạt hiệu quả cao, đồng chí đề nghị các cấp, ngành của hai địa phương cần thể hiện rõ sự quyết tâm, tinh thần trách nhiệm, bám sát các yêu cầu, nội dung trong Chương trình hợp tác, chú trọng xây dựng các phương pháp, cách thức phối hợp bảo đảm đồng bộ, toàn diện, hiệu quả. Trong quá trình thực hiện gặp khó khăn, vướng mắc, lãnh đạo các cấp, ngành chủ động tham mưu cho Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ban cán sự Đảng UBND hai tỉnh để kịp thời lãnh đạo, chỉ đạo xử lý, tháo gỡ, nhất là về cơ chế, chính sách.
Đồng chí hy vọng kết quả của sự hợp tác giữa hai tỉnh Bắc Giang - Thái Nguyên là điểm sáng, là điển hình để các đồng chí lãnh đạo ở Trung ương lấy đó là ví dụ, góp phần vào sự phát triển chung của vùng và cả nước trong giai đoạn tới.
Phát biểu tại hội nghị, Bí thư Tỉnh ủy Bắc Giang Dương Văn Thái đề nghị các sở, ngành chức năng của hai tỉnh trên cơ sở nội dung Biên bản ghi nhớ hợp tác sẽ chủ động tham mưu cho Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ban cán sự Đảng UBND hai tỉnh để tổ chức triển khai thực hiện, sớm hiện thực hóa các nội dung đã ký kết. Các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ hai tỉnh trên cơ sở ngành, lĩnh vực được phân công phụ trách, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các nội dung ký kết; thường xuyên trao đổi thông tin để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trên tinh thần quyết tâm cao nhất, vì lợi ích và sự phát triển chung của hai tỉnh.
Tại hội nghị, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bắc Giang và Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thái Nguyên đã thống nhất ký kết Biên bản ghi nhớ về việc triển khai các biện pháp phối hợp, liên kết phát triển giữa hai tỉnh giai đoạn 2023-2025 và những năm tiếp theo.
Theo đó, thống nhất hai địa phương tăng cường và mở rộng hợp tác toàn diện, tích cực trao đổi thông tin, chia sẻ kinh nghiệm nhằm bổ sung, hỗ trợ lẫn nhau phát huy tiềm năng, lợi thế, thúc đẩy phát triển KT-XH, bảo đảm quốc phòng, an ninh, xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh.
Hai bên đẩy mạnh hoạt động trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm về công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị. Tăng cường trao đổi kinh nghiệm trên các lĩnh vực công tác của HĐND, UBND; trong cải cách hành chính, thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy, nâng cao chất lượng đại biểu HĐND và đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức các cấp...
Phối hợp phát triển KT-XH theo hướng nhanh, bền vững gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh. Phối hợp thực hiện các cơ chế, chính sách của Trung ương; ban hành, đề xuất ban hành các cơ chế, chính sách.
Phối hợp xây dựng thành phố Bắc Giang và thành phố Thái Nguyên trở thành các cực tăng trưởng, hạt nhân quan trọng trong phát triển kinh tế vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ theo tinh thần Nghị quyết số 11-NQ/TW ngày 10/2/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển KT-XH, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Hợp tác thúc đẩy chuyển đổi số, đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh.
Hợp tác chặt chẽ trong việc xúc tiến đầu tư, thu hút đầu tư nước ngoài, trọng tâm là thu hút đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo công nghệ cao, sản xuất thông minh, công nghiệp xanh thân thiện với môi trường để hình thành vùng công nghiệp công nghệ cao của khu vực miền Bắc. Liên kết sản xuất nông nghiệp, thủy sản theo chuỗi giá trị.
Đề xuất với Trung ương có cơ chế tiếp tục đầu tư, bảo tồn, phát triển các khu ATK Hiệp Hòa tỉnh Bắc Giang và ATK Thái Nguyên; liên kết, hợp tác, khảo sát kết nối các tour, tuyến du lịch giữa hai tỉnh.
Phối hợp trong công tác phòng, chống thiên tai, bảo đảm trữ lượng, chất lượng nước hồ Núi Cốc và nguồn nước trên dòng chính sông Cầu phục vụ sản xuất và sinh hoạt của cư dân vùng hạ du.
Phối hợp đề nghị Bộ Giao thông vận tải sớm đầu tư nâng cấp tuyến QL17 từ thị trấn Phồn Xương, huyện Yên Thế, tỉnh Bắc Giang sang tỉnh Thái Nguyên và xây dựng cầu mới thay thế ngầm Tam Kha; đề nghị Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam khôi phục tuyến đường sắt Kép - Lưu Xá.
Hai tỉnh tăng cường phối hợp, đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng tuyến đường và cầu Hòa Sơn kết nối huyện Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang với thị xã Phổ Yên, tỉnh Thái Nguyên.
Tiếp tục phối hợp đầu tư xây dựng mới, cải tạo, nâng cấp các tuyến đường kết nối hai tỉnh như: Đường Vành đai 5 vùng Thủ đô Hà Nội; đường nối QL17 (tỉnh Bắc Giang) đi Võ Nhai, tỉnh Thái Nguyên (tỉnh Bắc Giang đang đầu tư); ĐT294 (kết nối với QL37); ĐT294B (kết nối từ QL17 trên địa bàn huyện Yên Thế với huyện Võ Nhai, tỉnh Thái Nguyên); ĐT294D (kết nối từ QL17 xã Tam Tiến, huyện Yên Thế với huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên); tuyến đường kết nối qua xã Bình Long, huyện Võ Nhai với tuyến ĐT265 (chiều dài khoảng 6,5km) trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên...
Phối hợp khai thác hiệu quả tuyến vận tải đường thủy trên sông Cầu. Hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho các đơn vị vận tải trên địa bàn hai tỉnh được mở mới các tuyến vận tải khách cố định liên tỉnh Bắc Giang - Thái Nguyên (từ 5-7 tuyến) hoặc Thái Nguyên - Bắc Giang - Lạng Sơn.
Hợp tác thực hiện công tác thông tin, kiểm soát chất lượng nước mặt; quản lý vệ sinh môi trường, chống ô nhiễm lòng sông Cầu và hoạt động khai thác, nhất là khai thác cát 2 bên khu vực sông Cầu...
Hợp tác, trao đổi và học tập kinh nghiệm trong xây dựng phát triển thị trường lao động. Trao đổi kinh nghiệm trong công tác quản lý, nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo.
Mở rộng hợp tác, trao đổi, hỗ trợ một số kỹ thuật thuộc lĩnh vực y tế dự phòng; phòng chống dịch bệnh. Thường xuyên tổ chức các hoạt động giao lưu văn hóa, thể dục - thể thao giữa hai tỉnh.
Tiếp tục duy trì việc trao đổi tình hình để có biện pháp tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương chỉ đạo xử lý kịp thời các vấn đề phát sinh, không để bị động, bất ngờ, xây dựng khu vực phòng thủ của mỗi tỉnh ngày càng vững chắc.
Lực lượng công an hai tỉnh tiếp tục tăng cường phối hợp trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm. Duy trì hoạt động hiệu quả các mô hình liên kết bảo đảm an ninh trật tự tại các địa bàn giáp ranh./.