Thứ Sáu, 28 tháng 4, 2023

Bắc Giang: Phấn đấu đến năm 2025 xây dựng đô thị Chũ trở thành thị xã

Thủ tướng Chính phủ vừa có Quyết định phê duyệt nhiệm vụ Quy hoạch chung đô thị Chũ, tỉnh Bắc Giang đến năm 2045, tỷ lệ 1/10.000.

Phấn đấu đến năm 2025 xây dựng đô thị Chũ trở thành thị xã

Phạm vi, ranh giới nghiên cứu lập Quy hoạch đô thị Chũ trên cơ sở địa giới hành chính và diện tích tự nhiên của 10 xã, thị trấn, gồm thị trấn Chũ hiện hữu và các xã Mỹ An, Nam Dương, Quý Sơn, Phượng Sơn, Trù Hựu, Kiên Thành, Kiên Lao, Hồng Giang, Thanh Hải (không bao gồm thôn Khuôn Rẽo), huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang. Quy mô lập quy hoạch khoảng 251,55 km2.

Phấn đấu đến năm 2025 xây dựng đô thị Chũ trở thành thị xã. Ảnh Internet

Phấn đấu đến năm 2025 xây dựng đô thị Chũ đủ điều kiện trở thành thị xã. Đến năm 2045 đạt tiêu chí đô thị loại III và là thành phố trực thuộc tỉnh Bắc Giang với tỷ lệ đô thị hóa khoảng 50 - 70%. Khai thác tốt nhất tiềm năng, lợi thế của đô thị Chũ; tạo việc làm, ổn định sinh kế, nâng cao chất lượng sống người dân.

Từ nay đến năm 2030 từng bước xây dựng, phát triển đô thị Chũ theo hướng bền vững, trở thành một trong những trung tâm dẫn dắt sự phát triển khu vực tiểu vùng phía Đông của tỉnh Bắc Giang, là một trong các động lực chủ yếu cho kinh tế - xã hội của địa phương nói riêng và khu vực phía Đông của tỉnh Bắc Giang nói chung. Kết cấu hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội được quy hoạch đồng bộ, hiện đại, thân thiện và phù hợp với đặc điểm địa hình, môi trường và cảnh quan tự nhiên sẵn có; chủ động ứng phó hiệu quả với thiên tai và biến đổi khí hậu. Làm cơ sở pháp lý để triển khai các quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết các khu chức năng và các dự án đầu tư xây dựng.

Về tính chất, đô thị Chũ là đô thị trung tâm vùng phía Đông và là vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa, cung ứng vật tư nông nghiệp, sản xuất cây ăn quả đặc sản chất lượng cao của tỉnh Bắc Giang. Là đô thị phát triển du lịch văn hóa sinh thái nghỉ dưỡng và là trung tâm dịch vụ hậu cần vận tải (logistics), công nghiệp kho vận và dịch vụ xuất khẩu khu vực phía Đông của tỉnh Bắc Giang.

Dự báo quy mô dân số đến năm 2030 khoảng 170.000 người. Dân số đến năm 2045 khoảng 240.000 người. Dự báo quy mô đất đai đến năm 2030, dự kiến đất xây dựng đô thị khoảng 2.200 - 2.500 ha. Đến năm 2045, dự kiến đất xây dựng đô thị khoảng 2.700 - 3.500 ha.

Phát triển các chức năng cấp vùng, có sức lan tỏa

Nhiệm vụ Quy hoạch chung đô thị Chũ xác định nội dung trọng tâm cần nghiên cứu. Theo đó, xác định tính chất đô thị phù hợp với tiềm năng lợi thế hiện có trước mắt cũng như lâu dài, dự báo quy mô dân số đất đai và các chỉ tiêu hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật.

Xác định không gian nội thị, ngoại thị, định hướng các phân khu phát triển đô thị trong đồ án quy hoạch đối với các đơn vị hành chính đạt tiêu chí thành phường trong tương lai. Tập trung khai thác các lợi thế về vị trí địa lý; cải thiện và hoàn thiện các cơ sở hạ tầng kỹ thuật, đặc biệt là hệ thống giao thông kết nối liên vùng.

Khai thác các lợi thế về điều kiện tự nhiên, văn hóa và danh lam thắng cảnh phong phú.

Khai thác tối đa lợi thế quỹ đất dọc theo các trục giao thông quốc lộ 31, đường tỉnh 289; 290; 293C và một số tuyến đường giao thông mở mới cho sự phát triển nông nghiệp, thương mại dịch vụ, công nghiệp và dịch vụ kho vận, logistics, đô thị, du lịch sinh thái nghỉ dưỡng, văn hóa, tín ngưỡng.

Phát triển các chức năng cấp vùng, có sức lan tỏa, mạnh nhất là sản xuất nông nghiệp hàng hóa chất lượng cao. Kết nối và tạo sức hút cũng như sự lan tỏa đối với khu vực phía Đông tỉnh Bắc Giang; thúc đẩy tăng trưởng kinh tế đô thị mạnh mẽ và gia tăng sức hút lực lượng chuyên gia, lao động đến sinh sống và làm việc tại đô thị Chũ. Thu hút lượng lớn du khách đến lưu trú dài ngày, sử dụng các loại hình dịch vụ du lịch.

Khai thác các lợi thế về điều kiện tự nhiên, văn hóa và danh lam thắng cảnh phong phú: hệ thống di tích lịch sử, văn hóa, kiến trúc, nghệ thuật đặc sắc, nhiều cảnh quan tự nhiên như hồ Khuân Thần, hồ Đá Mài, hồ Làng Thum, hồ Đá Ong, khu vườn quả Bác Hồ, chùa Am Vãi…, phát triển các loại hình dịch vụ du lịch, điểm trung chuyển khách du lịch đến các khu du lịch lớn trong và ngoài tỉnh.

Tập trung nghiên cứu các chức năng cải thiện mức độ đáng sống của đô thị Chũ, trên cơ sở phát triển các dịch vụ nền tảng như: chăm sóc sức khỏe, môi trường sinh thái, cảnh quan tự nhiên, tiện ích đô thị, giáo dục, vui chơi giải trí, thể dục thể thao… Khắc phục điểm yếu bị chia cắt về giao thông đối ngoại, địa hình đồi núi và sông suối trong phạm vi nghiên cứu quy hoạch đô thị Chũ.

Nghiên cứu rà soát các quy hoạch xây dựng đô thị, nông thôn trong bối cảnh sẽ sớm hình thành thị xã, trở thành đô thị động lực quan trọng và khớp nối các định hướng chiến lược đã xác định trong Quy hoạch tỉnh Bắc Giang; đề xuất các giải pháp quy hoạch khắc phục những tồn tại của hiện trạng phát triển và các quy hoạch khác có liên quan; đề xuất các chiến lược phát triển phù hợp cho quy hoạch đô thị giai đoạn đến năm 2030 và đến năm 2045.

Xem chi tiết Quyết định tại đây./.

Bình Minh

Bắc Giang: Bổ nhiệm Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường

Sáng 28/4, UBND tỉnh Bắc Giang tổ chức hội nghị công bố Quyết định bổ nhiệm Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Ô Pích dự và trao Quyết định. Cùng dự có đại diện lãnh đạo Văn phòng UBND tỉnh, Sở Nội vụ, Sở Tài nguyên và Môi trường, UBND TP. Bắc Giang.

Thay mặt lãnh đạo tỉnh, đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Ô Pích trao Quyết định và tặng hoa chúc mừng đồng chí Phí Thanh Bình.

Theo Quyết định số 629/QĐ-UBND ngày 28/4/2023 của Chủ tịch UBND tỉnh điều động và bổ nhiệm đồng chí Phí Thanh Bình - Trưởng Phòng Tài nguyên và Môi trường, UBND TP. Bắc Giang giữ chức Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường trong thời hạn 05 năm (60 tháng), từ ngày 01/5/2023.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Ô Pích phát biểu tại hội nghị.

Trao Quyết định và phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Ô Pích đánh giá cao năng lực công tác của đồng chí Phí Thanh Bình, đồng chí đã trải qua nhiều năm công tác tại cơ sở, có nhiều kinh nghiệm trong công tác chuyên môn. Trong suốt quá trình công tác, đồng chí được đánh giá là cán bộ có lập trường tư tưởng vững vàng, gương mẫu chấp hành chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước; là cán bộ có trình độ chuyên môn, năng lực lãnh đạo, quản lý; luôn chủ động, nêu cao tinh thần trách nhiệm trong công việc.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh mong muốn tập thể cán bộ, công chức, viên chức Sở Tài nguyên và Môi trường tiếp tục phát huy tinh thần đoàn kết, quan tâm, giúp đỡ, tạo điều kiện tốt nhất để đồng chí Phí Thanh Bình tiếp tục phát huy năng lực, sở trường trong công việc, thực hiện tốt mọi nhiệm vụ quản lý nhà nước của ngành Tài nguyên và Môi trường.

Lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường tặng hoa chúc mừng đồng chí Phí Thanh Bình.

Phát biểu nhận nhiệm vụ, tân Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Phí Thanh Bình cảm ơn sự tin tưởng của các đồng chí lãnh đạo tỉnh đã giao nhiệm vụ mới, đồng chí hứa sẽ nỗ lực, trau dồi về đạo đức và chuyên môn, đoàn kết cùng tập thể Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh tiếp tục hoàn thành tốt các nhiệm vụ chuyên môn được giao./.

Nguyễn Miền

Mark Zuckerberg có thêm 10 tỷ USD một ngày

Tài sản của ông chủ Meta Platforms tăng vọt trong phiên 27/4, nhờ cổ phiếu tăng mạnh sau khi hãng này công bố báo cáo tài chính quý I.

Cổ phiếu Meta hôm qua tăng 14%, kéo tài sản Mark Zuckerberg lên 87,3 tỷ USD. Việc này giúp anh tăng một bậc trong bảng xếp hạng tỷ phú toàn cầu của Bloomberg Billionaires Index, lên thứ 12.

So với phiên trước đó, tài sản của anh tăng hơn 10 tỷ USD. Đây là mức tăng lớn thứ 3 lịch sử của tỷ phú này. Mức tài sản hiện tại cũng là cao nhất trong hơn một năm qua.

Mark Zuckerberg trong một diễn đàn về công nghệ tại Utah năm 2020. Ảnh: Bloomberg

Mark Zuckerberg trong một diễn đàn về công nghệ tại Utah năm 2020. Ảnh: Bloomberg

Diễn biến hôm qua đã đảo ngược xu hướng giảm tài sản của Zuckerberg năm 2022. Tài sản của anh giảm 57% năm ngoái, tương đương 71 tỷ USD. Nguyên nhân là cổ phiếu Facebook đi xuống, do chi phí đắt đỏ để chuyển hướng sang metaverse (vũ trụ ảo) và ngành công nghệ sa sút làm dấy lên lo ngại về triển vọng tăng trưởng của công ty.

Meta hôm 26/4 công bố báo cáo tài chính quý I. Theo đó, doanh thu của hãng tăng 3%, vượt kỳ vọng của Wall Street và cũng là mức tăng đầu tiên sau gần một năm. Tăng trưởng người dùng cũng mạnh hơn so với các quý gần đây. Hồi đầu năm, Zuckerberg đã tuyên bố 2023 sẽ là "năm hiệu quả" của công ty.

Meta đang trong giai đoạn tái cấu trúc nhằm hồi sinh sau hàng loạt thách thức, từ cạnh tranh tăng cao, doanh thu quảng cáo giảm vì nỗi lo suy thoái, đến khoản lỗ từ hàng tỷ USD đổ vào xây dựng metaverse. Việc tái cấu trúc khiến Meta tiêu tốn hơn 1 tỷ USD trong quý I. Họ dự báo tốn thêm 500 triệu USD nữa cho quá trình sa thải trong năm nay.

Mức tăng tài sản lớn nhất của Zuckerberg là 12,5 tỷ USD phiên 2/211 tỷ USD cách đây một năm.

Hà Thu (theo Bloomberg)

Bà Phạm Minh Hương thôi làm Chủ tịch VNDirect

Bà Phạm Minh Hương thôi làm Chủ tịch HĐQT Công ty Chứng khoán VNDirect từ 26/4, thay vào đó giữ chức tổng giám đốc.

Bà Hương, sinh năm 1966, bắt đầu giữ chức chủ tịch HĐQT kiêm tổng giám đốc VNDirect từ năm 2006. Từ 2010 đến nay, bà luôn là chủ tịch nhưng không thường xuyên giữ chức tổng giám đốc. Nhiệm kỳ chủ tịch mới nhất của bà bắt đầu hồi tháng 4/2022.

Bà Phạm Minh Hương. Ảnh: Website VNDirect

Bà Phạm Minh Hương. Ảnh: Website VNDirect

VNDirect hôm qua đã miễn nhiệm chức danh quyền tổng giám đốc đối với ông Nguyễn Vũ Long, sau đó bổ nhiệm ông vào vị trí chủ tịch HĐQT do bà Hương để lại.

"Việc thay đổi người giữ chức danh chủ tịch và tổng giám đốc là để công ty không còn duy trì chức danh quyền tổng giám đốc, kiện toàn các điều kiện pháp lý theo đúng quy định của pháp luật", thông cáo báo chí của VNDirect cho hay.

Sau cơ cấu chức danh, VNDirect3 người đại diện pháp luật gồm bà Hương, ông Long và Giám đốc tài chính Vũ Nam Hương.

VNDirect hiện là công ty đứng thứ ba về thị phần môi giới cổ phiếu trên sàn TP HCM với 7,88% (theo số liệu cả năm 2022). Năm ngoái, công ty này ghi nhận lãi trước thuế đạt 1.728 tỷ đồng, giảm 37% so với cùng kỳ 2021 và hoàn thành chưa đến phân nửa kế hoạch đề ra ban đầu.

Ban lãnh đạo VNDirect dự tính năm nay lãi trước thuế 2.000 tỷ đồng, tăng 16% dựa trên kịch bản nền kinh tế cũng như thị trường chứng khoán chia thành hai nửa khác nhau. Nửa đầu tiên là 6 tháng đầu năm với "đà tăng khá mỏng manh và không ổn định trong bối cảnh thanh khoản thấp, áp lực lãi suất, tỷ giá và bài kiểm tra năng lực thanh toán cho trái phiếu đáo hạn vẫn còn đó". Công ty kỳ vọng nửa cuối năm thị trường khởi sắc hơn khi lạm pháp toàn cầu đạt đỉnh, lợi nhuận của doanh nghiệp niêm yết tăng trưởng tốt.

Phương Đông

Thứ Năm, 27 tháng 4, 2023

Ông Phạm Nhật Vượng 'bơm' 1 tỷ USD cho VinFast

Ông Nhật Vượng sẽ hiến tặng 1 tỷ USD cho VinFast từ nguồn tài sản cá nhân. Tập đoàn Vingroup tài trợ không hoàn lại 500 triệu USD, đồng thời cho VinFast vay 1 tỷ USD với thời hạn tối đa 5 năm.

Ngày 26/4, Công ty CP Tập đoàn Vingroup (mã chứng khoán: VIC) và tỷ phú Phạm Nhật Vượng ký thỏa thuận cam kết tài trợ vốn cho Công ty TNHH Sản xuất và Kinh doanh VinFast.

Theo đó, trong vòng một năm tới, ông Phạm Nhật Vượng sẽ hiến tặng 1 tỷ USD cho VinFast từ nguồn tài sản cá nhân. Tập đoàn Vingroup tài trợ không hoàn lại 500 triệu USD, đồng thời cho VinFast vay 1 tỷ USD với thời hạn tối đa 5 năm.

Với tổng ngân sách 2,5 tỷ USD được tài trợ từ Chủ tịch Hội đồng quản trị Vingroup Phạm Nhật Vượng và Tập đoàn Vingroup, VinFast sẽ được bổ sung nguồn lực tài chính mạnh mẽ để tiếp tục phát triển trong thời gian tới.

Quyết định được đưa ra trong bối cảnh VinFast đang có những bước tiến ấn tượng ra thị trường quốc tế và liên tục đạt được các kế hoạch đề ra trong sản xuất kinh doanh. Khoản tài trợ và cho vay trị giá 2,5 tỷ USD được bổ sung sẽ tạo thêm nguồn lực thúc đẩy, tạo điều kiện cho VinFast tăng tốc phát triển, để nhanh chóng đạt được các mục tiêu tăng trưởng trên quy mô toàn cầu.

Phát biểu về quyết định này, ông Nguyễn Việt Quang - Phó chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Vingroup - cho biết, tiềm năng tăng trưởng của VinFast đã được minh chứng trong 5 năm qua. Đây là giai đoạn bản lề để VinFast có thể bứt tốc hẳn lên, chiếm lĩnh vị trí cạnh tranh trên thị trường ô tô điện thế giới.

VinFast nhận được số tiền 2,5 tỷ USD trong 1 năm tới.

“Là tập đoàn mẹ của VinFast, chúng tôi phải có trách nhiệm đóng góp vào công cuộc này. Khoản tài trợ và cho vay trị giá 1,5 tỷ USD chính là nguồn góp vốn bổ sung của Tập đoàn cho sự phát triển bứt phá của VinFast trong tương lai. Đây cũng chính là cơ hội trăm năm cho sự phát triển của công nghiệp nước nhà”, ông Quang nói.

Đại diện của tỷ phú Phạm Nhật Vượng chia sẻ, việc xây dựng một thương hiệu quốc gia có khả năng cạnh tranh ở tầm quốc tế là một hành trình đặc biệt khó khăn, thách thức và đòi hỏi sự hy sinh lợi ích trước mắt.

“Ông Phạm Nhật Vượng hiểu rất rõ điều này và sẵn sàng hiến tặng một phần tài sản cá nhân để tiếp sức cho VinFast trong giai đoạn tăng tốc bản lề nhằm ghi bằng được dấu ấn Việt Nam trên thị trường xe điện thế giới. Bên cạnh đó, sự thành công của VinFast sẽ góp phần thúc đẩy công nghiệp, công nghệ Việt Nam phát triển, đồng thời tham gia tích cực vào công cuộc chuyển đổi xanh trên toàn cầu”, vị này cho biết.

VinFast là công ty thành viên của Tập đoàn Vingroup, được thành lập năm 2017 chuyên sản xuất và kinh doanh ô tô, xe máy điện và chuyển hẳn sang thuần điện từ năm 2022. Đến nay, VinFast đã ra mắt thị trường 6 mẫu ô tô điện phủ đủ các phân khúc phổ thông A, B, C, D, E; 1 mẫu xe buýt điện và 9 dòng xe máy điện, đồng thời xuất khẩu ra thị trường nước ngoài gần 3.000 xe ô tô điện.

Tại Việt Nam, VinFast đã bước đầu chinh phục được khách hàng và trở thành thương hiệu quốc dân được đông đảo người tiêu dùng yêu thích. Ở các thị trường quốc tế, VinFast đang từng bước gia nhập thị trường với những đón nhận tích cực. Sau lô xe thứ 2 xuất khẩu sang Mỹ và Canada vào tháng 4/2023, dự kiến xe VinFast cũng sẽ hiện diện tại Pháp, Đức, Hà Lan ngay trong năm nay.

⭐ BÀI CA HỒ CHÍ MINH - Đa ngôn ngữ

Hầm xuyên núi ở cao tốc Nha Trang - Cam Lâm

Hầm Dốc Sạn là hạng mục quan trọng nhất trên cao tốc Nha Trang – Cam Lâm, vốn đầu tư 1.200 tỷ đồng, vừa được chủ đầu tư công bố về đích trước ba tháng.

Dự án Hầm Dốc Sạn có hai ống, tổng chiều dài 1,5 km, mỗi bên dài gần 750 m, vốn đầu tư hơn 1.200 tỷ đồng. Công trình là hạng mục quan trọng nhất tại dự án cao tốc Nha Trang - Cam Lâm do chủ đầu tư là Công ty TNHH Tập đoàn Sơn Hải thực hiện.
Công trình bắt đầu khởi công tháng 11/2021. Để đẩy nhanh dự án, chủ đầu tư đã bố trí các nhà thầu kinh nghiệm nhất về thi công hầm xuyên núi. Công trường hầm được bố trí 4 mũi thi công đào và gia cố hầm, hai mũi thi công gia cố mái cửa hầm. Các đơn vị tổ chức thi công ba ca bốn kíp liên tục, trung bình đào khoảng 10 m hầm mỗi ngày.

Máy chuyên dụng bơm vữa lấp đầy lỗ neo tại hầm hồi tháng 2/2022. Mục đích của công đoạn này là cung cấp vữa cho toàn bộ chiều dài của phần bầu neo, giúp ổn định các lỗ khoan.

Các công nhân lắp đặt neo gia cố vòm hầm, thi công được 150 m mỗi bên ống hầm hồi tháng 2 năm ngoái.

Để thi công hầm vượt tiến độ, nhà thầu đã huy động tối đa nhân lực với hơn 500 thiết bị, 1.500 công nhân, chia ba ca làm cả ngày lẫn đêm

Công nhân kích mìn thông hầm Dốc Sạn giữa tháng 5/2022.

Khói bụi dày đặc sau khi kích mìn. Tại hầm có trang bị hệ thống hút khói bụi đưa ra ngoài để chuẩn bị cho các công đoạn thi công tiếp theo.

Hệ thống ván khuôn thi công bêtông vỏ hầm vào hồi tháng 2 năm nay.

Công nhân hàn ván khuôn thi công vỏ hầm.

Hiện hầm Dốc Sạn được hoàn thiện đổ bêtông vỏ hầm và chuẩn bị thảm nhựa, dự kiến hoàn thành cuối tháng 4, sớm trước ba tháng theo yêu cầu của Chính phủ và Bộ Giao thông Vận tải.

Hiện mặt phía nam của hầm được thi công hoàn thiện những công đoạn cuối cùng.

Cao tốc Nha Trang - Cam Lâm dài 49 km, khởi công tháng 9/2021, tổng kinh phí hơn 7.600 tỷ đồng. Dự án quy mô 4 làn xe, điểm đầu tại xã Diên Thọ, huyện Diên Khánh, điểm cuối tại xã Cam Thịnh Tây, TP Cam Ranh. Sau gần hai năm triển khai, công trình hoàn thành hơn 95% tiến độ.

Hướng tuyến cao tốc Nha Trang - Cam Lâm. Đồ họa: Khánh Hoàng

Hát mãi khúc quân hành

Sức trẻ Trường Sa

Thứ Tư, 26 tháng 4, 2023

Vì sao cao tốc Nha Trang - Cam Lâm vượt tiến độ ba tháng?

Nhà đầu tư tuân thủ kế hoạch đề ra, thi công ngày đêm, trang bị nhiều công nghệ hiện đại lần đầu tiên có ở Việt Nam giúp dự án về đích trước hạn.

Cao tốc Nha Trang - Cam Lâm dài hơn 49 km, khởi công tháng 9/2021, tổng kinh phí hơn 7.600 tỷ đồng. Dự án quy mô 4 làn xe, điểm đầu tại xã Diên Thọ, huyện Diên Khánh, điểm cuối tại xã Cam Thịnh Tây, TP Cam Ranh. Sau gần hai năm triển khai, công trình hoàn thành hơn 95% tiến độ. Hôm 20/4, chủ đầu tư là Công ty TNHH Tập đoàn Sơn Hải đã đề xuất Bộ Giao thông Vận tải cho tổ chức lễ hoàn thành dự án vào cuối tháng 5 thay vì đầu tháng 9/2023 như kế hoạch.

Xe thảm bêtông nhựa nóng và xe lu lèn hiện đại được nhập khẩu từ nước ngoài. Ảnh: Bùi Toàn

Xe thảm bêtông nhựa nóng và xe lu lèn hiện đại được nhập khẩu từ nước ngoài. Ảnh: Bùi Toàn

Lý giải dự án vượt tiến độ đề ra, ông Nguyễn Văn Huy, Giám đốc Công ty TNHH Đầu tư đường cao tốc Nha Trang – Cam Lâm, cho biết thời điểm ký hợp đồng dự án gặp nhiều khó khăn do Covid-19 và giá cả nguyên vật liệu tăng cao. Tuy nhiên đơn vị có sự chuẩn bị từ trước, lập kế hoạch đầu tư, bố trí vốn phù hợp, áp dụng công nghệ hiện đại nên dự án sớm về đích.

Cụ thể, doanh nghiệp đã nhập nhiều máy móc từ châu Âu và Mỹ phục vụ thi công. Đáng chú ý nhất là máy trộn bêtông nhựa chuyên dụng của Đức giúp tăng tốc độ thảm, có thể thi công làn 8 m so với công nghệ cũ chỉ thực hiện làn 4 m. Công nghệ mới còn giúp dự án tiết kiệm nhân công khi một dây chuyền thảm chỉ cần 5 công nhân vận hành so với 20 kỹ sư, công nhân như trước đây.

Ngoài ra, hệ thống cung cấp vật liệu thảm của dự án được nhập từ nước ngoài có thể giữ nhiệt độ bêtông nhựa trộn từ nhà máy ra tới công trường, giúp nền đường đáp ứng yêu cầu kỹ thuật. Việc xây dựng dải phân cách giữa được nhà thầu dùng máy chuyên dụng, bêtông được đổ liền khối bề mặt láng mịn, không nứt nẻ. Mỗi ngày dây chuyền này có thể đổ một km dải phân cách giữa, tăng gấp đôi công suất so với cách làm cũ.

Thi công hầm Dốc Sạn, hồi tháng 2/2023. Ảnh: Bùi Toàn

Thi công hầm Dốc Sạn, hồi tháng 2/2023. Ảnh: Bùi Toàn

Ở hạng mục quan trọng nhất dự án là hầm Dốc Sạn (hai ống tổng chiều dài 1,5 km, vốn đầu tư hơn 1.200 tỷ đồng), chủ đầu tư bố trí các nhà thầu kinh nghiệm nhất về thi công hầm xuyên núi. Công trường hầm được bố trí 4 mũi thi công đào và gia cố hầm, hai mũi thi công gia cố mái cửa hầm. Các đơn vị tổ chức thi công ba ca bốn kíp liên tục, trung bình đào được khoảng 10 m hầm mỗi ngày. Hiện công trình được hoàn thiện đổ bêtông vỏ hầm, dự kiến cuối tháng 4 sẽ xong, sớm trước ba tháng theo yêu cầu của Chính phủ và Bộ Giao thông Vận tải.

Cao tốc Nha Trang - Cam Lâm về đích trước hạn được xem điểm sáng ở lĩnh vực giao thông trong bối cảnh nhiều dự án trọng điểm chậm trễ kéo dài. TS Chu Công Minh, chuyên ngành cầu đường thuộc Đại học Bách Khoa TP HCM, nói cao tốc được đầu tư theo hình thức đối tác công - tư (PPP), có sự tham gia của tư nhân (Tập đoàn Sơn Hải góp hơn 2.600 tỷ đồng) là nguyên nhân chính khiến dự án đẩy nhanh tiến độ.

"Khi bỏ vốn vào, doanh nghiệp phải tìm các giải pháp nhằm sớm hoàn thành và thu hồi vốn dự án, mang lại hiệu quả kinh tế", ông Minh nói và cho biết doanh nghiệp tư nhân cũng dễ xử lý, tháo gỡ nhanh hơn nếu quá trình triển khai phát sinh vướng mắc.

Hướng tuyến cao tốc Nha Trang - Cam Lâm. Đồ họa: Khánh Hoàng

Hướng tuyến cao tốc Nha Trang - Cam Lâm. Đồ họa: Khánh Hoàng

Ông Minh cho biết vốn đầu tư cho hạ tầng giao thông, đặc biệt là các tuyến cao tốc rất lớn, nếu chỉ trông chờ vào nguồn ngân sách sẽ không thể đáp ứng. Do đó việc đầu tư cao tốc cần được khuyến khích theo hình thức PPP, góp phần giảm gánh nặng cho ngân sách, đẩy nhanh tiến độ công trình.

Tuy nhiên, việc huy động nguồn lực tư nhân cho các dự án cần có cơ chế, chính sách rõ ràng bởi chi phí đầu tư rất tốn kém, lại thêm các rủi ro như địa hình, khan hiếm vật liệu, dự kiến nguồn thu thấp. Điều này dẫn đến nhà đầu tư không mặn mà và thực tế nhiều công trình dự tính làm PPP phải chuyển qua đầu tư công.

Để bụi phát tán ở sân bay Long Thành, ACV bị phạt 270 triệu đồng

Tổng công ty Cảng hàng không (ACV) bị phạt 270 triệu đồng do để quá trình triển khai, thi công sân bay Long Thành phát sinh bụi, ảnh hưởng người dân.

Ngày 26/4, ông Lê Vũ Tuấn Anh, Chánh thanh tra Bộ Tài nguyên và Môi trường, cho biết vừa ký quyết định xử phạt ACV - chủ đầu tư dự án thành phần 3 sân bay Long Thành 270 triệu đồng vì các lỗi vi phạm khi triển khai dự án.

Bụi do lốc xoáy trên công trường sân bay Long Thành. Ảnh: Phước Tuấn

Bụi do lốc xoáy trên công trường sân bay Long Thành. Ảnh: Phước Tuấn

Theo Thanh tra Bộ, ACV bị phạt 90 triệu đồng do thực hiện không đúng một trong các nội dung liên quan báo cáo đánh giá tác động môi trường thuộc thẩm quyền phê duyệt của Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Cụ thể, đơn vị chưa bố trí các hồ để chứa nước mưa và chưa xây hệ thống rãnh thoát nước mưa lúc thi công; chưa thực hiện gia cố kè, taluy; chưa có các hồ lắng, mương thoát nước, xử lý nước từ các hồ trước khi thải ra suối xung quanh tại khu vực bãi lưu trữ đất đào dư thừa (diện tích 722 ha).

ACV không thường xuyên tưới, phun nước ở dự án khiến khi thi công bụi gia tăng, phát tán ra môi trường. Với việc làm gây bụi ô nhiễm vượt chuẩn 5-10 lần, chủ đầu tư còn bị phạt 180 triệu đồng.

Thanh tra Bộ Tài nguyên và Môi trường yêu cầu ACV thực hiện các biện pháp khắc phục ô nhiễm bụi như: tưới nước, giảm cường độ thi công của nhà thầu thời gian 10-12h13-16h bụi khô phát tán mạnh.

Chủ đầu tư cần thực hiện trồng cỏ ngay sau khi hoàn thiện thi công đắp tại bãi trữ đất 722 ha, xây hồ điều hòa để chứa nước. Các xe vận chuyển đất phải chạy đúng tuyến đường đã được tưới nước với tốc độ cho phép.

Bụi ở sân bay Long Thành phủ kín trường tiểu học cách đó gần một km. Ảnh: Phước Tuấn

Bụi ở sân bay Long Thành phủ kín trường tiểu học cách đó gần một km. Ảnh: Phước Tuấn

Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, đây là công trình trọng điểm quốc gia, cần đẩy nhanh tiến độ để gấp rút hoàn thành nên không áp dụng biện pháp đình chỉ hoạt động. Hơn nữa, việc dừng thi công không giảm được ô nhiễm bụi mà còn nguy cơ gia tăng từ khu vực mặt bằng đã được san lấp trên diện tích 2.500 ha.

Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành có tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 336.630 tỷ đồng, chia làm ba giai đoạn. Giai đoạn 1, sân bay xây một đường cất hạ cánh, nhà ga hành khách cùng các hạng mục phụ trợ với công suất 25 triệu khách/năm.

Dự án thi công từ đầu năm 2022 đến nay đã làm bụi bay xa 10 km, tới các khu xung quanh, ảnh hưởng sức khỏe và sinh hoạt người dân. Kết quả quan trắc không khí định kỳ khu vực xây sân bay Long Thành trong năm 2022 cho thấy ô nhiễm bụi vượt quy chuẩn từ 1,02 đến 18,32 lần.

SJC dự tính năm nay bán hơn 36.000 lượng vàng miếng

SJC dự tính năm nay tiêu thụ 36.158 lượng vàng miếng và hơn nửa triệu món nữ trang để có doanh thu tăng vọt so với kế hoạch năm trước, lên 30.400 tỷ đồng.

Với mức doanh thu dự kiến này, đây sẽ là mức cao nhất từ 2013 đến nay. Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) cũng đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế năm nay 71 tỷ đồng và sau thuế gần 57 tỷ đồng. Biên lợi nhuận ròng theo đó khoảng 0,19%, thấp hơn nhiều so với tỷ suất sinh lời của các thương hiệu kim hoàn tư nhân.

Đây là lần đầu tiên SJC công bố kế hoạch tiêu thụ vàng miếng. Những năm trước, công ty này chỉ thông báo kế hoạch doanh thu và lợi nhuận.

Trong kế hoạch năm nay, công ty này cho biết đang tính đến việc mở rộng thị trường và đưa thương hiệu vàng SJC ra các nước trong khu vực Đông Nam Á. Công ty cũng liên kết với các trường đại học chuyên ngành mỹ thuật và tuyển dụng nghệ nhân để thành lập trường đào tạo, dạy nghề kim hoàn nhằm hướng đến mục tiêu trở thành doanh nghiệp đầu ngành về sản xuất và kinh doanh nữ trang.

Theo ban lãnh đạo SJC, kế hoạch trên do công ty tự xây dựng trong lúc chưa nhận được chỉ tiêu từ UBND TP HCM - đơn vị đại diện nhà nước sở hữu 100% vốn - giao cho.

Vàng miếng SJC được trưng bày tại một tiệm vàng ở quận Bình Thạnh, TP HCM. Ảnh: Quỳnh Trần

Vàng miếng SJC được trưng bày tại một tiệm vàng ở quận Bình Thạnh, TP HCM. Ảnh: Quỳnh Trần

SJC hiện chưa công bố báo cáo tài chính kiểm toán năm 2022, nhưng nhiều khả năng kết quả sẽ tăng trưởng đột biến bởi năm ngoái là giai đoạn thị trường kim loại quý biến động mạnh nhất trong một thập kỷ qua. Giá vàng miếng có lúc lên đỉnh lịch sử 74 triệu đồng, còn vàng nhẫn có thương hiệu cũng chạm mốc 57 triệu đồng. Trong nửa đầu năm ngoái, SJC đã ghi nhận doanh thu gần 19.000 tỷ đồng và lãi trước thuế 60 tỷ đồng, bằng kế hoạch cả năm.

Bà Lê Thúy Hằng, Tổng giám đốc SJC, từng cho biết công ty được Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước lựa chọn làm thương hiệu vàng miếng quốc gia từ năm 2012. Việc sản xuất vàng miếng từ đó được Ngân hàng Nhà nước quản lý rất chặt chẽ trong tất cả khâu, bắt đầu từ cân đo sản phẩm, kiểm tra series, đốt nấu và dập ra vàng miếng. Công ty không được dập vàng miếng từ nguyên liệu và cũng mất hoàn toàn các lợi thế về kinh doanh khi trở thành thương hiệu độc quyền quốc gia.

Phương Đông

Trung Quốc đau đầu vì lạm phát thấp

Khi gần như cả thế giới phải tìm cách ghìm giá cả đang tăng vọt, Trung Quốc lại đối mặt với tình hình ngược lại.

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Trung Quốc chỉ tăng 0,7% trong tháng 3 so với cùng kỳ năm ngoái - thấp nhất 18 tháng. Chỉ số giá sản xuất (PPI) giảm 6 tháng liên tiếp. Trong khi đó, tại Mỹ, CPI dù đã hạ nhiệt đáng kể vẫn tăng 5% tháng trước. Ở Liên minh châu Âu (EU), tốc độ này là 8,3%. Còn ở Anh là 10,1%.

Giá cả tại Trung Quốc đang tăng chậm, thậm chí giảm bất chấp việc Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC) đã hạ lãi suất và bơm tiền vào hệ thống tài chính để kích thích kinh tế. Cuối năm ngoái, họ cũng đã gỡ bỏ các biện pháp phòng dịch nghiêm ngặt.

Mục tiêu lạm phát của Trung Quốc năm nay là 3%. Năm ngoái, mức tăng CPI là 2%.

Giới phân tích cho rằng lo lắng về triển vọng kinh tế khiến các hộ gia đình Trung Quốc tiếp tục tiết kiệm tiền thay vì chi tiêu. Các công ty cũng ngần ngại đầu tư mới. Việc này có thể gây ra vòng xoáy giảm giá – giảm lương khiến nền kinh tế khó hồi phục hoàn toàn.

Người dân mua sắm tại một khu chợ ở Bắc Kinh (Trung Quốc). Ảnh: Reuters

Người dân mua sắm tại một khu chợ ở Bắc Kinh (Trung Quốc). Ảnh: Reuters

"Quan điểm của chúng tôi là Trung Quốc đang giảm phát", Raymond Yeung – kinh tế trưởng khu vực Trung Quốc tại ANZ nhận định ngay sau khi Trung Quốc công bố GDP quý I. Dù nền kinh tế lớn nhì thế giới tăng trưởng 4,5% trong ba tháng đầu năm, mức tăng này chủ yếu phản ánh tác động từ việc nhu cầu bị kìm nén sau 3 năm đại dịch, Yeung cho biết. Nếu loại bỏ điều này, tốc độ tăng trưởng chỉ còn 2,6%.

Lượng tiền trong nền kinh tế Trung Quốc hiện khá lớn. Cung tiền tăng thêm kỷ lục 5.600 tỷ USD trong 15 tháng qua. PBOC đang cố khuyến khích mọi người chi tiêu bằng cách tăng thanh khoản của các ngân hàng, thông qua các công cụ như nghiệp vụ thị trường mở hay giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc.

Tuy nhiên, người tiêu dùng vẫn im hơi lặng tiếng. Thay vì chi tiêu, người dân đang tích trữ tiền với mức độ kỷ lục. Phần lớn các khoản cho vay mới của các ngân hàng là cho chính quyền địa phương, chủ yếu để trả nợ, các nhà phân tích cho biết.

Việc giá cả đi xuống và nguồn cung tiền tăng lên đang làm dấy lên lo ngại giảm phát. Giảm phát được định nghĩa là mức giảm bền vững và trên quy mô lớn với giá hàng hóa, dịch vụ trong một khoảng thời gian nhất định.

Đây không phải là điều tích cực với nền kinh tế. Vì khi người tiêu dùng và doanh nghiệp trì hoãn chi tiêu để kỳ vọng giá giảm thêm, các vấn đề kinh tế sẽ càng trầm trọng.

Giảm phát đã gây sức ép lên kinh tế Nhật Bản 2 thập kỷ qua. Đến gần đây, giới chức Nhật Bản mới có thể đảo ngược xu hướng này.

"CPI đã rơi xuống dưới 1%. PPI thì đã vào vùng giảm phát. Nền kinh tế vẫn đang phục hồi đúng lộ trình, nhưng chưa đủ để kéo giá cả lên cao", Zhang Zhiwei - Giám đốc hãng quản lý tài sản Pinpoint Asset Management nhận xét trên SCMP. Ông cho rằng kinh tế Trung Quốc đang vận hành dưới tiềm năng.

Trên Reuters, Zhou Hao - nhà kinh tế học tại Guotai Junan International cũng nhận định kinh tế Trung Quốc đang bước vào quá trình lạm phát thấp dần. Việc này đòi hỏi "tăng dư địa nới lỏng tiền tệ để kích cầu".

Liu Yuhui – Giáo sư tại Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc (CASS) cho biết trong một bài phát biểu gần đây rằng kinh tế Trung Quốc vẫn còn "yếu", khi giá bất động sản và tài sản tài chính "không tăng".

Các hộ gia đình Trung Quốc hiện có khối nợ lớn và chưa sẵn sàng chi tiêu. Các chính quyền địa phương cũng thiệt hại ngân sách nhiều vì đại dịch và khủng hoảng bất động sản. "Tình hình của Trung Quốc hiện tại giống Mỹ 15 năm trước và Nhật Bản 30 năm trước", Liu đánh giá.

Yu Yongding - cựu giám đốc Viện Kinh tế và Chính trị Thế giới thuộc CASS cũng thừa nhận nền kinh tế đang đối mặt với áp lực giảm phát. "Tôi cho rằng việc tuyên bố 'giảm phát đang bắt đầu' là không hoàn toàn chính xác, nhưng cũng không phải sai lầm lớn. Chúng ta cần chú ý đến vấn đề này", ông cho biết trong một bài đăng trên trang tin tức Netease (Trung Quốc), "Tổng cầu yếu là vấn đề của nền kinh tế".

Li Daokui - Giáo sư Kinh tế tại Đại học Thanh Hoa thúc giục Bắc Kinh phát tiền cho người dân để kích thích nhu cầu. Đây là biện pháp được nhiều nước lớn áp dụng, như Mỹ hay Australia. Dù vậy, cách này hiếm khi được giới chức Trung Quốc thực hiện.

Ông kêu gọi chính phủ phát 500 tỷ nhân dân tệ (72,5 tỷ USD) phiếu mua hàng để kích thích chi tiêu trong năm nay. "Kể cả với kịch bản thận trọng nhất, 500 tỷ nhân dân tệ này cũng có thể tạo ra 1.000 tỷ nhân dân tệ tiêu dùng", ông cho biết trong video trên trang cá nhân hôm 25/4.

Đổi lại, chính phủ cũng có thể nhận được ít nhất 300 tỷ nhân dân tệ thông qua thuế thu được từ việc tăng chi tiêu. "Vì thế, nếu chỉ tốn 200 tỷ nhân dân tệ để tạo ra 1.000 tỷ nhân dân tệ tiêu dùng, tại sao chúng ta không làm?", ông nói.

PBOC thì phủ nhận nguy cơ giảm phát và bảo vệ các chính sách hiện tại. "Khả năng giảm phát hoặc lạm phát trong dài hạn là không có cơ sở", Zou Lan - một quan chức PBOC cho biết trong họp báo tuần trước tại Bắc Kinh.

"Khi các chính sách hỗ trợ tài chính có hiệu lực, tiêu dùng được dự báo tăng tốc và giá cả sẽ quay về mức trung bình của các năm trước ngay trong nửa cuối năm nay", ông khẳng định.

Hà Thu (theo CNN, Reuters)