Thứ Tư, 26 tháng 4, 2023

Vì sao cao tốc Nha Trang - Cam Lâm vượt tiến độ ba tháng?

Nhà đầu tư tuân thủ kế hoạch đề ra, thi công ngày đêm, trang bị nhiều công nghệ hiện đại lần đầu tiên có ở Việt Nam giúp dự án về đích trước hạn.

Cao tốc Nha Trang - Cam Lâm dài hơn 49 km, khởi công tháng 9/2021, tổng kinh phí hơn 7.600 tỷ đồng. Dự án quy mô 4 làn xe, điểm đầu tại xã Diên Thọ, huyện Diên Khánh, điểm cuối tại xã Cam Thịnh Tây, TP Cam Ranh. Sau gần hai năm triển khai, công trình hoàn thành hơn 95% tiến độ. Hôm 20/4, chủ đầu tư là Công ty TNHH Tập đoàn Sơn Hải đã đề xuất Bộ Giao thông Vận tải cho tổ chức lễ hoàn thành dự án vào cuối tháng 5 thay vì đầu tháng 9/2023 như kế hoạch.

Xe thảm bêtông nhựa nóng và xe lu lèn hiện đại được nhập khẩu từ nước ngoài. Ảnh: Bùi Toàn

Xe thảm bêtông nhựa nóng và xe lu lèn hiện đại được nhập khẩu từ nước ngoài. Ảnh: Bùi Toàn

Lý giải dự án vượt tiến độ đề ra, ông Nguyễn Văn Huy, Giám đốc Công ty TNHH Đầu tư đường cao tốc Nha Trang – Cam Lâm, cho biết thời điểm ký hợp đồng dự án gặp nhiều khó khăn do Covid-19 và giá cả nguyên vật liệu tăng cao. Tuy nhiên đơn vị có sự chuẩn bị từ trước, lập kế hoạch đầu tư, bố trí vốn phù hợp, áp dụng công nghệ hiện đại nên dự án sớm về đích.

Cụ thể, doanh nghiệp đã nhập nhiều máy móc từ châu Âu và Mỹ phục vụ thi công. Đáng chú ý nhất là máy trộn bêtông nhựa chuyên dụng của Đức giúp tăng tốc độ thảm, có thể thi công làn 8 m so với công nghệ cũ chỉ thực hiện làn 4 m. Công nghệ mới còn giúp dự án tiết kiệm nhân công khi một dây chuyền thảm chỉ cần 5 công nhân vận hành so với 20 kỹ sư, công nhân như trước đây.

Ngoài ra, hệ thống cung cấp vật liệu thảm của dự án được nhập từ nước ngoài có thể giữ nhiệt độ bêtông nhựa trộn từ nhà máy ra tới công trường, giúp nền đường đáp ứng yêu cầu kỹ thuật. Việc xây dựng dải phân cách giữa được nhà thầu dùng máy chuyên dụng, bêtông được đổ liền khối bề mặt láng mịn, không nứt nẻ. Mỗi ngày dây chuyền này có thể đổ một km dải phân cách giữa, tăng gấp đôi công suất so với cách làm cũ.

Thi công hầm Dốc Sạn, hồi tháng 2/2023. Ảnh: Bùi Toàn

Thi công hầm Dốc Sạn, hồi tháng 2/2023. Ảnh: Bùi Toàn

Ở hạng mục quan trọng nhất dự án là hầm Dốc Sạn (hai ống tổng chiều dài 1,5 km, vốn đầu tư hơn 1.200 tỷ đồng), chủ đầu tư bố trí các nhà thầu kinh nghiệm nhất về thi công hầm xuyên núi. Công trường hầm được bố trí 4 mũi thi công đào và gia cố hầm, hai mũi thi công gia cố mái cửa hầm. Các đơn vị tổ chức thi công ba ca bốn kíp liên tục, trung bình đào được khoảng 10 m hầm mỗi ngày. Hiện công trình được hoàn thiện đổ bêtông vỏ hầm, dự kiến cuối tháng 4 sẽ xong, sớm trước ba tháng theo yêu cầu của Chính phủ và Bộ Giao thông Vận tải.

Cao tốc Nha Trang - Cam Lâm về đích trước hạn được xem điểm sáng ở lĩnh vực giao thông trong bối cảnh nhiều dự án trọng điểm chậm trễ kéo dài. TS Chu Công Minh, chuyên ngành cầu đường thuộc Đại học Bách Khoa TP HCM, nói cao tốc được đầu tư theo hình thức đối tác công - tư (PPP), có sự tham gia của tư nhân (Tập đoàn Sơn Hải góp hơn 2.600 tỷ đồng) là nguyên nhân chính khiến dự án đẩy nhanh tiến độ.

"Khi bỏ vốn vào, doanh nghiệp phải tìm các giải pháp nhằm sớm hoàn thành và thu hồi vốn dự án, mang lại hiệu quả kinh tế", ông Minh nói và cho biết doanh nghiệp tư nhân cũng dễ xử lý, tháo gỡ nhanh hơn nếu quá trình triển khai phát sinh vướng mắc.

Hướng tuyến cao tốc Nha Trang - Cam Lâm. Đồ họa: Khánh Hoàng

Hướng tuyến cao tốc Nha Trang - Cam Lâm. Đồ họa: Khánh Hoàng

Ông Minh cho biết vốn đầu tư cho hạ tầng giao thông, đặc biệt là các tuyến cao tốc rất lớn, nếu chỉ trông chờ vào nguồn ngân sách sẽ không thể đáp ứng. Do đó việc đầu tư cao tốc cần được khuyến khích theo hình thức PPP, góp phần giảm gánh nặng cho ngân sách, đẩy nhanh tiến độ công trình.

Tuy nhiên, việc huy động nguồn lực tư nhân cho các dự án cần có cơ chế, chính sách rõ ràng bởi chi phí đầu tư rất tốn kém, lại thêm các rủi ro như địa hình, khan hiếm vật liệu, dự kiến nguồn thu thấp. Điều này dẫn đến nhà đầu tư không mặn mà và thực tế nhiều công trình dự tính làm PPP phải chuyển qua đầu tư công.

Không có nhận xét nào: