Thứ Hai, 17 tháng 4, 2023

Gói 120.000 tỷ sẽ tác động gì đến thị trường địa ốc?

 Gói 120.000 tỷ đồng được dự báo thúc đẩy doanh nghiệp ồ ạt xây nhà xã hội để tiếp cận vốn rẻ (lãi suất 8,7% một năm), hứa hẹn cải thiện nguồn cung nhà giá thấp.

Đầu tháng 4, Thủ tướng đã phê duyệt đề án xây dựng ít nhất một triệu nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp từ nay đến năm 2030 (trong đó đến năm 2025 hoàn thành 428.000 căn). Ngân hàng Nhà nước cũng hướng dẫn về gói vay 120.000 tỷ đồng cho nhà ở xã hội. Theo đó, từ nay đến hết 30/6, chủ đầu tư được vay 8,7% mỗi năm, kéo dài 3 năm kể từ ngày giải ngân; còn người mua nhà được áp mức lãi suất 8,2% mỗi năm trong 5 năm.

Theo các chuyên gia, gói tín dụng này sẽ có những tác động tích cực đến các chủ đầu tư thực hiện dự án nhà ở xã hội nhờ mức lãi suất khá cạnh tranh. Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP HCM (HoREA) Lê Hoàng Châu dự báo gói 120.000 tỷ có thể thổi bùng xu hướng các doanh nghiệp địa ốc chạy đua làm nhà ở xã hội nhằm tranh thủ cơ hội tiếp cận dòng vốn vay rẻ này.

Ông phân tích, hiện nay, ngay cả các doanh nghiệp làm nhà ở thương mại phân khúc bình dân, sản phẩm có giá vừa túi tiền với chỉ số rủi ro thấp (so với nhà ở cao cấp và hạng sang) cũng chỉ tiếp cận được lãi suất tốt khoảng 11-11,5% một năm. Trong khi đó, với mức lãi suất 8,7% mỗi năm kéo dài trong 3 năm, cho thấy doanh nghiệp chuyển sang phân khúc này sẽ được hưởng lợi thế vốn rẻ (trên dưới 3%).

Đối với quá trình xây dựng nhà ở cao tầng (không tính khâu chuẩn bị thủ tục pháp lý), thời gian hoàn thành dự án phổ biến từ 18 đến 36 tháng, tùy vào việc chuẩn bị dòng tiền đến đâu. Do đó, việc doanh nghiệp được tiếp cận lãi suất ưu đãi như trên khá thuận lợi cho các chủ đầu tư chuyển sang làm nhà ở xã hội.

Trong bối cảnh thị trường nhà ở lệch pha cung cầu, thừa nhà giá cao thiếu nhà giá thấp, ông Châu cho rằng việc các doanh nghiệp đăng ký xây nhiều nhà ở xã hội có thể giúp cân bằng lại cán cân cung cầu nhà ở. Nếu các doanh nghiệp xây nhà ở xã hội về đích như số liệu công bố sẽ mở ra cơ hội an cư cho người có thu nhập trung bình thấp lẫn người yếu thế trong xã hội.

Chủ tịch HoREA nói thêm, ngoài việc tranh thủ dòng vốn rẻ, nhiều doanh nghiệp nhảy vào phân khúc này cũng là giải pháp giúp họ cơ cấu lại sản phẩm, giảm hàng giá cao, tăng hàng giá vừa túi tiền, cải thiện thanh khoản đang bế tắc.

Dự án nhà ở xã hội Lê Thành An Lạc, quận Bình Tân, TP HCM. Ảnh: Quỳnh Trần

Dự án nhà ở xã hội Lê Thành An Lạc, quận Bình Tân, TP HCM. Ảnh: Quỳnh Trần

Còn ông Lê Hữu Nghĩa, Giám đốc Công ty Lê Thành, đánh giá gói 120.000 tỷ đồng có thể giúp lưu thông nhanh tiền tệ trong nền kinh tế nếu các dự án nhà ở xã hội được duyệt pháp lý kịp mốc 30/6 tới đây. Tuy nhiên thực tế cho thấy để duyệt xong pháp lý các dự án nhà ở xã hội với tốc độ nhanh nhất phải mất 12 tháng, tức phải đến năm 2024 mới có dự án nhà ở xã hội đạt chuẩn được giải ngân theo gói này và bước vào quá trình xây dựng, sau đó tạo ra thành phẩm.

Vì vậy, để thúc đẩy lưu thông tiền tệ, tăng tốc giải ngân gói tín dụng trên, cơ quan quản lý Nhà nước phải giải quyết nhanh thủ tục hành chính và duyệt cấp phép cho dự án nhà ở xã hội sớm. Song song đó, nên cho phép các doanh nghiệp làm nhà xã hội đã vay thương mại trước đó được chuyển đổi sang gói 120.000 tỷ đồng, giúp chủ đầu tư loại hình này tiếp cận mức lãi suất tốt.

Khi đã có dự án nhà xã hội đầy đủ pháp lý, sẵn sàng xây dựng, bán hàng, dòng vốn rẻ giải ngân từ gói 120.000 tỷ đồng sẽ bắt đầu phát huy tác dụng. Trước mắt gói tín dụng này sẽ có tác động cải thiện nguồn cung nhà ở xã hội, sau đó mới tính đến việc người có thu nhập thấp cân nhắc mua nhà.

Tuy nhiên, theo ông Nghĩa, mức lãi suất 8,7% dành cho doanh nghiệp xây nhà ở xã hội khá cạnh tranh (tương đương với lãi vay kinh doanh sản xuất hiện nay), mức lãi vay 8,2% dành cho người mua nhà xã hội vẫn còn cao. Nếu người thu nhập thấp chần chừ không mua vì lo ngại nặng gánh lãi vay (chỉ duy trì trong 5 năm, sau đó người mua và ngân hàng tự thương lượng lãi suất), có thể làm gián đoạn giải ngân đầu ra gói tín dụng này.

Giám đốc Công ty Lê Thành cho rằng nếu Ngân hàng Nhà nước xem xét điều chỉnh lãi suất 8,2% một năm cho người mua nhà ở xã hội xuống thấp hơn, lý tưởng nhất là 5% với cơ chế Nhà nước cấp bù lãi suất trong thời gian dài 20-25 năm, có thể tạo ra nhiều hiệu ứng lan tỏa tích cực hơn.

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Mạc Hoài Nam, Tổng giám đốc Công ty tư vấn Nam Phát cũng nhìn nhận nếu Nhà nước điều chỉnh lãi vay dành cho người thu nhập thấp xuống mức hợp lý, có thể thúc đẩy dòng tiền từ gói tín dụng này luân chuyển mạnh mẽ trên thị trường, từ đó tạo ra cú hích tích cực trong vòng 6-12 tháng tới ở phân khúc nhà ở này.

Chủ tịch HoREA cũng cho rằng gói tín dụng 120.000 tỷ đồng hỗ trợ rất tốt cho doanh nghiệp xây nhà ở xã hội, tuy nhiên, cần nhìn thẳng vào thực tế, lãi suất 8,2% vẫn chưa hỗ trợ được cho người mua là đối tượng thu nhập thấp. Vì vậy, gói tín dụng này có vai trò "chữa cháy", tức giải quyết được một phần khó khăn trong toàn cảnh bức tranh nhà ở xã hội còn nhiều vướng mắc.

"Gói tín dụng này không phải là cây đũa thần, đây là vốn của ngân hàng thương mại mang ra kinh doanh, mức lãi suất đưa ra mang tính chất nhà băng chia sẻ khó khăn với khách hàng, nên khó có thể đòi hỏi nhiều hơn", ông Châu đánh giá.

Chia sẻ tại hội thảo về nguồn vốn trong nước và vốn FDI cho thị trường bất động sản, Giáo sư tiến sĩ khoa học Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Đầu tư nước ngoài (VAFIE) nhấn mạnh nhà ở xã hội không đơn giản chỉ là vấn đề chỗ ở cho người lao động. Nhà nước cần xem đây là một hệ sinh thái quan trọng của thị trường bất động sản nói riêng và của nền kinh tế nói chung.

Ông Mại đồng tình gói 120.000 tỷ đồng là vốn các ngân hàng thương mại, không phải vốn ngân sách nên không thể bắt các nhà băng phải chịu lỗ hay bù lỗ khi cho vay gói tín dụng này. Vấn đề còn lại là trách nhiệm của cơ quan quản lý Nhà nước, các bộ ngành, cơ quan giúp việc cho Chính phủ nỗ lực thực thi thể chế (thiết kế một gói tín dụng riêng dành cho nhà ở xã hội) mới có thể giúp mục tiêu nhà ở xã hội về đích.

"Nếu không có cách tiếp cận nhà ở xã hội bằng chính sách đặc thù, nổi trội sẽ không bao giờ có thể làm được", ông Mại nói.

Vũ Lê

Nhà ở xã hội - 'chiếc phao' của doanh nghiệp bất động sản

 Mỗi khi thị trường bất động sản gặp khó, doanh nghiệp lại tìm đến nhà ở xã hội, nhà giá rẻ như phao cứu sinh.

Nhà ở xã hội - một phân khúc luôn được nhận định là nhu cầu cao, song nguồn cung luôn thiếu hụt. Thậm chí, từ 2 năm trước, các đơn vị nghiên cứu thị trường đã nhắc đi nhắc lại về sự "tuyệt chủng" của nhà giá rẻ ở các thành phố lớn, nhưng khi đó, các chủ đầu tư lớn vẫn đang "say sưa" với bất động sản cao cấp. Chỉ từ khi thị trường bắt đầu rơi vào khó khăn từ cuối năm ngoái đến nay, các vấn đề về phát triển nhà ở xã hội được bàn đến nhiều hơn, kể cả những chủ đầu tư vốn có thương hiệu làm bất động sản cao cấp.

Trong tài liệu đại hội cổ đông vừa công bố, Vinhomes - nhà phát triển bất động sản lớn nhất thị trường, cho biết thương hiệu nhà ở xã hội Happy Home sẽ là "một trong những trọng tâm phát triển" vào thời gian tới. Dù công bố chiến lược này từ năm ngoái, việc mở rộng quỹ đất cho phân khúc này và triển khai sẽ được Vinhomes tiến hành trong năm nay. Công ty dự kiến bổ sung dự án tại nhiều tỉnh, thành như Hải Phòng, Hưng Yên, Khánh Hòa. Riêng tại Khánh Hòa, chủ đầu tư này vừa được chấp thuận chủ trương đầu tư của dự án 3.700 tỷ đồng tại phường Cam Nghĩa.

Theo Vinhomes, các dự án mang thương hiệu Happy Home dự kiến tại vùng ven các tỉnh, thành phố lớn, sẽ là mô hình nhà ở xã hội đầu tiên tại Việt Nam có tích hợp hệ sinh thái đầy đủ, gồm cả trường học, trung tâm thương mại, khu vui chơi trẻ em, công viên, khu thể thao.

Một dự án nhà ở xã hội đã được đưa vào vận hành tại TP HCM. Ảnh: Quỳnh Trần

Một dự án nhà ở xã hội đã được đưa vào vận hành tại TP HCM. Ảnh: Quỳnh Trần

Tại một hội nghị về nhà ở xã hội, những tên tuổi lớn trên thị trường bất động sản, như Him Lam, Novaland hay Bitexco cũng cho biết sẵn sàng đưa ra thị trường hàng trăm nghìn căn nhà ở xã hội trong những năm tới trên quỹ đất hiện có hoặc mở rộng thêm. Gần đây, chủ đầu tư một loạt dự án căn hộ dát vàng là Hòa Bình Group cũng có kế hoạch phát triển 2 dự án nhà ở xã hội tại Hà Nội, dù chưa hoàn tất về mặt thủ tục.

Ở phía Nam, từ giữa năm 2022, Địa ốc Hoàng Quân (HQC) bắt đầu quay lại với phân khúc sở trường nhà ở xã hội. Tháng 8 năm ngoái, Hoàng Quân mua lại dự án nhà ở xã hội Golden City (Tây Ninh) với giá cao dù trước đó từng bán rẻ, là động thái chuẩn bị cho kịch bản săn dòng vốn vay ưu đãi. Ở kế hoạch năm 2023, đơn vị này đặt mục tiêu kinh doanh tăng 5-7 lần so với cùng kỳ, với "nắm đấm chủ lực" là nhà xã hội. Doanh nghiệp đi đầu phân khúc này ở khu vực phía Nam kỳ vọng doanh thu đạt 1.700 tỷ đồng, phần lớn đến từ các dự án nhà ở xã hội tại Trà Vinh, Tây Ninh. Cổ phiếu HQC trở thành cái tên được chú ý gần đây khi liên tục tăng kịch trần.

Nói với VnExpress, ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch HĐQT GP Invest, cho rằng nhà ở xã hội là đường thoát tối ưu cho doanh nghiệp bất động sản trong bối cảnh các dự án bị ách tắc về pháp lý, thanh khoản thấp, thậm chí bằng 0. Tuy biên lợi nhuận với nhà ở xã hội thấp hơn và cũng không ít khó khăn bởi các điều kiện với người mua, thời điểm bán, chính sách vay song theo ông Hiệp, nếu các doanh nghiệp biết chắt chiu, đây vẫn là con đường lui có ánh sáng.

Dù nhiều kế hoạch chỉ là bước đầu, giới phân tích cho rằng việc xoay trục này cho thấy mỗi khi bế tắc, doanh nghiệp lại nghĩ đến nhà ở xã hội, nhà giá rẻ như phao cứu sinh. Trước đây, giữa lúc thị trường bất động sản đang ở đáy của cuộc khủng hoảng kéo dài từ năm 2011, phân khúc nhà giá rẻ có thanh khoản tốt đã hâm nóng lại thị trường bị đóng băng suốt thời gian dài nhờ gói vay hỗ trợ lãi suất của Chính phủ (gói 30.000 tỷ đồng).

Vì thế, theo ông Nguyễn Mạc Hoài Nam, Tổng giám đốc Công ty tư vấn Nam Phát, việc tăng nguồn cung nhà ở xã hội và nhà thương mại giá rẻ ở giai đoạn này không chỉ cứu doanh nghiệp mà còn có thể "rã đông" thị trường địa ốc. Chuyên gia này, cho rằng khi tham gia phân khúc này, các chủ đầu tư kỳ vọng vào 2 điểm sáng, về thanh khoản và nguồn tín dụng (cho cả chủ đầu tư và người mua).

Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP HCM (HoREA), ông Lê Hoàng Châu cũng đồng tình với quan điểm này này. Theo ông, hiện nay, ngay cả các doanh nghiệp làm nhà ở thương mại phân khúc bình dân, sản phẩm có giá vừa túi tiền với chỉ số rủi ro thấp (so với nhà ở cao cấp và hạng sang) cũng chỉ tiếp cận được lãi suất khoảng 11-11,5% một năm. Trong khi đó, lãi suất cho chủ đầu tư xây nhà ở xã hội là 8,7% mỗi năm từ nay đến hết 30/6 và kéo dài trong ba năm, cho thấy doanh nghiệp chuyển sang phân khúc này sẽ được hưởng lợi thế vốn rẻ (trên dưới 3%).

Dù vậy, ông Hoài Nam cho rằng làm nhà ở xã hội cũng là bước vào đường đua đầy thử thách do biên lãi không cao (giới hạn 10%), pháp lý khó tương đương nhà ở thương mại, giá bán và đối tượng bán phải theo quy định. Điều này lý giải vì sao trước đây số doanh nghiệp xây nhà ở xã hội đếm trên đầu ngón tay, ít có đơn vị nào mặn mà làm nhà ở xã hội khi thị trường nhà đất nóng sốt.

Nhìn vào thực tế nguồn cung nhà xã hội nhỏ giọt những năm qua, một số chuyên gia cũng nêu vấn đề, liệu các doanh nghiệp có hiện thực hóa được các kế hoạch khá tham vọng nói trên hay không. Tuy nhiên, ông Hiệp cho rằng, để nhận định về tính khả thi của các kế hoạch ở thời điểm này còn quá sớm, song khi một số chủ đầu tư tư nhân lớn đã tham gia vào đồng nghĩa với việc phân khúc này sẽ có sức sống hơn.

"Và một trong những vấn đề quan trọng nhất của việc phát triển phân khúc này không chỉ là vốn, mà còn vấn đề quỹ đất và cơ chế lựa chọn nhà đầu tư. Hai mấu chốt trên nếu được mở sẽ trở thành động lực trong dài hạn cho nhà ở xã hội", ông Hiệp nói.

Trước đó, liên quan đến chính sách phát triển phân khúc này, Chính phủ công bố đề án xây dựng ít nhất một triệu căn nhà ở xã hội từ nay cho đến năm 2030, trong đó đến năm 2025 hoàn thành 428.000 căn. Trong đề án, tổng vốn dự kiến cho kế hoạch là 849.000 tỷ đồng, chủ yếu bằng vốn xã hội hóa.

Các ngân hàng cũng vào cuộc thông qua việc triển khai chương trình cho vay ưu đãi với quy mô 120.000 tỷ đồng. Trong đó, từ nay đến hết 30/6, chủ đầu tư được vay 8,7% mỗi năm, kéo dài trong 3 năm kể từ ngày giải ngân; còn người mua nhà được áp mức lãi suất 8,2% mỗi năm trong 5 năm. Sau thời gian này, Ngân hàng Nhà nước sẽ thông báo lãi suất định kỳ 6 tháng một lần.

Lao động 'nắm đằng lưỡi' khi doanh nghiệp nợ BHXH

 

Doanh nghiệp nợ bảo hiểm xã hội (BHXH), lao động bị ngưng nhiều quyền lợi về trợ cấp, ốm đau, thai sản, trong khi hàng tháng phải trừ lương để đóng bảo hiểm.

Sáu năm trước, chị Nguyễn Thị Ngọc Diễm rời Cần Thơ lên TP HCM, làm ở công ty may tại Gò Vấp. Hai năm sau công ty phá sản, nữ công nhân chuyển đến Công ty TNHH Asia Garment, chi nhánh quận 12. Trong 4 năm làm việc tại đây, hàng tháng chị đều bị công ty trích 10,5% lương, tức hơn 500.000 đồng để đóng BHXH bắt buộc.

Bị trừ một khoản khá lớn so với thu nhập, người phụ nữ 46 tuổi nói "rất xót ruột nhưng nghĩ đến lợi ích lâu dài nên chấp nhận". Tuy nhiên, khi bị ốm đi viện và cần thanh toán bảo hiểm y tế, chị bị bệnh viện từ chối do công ty nợ bảo hiểm đã hơn hai năm. Không chỉ chị Diễm, nhiều đồng nghiệp sinh con cũng không được hưởng chế độ thai sản với lý do tương tự. Công nhân nghỉ việc, khiếu nại khắp nơi nhưng mọi thứ gần như đi vào ngõ cụt.

Chị Diễm chưa biết làm gì với cuốn sổ BHXH bị nợ 2,5 năm đóng. Ảnh: Lê Tuyết

Chị Nguyễn Thị Ngọc Diễm chưa biết làm gì với cuốn sổ BHXH bị nợ 2,5 năm đóng. Ảnh: Lê Tuyết

Khi thành phố bùng dịch, cuộc sống nữ công nhân lâm vào cảnh khốn khó. Không còn chỗ bấu víu, chị nghĩ đến khoản tiền đã đóng vào quỹ bảo hiểm và quyết định rút. Đến nay sau 4 lần lên xuống cơ quan BHXH quận Tân Bình, chị đều nhận được cái lắc đầu từ nhân viên. Lý do được đưa ra là công ty nợ bảo hiểm gần 9 tỷ đồng nên khoản trợ cấp của chị không được giải quyết.

"Lỗi không phải của tôi nhưng cuối cùng tôi lại gánh hậu quả", chị Diễm nói. Quá thất vọng nên khi xin vào làm việc ở chỗ mới, chị đề nghị công ty ký hợp đồng thời vụ, nhận lương tuần, từ chối tham gia bảo hiểm xã hội.

Từng tiếp nhận nhiều vụ việc tương tự, bà Bùi Thị Ngọc Trang, Chủ tịch Công đoàn các khu công nghiệp Long An, nói rằng có trường hợp làm việc gần chục năm nhưng đến khi làm trợ cấp thất nghiệp, trung tâm dịch vụ việc làm thông báo có hai tháng không đóng BHXH nên không giải quyết. Theo bà, lao động có 10 năm làm việc, tức 120 tháng, nhưng chỉ vì bị nợ hai tháng mà không được hưởng chế độ là quá thiệt thòi.

"Doanh nghiệp để nợ nhưng cơ quan bảo hiểm không giải quyết quyền lợi cho người lao động là vô lý", bà Trang nói.

Ông Nguyễn Duy Minh, cán bộ Liên đoàn lao động huyện Hóc Môn (TP HCM), nói trước đây trên địa bàn có doanh nghiệp để nợ BHXH, chủ bỏ trốn. Công nhân tứ tán khắp nơi. Mới đây nhiều lao động lớn tuổi không tìm được việc làm nên quay về đề nghị công đoàn hỗ trợ để nhận trợ cấp một lần. Tuy nhiên thủ tục gặp nhiều khó khăn, cơ quan BHXH yêu cầu phải có quyết định phá sản của doanh nghiệp mới giải quyết.

"Không tìm được tung tích chủ doanh nghiệp thì làm thủ tục phá sản thế nào, quyền lợi của lao động bị treo đến bao giờ", ông Minh đặt câu hỏi.

tỷ đồngtriệu ngườiSố tiền và số lao động bị nợ bảo hiểm xã hội lũy kế đến hết năm 2022(số tiền cột trái, số người cột phải)2202208 .8888 .8884 .0484 .0482,132,130,440,440,210,21Tiền nợSố người1-3 thángTrên 3 thángKhó thu hồi02,5k5k7,5k10k00,61,21,82,4Nguồn: Bảo hiểm Xã hội Việt Nam

Theo thống kê của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, đến năm 2022, có gần 213.400 lao động chưa được giải quyết quyền lợi do doanh nghiệp để nợ hơn 4.000 tỷ đồng. Đây là những những khoản nợ "khó đòi" do công ty phá sản, ngừng hoạt động, chủ bỏ trốn. Ngoài việc cơ quan bảo hiểm phát sinh khoản nợ lớn, phần lớn hậu quả người lao động phải gánh chịu khi doanh nghiệp nợ BHXH.

Trước tình trạng này, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đề xuất Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội giải quyết các chế độ hưu trí, ốm đau, thai sản của lao động đều tính trên thời gian thực đóng, không áp dụng thời gian bị nợ. Nếu sau này nợ được doanh nghiệp đóng bù hoặc nguồn tài chính khác bổ sung, cơ quan bảo hiểm xã hội sẽ cộng thêm để tính lại mức hưởng. Riêng lao động đủ tuổi nghỉ hưu mà đóng bảo hiểm dưới 20 năm, trong đó có 10 năm thực đóng trở lên (không tính thời gian bị nợ), nếu có nguyện vọng sẽ tham gia bảo hiểm tự nguyện một lần cho những năm còn thiếu để hưởng lương hưu.

Đề xuất của Bảo hiểm xã hội Việt Nam được xem tăng thêm một số quyền cho người lao động, song hiện chỉ dừng lại ở giai đoạn doanh nghiệp không để nợ. Đại diện một số công đoàn cơ sở cho rằng nếu công bằng phải giải quyết đầy đủ tất cả quyền lợi cho lao động ngay khi phát sinh.

Công nhân tập trung trước Công ty cổ phần dệt may Gia Định ở quận 1 (TP HCM) để đòi quyền lợi bảo hiểm xã hội vào ngày 11/4. Ảnh: Thanh Tùng

Công nhân tập trung trước Công ty cổ phần dệt may Gia Định ở quận 1 (TP HCM) để đòi quyền lợi bảo hiểm xã hội vào ngày 11/4. Ảnh: Thanh Tùng

Ông Dương Văn Thuận, cán bộ Trung tâm tư vấn pháp luật (Liên đoàn lao động TP HCM), cho rằng trong tất cả tình huống phát sinh khi doanh nghiệp nợ BHXH, cơ quan chức năng phải ưu tiên giải quyết quyền lợi cho người lao động. Nguồn kinh phí có thể trích từ các khoản đầu tư sinh lời của quỹ. Với các chế độ ngắn hạn như ốm đau, thai sản, quỹ cần áp dụng nguyên tắc sẻ chia để đảm bảo chính sách "không bỏ rơi ai".

Theo ông Nguyễn Đăng Tiến, nguyên phó giám đốc Bảo hiểm xã hội TP HCM, ở Hàn Quốc, lao động gặp sự cố như tai nạn, ốm đau, thai sản mà doanh nghiệp để nợ BHXH, ngay lập tức quỹ bảo hiểm đứng ra chi trả, thanh toán các chi phí điều trị. Khi xây dựng chính sách, cơ quan bảo hiểm nước này ý thức lao động khi tham gia BHXH tức là "người của mình", quỹ phải có trách nhiệm với họ, nhất là lúc ngặt nghèo.

"Người lao động là quan trọng nhất chứ không phải khoản nợ chưa thu hồi", ông Tiến nói. Do đó, chính sách phải có những thay đổi để lao động mong muốn được ở lại với hệ thống. Các quyết định đưa ra cần nghĩ đến lợi ích của người lao động trước tiên.

Xoài cát Hòa Lộc rớt giá một nửa

 Giá mỗi kg xoài cát Hoà Lộc loại 1 hiện là 70.000 đồng, giảm một nửa so với đầu năm và bằng một phần ba đợt sốt giá năm ngoái.

Khảo sát tại các cửa hàng trái cây và chợ truyền thống TP HCM cho thấy, xoài Hòa Lộc đang được bán với giá thấp nhất từ đầu năm, rẻ hơn xoài mút Trung Quốc.

Chị Thanh Hoa, tiểu thương tại chợ Căn Cứ (Gò Vấp) cho biết, trong khi các loại trái cây khác ồ ạt tăng giá, xoài cát Hòa Lộc lại giảm một nửa. Cụ thể, hàng loại 1 (hai trái một kg) giá 70.000 đồng một kg, loại 2 là 35.000-40.000 đồng. Trong khi đó, xoài mút Trung Quốc khoảng 65.000-70.000 đồng một kg.

Giá hạ sâu, chị Oanh, chủ cửa hàng trái cây trên đường Phan Đăng Lưu (Bình Thạnh) cho hay đã nhập gấp đôi số lượng loại 1 về bán. Theo chị, trước đây chỉ khách có thu nhập cao mới dám chi tiền mua hàng loại 1, nay giới bình dân cũng có thể mua.

Tại các chợ đầu mối nông sản Thủ Đức, Hóc Môn, giá bán sỉ xoài cát Hòa Lộc dao động 25.000-35.000 đồng một kg, tại vườn 18.000 - 25.000 đồng.

Ông Hà, nguời trồng ở Đồng Tháp, cho biết vừa bán 2 tấn xoài Hoà Lộc với giá xô 23.000 đồng một kg, giảm 50% so với cách đây ba tháng. "Chúng tôi không có lời với mức giá hiện tại vì chi phí sản xuất tăng, trong đó giá phân bón và thuốc bảo vệ thực vật luôn thay đổi", ông Hà chia sẻ.

Ngoài xoài Hoà Lộc, các loại khác như ba màu, xoài hạt lép, Cát Chu cũng giảm nửa giá, còn 3.000-13.000 đồng một kg. Các hộ trồng cho biết, từ khi bị mạo danh mã vùng trồng năm 2020, mặt hàng này khó xuất khẩu sang Trung Quốc. Ở trong nước, sức tiêu thụ loại quả này thấp nên giá rớt liên tục.

Xoài cát Hòa Lộc bán tại hệ thống siêu thị ở TP HCM. Ảnh: Hồng Châu

Xoài cát Hòa Lộc bán tại hệ thống siêu thị ở TP HCM. Ảnh: Hồng Châu

Nguyên nhân xoài rớt giá, theo chị Hạnh, thương lái thu mua buôn trái cây từ Đồng Tháp, An Giang là xoài bắt đầu rộ vụ, sản lượng cung ứng ra thị trường tăng cao nhưng tiêu thụ chậm. Hàng xuất đi Trung Quốc chậm hơn mọi năm do nước này đòi hỏi phải có mã vùng trồng và truy xuất nguồn gốc.

Ngoài ra, trái cây nhập khẩu giá rẻ ồ ạt vào thị trường đã khiến hàng trong nước bị cạnh tranh.

"Năm nay, sức mua tại thị trường nội địa giảm 20-30% so với cùng kỳ. Hàng bán chậm, đẩy giá đi xuống", cô Hạnh, tiểu thương chợ Bà Chiểu (TP HCM) nói.

Là một trong những "vựa" trái cây của miền Tây, Đồng Tháp hiện có hơn 14.000 ha trồng xoài, sản lượng gần 137.000 tấn một năm. Để thúc đẩy tiêu thụ trong bối cảnh rớt giá, tỉnh này cho biết đang đẩy mạnh các chương trình xúc tiến tại thị trường trong nước, xuất khẩu thông qua lễ hội xoài.

Tỉnh cũng chủ động trong đăng ký mã số vùng trồng và mở rộng diện tích đạt chứng nhận VietGAP. Đến nay, Đồng Tháp có 296 vùng trồng xoài với diện tích hơn 8.200 ha được cấp mã số vùng trồng, phục vụ nhu cầu trong nước và xuất khẩu Trung Quốc, Australia, Mỹ, New Zealand, Hàn Quốc, Nhật Bản.

Xoài cát Hòa Lộc loại trái cây đặc sản của miền Tây, nổi tiếng trong nước và nhiều năm trong top đầu xuất khẩu. Đây là sản phẩm trái cây đầu tiên của vùng đồng bằng sông Cửu Long được cấp bảo hộ chỉ dẫn địa lý.

Hồng Châu

Doanh nghiệp sản xuất 'gồng' lỗ, cắt giảm lao động

Các doanh nghiệp sản xuất đang phải gồng lỗ khi đơn đặt hàng sụt giảm, hàng bán ra không có người mua, phải ký gửi.

Sở hữu nhà xưởng quy mô 150 công nhân ở TP Thủ Đức (TP HCM), chị Phạm Thị Oanh, Giám đốc doanh nghiệp chuyên sản xuất giày dép cho thị trường nội địa cho biết, từ đầu năm đến nay sụt giảm 60% doanh số so với cùng kỳ năm ngoái. Do đó, 3 tháng nay công ty đã lỗ hàng tỷ đồng. Công nợ từ đối tác, đại lý cũng đang bủa vây.

"Chưa khi nào sức mua ì ạch như năm nay. Các doanh nghiệp cùng ngành với tôi đang có nguy cơ phá sản vì đơn đặt hàng nhỏ giọt, giảm tới 90%. Hàng bán ra không có người mua", chị Oanh cho biết.

"Gồng lỗ" từ quý IV/2022 đến nay, ông Nguyễn Thanh Tuấn – Tổng giám đốc Công ty cổ phần gỗ Việt Âu Mỹ cho biết, sức mua nội địa èo uột, các đơn hàng xuất khẩu ở các thị trường chính là Anh, Mỹ ngày càng teo tóp. Trong khi đó, đối tác nhập khẩu của công ty ông tại Anh liên tục gặp khó và đã phá sản trong quý I năm nay.

"Từ đầu năm đến nay có lúc chúng tôi cũng phải dừng hoạt động 7-10 ngày vì các công đoạn sản xuất không đủ nguyên liệu đầu vào hoặc thiếu đơn hàng", ông Tuấn bộc bạch.

Ngoài đơn hàng giảm, theo ông Tuấn, doanh nghiệp còn gặp hàng loạt khó khăn vì dòng tiền tắc nghẽn. Các ngân hàng siết room tín dụng, giải ngân chậm, lãi suất tăng cao. Còn hoạt động sản xuất bị tác động dây chuyền.

"Chúng tôi đang gặp khó ở nhiều phía. Trong đó, các doanh nghiệp cung cấp nguyên liệu đầu vào cho công ty lại cạn vốn nên họ ưu tiên thu hồi công nợ. Còn đối tác mua hàng thì xin giãn nợ vì sức mua yếu", ông Tuấn chia sẻ.

Xưởng sản xuất đồ Jeans của Việt Thắng Jeans. Ảnh: VitaJean

Xưởng sản xuất đồ Jeans của Việt Thắng Jeans. Ảnh: VitaJean

Bớt khó khăn hơn so với 2 doanh nghiệp trên, nhưng tại Việt Thắng Jeans, Chủ tịch Hội đồng quản trị Phạm Văn Việt cũng đang chịu áp lực lớn khi những khoản nợ cũ đã đến hạn hoặc chuẩn bị đáo hạn.

Là đơn vị tự phát triển sản phẩm rồi tự bán hàng nên công ty ông đang phải bán ký gửi tại các đối tác chứ không thể "mua đứt bán đoạn" như trước. Trong khi đó, sức mua nội địa và quốc tế yếu khiến tồn kho cao.

Báo cáo của Hiệp hội Doanh nghiệp TP HCM (HUBA) cho biết, có 8 ngành nghề kinh doanh đang trong vòng vây khó khăn. Ngoài bị thua lỗ, giảm đơn hàng, nhiều đơn vị đang đứng trước nguy cơ phá sản.

Không quy định sở hữu chung cư có thời hạn

 Tờ trình của Chính phủ không còn quy định thời hạn sở hữu chung cư, nhưng bổ sung chính sách về thời hạn sử dụng, trách nhiệm các bên phá dỡ, cải tạo chung cư cũ.

Nội dung này được nêu tại tờ trình dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) được Chính phủ trình Quốc hội, ngày 14/4.

Tiếp thu ý kiến Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ đã bỏ quy định sở hữu nhà chung cư có thời hạn. Tuy nhiên, Chính phủ bổ sung quy định về thời hạn sử dụng chung cư, trường hợp phá dỡ và trách nhiệm các chủ thể khi phá dỡ, cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư. Việc này để có cơ sở pháp lý, giải quyết tháo gỡ vướng mắc trong cải tạo chung cư cũ tại nhiều địa phương.

Khó khăn chủ yếu trong cải tạo, xây mới chung cư cũ, là do các quy định hiện nay chưa nêu cụ thể, gồm phương pháp xác định hệ số k (hệ số bồi thường), quy đổi tính giá trị căn hộ tái định cư, căn cứ xác định lợi nhuận định mức mà chủ đầu tư được hưởng khi làm dự án, và tiêu chí chọn chủ đầu tư.

TP HCM hiện có gần 500 chung cư xây trước năm 1975 cần sửa chữa, xây mới. Hà Nội có gần 1.600 chung cư cũ và lên kế hoạch cải tạo 10 khu chung cư cũ trong 3 năm tới.

Trước đó, khi trình lại Chính phủ dự thảo Luật này, Bộ Xây dựng cũng đề xuất không quy định sở hữu nhà chung cư có thời hạn sau khi tiếp thu các ý kiến.

Tại thông báo của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội khi góp ý Luật Nhà ở (sửa đổi), cơ quan này đề nghị Chính phủ rà soát và không quy định thời hạn sở hữu chung cư, nhưng cần có quy định chặt chẽ về thẩm quyền, trình tự thủ tục di dời, phá dỡ nhà chung cư cũ. Trường hợp Chính phủ thấy cần thiết có thể trình Quốc hội ý kiến khác nhưng phải làm rõ cơ sở chính trị, pháp lý và thực tiễn, đánh giá tác động và phân tích ưu, nhược điểm từng phương án để Quốc hội thảo luận.

Đề xuất sở hữu chung cư có thời hạn từng được nêu tại các dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) trước đây và nhận được nhiều ý kiến trái chiều. Theo các chuyên gia, không nên quy định thời hạn sở hữu nhà chung cư, bởi can thiệp đến quyền sở hữu, tác động rất lớn đến quyền lợi của người dân và kinh doanh của doanh nghiệp, thị trường bất động sản.

Chung cư, cao ốc dọc theo xa lộ Hà Nội và tuyến Metro số 1(TP HCM), tháng 2/2023. Ảnh: Quỳnh Trần

Chung cư, cao ốc dọc theo xa lộ Hà Nội và tuyến Metro số 1(TP HCM), tháng 2/2023. Ảnh: Quỳnh Trần

Về quyền sử dụng đất gắn với nhà ở do cá nhân nước ngoài sở hữu tại Việt Nam, tại lần trình này Chính phủ giữ nguyên quy định cá nhân nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam được mua, sở hữu nhà (gồm nhà ở riêng lẻ và chung cư). Nhưng tổ chức, cá nhân nước ngoài không được sở hữu nhà ở gắn với quyền sử dụng đất thuê.

Hiện Luật Nhà ở 2014 cho phép cá nhân nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam được mua, sở hữu nhà ở (gồm nhà riêng lẻ, chung cư) tại các khu vực được phép sở hữu. Người mua nhà ở được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất theo quy định pháp luật đất đai.

Theo thống kê, hiện cả nước có khoảng 3.053 cá nhân, tổ chức nước ngoài mua và được cấp Giấy chứng nhận với căn hộ nhà chung cư.

Tại dự thảo trình Quốc hội, Chính phủ cũng giữ các quy định về thời điểm xác lập quyền sở hữu, chuyển quyền sở hữu nhà ở. Lý do, xác lập quyền sở hữu và công nhận quyền sở hữu là hai phạm trù, thời điểm khác nhau.

Chẳng hạn, khi mở thừa kế thì người nhận đã xác lập quyền sở hữu với tài sản tại thời điểm mở thừa kế. Hay khi hoàn thành việc xây dựng nhà ở thì chủ sở hữu đã xác lập quyền với nhà ở này trước khi hoàn thiện các thủ tục hành chính và Nhà nước công nhận. Tức là, Nhà nước công nhận quyền sở hữu sau khi chủ sở hữu xác lập quyền này của mình với nhà ở.

"Quy định sau khi được cấp Giấy chứng nhận với nhà ở, các chủ sở hữu mới được coi là có quyền sở hữu thì theo Luật Đất đai 2013 sẽ không đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp của chủ sử hữu", tờ trình của Chính phủ nêu.

Bởi nếu muốn được công nhận, chủ sở hữu phải thực hiện các thủ tục hành chính với Nhà nước. Như vậy họ sẽ bị hạn chế khi thực hiện mua bán, giao dịch, tặng cho khi chưa được cấp giấy chứng nhận.

Bên cạnh đó, việc công nhận quyền sở hữu nhà ở khác với công nhận quyền sử dụng đất. Theo quy định đất đai, quyền sở hữu nhà ở được thực hiện theo nhu cầu, và được xác lập không phụ thuộc vào đăng ký quyền sử dụng đất.

Dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) gồm 13 chương, 196 Điều, tăng 13 điều so với Luật Nhà ở 2014. Quốc hội dự kiến xem xét, thảo luận dự luật này tại kỳ họp vào tháng 5 tới.

Singapore Trở Thành Đại Gia Siêu Giàu Của Châu Á Như Thế Nào?

Thứ Sáu, 14 tháng 4, 2023

Top 10 Món ăn thối kinh dị nhất thế giới - Bắp Ú

Những MÓN ĂN KINH DỊ NHẤT Việt Nam

NGAN ĐEN 3 MÓN | TIẾT CANH ĐÔNG NHƯ THẠCH

Máy Bay Nặng 640 Tấn Đã Cất Cánh Bằng Cách Nào? Những Siêu Máy Bay Khổng Lồ Lớn Nhất Thế Giới

Mổ Xẻ “Quái Thú” Vận Tải Lớn Nhất Của Mỹ Có Thể Chở Cả Một Ngôi Nhà

Các ngành, địa phương tập trung cao xây dựng dữ liệu chuyển đổi số

 

Chiều 13/4, Ban Chỉ đạo Chuyển đổi số tỉnh Bắc Giang (gọi tắt là BCĐ) tổ chức kiểm điểm công tác chỉ đạo, thực hiện nhiệm vụ quý I, triển khai nhiệm vụ trọng tâm quý II năm 2023. Đồng chí Mai Sơn - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, Phó Trưởng BCĐ chủ trì hội nghị.
Toàn cảnh hội nghị.

Thời gian qua, UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh tiếp tục quan tâm, chỉ đạo triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp xây dựng và phát triển chính quyền điện tử, thực hiện chuyển đổi số (CĐS). Trong quý I, UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh ban hành 8 quyết định, 10 kế hoạch và 3 văn bản chỉ đạo liên quan đến lĩnh vực CĐS; 100% các ngành, 9/10 huyện, thành phố ban hành kế hoạch CĐS năm 2023. Tỉnh đã đưa vào khai thác sử dụng Trung tâm Giám sát, điều hành đô thị thông minh (IOC) giai đoạn 1; tích hợp, lưu trữ 7 cơ sở dữ liệu (CSDL) chuyên ngành lên Kho dữ liệu số tỉnh. Phê duyệt cấp độ an toàn thông tin cho 25/31 hệ thống thông tin của sở, cơ quan thuộc UBND tỉnh.

Kết quả quý I, tỷ lệ thanh toán trực tuyến của tỉnh trên Cổng Dịch vụ công quốc gia đạt 39,6%; tỷ lệ hồ sơ cấp kết quả điện tử tại bộ phận một cửa các cấp đạt 80%; tỷ lệ khai thác sử dụng lại tài liệu số hóa là 19,7%. Hiện 100% các doanh nghiệp, hộ kinh doanh cá thể trên địa bàn tỉnh áp dụng hóa đơn điện tử và thực hiện nộp thuế điện tử. Đặc biệt tháng 3/2023, tỉnh Bắc Giang dẫn đầu cả nước về chỉ số chỉ đạo, điều hành và đánh giá chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp trong thực hiện thủ tục hành chính (TTHC), dịch vụ công theo thời gian thực trên môi trường.

Thảo luận tại hội nghị, các đại biểu chia sẻ khó khăn khi hạ tầng công nghệ thông tin, trang thiết bị phục vụ CĐS thiếu đồng bộ. Hiện trạng cung cấp các API của các hệ thống CSDL của Bộ, ngành vẫn đang trong quá trình nâng cấp, hoàn thiện dẫn đến khó khăn khi tích hợp, chia sẻ dữ liệu với các hệ thống thông tin của tỉnh. Nhiều doanh nghiệp, đơn vị tham gia sàn thương mại điện tử không có nhân viên quản trị mạng, gian hàng. Nguồn nhân lực chất lượng cao của tỉnh về công nghệ thông tin còn bất cập, chưa có chuyên gia giỏi, cán bộ chuyên trách an toàn thông tin...

Quý II năm 2023, BCĐ CĐS tỉnh tập trung các biện pháp đẩy mạnh công tác chỉ đạo, tuyên truyền, nâng cao nhận thức về CĐS; hoàn thiện môi trường pháp lý. Phát triển hạ tầng số, trong đó tập trung triển khai dự án xây dựng Trung tâm dữ liệu CĐS tỉnh Bắc Giang giai đoạn 2021-2025. Vận hành, khai thác hiệu quả Trung tâm giám sát, điều hành đô thị thông minh (IOC) tỉnh Bắc Giang giai đoạn 1. Tiếp tục phát triển nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu tỉnh Bắc Giang (LGSP); hạ tầng không gian đô thị tỉnh Bắc Giang, Cổng dữ liệu mở tỉnh; các dữ liệu, ứng dụng, dịch vụ dùng chung. Tuyên truyền giới thiệu doanh nghiệp tham gia chương trình hỗ trợ CĐS (SMEDx) và nâng cao nhận thức của doanh nghiệp về CĐS. Tăng cường tổ chức bồi dưỡng, tập huấn cho tổ công nghệ số cộng đồng.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Mai Sơn phát biểu kết luận hội nghị.

Phát biểu kết luận hội nghị, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Mai Sơn nhấn mạnh, quý I năm 2023, BCĐ CĐS tỉnh đã tích cực thực hiện các nhiệm vụ, đặc biệt là cơ quan thường trực Sở Thông tin và Truyền thông chủ động tham mưu cho Tỉnh ủy, UBND tỉnh các nội dung liên quan về CĐS. Công tác CĐS thời gian qua đã đóng góp tích cực vào công tác cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh của tỉnh. Qua đó các thủ tục hành chính được công khai, minh bạch hơn và là thước đo giám sát hiệu quả.

Về nhiệm vụ thời gian tới, đồng chí đề nghị Sở Thông tin và Truyền thông rà soát, kiện toàn thành viên BCĐ. Sở Nội vụ trực tiếp trao đổi với các huyện hiện chưa có cán bộ chuyên trách công nghệ thông tin, rà soát việc bố trí cán bộ, công chức theo Đề án vị trí, việc làm. 

Sở Tài chính quan tâm công tác phân bổ kinh phí đầu tư cho CĐS. Các ngành, địa phương tập trung cao xây dựng dữ liệu CĐS. Các huyện, thành phố bảo đảm cán bộ thực hiện nhiệm vụ CĐS trong quý II/2023, bố trí đủ phương tiện phục vụ CĐS, nhất là máy vi tính, máy scan cho cấp xã. Đặc biệt quan tâm bảo đảm an toàn an ninh mạng.

Đối với các chỉ số của nhóm xã hội số chưa đạt kế hoạch đề ra, các ngành cần vào cuộc quyết liệt; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hướng dẫn người dân sử dụng các nền tảng số, dịch vụ số trong đời sống xã hội; sớm ban hành các tài liệu, clip hướng dẫn những nội dung liên quan về CĐS trên các nền tảng xã hội./.

Diệu Hoa

EU áp thêm trừng phạt 'lính đánh thuê' Nga

Liên minh châu Âu đưa công ty quân sự tư nhân Wagner của Nga vào danh sách trừng phạt vì tham chiến ở Ukraine.
Liên minh châu Âu (EU) ngày 13/4 thông báo bổ sung công ty quân sự tư nhân Wagner vào danh sách trừng phạt với cáo buộc "chủ động tham gia" chiến sự của Nga tại Ukraine, "có hành động làm suy yếu hoặc đe dọa toàn vẹn lãnh thổ, chủ quyền và nền độc lập Ukraine".
Hội đồng châu Âu, đại diện cho 27 quốc gia thành viên EU, cho biết đây là bước bổ sung cần thiết, giúp "hoàn thiện" một danh sách trừng phạt trước đó. Hồi tháng 2, EU đã áp lệnh trừng phạt Wagner với các cáo buộc vi phạm nhân quyền và gây bất ổn tại một số nước châu Phi.
Hội đồng châu Âu cho rằng thực tế Wagner bị áp lệnh trừng phạt hai lần "chứng tỏ tổ chức này có quy mô hoạt động quốc tế và có những hành động nghiêm trọng, gây bất ổn ở mọi quốc gia họ hiện diện".
Các thành viên Wagner tham gia chiến dịch tiến công Bakhmut ngày 17/1. Ảnh: RIA Novosti

EU cũng bổ sung RIA FAN, một tổ chức truyền thông của Nga, vào danh sách trừng phạt. RIA FAN thuộc tập đoàn truyền thông Patriot, có hội đồng tín thác do nhà sáng lập Wagner Yevgeny Prigozhin đứng đầu. Ông Prigozhin thành lập Wagner năm 2014 với khoảng 8.000 nhân sự tính đến tháng 4/2022.
Cá nhân và tổ chức trong danh sách trừng phạt của EU sẽ bị đóng băng tài sản nằm ở mọi quốc gia thành viên EU và cấm nhập cảnh khối. EU cũng cấm mọi tổ chức và cá nhân ở các quốc gia thành viên giao dịch với mục tiêu trừng phạt. Trong một năm qua, EU đã thông qua 10 gói trừng phạt tập thể nhắm vào Nga vì chiến sự tại Ukraine.
Bộ trưởng Tư pháp Mỹ Merrick Garland đầu tháng 3 tuyên bố chính phủ Mỹ coi ông Prigozhin là tội phạm chiến tranh. Tổng công tố Ukraine Andriy Kostin trước đó cho biết Kiev cũng đang điều tra ông Prigozhin liên quan các tội ác chiến tranh.
Các tay súng Wagner đóng vai trò lực lượng tiến công chủ lực cho mũi đánh của Nga ở thành phố Bakhmut thuộc vùng Donbass. Tình báo phương Tây coi các thành viên Wagner là "lính đánh thuê Nga" và cho rằng họ đã triển khai hàng chục nghìn tay súng đến Ukraine.

Thủ tướng: Sẽ gỡ vốn, tìm thị trường cho xuất khẩu gỗ, thuỷ sản

Để thúc đẩy sản xuất, tạo sinh kế cho hàng chục triệu lao động ngành lâm - thuỷ sản, Thủ tướng Phạm Minh Chính nói sẽ gỡ khó khăn về thị trường, thể chế, vốn.

Sáng 13/4, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị làm việc với Hiệp hội Gỗ và lâm sản, Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt để tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất, xuất khẩu lâm sản và thủy sản.

Cuộc họp diễn ra trong bối cảnh các lĩnh vực lâm sản, thủy sản đang đối diện tình trạng giảm sản lượng, giá trị xuất khẩu. Ba tháng đầu năm nay, xuất khẩu gỗ, lâm sản giảm hơn 28% và thuỷ sản hạ hơn 27%.

Trước khó khăn của hai ngành hàng tạo giá trị thặng dư xuất khẩu hàng chục tỷ USD mỗi năm, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho hay Nhà nước sẽ tháo gỡ khó khăn, nhất là về thị trường, thể chế, vốn cho sản xuất, chế biến và xuất khẩu lâm - thuỷ sản. Việc này nhằm thúc đẩy sản xuất kinh doanh, tạo sinh kế và thu nhập cho gần chục triệu lao động.

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị tháo gỡ khó khăn cho ngành lâm - thuỷ sản, ngày 13/4. Ảnh: VGP

Ông yêu cầu các cấp ngành giảm thủ tục hành chính, tạo môi trường kinh doanh thông thoáng; xây dựng hạ tầng chiến lược, nhất là hệ thống cao tốc để giảm chi phí logistics cho doanh nghiệp.

Trong lúc thị trường xuất khẩu bị thu hẹp, các bộ, ngành hỗ trợ doanh nghiệp khai thác thị trường tiêu dùng trong nước 100 triệu dân; tìm kiếm và mở rộng thị trường xuất khẩu mới nhờ tận dụng các hiệp định thương mại tự do (FTA).

Cùng với Nhà nước, doanh nghiệp ngành gỗ, thuỷ sản tìm cách làm mới, tự cứu mình, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, mở rộng thị trường.

"Thay vì chỉ gia công theo đơn đặt hàng, các doanh nghiệp phải đa dạng hoá sản phẩm, phát triển nguồn nguyên, nhiên liệu bền vững và có biện pháp chống gian lận xuất xứ, chuyển tải bất hợp pháp", Thủ tướng nêu, và cho rằng đây là yếu tố then chốt để ngành gỗ, thuỷ sản phát triển bền vững khi các yếu tố thị trường thuận lợi trở lại.

Sản xuất, chế biến, xuất khẩu lâm sản và thuỷ sản cùng với các nhóm ngành nông nghiệp khác là trụ đỡ của nền kinh tế. Kim ngạch xuất khẩu hai lĩnh vực này chiếm gần 54% tổng kim ngạch xuất khẩu của nông nghiệp.

Tính chung kim ngạch xuất nhập khẩu gỗ, thuỷ sản đạt hơn 26 tỷ USD, giảm 11,2% so với cùng kỳ, theo số liệu của Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn.

Các thị trường xuất khẩu truyền thống đều bị ảnh hưởng trong quý I. Chẳng hạn, Mỹ giảm một nửa lượng thuỷ sản nhập từ Việt Nam, đồ gỗ là 37%. Đơn hàng giảm mạnh, thị trường xuất khẩu thu hẹp do cầu giảm khiến doanh nghiệp gỗ, thuỷ sản sản xuất cầm chừng.

Thủ tướng giao Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn xúc tiến thị trường mới cho xuất khẩu lâm - thuỷ sản. Bộ cũng cần đẩy mạnh giải pháp khắc phục "thẻ vàng" IUU của Liên minh châu Âu và hỗ trợ để tăng đầu tư hạ tầng nghề cá, đáp ứng yêu cầu chống khai thác IUU.

"Cần có cơ chế, chính sách hợp tác công tư để huy động nguồn lực xã hội", Thủ tướng nói, và lưu ý ngành nông nghiệp đẩy nhanh số hoá trong các khâu, từ vùng trồng nguyên liệu tới chế biến, sản xuất và xuất khẩu.

Thủ tướng giao Bộ Tài chính tháo gỡ về thuế; miễn, giảm, giãn, hoãn, gia hạn thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất, tiền sử dụng đất năm 2023. Bộ Công Thương phát triển thương hiệu, xúc tiến đầu tư, mở rộng thị trường; hỗ trợ trong các vụ kiện, tranh chấp thương mại. Bộ Kế hoạch & Đầu tư được yêu cầu đề xuất chính sách hỗ trợ phát triển khu công nghiệp chế biến gỗ lâm sản, dịch vụ logistics, khu ứng dụng công nghệ cao trong lâm nghiệp gắn với phát triển ngành chế biến gỗ, lâm sản. Ngân hàng Nhà nước được chỉ đạo thúc đẩy cho vay, cấp vốn, tiết giảm chi phí, lãi suất vay.

Các địa phương đối thoại với doanh nghiệp để kịp thời tháo gỡ khó khăn; có chính sách để phát triển và mở rộng vùng nuôi trồng và sản xuất giống thuỷ sản.

Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản (VASEP) cùng Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương triển khai đề án xây dựng thương hiệu cho ba sản phẩm chủ lực, có lợi thế cạnh tranh là tôm, cá tra và cá ngừ.

Hoài Thu