Thứ Năm, 30 tháng 3, 2023

Kỹ sư Việt kiếm trăm nghìn USD từ lỗ hổng Microsoft, Oracle

Nhóm năm kỹ sư trẻ Việt Nam, sinh từ năm 1999 đến 2003, giành 115.000 USD vì khai thác thành công lỗ hổng của Microsoft Teams và Oracle VirtualBox.

Theo bảng xếp hạng cuộc thi Pwn2Own Vancouver vừa được công bố, đội thi của nhóm kỹ sư Việt Nam xếp hạng ba với 12 điểm, đứng sau hai đội Synacktiv của Pháp và STAR Labs từ Singapore.

Pwn2Own là một trong những cuộc thi về bảo mật lớn nhất thế giới, do tổ chức Zero-day Initiative tổ chức thường niên. Trong đợt thi này, các nhóm tranh tài ở bảy hạng mục gồm: Ảo hóa, Trình duyệt Web, Ứng dụng doanh nghiệp, Máy chủ, Leo thang đặc quyền, Ứng dụng giao tiếp doanh nghiệp và Hệ thống phần mềm trên ôtô.

Nhóm kỹ sư tham gia Pwn2Own Vancouver từ xa. Ảnh: VCS

Nhóm kỹ sư tham gia Pwn2Own Vancouver từ xa. Ảnh: VCS

Đây không phải lần đầu các kỹ sư Việt Nam đạt giải tại cuộc thi này. Tuy nhiên, theo Phạm Văn Khánh, một thành viên tham gia đến từ Viettel Cyber Security (VCS), nhóm đều là những kỹ sư trẻ, sinh năm từ 1999 đến 2003. Nhóm chọn Ảo hóa và Ứng dụng doanh nghiệp, thay vì hạng mục Máy chủ vốn là thế mạnh, đồng thời chỉ tập trung vào hai lỗ hổng và khai thác thành công cả hai.

Trong đó, mục tiêu Microsoft Teams được khai thác trong chưa đầy 10 giây, đem về 75.000 USD và 8 điểm xếp hạng. Mục tiêu Oracle VirtualBox do một thành viên sinh năm 2003 khai thác, nhận 40.000 USD và 4 điểm.

Đặc thù của Pwn2Own là các nhóm sẽ tìm sẵn lỗ hổng và các hướng tấn công, sau đó trình diễn trực tiếp tại cuộc thi trong thời gian 5-10 phút. Khánh cho biết nhóm bắt đầu nghiên cứu công nghệ và các hướng tấn công từ đầu tháng 2. Tuy nhiên, một trong số đó là lỗ hổng khó, gần ngày thi mới thử nghiệm thành công. Một thách thức khác là lỗ hổng mà nhóm chuẩn bị có thể được vá lỗi bất cứ lúc nào.

Mạnh Dũng, một trong những kỹ sư trẻ nhất Việt Nam tham gia Pwn2Own, đánh giá thách thức của cuộc thi là việc người chơi cần nhắm vào những lỗ hổng trọng yếu của các nhà cung cấp lớn nhất thế giới trong thời gian ngắn. "Điều này khiến việc khai thác khó hơn và mức độ cạnh tranh cao hơn", Dũng đánh giá.

Theo ông Mai Xuân Cường, Trưởng phòng An ninh hệ thống ứng dụng VCS, Pwn2Own là sân thi đấu công bằng cho giới chuyên gia bảo mật trên thế giới. "Việc các kỹ sư trẻ Việt giành giải thưởng cho thấy kỹ sư Việt đủ năng lực để cạnh tranh với các kỹ sư nước ngoài. Thành tích này thể hiện Việt Nam đang đi đúng hướng trong việc đào tạo và bồi dưỡng nhân lực trong ngành CNTT và ATTT", ông Cường đánh giá.

Pwn2Own được tổ chức thường niên từ năm 2007. Hàng năm, giới hacker mũ trắng đã kiếm được hàng trăm nghìn USD thông qua việc phát hiện và khai thác lỗ hổng, trong khi cũng giúp các công ty cũng nắm bắt sớm vấn đề trên hệ thống của mình. Khoản tiền thưởng cũng chủ yếu được tài trợ bởi những doanh nghiệp này.

Ngoài đội của Việt Nam, Pwn2Own năm nay có hàng chục đội thi từ các nước trên thế giới, tìm ra 27 lỗ hổng trong nhiều hệ thống lớn và trao hơn một triệu USD tiền thường. Nhóm dẫn đầu là Snyactiv với 350.000 USD tiền thưởng và một chiếc xe Tesla sau khi phát hiện lỗi phần mềm liên quan đến xe này. Tesla cũng đã ghi nhận sự tồn tại của lỗ hổng và cho biết một trong hai lỗi đã được vá, lỗi còn lại sẽ được khắc phục qua bản cập nhật OTA sắp tới.

Lưu Quý




'Vua bánh mì' Kao Siêu Lực bán kem tươi

 Giữa lúc sức mua thị trường bán lẻ ảm đạm, ông Kao Siêu Lực dành 500 m2 đất cạnh trụ sở ABC Bakery mở tiệm kem trái cây.

Cuộc sống của Jack Ma 'hậu Alibaba'

 Jack Ma từng là ông chủ một đại gia công nghệ, nhưng giờ lại thích nghiên cứu nông nghiệp, như cách trồng lúa và nuôi cá.

Năm 2020, đồng sáng lập Alibaba Jack Ma được cho là làm phật lòng giới chức Trung Quốc sau bài phát biểu chỉ trích hệ thống tài chính nước này. Kể từ đó, ông gần như im hơi lặng tiếng, bất chấp Ant Group bị hoãn IPO và Alibaba bị điều tra chống độc quyền.

Jack Ma từ chức Chủ tịch Alibaba năm 2019. Khi đó, ông nói muốn dành nhiều thời gian và tài sản hơn để làm từ thiện. Ông hy vọng thành lập một quỹ từ thiện tập trung vào giáo dục, giống tỷ phú Bill Gates đã làm. Theo Forbes, ông hiện có 25 tỷ USD tài sản.

Cuộc sống mới của Jack Ma sau khi ở ẩn là chuỗi hoạt động như nghiên cứu vấn đề lương thực toàn cầu, thăm một phòng thí nghiệm nuôi cá ngừ tại Nhật Bản và tới một trường Đại học ở Hà Lan để học về sản xuất lương thực bền vững. Việc Jack Ma ở ẩn từng khiến CEO Tesla Elon Musk năm 2021 phải lên tiếng thắc mắc: "Jack Ma đang ở đâu?".

Jack Ma (áo trắng) nói chuyện với các giáo viên trường Yungu tại Hàng Châu ngày 27/3. Ảnh: SCMP

Jack Ma (áo trắng) nói chuyện với các giáo viên trường Yungu tại Hàng Châu ngày 27/3. Ảnh: SCMP

Tuy nhiên, Jack Ma không biến mất hoàn toàn. Ông đã xuất hiện vài lần tại Trung Quốc năm 2021. Tháng 5/2022, ông còn tham gia một cuộc họp nội bộ của Alibaba tại Hàng Châu, một nhân viên Alibaba cho biết trên WSJ.

Đó là lần cuối Jack Ma xuất hiện tại Trung Quốc, cho đến hôm 27/3, khi ông đến thăm một trường học tại Hàng Châu để thảo luận các vấn đề như trí tuệ nhân tạo (AI) với các giáo viên. Sự xuất hiện của ông trùng thời điểm Bắc Kinh tìm cách vực dậy nền kinh tế và niềm tin của doanh nhân sau nhiều năm siết kiểm soát doanh nghiệp công nghệ và áp dụng chính sách Zero Covid.

Khi vắng mặt tại Trung Quốc, Jack Ma dành nhiều thời gian ở Nhật Bản, theo nguồn tin của WSJ. Ông sống trong một căn nhà ở Hakone – khu nghỉ dưỡng suối nước nóng cách Tokyo 80 km. Nhân viên một nhà hàng sushi gần đó nói với WSJ rằng một trợ lý của Jack Ma thường tới đây mua các món đặc sản như nhím biển hay cá hồi. Dù vậy, gần đây, người này không ghé qua nữa.

Jack Ma cũng thường xuyên đi du lịch trong thời gian này, để phục vụ mối quan tâm về ẩm thực và các lĩnh vực liên quan. Trên WSJ, một người từng trò chuyện với Jack Ma cho biết ông thường bày tỏ sự ngưỡng mộ với các món ăn Nhật Bản.

Trong một bài phát biểu năm 2017, Jack Ma nói rằng các công nghệ như điện toán đám mây và dữ liệu lớn có thể giúp ích cho nông dân Trung Quốc. Ông cho rằng hiện đại hóa nông nghiệp "sẽ là điểm sáng và trụ cột phát triển quan trọng với kinh tế Trung Quốc" trong 2-3 thập kỷ tới. Năm 2019, tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) ở Davos (Thụy Sĩ), ông tiết lộ nếu lập doanh nghiệp mới, ông sẽ tham gia lĩnh vực trồng trọt.

Tháng 7/2022, ông tới thăm Đại học Wageningen (Hà Lan). Ngôi trường này cho biết Jack Ma "muốn cống hiến thời gian và sức lực cho việc phát triển nông nghiệp bền vững, kể cả ở sa mạc Gobi (trải dài qua Trung Quốc và Mông Cổ).

Jack Ma trong chuyến thăm Hà Lan năm 2021. Ảnh: Reuters

Jack Ma trong chuyến thăm Hà Lan năm 2021. Ảnh: Reuters

Đến tháng 10, ông ghé thăm Viện nghiên cứu nuôi trồng thủy sản thuộc Đại học Kindai (Nhật Bản). Các nhà nghiên cứu ở đây nổi tiếng vì đã tìm ra cách nuôi cá ngừ vây xanh, giúp ổn định nguồn cung loài cá này cho những người thích ăn sushi.

Jack Ma khi đó tham gia cùng một đoàn doanh nhân nước ngoài. Các nhân viên tại viện không nhận ra ông. Vài ngày sau đó, một số lãnh đạo cấp cao xem lại ảnh chụp sự kiện và nhìn thấy Jack Ma. "Sau đó chúng tôi xem lại tên những người tham gia đoàn khách, và nhìn thấy tên ông ấy", người này nhớ lại.

Đến tháng 1, Jack Ma tới Bangkok. Ông được cho là đã gặp tỷ phú Dhanin Chearavanont – Chủ tịch CP Group – tập đoàn đa ngành của Thái Lan, có mảng kinh doanh thực phẩm.

Hai tỷ phú bàn bạc về các cách giải quyết thiếu hụt lương thực. Jack Ma cũng hỏi về công nghệ trồng lúa của Thái Lan. Ông còn xuất hiện trong một trận boxing tại Thái Lan và xắn tay áo tạo dáng đấm bốc.

Một tờ báo địa phương tại Tây Ban Nha cũng đưa tin tỷ phú đã tới đảo Mallorca vào tháng 6/2022. Tháng trước, các du khách Trung Quốc ở Melbourne (Australia) còn nhìn thấy Jack Ma tại đây. Ngay sau đó, ông di chuyển tới Fiji.

"Tôi nhận ra một điều. Tất cả những gì bạn học được từ sách vở, và từ những người khác, có thể không đúng", Jack Ma cho biết trong một bài phát biểu năm 2017, khi nhớ lại chuyến đi nước ngoài đầu tiên năm 1985 tới Australia, "Thế giới này rất thú vị, rất độc đáo. Và bạn phải tự mình trải nghiệm điều đó".

Hà Thu (theo WSJ)

Nông dân Tây Nguyên phá cà phê trồng chanh dây

Hàng trăm ha cà phê già cỗi, kém năng suất được người dân chặt bỏ để trồng chanh dây, trước sức ép kinh tế.
Màu xanh cây cà phê đang dần được thay thế bằng chanh dây ở huyện Chư Păh, một trong những địa phương trồng chanh dây lớn nhất tỉnh Gia Lai.

Từ diện tích vài chục ha năm 2016-2017, đến nay diện tích chanh dây tăng lên 500 ha, trong đó 400 ha trồng xen trong vườn cà phê, 100 ha trồng thuần.
600 gốc cà phê của ông Rơ Châm Ja, (60 tuổi, xã Ia Mơ Nông) được trồng từ năm 2005 bị phá bỏ.

Theo ông Ja, sau gần 20 năm, vườn cà phê của gia đình đã già cỗi, năng suất giảm, chi phí đầu tư cao, thời gian chăm sóc, thu hoạch kéo dài nên ông quyết định chuyển sang trồng chanh dây.
Sau khi thuê máy múc cây cà phê lên, ông Rơ Châm Ja đẽo rễ lấy thân bán cho các cơ sở lò đốt. Nhánh cà phê được gia đình tận dụng làm củi.
Một số nhà vườn thu gom lá, cành đốt trước khi múc cây cà phê để bán.
Gốc cà phê tái canh được thu mua từ 10.000 đến 12.000 đồng một cây để làm chất đốt.

Ông Lê Văn Thanh, Giám đốc Hợp tác xã nông nghiệp Ia Mơ Nông, cho rằng nông dân trồng chanh dây phải tham gia vào chuỗi liên kết, ký hợp đồng với doanh nghiệp nhằm đảm bảo đầu ra cho sản phẩm.

"Thực tế nhiều nông dân cứ ồ ạt trồng chanh dây mà không tính đến đầu ra cho sản phẩm", ông Thanh nói.
Vườn chanh dây 20 ngày tuổi của gia đình anh Rơ Châm Vui ở xã Ia Mơ Nông sau khi phá bỏ 500 gốc cà phê 20 năm tuổi.
Anh Vui cho biết, gia đình chưa bao giờ trồng chanh dây, song thời gian qua thấy giá chanh dây lên cao từ 10.000 đến 20.000 đồng/kg, nhiều hộ lãi hàng trăm triệu đồng chỉ sau nửa năm đầu tư. Vì vậy, vợ chồng quyết định bỏ ra gần 50 triệu đồng để chuyển hướng đầu tư.
Cây bời lời (đã lấy vỏ) được người dân mua về để làm giàn cho chanh leo.
Nhiều nông dân tận dụng sẵn cây cà phê để làm giàn cho chanh dây. Tuy nhiên họ phải chặt nhánh và cắt rễ chùm để cây cà phê tự chết, không hút chất dinh dưỡng của chanh dây.
Vườn chanh dây của người dân ở huyện Mang Yang sắp cho thu hoạch. Giá chanh dây hiện tại dao động khoảng 15.000 đồng một kg, bình quân một ha đạt 40 tấn quả, trừ chi phí nông dân lãi 350-400 triệu đồng trên ha.
Gia Lai hiện có khoảng 4.500 ha chanh dây. Từ tháng 7/2022, chanh dây Việt Nam được xuất khẩu chính ngạch vào thị trường Trung Quốc. Ngoài thị trường Trung Quốc, chanh dây còn xuất khẩu các nước thành viên EU, châu Mỹ, Malaysia, Hàn Quốc, tạo cơ hội cho sản xuất chanh dây của tỉnh.
Tuy nhiên, chanh dây trên địa bàn tỉnh đang gặp nhiều thách thức khi diện tích tăng ồ ạt, cùng chất lượng cây giống chưa được kiểm soát. Vì vậy, UBND tỉnh đã có văn bản yêu cầu cơ quan chức năng rà soát, khuyến cáo bà con không tự ý mở rộng diện tích trồng chanh dây.

Đồng Nai đầu tư khu đô thị 72.000 tỷ đồng giữa sông

Khu đô thị Hiệp Hòa nằm giữa cù lao Phố dự kiến rộng gần 300 ha, thu hút 31.600 người với nhiều dịch vụ hiện đại.

Một góc cù lao Phố, nơi dự kiến đầu tư Khu đô thị Hiệp Hòa. Ảnh: Phước Tuấn

Một góc cù lao Phố, nơi dự kiến đầu tư khu đô thị Hiệp Hòa. Ảnh: Phước Tuấn

Chiều 28/3, Phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Võ Tấn Đức ký quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư dự án khu đô thị Hiệp Hòa. Tỉnh cũng phê duyệt danh mục dự án đầu tư có sử dụng đất đối với khu đô thị trên để đấu thầu.

Khu đô thị Hiệp Hòa nằm ở vị trí đắc địa trên cù lao giữa sông Đồng Nai, kết nối trung tâm TP Biên Hòa bằng những cây cầu. Trong tổng số diện tích khu đô thị, đất của dự án hơn 84 ha, chiếm 28,8%; đất cây xanh hơn 110 ha, chiếm 38,4%; đất hỗn hợp gần 35 ha; đất giao thông 43 ha...

Dự án được cho sẽ tạo kiến trúc đô thị ven sông, hiện đại, hài hòa với cảnh quan thiên nhiên. Đồng thời, dự án hướng đến phát triển du lịch bền vững, kết hợp nhiều loại hình nhà ở với trung tâm thương mại, du lịch.

Tổng số vốn đầu tư dự án hơn 72.229 tỷ đồng, dự kiến thực hiện trong 12 năm, từ 2023 đến 2035, phân kỳ giai đoạn theo 5 dự án thành phần.

Cù lao Phố rộng gần 700 ha thuộc xã Hiệp Hoà, TP Biên Hòa, được bao bọc bởi hai nhánh của sông Đồng Nai. Vào thế kỷ 17-18, cù lao là trung tâm kinh tế của khu vực Biên Hòa - Gia Định, sử sách hay gọi Nông Nại Đại Phố.

Đề xuất áp dụng cơ chế đặc thù của TP HCM với dự án liên vùng

Đối với các dự án liên vùng, trong đó có TP HCM, các địa phương liên quan cần được hưởng chính sách đặc thù của thành phố, theo đề xuất của chuyên gia.

Kiến nghị được chuyên gia Nguyễn Xuân Thành, Đại học Fulbright Việt Nam, nêu tại buổi góp ý dự thảo thay thế Nghị quyết 54 - thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP HCM, sáng 30/3.

Nội dung này vừa được Chính phủ đề xuất Quốc hội bổ sung vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm nay để thông qua tại kỳ họp tháng 5 tới theo thủ tục rút gọn. Dự thảo mới đưa ra 7 nhóm chính sách đặc thù, với 40 điều, gồm quản lý đầu tư; tài chính, ngân sách; quản lý đô thị và tài nguyên môi trường; thu hút nhà đầu tư chiến lược; quản lý khoa học, đổi mới sáng tạo; tổ chức bộ máy của TP HCM và TP Thủ Đức.

Chuyên gia Nguyễn Xuân Thành, Đại học Fulbright, góp ý cho dự thảo nghị quyết mới thay thế Nghị quyết 54, sáng 30/3. Ảnh: Thu Hằng

Chuyên gia Nguyễn Xuân Thành, Đại học Fulbright, góp ý cho dự thảo mới thay thế Nghị quyết 54, sáng 30/3. Ảnh: Thu Hằng

Theo ông Thành, nếu muốn tạo đột phá, nghị quyết mới không nên giới hạn trong địa bàn TP HCM. Thay vào đó, các dự án của thành phố mà đi qua các địa phương khác thì HĐND thành phố và các tỉnh được quyết định các vấn đề như bổ sung ngân sách, tăng chi phí đầu tư... theo cơ chế vượt trội này.

"Được vậy, sự thay đổi của TP HCM sẽ có tác động lan toả cho cả vùng, giúp giải quyết nhiều dự án trong ba năm tới", ông Thành nói và cho rằng một trong những cơ chế có thể áp dụng với các dự án liên vùng là cho phép đấu thầu, chọn nhà đầu tư để phát triển đô thị gắn kết với giao thông công cộng (mô hình TOD).

Đồng quan điểm, GS.TS Nguyễn Trọng Hoài, nguyên hiệu phó trường Đại học Kinh tế TP HCM, cho rằng cơ chế đột phá, vượt trội phải bao quát hơn để phát huy vai trò mang tính lan toả vùng của thành phố. Tinh thần bao trùm của nghị quyết nên là trao quyền nhiều hơn, kiểm soát ít hơn, tức là lãnh đạo phải có trách nhiệm hơn, sở ngành có động lực phụng sự hơn.

"Tuy nhiên, dự thảo trao quyền chưa đủ khi nhiều quy định còn ràng buộc các bước cuối phải thông qua Quốc hội, Thủ tướng", ông nói và đề nghị dự thảo cần tiếp cận ở góc độ mở rộng phạm vi không gian địa lý, bởi nếu tiếp cận từ nguồn lực mang tính giới hạn của thành phố sẽ rất khó tạo đột phá.

GS.TS Nguyễn Trọng Hoài, Phó hiệu trưởng Đại học Kinh tế TP HCM, góp ý tại toạ đàm, sáng 30/3. Ảnh: Thu Hằng

GS.TS Nguyễn Trọng Hoài, nguyên hiệu phó Đại học Kinh tế TP HCM, góp ý tại toạ đàm, sáng 30/3. Ảnh: Thu Hằng

Trong dự thảo lần này, để thu hút đầu tư cho các dự án, TP HCM đề xuất được áp dụng trở lại phương thức xây dựng - chuyển giao (hợp đồng BT) vốn đã bị "xoá sổ" từ năm 2018. Đồng thời, thành phố xin cơ chế đầu tư các dự án trong lĩnh vực thể thao, công nghiệp văn hóa, bảo tàng, di tích và di sản văn hóa theo phương thức đối tác công tư (PPP); thực hiện BOT trên các tuyến đường hiện hữu.

Ông Nguyễn Xuân Thành dự báo đề xuất về hợp đồng BT sẽ vướng nhiều tranh cãi. Bởi cơ chế này trước đây bị chỉ trích vì không minh bạch và thực chất là né quy định đầu tư công. Do đó, để giải quyết mối quan ngại này, thành phố cần làm rõ thực hiện BT sẽ không đổi đất lấy hạ tầng, mà thanh toán từ nguồn ngân sách với cơ chế minh bạch. Còn cơ chế xét duyệt tổng mức đầu tư, chọn nhà thầu vẫn tuân thủ đầu tư công.

Một vấn đề khác được ông Thành nêu ra là sự không cân đối về năng lực của đội ngũ tư vấn giữa khối tư nhân và chính quyền khi làm dự án PPP. Theo đó, hợp đồng là luật và ai vi phạm sẽ bị kiện, kể cả chính quyền. Trong khi doanh nghiệp có luật sư giỏi, cố vấn giỏi, còn chính quyền thì "không có kinh phí để trả luật sư đi cãi".

Từ thực tế đó, chuyên gia này đề xuất thành phố phải có phòng ban về PPP, đủ năng lực về thiết kế, quy hoạch, tài chính dự án, pháp chế để có vị thế cân bằng khi đối thoại với nhà đầu tư. "Thương thảo phải đủ năng lực để cùng thiết kế, đối thoại, và không để tư nhân dẫn dắt", ông nói và cảnh báo PPP là "con dao hai lưỡi", nếu làm không khéo sẽ thành bán cơ hội cho tư nhân và chính quyền phải lo tất cả rắc rối về sau.

'Hoa hậu Bolero' Mộc San thực hiện đêm nhạc tri ân cố nhạc sỹ Trịnh Công Sơn

Nhân kỷ niệm 22 năm ngày mất của cố nhạc sỹ Trịnh Công Sơn, Mộc San sẽ kết hợp với Đài truyền hình Tây Ninh tổ chức một đêm nhạc mang tên Mộc San – Làn gió mới của nhạc Trịnh.

Trong chương trình, Mộc San sẽ cùng với khách mời trình bày 15 ca khúc nhạc Trịnh quen thuộc. Nữ ca sỹ tâm sự cô muốn thực hiện đêm nhạc này để gửi lời tri ân chân thành nhất đến cố nhạc sỹ Trịnh Công Sơn. Cô muốn cảm ơn những ca khúc của ông đã chữa lành tâm hồn mình, đồng thời cũng là dịp để hát tặng những khán giả luôn yêu mến mình.

Mộc San quyết tâm theo đuổi dòng nhạc Trịnh Công Sơn.
Mộc San quyết tâm theo đuổi dòng nhạc Trịnh Công Sơn.© Được VTC cung cấp

Thời gian qua, ca sỹ Mộc San gây chú ý khi thể hiện các ca khúc nhạc Trịnh như Ru ta ngậm ngùi, Biển nhớ, Diễm xưa, Cát bụi… Cách hát mộc mạc, gần gũi và đặc biệt là chỉ hát với guitar của nữ ca sỹ tạo nên một sức cuốn hút đến kỳ lạ đối với người nghe.

Mộc San chính là Đam San – nữ ca sỹ đến từ Đà Lạt bước ra từ cuộc thi Solo cùng Bolero 2017. Cô được mệnh danh là “Hoa hậu Bolero” bởi không chỉ có giọng hát hay mà còn có ngoại hình đẹp, chiều cao lý tưởng.

Nói về việc thay đổi nghệ danh, Mộc San cho biết ý nghĩa của từ “mộc” chính là hát mộc với guitar. Cô không ngờ cách hát này lại nhận được rất nhiều sự yêu mến của khán giả, thậm chí còn có sức lan tỏa rất lớn. Vì lý do đó, cô nghĩ cái tên Mộc San có duyên nên quyết định xin Tổ Nghiệp đổi nghệ danh.

Mộc San được mệnh danh là 'Hoa hậu Bolero' bởi nhan sắc xinh đẹp.
Mộc San được mệnh danh là 'Hoa hậu Bolero' bởi nhan sắc xinh đẹp.© Được VTC cung cấp

Chia sẻ về cơ duyên hát dòng nhạc Trịnh, Mộc San tâm sự: “Khán giả vốn đã quen tôi xuất phát điểm từ một cuộc thi bolero, tuy nhiên, nhạc của Trịnh Công Sơn là dòng nhạc đã gắn bó với tôi hơn 10 năm trời ở các phòng trà khi còn ở Đà Lạt. Tôi thấy may mắn vì có thể hát được nhiều dòng nhạc. Cơ duyên để tôi quay trở lại với dòng nhạc này có lẽ là do cuộc sống. Sau 2 năm dịch bệnh tôi nhận ra mình cần sống chậm lại, suy nghĩ và chiêm nghiệm nhiều hơn. Tôi thấy mình thích hát lại dòng nhạc này vì tìm thấy mình trong đó”.

Khi được so sánh có tiếng hát kế thừa của danh ca Khánh Ly, Lệ Thu, Ngọc Lan.., Mộc San cảm thấy trân trọng. Tuy nhiên cô không bao giờ dám đưa mình so sánh với các ca sỹ gạo cội đi trước. Với Mộc San, họ chính là những tượng đài lớn để cô nhìn vào và học hỏi, hoàn thiện bản thân mỗi ngày. 

Nói về kế hoạch sắp tới, Mộc San cho biết: “Với tôi, âm nhạc như là hơi thở nên tôi luôn cố gắng tạo ra những sản phẩm âm nhạc chỉn chu nhất với cái tâm của người làm nghệ thuật chân chính để gửi đến người nghe. Thời gian tới, tôi dự định sẽ phát hành 1,2 CD nhỏ để gửi đến người hâm mộ vì có rất nhiều khán giả muốn mua đĩa. Về dòng nhạc theo đuổi chính trong thời gian tới thì tôi nghĩ mình sẽ tiếp tục với dòng nhạc Trịnh và nhạc xưa, song song đó em vẫn có thể hát bolero, dân ca nếu được khán giả yêu cầu”.

Mộc San thể hiện ca khúc "Tình xa".